ttth247.com

4 người chết, 78 người bị thương do bão số 3

Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai tính đến 17h chiều 7-9 bão số 3 làm người 4 người chết (Quảng Ninh 3 người và Hải Dương 1 người) và 78 người bị thương, trong đó Quảng Ninh 58 người còn Hải Phòng có 20 người. 

Về tàu thuyền có 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu, 1 tàu vận tải, bị đứt neo trôi dạ. Tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương mất điện diện rộng.

Về nhà ở và cây xanh, nhiều nhà ở bị hư hỏng, tốc mái và hàng nghìn cây xanh bị ngã đổ tại các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Quảng Ninh: 3 người chết, 13 người mất liên lạc

Theo báo cáo nhanh của Công an tỉnh Quảng Ninh đến 16h chiều 7-9, thiệt hại do bão số 3 trên địa bàn ghi nhận 3 người chết, 4 người bị thương, 13 người và 1 tàu mất tích, 1 cần cẩu bị đổ, 14 tàu bị đắm.

Cụ thể vào lúc 14h30 chiều nay, tại khu neo đậu, tránh trú bão trên vụng Bồ Nâu, vịnh Hạ Long, tàu lai dắt Hồng Gai của Công ty cổ phần cảng Quảng Ninh đứt dây neo và bị cuốn ra biển. Tại thời điểm xảy ra, trên tàu có 7 thuyền viên, trong đó 1 người bị rơi xuống biển và tử vong. Hiện đã vớt được thi thể lên bờ, 6 người còn lại đang mất liên lạc.

Tàu Tiến Thành 05 (tàu cần cẩu, thuộc Công ty Cổ phần thương mại Logistic Quảng Ninh) neo tránh trú bão tại Vũng Đục - Cẩm Phả cũng bị mất tích cùng 7 thuyền viên.

Tại thành phố Hạ Long có 1 người chết do bị mái tôn sập tại phường Hà Trung và 4 người bị thương do bị cây đổ, sập mái tôn, kính bay vào người, điện giật đã được lực lượng công an đưa đi cấp cứu kịp thời.

Tại thành phố Cẩm Phả có 1 người bị chết trong khi chằng chéo mái nhà ở phường Cẩm Thạch.

Còn tại Công ty Đóng tàu Hạ Long (khu công nghiệp Cái Lân, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long), gió bão làm đổ 1 cần cầu nặng 300 tấn vào phân xưởng của Công ty Đóng tàu, làm gãy đôi nhà phân xưởng, không có thiệt hại về người.

Cô Tô có 13 tàu bị đắm khi đang neo đậu tại âu cảng gồm 12 tàu vỏ xi măng và tàu vỏ gỗ, thiệt hại ước tính khoảng 2 tỉ đồng. 

Ghi nhận bước đầu hàng trăm nhà dân bị tốc mái, hàng nghìn cây xanh, cột điện, biển báo bị gãy, đổ. Toàn tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra mất điện diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh, vì vậy hệ thống thông tin liên lạc đang bị gián đoạn. 

Công ty Điện lực Quảng Ninh đang thống kê kiểm tra, thống kê thiệt hại.

Hưng Yên: Hơn 2.200 cây xanh đổ, 50 nhà tốc mái

Theo tổng hợp của Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh có gió giật mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-12, lượng mưa từ 13h-16h ngày 7-9 đạt trung bình gần 11,7mm. 

Đến 16h cùng ngày, mưa to và gió giật mạnh đã làm 50 ngôi nhà trên địa bàn tỉnh Hưng Yên bị tốc mái, hư hại; 2.244 cây xanh bị gãy đổ; ước tính có 5.746 ha cây trồng bị thiệt hại. 

Cùng với đó, có 4 cột điện bị đổ, 130m tường rào đổ, hư hỏng 4 chuồng trại, 24 trạm bơm chống úng bị mất điện.

Bắc Giang: Nhiều công trình, tài sản, hoa màu bị thiệt hại

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 7-9, lãnh đạo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang cho biết sơ bộ tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại về người, song nhiều công trình, tài sản, hoa màu bị thiệt hại. 

Đến chiều 7-9, có hơn 70 nhà ở, trụ sở cơ quan, trường học, nhà văn hóa bị tốc mái, đổ cổng, tường bao và hàng trăm ha lúa, hoa màu bị thiệt hại do bão. 

Dự báo, tỉnh có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất với các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế. Sông Lục Nam, sông Thương xuất hiện lũ. 

Các hồ chứa toàn tỉnh đạt gần 92% dung tích thiết kế. 

Cùng ngày, Bí thư Thành ủy Bắc Giang Vũ Trí Hải và Chủ tịch UBND TP Bắc Giang Đặng Đình Hoan đã chỉ đạo các đơn vị chức năng vận động, di dời hơn 20 hộ dân sinh sống tại 8 tòa chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn. 

Trước mắt, địa phương đã đưa người dân đến nhà văn hóa tạm trú và chuẩn bị chăn màn, thực phẩm, nước uống, thiết bị y tế phục vụ người dân. 

Là địa bàn có khoảng 197.000 lao động làm việc trong các khu công nghiệp với nhiều công ty là đối tác của Apple, Samsung, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, hạn chế thiệt hại về tài sản, nhất là nhà máy, công trình, nhà ở công nhân… 

Tại Bắc Ninh, cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn trực tiếp gặp gỡ, vận động người dân tại các khối nhà tại khu tập thể Nhà máy thuốc lá Bắc Sơn đến nơi an toàn. Các tòa 2A, 3D của khu tập thể có tuổi thọ lâu đời hàng chục năm, cơ sở vật chất xuống cấp. 

Ông Tuấn yêu cầu lực lượng chức năng bố trí nơi tránh bão an toàn, chuẩn bị nhu yếu phẩm và ứng trực hỗ trợ người dân. Cùng ngày, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo ngành thoát nước, y tế chuẩn bị phương án ứng trực, ứng phó với bão số 3.

Hải Phòng, Hạ Long: Gió mạnh, sóng viễn thông chập chờn

16h chiều nay 7-9, tại Hải Phòng gió bắt đầu đổi hướng thổi mạnh từ biển vào đất liền. Các cột sóng đánh vào bờ cao 5-6m.

Các cột sóng đánh vào bờ cao 5-6m, tràn qua đê chắn sóng, nhiều tuyến đường bị ngập úng, cây cối gãy đổ, trơ trụi lá.

Tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) gió bão vẫn đang "quần thảo" từ khoảng 10h đến 17h30 ngày 7-9. Người dân Hạ Long không thể ra đường vì gió bão quá mạnh. Hiện ở khu vực phường Hồng Hà (thành phố Hạ Long) đang mất điện, sóng viễn thông chập chờn.

Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lúc 16h ngày 7-9, vị trí tâm bão số 3 khoảng 20.8 độ vĩ Bắc - 106.5 độ kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng.

Thời điểm này sức gió mạnh nhất của bão vẫn cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16.

Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, tốc độ khoảng 20km/h. Bão tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần nhưng trong thời gian này vẫn giữ cường độ cấp 9 đến cấp 11.

Do cường độ bão hiện tại vẫn rất mạnh nên dự báo đến chiều tối và đêm 7-9 ở Quảng Ninh đến Nam Định tiếp tục có gió mạnh cấp 9 đến cấp 11, giật cấp 13-14. Khu vực sâu trong đất liền Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hưng Yên cũng có gió bão cấp 8-9, giật cấp 11-12.

Tại Hà Nội trong 10-12 tiếng tới gió mạnh cấp 6-7 và giật cấp 9-10, khoảng sáng 8-9 mới ngớt gió.

Hải Dương: Gió mạnh cấp 10-11, có nơi giật cấp 12

Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, đến 15h ngày 7-9, địa bàn tỉnh Hải Dương có gió mạnh cấp 10-11, có nơi giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Địa bàn tỉnh có mưa to và rất to, lượng mưa từ 7h ngày 6-9 đến 13h ngày 7-9 phổ biến từ 50-60mm (cao nhất ở Thanh Hà 60mm). Dự báo diễn biến mưa trong 24 giờ đến 48 giờ tới, khu vực Hải Dương có mưa to đến rất to và dông. 

Lượng mưa phổ biến từ 200-300mm, có nơi lớn hơn 300mm. Do ảnh hưởng của mưa bão, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã xuất hiện một số thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, cơ sở vật chất, cây cối… 

Cụ thể, toàn tỉnh có khoảng 236ha lúa bị đổ, trong đó nhiều nhất ở Bình Giang (180ha). 6,1ha cây rau màu vụ hè thu bị ảnh hưởng. Về thiệt hại công trình, cơ sở hạ tầng, Trường mầm non xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) bị tốc mái tôn chống nóng, mái tôn tại một số trường học, hội trường xã ở Thanh Hà bị gió tốc.

Toàn tỉnh ghi nhận nhiều bảng quảng cáo, cây bóng mát bị đổ, gãy. Nhiều địa phương bị mất điện, dẫn đến mất điện tại một số trạm bơm tiêu trên địa bàn các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc. Một số trạm thu, phát sóng bị gián đoạn.

Ông Lưu Văn Bản, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương, đã chỉ đạo ngành điện phối hợp với các ngành liên quan khẩn trương khắc phục những sự cố về đường dây, cột điện… cấp điện kịp thời để các lực lượng khắc phục hậu quả sau bão, đặc biệt là hệ thống trạm bơm tiêu.

Cảnh báo lũ trên các sông khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa

Chiều 7-9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết mực nước hệ thống sông Hồng - Thái Bình và các sông ở Thanh Hóa đang biến đổi chậm và ở mức thấp dưới báo động 1. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa bão số 3 nên cảnh báo từ tối 7 đến ngày 10-9 trên các sông ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt lũ, với biên độ lũ lên trên các sông từ 2-6m. 

Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn và Hòa Bình có khả năng lên mức báo động 2, báo động 3. 

Đỉnh lũ trên sông Thao, thượng lưu sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Hoàng Long lên mức báo động 1, báo động 2, có sông trên mức báo động 2; sông Bưởi, thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa) lên trên mức báo động 1; mực nước hạ lưu sông Hồng-Thái Bình ở dưới mức báo động 1.

Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa (thông tin dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/ và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).

Tại các đô thị, thành phố và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt do mưa lớn, đặc biệt tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - Trong ngày 7.9, bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh và TP.Hải Phòng, gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản. Đến tối cùng ngày, nhiều địa phương ở các tỉnh, thành trên vẫn chưa thể cấp điện trở lại nên cơ quan chức năng chưa thể...
1 tuần trước - Sau khi bão Yagi (bão số 3) đổ bộ đất liền, tính đến 17 giờ chiều nay 7.9, bão đã làm 4 người chết, 78 người bị thương và gây mất điện diện rộng tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương.
1 tuần trước - Sau khi đi vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng, bão Yagi (bão số 3) vẫn duy trì cường độ cấp gió cấp cao, cấp 11 - cấp 13, giật cấp 14 - cấp 16 trong thời gian dài.
1 tuần trước - Đường quốc lộ bị ngập và tê liệt hoàn toàn, hàng nghìn ha hoa màu bị hỏng, hàng chục nghìn nhà dân tốc mái, cuộc sống người dân vùng ảnh hưởng điêu đứng... là những gì các cơn bão dị thường gây ra.
1 tuần trước - Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo các địa phương cần nỗ lực cao nhất, nhanh chóng khôi phục lưới điện, hệ thống liên lạc, đường giao thông để nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão số 3.
Xem tin bài khác
6 phút trước - Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 4 khiến một số tuyến đường tại H.Hướng Hóa (Quảng Trị) sạt lở gây cản trở giao thông.
59 phút trước - Hai phó thủ tướng cùng chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.
59 phút trước - Tối 19-9, Đồn biên phòng Đắc Pring (Bộ đội biên phòng Quảng Nam) cho biết sau nhiều giờ huy động cán bộ chiến sĩ cùng lực lượng địa phương, toàn bộ dân ở thôn 56B, xã Đắk Pre (huyện Nam Giang) đã được sơ tán tới nơi an toàn.
1 giờ trước - Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đem tới những thông điệp lớn, quan trọng, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, với vai trò trung tâm của Liên Hiệp Quốc đối với hòa bình,...
1 giờ trước - Trong quá trình tránh trú bão số 4 ở Khánh Hoà, một ngư dân Bình Định trượt chân ngã đập đầu vào thành tàu cá rồi rơi xuống biển, tử vong