ttth247.com

10 đại học có doanh thu nghìn tỷ

6 trường đại học công lập và 4 trường tư thục có doanh thu từ 1.000 tỷ đồng trở lên, trong đó hai trường đạt trên 2.000 tỷ.

Đầu năm học 2024-2025, hầu hết đại học công bố báo cáo "Ba công khai" theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm số liệu về tài chính năm 2023.

6 trường công lập có doanh thu nghìn tỷ là Đại học Bách khoa Hà Nội, Kinh tế TP HCM, Kinh tế quốc dân, Tôn Đức Thắng, Công nghiệp TP HCM, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP HCM.

Trong đó, Đại học Công nghiệp và Bách khoa TP HCM là hai cái tên mới so với thời điểm công khai năm ngoái. Đại học Cần Thơ ra khỏi danh sách, doanh thu giảm từ gần 1.120 tỷ đồng, còn hơn 950 tỷ.

Các trường tư thục thu trên nghìn tỷ đồng là Đại học FPT, Nguyễn Tất Thành và Công nghệ TP HCM (Hutech). Đại học Văn Lang chưa công khai tổng thu năm 2023 nhưng đã đạt mức 1.758 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Học phí và quy mô sinh viên trường này năm qua gần như không thay đổi.

Về tổng thu, trường Đại học FPT đạt mức cao nhất - gần 2.920 tỷ đồng, tăng 125% so với năm 2021. Tiếp đến là Bách khoa Hà Nội với gần 2.140 tỷ đồng, tăng gấp đôi.

Các trường còn lại có mức tăng thấp hơn, như Kinh tế quốc dân từ 1.060 tỷ (2022) lên 1.410 tỷ, Kinh tế TP HCM từ hơn 1.440 tỷ lên gần 1.680 tỷ...

Doanh thu của các đại học đến từ 4 nguồn: ngân sách; học phí và lệ phí; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; nguồn khác như tài trợ từ doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà xuất bản, doanh nghiệp trực thuộc....

Học phí đóng góp tỷ lệ lớn nhất. Trong 5 trường đã công khai cụ thể nguồn thu, 4 trường thu hơn nghìn tỷ đồng từ riêng học phí. Tỷ lệ học phí trong tổng thu của các trường như Nguyễn Tất Thành, Công nghệ TP HCM lên tới hơn 98%.

Dù vậy, một số trường ghi nhận doanh thu từ các nguồn khác tăng. Như Đại học Bách khoa Hà Nội, doanh thu từ nghiên cứu khoa học và các nguồn khác tăng từ 97,4 tỷ năm 2022 lên thành 506 tỷ đồng.

Một số chuyên gia nhận định việc đại học đạt doanh thu cao là điều đáng mừng. Việc này giúp các trường phát triển đội ngũ, hạ tầng và cơ sở vật chất, tăng thu nhập giảng viên và đầu tư cho sinh viên, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu.

Tuy nhiên, nguồn thu vẫn phụ thuộc quá nhiều vào học phí, trong khi học phí ngày một tăng, phần nào gây áp lực với người dân.

Năm học trước, Chính phủ chốt tăng trần học phí đại học, sau nhiều năm giữ nguyên vì ảnh hưởng của Covid-19. Các trường công lập chưa tự chủ được thu 12-24,5 triệu đồng mỗi năm, tăng so với cũ (9,8-14,3 triệu). Các trường đã tự chủ, có chương trình đạt kiểm định được đưa ra mức thu riêng.

Thực tế, học phí với tân sinh viên năm nay từ 10,6 đến 250 triệu đồng, phổ biến là 20-40 triệu. Các trường đều dự kiến tăng 8-15% mỗi năm.

"Đây là vấn đề cần tìm cách điều chỉnh, điều tiết", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nói.

Theo ông Nhĩ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước phải có sự đầu tư, chung tay từ nhiều nguồn. Trong bối cảnh đa dạng nguồn thu rất khó, cần thời gian lâu dài, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học cần tăng lên để giảm gánh nặng học phí của người học.

Ông cho hay ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển như Mỹ, New Zealand, ngân sách nhà nước chiếm phần lớn nguồn thu chứ không phải học phí.

Hiện cả nước có hơn 140 trong 232 trường đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Tùy mức độ tự chủ, các trường bị cắt một phần hoặc hoàn toàn ngân sách, khiến học phí chiếm 50-90% tổng thu.

Năm 2020, ngân sách chi cho giáo dục đại học khoảng 0,27% GDP. Trong khi, tỷ lệ trung bình của 38 nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) là 0,93%. Ở Đông Nam Á, Malaysia và Singapore chi trên 1%, Thái Lan 0,64%.

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
3 tuần trước - Bỏ mục tiêu du học Mỹ, Nguyễn Lê Phương Thúy chuyển hướng sang Canada và giành học bổng toàn phần của Đại học Toronto.
3 tuần trước - Bỏ mục tiêu du học Mỹ, Nguyễn Lê Phương Thúy chuyển hướng sang Canada và giành học bổng toàn phần của Đại học Toronto.
1 tháng trước - Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) chỉ tuyển sinh khoảng 1.000 sinh viên mỗi năm, định hướng đào tạo nguồn nhân lực khoa học - công nghệ cao chuẩn quốc tế.
3 tuần trước - Thu nhập của hướng dẫn viên nội địa khoảng 25-30 triệu đồng mỗi tháng, có thể lên tới 40-60 triệu nếu dẫn khách đi nước ngoài, theo nhiều nhân sự và chuyên gia.
2 tuần trước - Từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ đầu tư khoảng 26.000 tỉ đồng để đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn. Và các trường đại học năm nay đồng loạt mở ngành thiết kế vi mạch, bán dẫn.
Xem tin bài khác
22 phút trước - Một số phụ huynh đưa đón con đi học bằng xe máy vẫn vô tư để con đầu trần, trong khi mình đội nón bảo hiểm.
22 phút trước - Đã hơn 10 ngày trôi qua nhưng vẫn còn những trường và điểm trường ở miền Bắc chưa thể mở lại sau ảnh hưởng của bão Yagi, học sinh vẫn nghỉ học.
22 phút trước - "Các em bé ở Làng Nủ đã có cơm nóng, thịt tươi, rau xanh", những tấm ảnh chụp bữa ăn ấm áp ở nhà bán trú tại Lào Cai làm ấm lòng tất cả.
1 giờ trước - Nhiều tuyến đường, cầu cống trên địa bàn bị ngập do mưa lớn kéo dài nên các trường học ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) đã cho hơn 10.800 em học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho các em.
1 giờ trước - Căn cứ vào thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2025 quy định trong khung thời gian năm học 2024-2025 do UBND TP.HCM ban hành, học sinh từ mầm non đến THPT sẽ nghỉ tết ít hơn năm trước 7 ngày.