ttth247.com

Ba chị em mất cha mẹ cùng học ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM: Tiếp sức đến trường làm mình bớt cô đơn!

Tham dự lễ trao học bổng có ông Nguyễn Tấn Tuân - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; ông Võ Hoàn Hải - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Khánh Hòa; bà Nguyễn Hương Giang - phó giám đốc Quỹ Khuyến học Khuyến tài Khánh Hòa. 

Đơn vị tài trợ có ông Kiều Tuấn Hải - phó chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Khánh Việt. Ông Nguyễn Thanh Hải - tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa. Bà Võ Thị Thu Trang - ủy viên ban thường vụ Đảng ủy, thành viên Hội đồng thành viên Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa. Bà Huỳnh Ngọc Lệ Dung - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Khánh Hòa. Bà Nguyễn Thị Hà Anh - quản lý cơ sở VUS Khánh Hòa; ông Lê Bá Khánh Toàn - tổng giám đốc Yến sào Vietwings. Ông Lê Trung Thành - phó giám đốc ngân hàng Bắc Á, chi nhánh Khánh Hòa.

Về phía báo Tuổi Trẻ, có nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ.

Lãnh đạo các tỉnh thành gồm anh Phan Nguyễn Hoàng Long - trưởng Ban Phong trào Thanh Thiếu nhi, Tỉnh Đoàn Ninh Thuận; anh Trần Anh Phong - phó ban Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn Bình Định, chị Huỳnh Thị Như Ý - phó bí thư Tỉnh đoàn Khánh Hòa.

Mồ côi cha mẹ, chỉ biết dựa vào người dượng đầy lòng thương cháu

Ông Phan Ngọc Hải (51 tuổi, bán hàng rong) cùng cháu trai là tân tân sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải đã bắt xe khách từ TP.HCM về Nha Trang để đưa cháu đến nhận học bổng Tiếp sức đến trường.

Có mặt tại điểm trao học bổng từ rất sớm, ông Phan Ngọc Hải (51 tuổi, trú thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết khi hay tin cháu mình được nhận học bổng Tiếp sức đến trường, ông đã chắt bóp mua hai vé xe khách về Nha Trang nhận học bổng.

Ông Hải cho biết, hằng ngày công việc của ông là bán hàng rong trên các tuyến đường ở TP.HCM. Công việc vất vả nhưng ông vẫn cố gắng nuôi hai đứa con và cháu trai là em Trần Văn Tính (tân sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM).

"Tôi mừng quá. Nghe tin đứa cháu được nhận học bổng, tôi chạy ra bến xe để mua vé về liền để kịp ngày. Công việc vất vả nhưng mà tôi thương đứa cháu này lắm. Nó mồ côi cha mẹ, vô TP.HCM thì ở chung với tôi" - ông Hải nói.

Còn tân sinh viên Trần Văn Tính cũng không giấu được niềm xúc động khi hôm nay được nhận học bổng của chương trình Tiếp sức đến trường.

"Mình vui nhiều lắm. Mẹ mình mất khi mình đang học lớp 3. Mình học đến lớp 6 thì ba cũng qua đời. Cuộc đời mình từ đó chỉ biết dựa vào dượng Hải. Từ khi nhập học đến giờ, hai dượng cháu đều rất lo vì không biết tiền đâu để đóng học phí.

Hôm nay được nhận được học bổng Tiếp sức đến trường, mình cứ nghĩ đây là một giấc mơ, đêm qua nằm trên xe không ngủ được vì quá vui" - tân sinh viên Trần Văn Tính nói.

 Mẹ mỗi ngày chăm cha tâm thần, nay dắt con đi 350km nhận học bổng 

Bà Ngô Thị Quý (54 tuổi, ở xã Hoài Châu, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), mẹ của tân sinh viên Trần Thị Mỹ Diện, cho biết hôm nay bà rất vui vì được đưa con gái đi nhận học bổng. Diện đậu trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng.

Từ 2h sáng, hai mẹ con bà Quý đã dậy và bắt xe vào TP Quy Nhơn, sau đó đi cùng Tỉnh đoàn Bình Định vào Nha Trang.

Dù đi rất xa, hơn 350 km nhưng lòng bà rất phấn khởi.

"Đây là lần đầu tiên con tôi được nhận một học bổng lớn như thế này. Cả nhà tôi mừng vô cùng. Tui hồi hộp quá", bà Quý nói.

Cũng theo bà Quý, cha của Diện bị bệnh tâm thần. Mỗi lúc ông lên cơn, bà phải đưa đi trị bệnh từ 2 đến 3 tháng. Sau đó chừng 15 ngày, bệnh của chồng bà lại tái phát nên kinh tế gia đình gần như kiệt quệ.

Anh Trần Anh Phong - phó ban Thanh thiếu nhi - Trường học Tỉnh đoàn Bình Định cho biết đây là chuyến đi nhiều cảm xúc của mình và các bạn tân sinh viên đi hàng trăm cây số vào Nha Trang nhận học bổng của báo Tuổi Trẻ. Cả chuyến đi, ai cũng vui vẻ nhưng không kém phần, vì được nhận học bổng trân trọng của một tờ báo quen thuộc.

"Có một phụ huynh đi cùng với chúng tôi. Cô ấy kể chồng mình bị tâm thần lúc mê lúc tỉnh, liên tục quậy phá nên cuộc sống gia đình rất mệt mỏi. Đây là lần đầu tiên cô được đi chơi xa, được nhìn ngắm trời đất bên ngoài mái nhà ở quê. Các bạn sinh viên cũng nói như thế nên ai cũng háo hức về chuyến đi", anh Phong chia sẻ.

Từng nghỉ học 2 năm kiếm tiền, nay đậu ĐH Kinh tế TP.HCM và được nhận học bổng 

Từ Ninh Thuận, bạn Trần Thị Thu Hiền cùng mẹ, hôm nay mẹ nghỉ bán rau củ 1 ngày để về Nha Trang nhận học bổng. 

Hiền lớn lên không cha, mẹ tảo tần nuôi 4 đứa con ăn học. Mẹ là điểm tựa duy nhất. Từng nghỉ học 2 năm để lao động, làm nhiều công việc khác nhau, nhưng với niềm say mê với học tập, năm 2024, Hiền quyết định quay trở lại ôn thi, hiện đã là tân sinh viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM.

"Mong với học bổng này mẹ sẽ bớt một phần khổ nhọc, phần học bổng này chính là niềm động lực cho tôi tiếp tục bước tiếp trên con đường mình chọn"- Hiền chia sẻ.

Vui mừng đến cùng con trong buổi trao học bổng, bà Trần Thị Loan (mẹ của Hiền) bày tỏ sự biết ơn với chương trình khi đã cho Hiền động lực bước tiếp.

"Tôi chỉ mong con luôn vui trên con đường học tập, dù khó khăn đến mấy, tôi cũng quyết cho con ăn học đầy đủ, để sau này khi trưởng thành, con sẽ là người có ích cho xã hội"- bà Loan nói.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ: Học bổng không phải là từ thiện, mà là sự ghi nhận của cộng đồng dành cho các bạn 

Ông Nguyên khẳng định học bổng Tiếp sức đến trường bằng cách lan tỏa những hình ảnh đẹp, câu chuyện đẹp đến mọi người đã chuyển đi thông điệp tích cực. Đó cũng là cách để chương trình được duy trì trong suốt những năm qua.

"Những câu chuyện như thế đã thôi thúc những người làm báo chúng tôi kết nối, lan tỏa để giúp đỡ các bạn tân sinh viên vượt lên hoàn cảnh. Những phần học bổng này tuy không nhiều, nhưng sẽ là điểm tựa để các bạn tân sinh viên tiếp tục tạo đà phát triển, vững bước trong con đường sắp đến" - ông Nguyên nói.

Học bổng không phải là từ thiện mà chính là sự ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, của nhà hảo tâm, của cộng đồng dành cho những người biết suy nghĩ. 

Ông Nguyên cũng cho rằng học bổng này là sự liên kết giữa những tấm lòng cao cả đến các bạn sinh viên, và báo Tuổi Trẻ luôn trân trọng những tấm lòng ấy, sự đồng hành của những tấm lòng này luôn là niềm động lực, cảm hứng để lan tỏa những câu chuyện, những hoàn cảnh cần được tiếp sức.

Các bạn hãy vượt qua khó khăn, cám dỗ, và đừng quên ngày hôm nay, những khó khăn lúc này, sẽ là động lực cho các bạn sống tốt, ông nhắn nhủ.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Tuổi Trẻ - tờ báo nhanh nhạy, nhân văn, cộng đồng hãy chung tay với Tuổi Trẻ

Ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định học bổng Tiếp sức đến trường chính là người bạn đồng hành, chỗ dựa cho sinh viên nghèo cả nước với những mục tiêu, lý tưởng cao cả.

"Tôi rất xúc động và đầy tin tưởng đối với những việc làm của báo Tuổi Trẻ trong suốt 21 năm qua. Ở lần thứ 22 này, tôi rất xúc động khi đâu đó trong xã hội hiện đại, phát triển như ngày nay, vẫn còn những hoàn cảnh khó khăn, nhưng các bạn đã luôn nuôi dưỡng ước mơ, vượt lên hoàn cảnh để tiếp tục vững bước học tập" - ông Tuân nói.

Ông cũng kêu gọi sự đồng hành của toàn thể cộng đồng xã hội để những năm tiếp theo, sẽ có nhiều hoàn cảnh sinh viên được tiếp sức.

Đồng thời, ông cũng bày tỏ lòng biết ơn đến đội ngũ làm báo Tuổi Trẻ, đã ghi nhận kịp thời những câu chuyện đẹp đến bạn đọc. "Đọc bài tường thuật buổi lễ được làm rất nhanh sáng nay, tôi đã hiểu được quá nhiều cảnh đời, tâm trạng xúc động và ý nghĩa của học bổng này, từ đó bạn đọc hiểu, cảm nhận về những nỗi đau, sự mất mát của những mảnh đời sinh viên nghị lực, vượt khó, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói.

Ông Kiều Tuấn Hải - phó chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) - một trong những nhà tài trợ: Tự hào được giúp đỡ tuổi trẻ nhiều nghị lực 

Theo ông Kiều Tuấn Hải, Khatoco rất tự hào khi được trao tặng học bổng. Đây là năm thứ 13 liên tiếp kể từ năm 2012 Khatoco được đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ để tiếp sức đến các tân sinh viên.

"Các tân sinh viên hôm nay là niềm tự hào của gia đình, xã hội. Chúng tôi tin rằng học bổng Tiếp sức đến trường sẽ là nền tảng để các em nỗ lực trong quá trình học tập, hy vọng rằng dù khó khăn đến đâu các em cũng phải cố gắng học tập, phát huy tinh thần dấn thân" - ông Hải nói.

Ông cũng gửi lời cảm ơn đến báo Tuổi Trẻ và cam kết sẽ tiếp tục đồng hành trong việc hỗ trợ cộng đồng, nhất là các em sinh viên - những tương lai của đất nước.

Chuyến xe nhiều hồi hộp, nôn nao của tỉnh đoàn Ninh Thuận 

Anh Phan Nguyễn Hoàng Long - trưởng Ban Phong trào Thanh Thiếu nhi Tỉnh Đoàn Ninh Thuận - cho biết 5h sáng anh cùng 12 tân sinh viên của tỉnh Ninh Thuận đi xe khách 16 chỗ đến Nha Trang để kịp tham dự chương trình.

"Các bạn đều hồi hộp. Đoàn thậm chí không dám ăn sáng dọc đường vì sợ đến muộn. Mặc dù thức dậy từ sớm nhưng không khí trên xe vui lắm. Các bạn tân sinh viên đều háo hức. Bản thân tôi cũng thế, thật sự học bổng quá ý nghĩa", anh nói.

Thời gian qua, Tỉnh đoàn Ninh Thuận luôn hỗ trợ báo Tuổi Trẻ trong việc tìm kiếm, lựa chọn các trường hợp tân sinh viên khó khăn. "

Trong qua trình tìm kiếm cũng gặp một số khó khăn vì các bạn đi học ở nhiều nơi, tuy nhiên vì cái tâm và hiểu được tấm lòng của nhà tài trợ và báo Tuổi Trẻ nên chúng tôi luôn làm việc với tâm thế hết mình, sẵn sàng tìm kiếm các em tân sinh viên vượt khó, hiếu học", anh Long nói.

Giấc mơ đẹp nhất từ nhỏ đến giờ của Phạm Minh Hiếu 

Mẹ mất vì ung thư, ba làm phụ hồ nuôi 3 đứa con, cả nhà chỉ biết sống vào tiền trợ cấp của chính quyền, tân sinh viên Phạm Minh Hiếu - chuyên ngành Du lịch, Trường đại học Khánh Hòa - cho biết học bổng Tiếp sức đến trường như phao cứu sinh giúp bạn bớt chông chênh trên chặng đường học tập. 

"Giấc mơ này đẹp quá, tôi xin cảm ơn đến các mạnh thường quân và báo Tuổi Trẻ đã trao học bổng để tôi vững bước đến giảng đường. Không dám hứa sẽ thành công nhưng nhất định tôi sẽ trở thành một người có ích cho xã hội và quay về giúp đỡ các bạn tân sinh viên khác như tôi đã được giúp" - Minh Hiếu xúc động nói.

Chị Lê Thị Hương - phó Ban Thanh thiếu nhi Trường học, Tỉnh đoàn Khánh Hòa - cho biết chị đã biết đến học bổng Tiếp sức đến trường từ lâu, tuy nhiên đây là lần đầu tiên được hỗ trợ các bạn tân sinh viên tỉnh Khánh Hòa nhận học bổng Tiếp sức đến trường.

"Đây là một chương trình hết sức ý nghĩa bởi vì có lẽ giai đoạn khó khăn nhất của các em đó là gia đoạn nhập họp vào ghế giảng đường.Các mạnh thường quân và báo Tuổi Trẻ đã rất kịp thời khi tổ chức một chương trình vô cùng ý nghĩa để tiếp lửa, tiếp sức cho các em đến giảng đường", chị Hương chia sẻ.

Hai cảnh đời quá khổ nhưng đôi mắt và nghị lực sáng ngời

Khi những thước phim tư liệu chiếu lên, khán phòng cũng nhiều nước mắt. Nguyễn Thị Xuân Cảnh sống cùng mẹ là bà Đỗ Thị Son (64 tuổi) làm nghề bán chuối và em trai ở thôn Trung, xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa). Cả căn nhà chứa sự nghèo nàn khi mẹ lam lũ chăm sóc em trai Cảnh bị tâm thần. Lưng người mẹ còng theo năm tháng. 

Tháng 7 vừa qua, người cha của Xuân Cảnh cũng vừa qua đời do bạo bệnh.

Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2013, Cảnh thi rớt đại học. Một năm sau đó, Cảnh tiếp tục ôn thi và thi đỗ vào ngành Hải dương học - Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Đến tháng 12-2015, Cảnh quyết định nghỉ học, cô trở về quê nhà và làm công việc gia sư, dạy cho các em nhỏ cấp 2 để phụ mẹ nuôi em. 

Sau đó, cô tiếp tục ôn thi và đỗ vào ngành Sư phạm Toán học (Trường đại học Khánh Hòa) vào năm 2017. 

Tưởng chừng con đường học hành đã suôn sẻ, Cảnh lại rơi vào trầm cảm bì suy nghĩ về cuộc sống quá nhiều, Cảnh quyết định nghỉ học vào tháng 12-2023. 

Năm nay, Cảnh đỗ vào Trường đại học Đà Lạt. Em của Cảnh là Nguyễn Đình Sang (25 tuổi) đã từng đi học đại học, nhưng được 4 tháng.

Báo Tuổi Trẻ đã khiến hoàn cảnh mồ côi của ba chị em tôi bớt cô đơn 

Tại hội trường, khi được khi được hỏi về những khó khăn đã trải qua khi mẹ cha mất để lại ba chị em Lài trên đời - tân SV ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM Nguyễn Thị Lài chỉ nói rằng động lực lớn nhất là tình thương của thầy cô, bạn bè và những nhà hảo tâm giúp đỡ mình. 

"Sau khi tốt nghiệp tôi muốn trở về quê hương để làm việc và cống hiến cho quê nhà. Chỉ có việc học mới có thể giúp tôi vượt qua nghịch cảnh và hướng đến những điều tốt đẹp", Lài khẳng định.

Nói đến đây, những giọt nước mắt đã lăn dài trên gò má của tân sinh viên này. Tâm sự khi biết mình được nhận học bổng Tiếp sức đến trường, Lài cảm thấy rất vui và hạnh phúc và không nghĩ mình được nhận.

"Học bổng Tiếp sức đến trường sẽ trợ giúp phần nào cho cuộc sống sinh viên hiện tại, giúp tôi và các chị bớt cô đơn trên con đường nhiều chông gai phía trước. Tôi rất hạnh phúc" - Nguyễn Thị Lài nói.

Từ bỏ việc học không biết bao nhiêu lần nhưng từ nay tôi không từ bỏ ước mơ 

Khán phòng lặng đi trong những dòng nước mắt của hai SV Nguyễn Thị Xuân Cảnh và (Trường đại học Đà Lạt) và Nguyễn Thị Lài (Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia TP,HCM) trên sân khấu giao lưu. Câu chuyện học hành dang dở của Xuân Cảnh khiến nhiều người khâm phục ý chí của cô gái năm nay đã 29 tuổi.

Xuân Cảnh bày tỏ sự biết ơn đến người cha (đã mất hồi tháng 7) và sự tảo tần của người mẹ già đã luôn cố gắng để cho Cảnh có ngày hôm nay.

"Tôi không biết mình đã từ bỏ việc học bao nhiêu lần, có những lúc việc học hành bị dang dở vì những khó khăn của cuộc sống, nhưng tôi vẫn cố gắng bước tiếp với ước mơ của chính mình. Tôi mong muốn sau này sẽ là giáo viên dạy toán, và mình sẽ vững vàng để giúp đỡ đến các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn như mình" - Cảnh quyết tâm như thế.

Đồng cảm với hoàn cảnh của Xuân Cảnh, tân sinh viên Phạm Ngọc Đoan Trang (Trường đại học Nha Trang) chia sẻ: "Tôi thấy tấm gương của Xuân Cảnh sẽ là một niềm động lực đến tất cả các bạn sinh viên có mặt trong ngày hôm nay, giúp các bạn sẽ luôn bước tiếp trên con đường học tập, dù cho hoàn cảnh có khắc nghiệt và thử thách các bạn đến mức nào".

Tại buổi lễ, ban tổ chức chương trình học bổng Tiếp sức đến trường đã trao 3 laptop đến các tân sinh viên Nguyễn Thị Xuân Cảnh (Trường đại học Đà Lạt), tân sinh viên Nguyễn Thị Lài (Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia TP.HCM) và tân sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Phương (Trường đại học Nông Lâm TP.HCM).

Nhà tài trợ cũng không ngủ được, mong trời sáng 

Bà Nguyễn Thị Hà Anh - quản lý cơ sở VUS Khánh Hòa - cho biết đây là năm thứ hai VUS Khánh Hòa đồng hành với học bổng Tiếp sức đến trường ở điểm trao Nha Trang. Vẫn như lần đầu, cảm giác của bà luôn khó tả và xúc động.

"Thật sự đêm qua tôi không ngủ được vì mong chờ đến sáng để tham dự chương trình. Rất mong những phần tài trợ của chúng tôi sẽ giúp cho các tân sinh viên vững bước trên ghế giảng đường. Và mong các em sau này khi có công ăn việc làm ổn định sẽ quay trở lại giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh như mình", bà Anh chia sẻ.

Tại buổi lễ, hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ đã hỗ trợ 10 suất học bổng tiếng Anh khóa luyện thi IELTS miễn phí cho tân sinh viên tỉnh Khánh Hòa nhận học bổng từ chương trình.

Bà Huỳnh Ngọc Lệ Dung - giám đốc Công ty Xổ số kiến thiết Khánh Hòa - bày tỏ niềm vui khi năm nay, học bổng Tiếp sức đến trường tiếp tục đến với các bạn tân sinh viên khó khăn trên địa bàn 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định.

"Là đơn vị nhiều năm liền đồng hành cùng học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ, tôi mong rằng các em sẽ có nhiều động lực cho hành trình học tập của mình sắp đến. Công ty sẽ đồng hành cùng chương trình này thêm nhiều năm nữa để lan tỏa nghĩa cử cao đẹp, cũng như lan tỏa những tấm gương tân sinh viên vượt lên nghịch cảnh, vững bước học tập để trở thành những công dân có ích cho xã hội trong tương lai" - bà Dung chia sẻ.

Cựu sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM từng được tiếp sức quay lại tiếp sức tân sinh viên

Chương trình chiếu clip về anh Lê Trương Vĩnh Phú - cựu sinh viên Trường đại học Bách khoa TP.HCM - đã từng được nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2005 tại Nha Trang.

Anh Phú hiện là giám đốc Công ty Knorex Việt Nam, phó chủ tịch vận hành Knorex Group. 

Chia sẻ về quãng thời gian khi còn là một tân sinh viên, anh Phú bày tỏ sự biết ơn với báo Tuổi Trẻ đã tiếp sức cho anh trong quãng thời gian khó khăn. Lúc mà gia đình rất khó khăn, học bổng Tiếp sức đến trường đã giúp anh thực hiện hóa ước mơ để thành công như ngày hôm nay.

Vừa qua, để tiếp sức thêm cho các bạn tân sinh viên thêm động lực đến trường, anh Phú đã ủng hộ 20 triệu đồng cho chương trình, như một sẻ chia với thế hệ đàn em.

>> TTO TIẾP TỤC CẬP NHẬT

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
5 ngày trước - 100 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ 11 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã tụ hội tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang chiều 18-10 nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024 của báo Tuổi Trẻ.
5 ngày trước - 100 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ 11 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã tụ hội tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang chiều 18-10 nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024 của báo Tuổi Trẻ.
3 tuần trước - Nguyễn Lê Ngọc Hà đã nhập học Trường ĐH Tây Nguyên vì có anh trai đang là sinh viên năm 2 ở đó. Hai anh em mồ côi nương tựa vào nhau.
2 tuần trước - Ông Sùng A Lo - bố của tân sinh viên Sùng A Hồng - vượt hơn 200 cây số từ huyện Mường Lát đến thành phố Thanh Hóa dự lễ trao học bổng. Sùng A Hồng xúc động khi bố xuất hiện ở sân khấu.
3 tuần trước - Bề ngoài cứng cỏi, ánh mắt tự tin và hy vọng, hoạt động mạnh mẽ và kiên nhẫn - đó sẽ là cảm nhận của bất kỳ ai tiếp xúc với Nguyễn Ngọc Như Uyên, tân sinh viên ĐH Công nghiệp TP.HCM.
Xem tin bài khác
11 phút trước - Một chàng trai 24 tuổi tiết lộ anh xấu hổ khi nói với mọi người rằng mình là người thu gom rác. Bất ngờ, cư dân mạng đã đồng loạt ủng hộ và cho anh thấy công việc của anh có giá trị như thế nào.
26 phút trước - Những sinh viên nhận được học bổng Nghị lực mùa thi, người nhà của các em, lãnh đạo các trường đại học, đại biểu và tất cả khán giả tham dự chương trình đều rơm rớm nước mắt vì xúc động, bật khóc vì quá hạnh phúc…
26 phút trước - Người dân TP.HCM khi tham gia sự kiện ẩm thực "Chợ Lớn Food Story" có cơ hội thưởng thức nhiều món ăn đặc trưng của Q.5. Đây cũng là cơ hội để các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Q.5 quảng bá thương hiệu đến người dân và du khách.
38 phút trước - Tôi bật khóc trước những lời nói của người thứ 3 này. Tôi từng có khoảng thời gian rất hạnh phúc khi bản...
1 giờ trước - Nhiều khách Tây đến lễ hội nước mắm lần đầu được tổ chức ở TP.HCM đã hào hứng thưởng thức các món ăn cùng với gia vị đặc biệt này. Họ có những chia sẻ đầy bất ngờ.