ttth247.com

Ấn Độ bỏ giá sàn, gạo Việt bị tác động ra sao?

Gạo Ấn Độ sẽ đè giá gạo thế giới

Ngày 23.10, Ấn Độ tuyên bố bỏ áp dụng cơ chế giá sàn xuất khẩu 490 USD/tấn với gạo trắng 5% tấm non-basmati. Trước đó, ngày 28.9, Ấn Độ đã bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati nhưng áp dụng cơ chế giá sàn là 490 USD/tấn. Việc Ấn Độ bỏ chốt chặn cuối cùng của chính sách hạn chế xuất khẩu vốn được áp dụng từ tháng 7.2023 đồng nghĩa với mở toang cánh cửa xuất khẩu gạo ra thế giới. Là ông lớn trên thị trường gạo, các động thái từ Ấn Độ được theo dõi sát sao.

Ấn Độ bỏ giá sàn, gạo Việt bị tác động ra sao?- Ảnh 1.

Nguồn cung dồi dào, thị trường gạo trở nên chật hẹp với các nước xuất khẩu

ẢNH: CÔNG HÂN

Ở phân khúc này, gạo Ấn Độ cạnh tranh trực tiếp với nguồn cung từ Pakistan. Nên khi Ấn Độ áp giá sàn 490 USD/tấn thì các nhà buôn Pakistan đã giảm giá mạnh và duy trì mức thấp hơn khoảng 20 USD/tấn khiến lượng gạo tồn kho của Ấn Độ không được giải phóng như kỳ vọng. Vì thế, các doanh nghiệp (DN) và nông dân Ấn Độ yêu cầu chính phủ có một chính sách mới thông thoáng hơn. Reuters dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Ấn Độ, ông B.V. Krishna Rao, cho biết việc bỏ giá sàn sẽ giúp giá gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ tăng sức cạnh tranh và giá gạo xuất khẩu của nước này sẽ giảm về mức khoảng 460 USD/tấn.

Một ngày trước khi bỏ giá sàn xuất khẩu gạo non-basmati, Ấn Độ cũng bỏ luôn thuế xuất khẩu 10% với gạo đồ để tăng tính cạnh tranh. Gạo đồ được tiêu thụ mạnh ở các nước châu Phi. Lượng gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ trong 8 tháng của năm 2024 chỉ đạt 5,1 triệu tấn, giảm 13% so với năm trước. Tháng trước, Ấn Độ cũng giảm thuế xuất khẩu gạo đồ từ 20% xuống còn 10%.

Theo các nhà phân tích, Ấn Độ mở toang cửa xuất khẩu gạo do lượng hàng tồn kho đang cao và vụ thu hoạch chính trong năm kharif đang chuẩn bị vào cao điểm, dự báo sản lượng dồi dào. Hệ quả từ những chính sách mới của Ấn Độ có thể khiến giá gạo châu Á giảm thêm từ 10 - 20 USD/tấn tùy thị trường.

Trong khi nguồn cung gạo đang được bổ sung ồ ạt thì nhu cầu gạo cũng biến đổi chóng mặt. Đáng chú ý nhất là gói thầu 340.000 tấn từ Indonesia. Đầu tuần này Indonesia thông báo mời thầu gạo từ các nguồn cung VN, Thái Lan, Pakistan, Campuchia. Sau đó Indonesia mời thầu bổ sung thêm nguồn cung gạo từ Ấn Độ. Nhưng ngày 23.10, Indonesia thông báo hủy bỏ kế hoạch mời thầu mà không đưa ra lý do cụ thể. Điều này khiến nhiều người liên hệ ngay tới thông tin Ấn Độ bỏ giá sàn xuất khẩu gạo. 

Tuy nhiên bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News, phỏng đoán có thể đó là một phần lý do. Indonesia vừa có chính phủ mới, Cơ quan hậu cần quốc gia (Bulog) cũng mới được cơ cấu lại; có thể do nội bộ nước này chưa thống nhất được kế hoạch mua gạo nên mới thay đổi đột ngột như vậy. "Theo kế hoạch, Indonesia sẽ nhập 3,6 triệu tấn gạo trong năm nay. Hiện họ mới nhập khoảng 3,2 triệu tấn, nên nhu cầu vẫn còn. Có thể do các vấn đề nội bộ mà chưa biết chắc diễn biến từ nay đến cuối năm thế nào", bà Hương phân tích.

Ở một động thái tích cực hơn, Bangladesh lại mời thầu gạo non-basmati với số lượng 50.000 tấn để phục vụ nhu cầu nội địa. Đài Loan (Trung Quốc) được cho là đang tích cực chuẩn bị nguồn lương thực dự trữ lâu dài.

Gạo Việt có còn vững chân?

Những động thái của Ấn Độ sẽ tác động thế nào tới hoạt động xuất nhập khẩu gạo của VN? Ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice, phân tích: Ấn Độ có lượng hàng tồn kho cao, cần giải phóng nhanh nên giảm giá là điều dễ hiểu. Đó cũng là mức giá phù hợp với chất lượng gạo của họ. VN không có hàng tồn kho nên tạm thời chưa chịu ảnh hưởng mạnh. Tuy nhiên năm sau, thị trường thế giới có thêm sự bổ sung đáng kể từ Ấn Độ sẽ tạo thêm áp lực cạnh tranh cho các nguồn cung khác. Dù vậy, tình hình chính trị và quân sự ở nhiều khu vực tiếp tục căng thẳng, ảnh hưởng tới nhu cầu thu mua dự trữ, chuỗi cung ứng và vận chuyển nên giá lương thực nói chung mà đặc biệt là gạo vẫn duy trì mức cao.

Tương tự, ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho rằng những diễn biến mới khiến thị trường càng phân cực mạnh. Giá gạo trắng thông dụng tiếp tục giảm, còn gạo thơm, gạo chất lượng cao chưa bị tác động. Từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu của VN vẫn ổn. Tuy nhiên, từ đầu năm 2025, thị trường dự báo sẽ có nhiều khó khăn và thách thức hơn khi Ấn Độ bổ sung nguồn cung lớn vào thị trường. Có thể vào năm 2025, thị trường buộc phải thiết lập mặt bằng giá mới, thấp hơn năm 2024.

Bà Phan Mai Hương dự báo Ấn Độ sẽ dùng lợi thế giá để cạnh tranh với các nguồn cung khác, việc này sẽ kéo thị trường toàn cầu đi xuống. VN có may mắn là phân khúc thị trường khác so với gạo Ấn Độ, nên giá sẽ không giảm quá sâu. Tuy nhiên vụ đông xuân năm 2025, hoạt động xuất khẩu sẽ rất khó khăn. "Nhưng nhìn lại suốt giai đoạn Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, có thể thấy các DN VN đã tận dụng tốt cơ hội thị trường. Đặc biệt trong những tháng đầu năm nay, các DN đã đẩy mạnh xuất khẩu sớm nên mức độ tác động sẽ ít hơn", bà Hương nói.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thừa nhận: Ấn Độ tham gia thị trường thì các nguồn cung khác đều sẽ bị ảnh hưởng chứ không riêng gì VN. Tuy nhiên xét về phân khúc khách hàng và chất lượng gạo thì VN bị ảnh hưởng ít hơn các nước. Từ nay đến cuối năm, lượng lúa thu hoạch để xuất khẩu cũng không nhiều. "Xét về dài hạn, trước khi Ấn Độ ngưng xuất khẩu gạo trắng non-basmati thì lượng gạo xuất khẩu của VN vẫn duy trì quanh mức 7 triệu tấn mỗi năm. Điều đáng chú ý thứ hai là nhờ chất lượng tốt nên giá gạo VN cũng cao hơn gạo Thái Lan và thường duy trì mức cao nhất thế giới. Chính vì vậy chúng ta không cần quá lo lắng mà phải bình tĩnh theo dõi tiếp để có những phản ứng phù hợp với thị trường và khách hàng", ông Cường nói. 

Giá gạo Ấn Độ giảm sâu và nhanh hơn dự báo

Đến chiều ngày 24.10, theo cập nhật từ Hiệp hội Lương thực VN (VFA), giá gạo 5% tấm của Ấn Độ giảm tới 35 USD, xuống còn 453 USD/tấn. Đây là mức giá thấp hơn đến 7 USD so với dự báo của các chuyên gia Ấn Độ là 460 USD/tấn. Lần gần nhất, gạo Ấn Độ ghi nhận mức giá này là vào tháng 5.2023, hai tháng trước khi bị cấm xuất khẩu.

Tương tự, gạo Pakistan giảm 2 USD còn 474 USD/tấn, gạo Thái Lan giảm 4 USD còn 506 USD/tấn; và gạo VN giảm thêm 1 USD còn 531 USD/tấn.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
3 tuần trước - Chiếm tới hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, việc Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu có thể khiến thị trường hạ nhiệt trong những tháng còn lại của năm 2024.
2 tuần trước - Việc Ấn Độ mở kho khiến giá gạo trên thị trường thế giới lao dốc. Trong khi đó, tại VN giá gạo thông dụng đã ổn định trở lại sau vài ngày giảm, còn giá gạo thơm đặc biệt là ST24 và ST25 tiếp tục tăng, hiện đạt mức cao kỷ lục đến 1.300...
3 tuần trước - Ngày 28.9, Ấn Độ chính thức bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati. Việc này được cho là sẽ thúc đẩy nguồn cung gạo thế giới thêm dồi dào.
3 tuần trước - Sau hơn 1 năm cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, Ấn Độ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm này. Ngay lập tức, giá gạo Thái Lan lao dốc về mốc thấp nhất năm, trong khi giá hàng Việt vẫn vững top đầu thế giới.
3 tuần trước - Trong diễn biến mới nhất, ngày 27.9, Ấn Độ giảm một nửa thuế suất áp dụng đối với mặt hàng gạo đồ xuất khẩu.
Xem tin bài khác
14 phút trước - Eximbank cho biết việc chuyển trụ sở sẽ được thảo luận công khai, minh bạch tại ĐHĐCĐ lần này và chỉ được thông qua nếu đạt tỷ lệ tán thành trên 51% tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.
14 phút trước - Giá vàng hôm nay 25/10 ghi nhận bật tăng trở lại, đặc biệt, giá vàng nhẫn niêm yết tại một số doanh nghiệp trong nước đã cao ngang bằng với giá vàng miếng SJC. Đây là mức giá kỷ lục được ghi nhận đối với sản phẩm này.
14 phút trước - Cần có chính sách để doanh nghiệp trong nước nâng cao sức cạnh tranh, thay vì bảo hộ theo cách cấm thương mại điện tử nước ngoài.
14 phút trước - Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhấn mạnh, để bảo hiểm nông nghiệp phát triển bền vững, vai trò của Nhà nước là không thể thiếu.
14 phút trước - 2 tuyến cao tốc trị giá hơn 100.000 tỷ đồng mang lại ý nghĩa chiến lược quan trọng trong việc kết nối khu vực Nam Bộ với nước láng giềng ASEAN.