ttth247.com

Bệnh bạch hầu diễn tiến khó lường, làm gì phòng tránh?

Vắc xin bạch hầu được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1981, làm giảm số ca bệnh rõ rệt từ gần 3.500 ca năm 1983 xuống chỉ còn 10 - 50 ca ở giai đoạn 2004 - 2019.

Tuy nhiên 5 năm trở lại đây bệnh đang có dấu hiệu gia tăng trở lại, chủ yếu ở người chưa được tiêm nhắc lại đầy đủ hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Năm 2023, cả nước ghi nhận 57 ca mắc, trong đó có 7 ca tử vong.

Vậy làm gì để phòng bệnh?

Lý do bệnh bạch hầu gia tăng

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng bệnh bạch hầu có dấu hiệu gia tăng trở lại là do gián đoạn nguồn cung vắc xin "5 trong 1" từ Chương trình tiêm chủng mở rộng, ngoài ra còn phải kể đến tỉ lệ tiêm chủng sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Điều đáng nói là dịch bạch hầu xuất hiện ở các tỉnh, ở vùng sâu vùng xa do đây là "vùng trũng" về tiêm chủng, có tỉ lệ tiêm chủng thấp. 5 năm trước khi có dịch bạch hầu ở Tây Nguyên, Nhà nước đã phải chi hơn 60 tỉ đồng để tiêm chủng vắc xin cho người dân ở khu vực này. Những năm gần đây đã không thấy có ca bạch hầu nào xuất hiện tại Tây Nguyên.

Thời gian qua nhiều ca mắc bạch hầu được phát hiện không rõ nguồn lây. Bác sĩ Bạch Thị Chính, giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với dịch tiết niêm mạc mũi, họng từ người bệnh hoặc người lành mang trùng.

Thời gian mầm bệnh tồn tại ở người lành có thể kéo dài đến 3 - 4 tuần nhưng không biểu hiện triệu chứng. Điều này khiến bệnh dễ lây lan rộng trong cộng đồng, đặc biệt với nhóm có sức đề kháng kém như trẻ em, phụ nữ có thai, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

Ngoài các nguyên nhân kể trên (gián đoạn tiêm chủng, không triệu chứng...), bệnh bạch hầu còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn.

Ở môi trường bên ngoài, vi khuẩn có thể tồn tại vài tuần lễ. Một số bằng chứng chỉ ra mầm bệnh có thể còn sống cả trong sữa tươi và nước. Do đó, nhiều trường hợp mắc bệnh rất khó xác định nguồn lây.

Viêm cơ tim là biến chứng phổ biến nhất

Theo bác sĩ Huỳnh Trung Triệu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM), bệnh bạch hầu có thể gây ra các biến chứng như tắc nghẽn hô hấp gây khó thở, thở rít, tím tái và tử vong nhanh chóng nếu không cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, độc tố vi khuẩn có thể gây viêm cơ tim, biến chứng thần kinh phục hồi mất đến vài tháng.

Bệnh nhân có thể kèm xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hóa, tiểu máu, nhanh chóng biểu hiện nhiễm độc nặng như da xanh, lừ đừ, có biến chứng tim, suy thận và tổn thương đa cơ quan, thậm chí dẫn đến tử vong.

Để phòng ngừa bạch hầu, bác sĩ Triệu khuyến cáo người dân cần tiêm đầy đủ và tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu thường được áp dụng trong lịch tiêm phối hợp với vắc xin ngừa uốn ván, ho gà. Với người lớn chưa có miễn dịch với độc tố bạch hầu, có thể tiêm theo lịch ba mũi vắc xin phòng bạch hầu - uốn ván hoặc vắc xin bạch hầu - uốn ván - ho gà theo lịch 0 - 1 - 6 tháng, sau đó tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.

Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết bạch hầu có thể có tỉ lệ tử vong lên đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi. Trong đó, viêm cơ tim là biến chứng phổ biến nhất của bệnh, xảy ra ở giai đoạn toàn phát hoặc vài tuần sau khi khỏi bệnh.

Khoảng 30% bệnh nhân bạch hầu thể nặng có biến chứng suy tim và tử vong. Viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 80%. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim.

Độc tố bạch hầu còn gây viêm đa dây thần kinh như viêm dây thần kinh vận động ngoại biên, dây thần kinh sọ não. Người bệnh mất khả năng điều tiết nhãn cầu, khó nuốt do liệt màn khẩu cái (cơ vòm miệng), liệt mềm các chi, liệt cơ hoành và cơ liên sườn... Trong đó, liệt cơ hoành và cơ liên sườn có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp và tử vong.

Ngoài ra, bạch hầu cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận, bên cạnh đó có thể gây ra liệt do tổn thương hệ thần kinh vận động.

Thai phụ nhiễm bạch hầu hô hấp có tỉ lệ tử vong cao, lên đến 50%, nếu không được truyền huyết thanh kháng độc tố bạch hầu hoặc ảnh hưởng đến thai nhi như thai lưu, sinh non... Sau sinh, người mẹ mắc bạch hầu có thể lây sang em bé trong quá trình chăm sóc.

TP.HCM vẫn có nguy cơ lan truyền dịch bạch hầu

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết năm 2024 TP chưa ghi nhận ca mắc bạch hầu nào. Tuy vậy, theo đánh giá của HCDC, nguy cơ lan truyền bệnh bạch hầu đến TP là có thể xảy ra do TP có mật độ dân cư đông đúc, giao thông thuận lợi và thường xuyên đón du khách, lao động từ các tỉnh khác.

"Khả năng mắc và lây lan bệnh còn phụ thuộc vào mức độ miễn dịch cộng đồng đối với bệnh bạch hầu. Người dân có thể chủ động phòng chống bệnh bằng cách tiêm chủng. Tỉ lệ miễn dịch cộng đồng càng cao, khả năng mắc và lây lan bệnh càng thấp", HCDC nhấn mạnh.

Cũng theo HCDC, bệnh nhân mắc bạch hầu có nguy cơ gặp các biến chứng nặng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời như viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn, viêm phổi, suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở hoặc thậm chí tử vong. Tỉ lệ tử vong khoảng 5 - 10%. Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ.

Bác sĩ Bạch Thị Chính nhận định hiện tại trẻ sắp quay trở lại trường học. Môi trường tiếp xúc đông người khiến trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như ho gà, bạch hầu, cúm, thủy đậu... nếu tiếp xúc mầm bệnh. Các phụ huynh nên rà soát lịch tiêm của trẻ để chủ động tiêm nhắc các loại vắc xin cũng như tiêm thêm những vắc xin cần thiết khác để bảo vệ kịp thời cho con.

Bên cạnh biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin, bác sĩ Chính lưu ý người dân cần chú ý vệ sinh khử khuẩn, đảm bảo các môi trường đông đúc như nhà ở, nhà dạy trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; rửa tay bằng xà phòng thường xuyên; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - Nhiều bệnh viện ngập sâu trong nước, mất điện, mất sóng, bác sĩ phải dùng đèn pin, đèn dầu để phẫu thuật, ép tim cứu bệnh nhân nguy kịch trên ca nô.
3 ngày trước - Thời điểm sau cơn bão Yagi gây sự cố mất điện trên diện rộng, nhiều gia đình đã sử dụng máy phát điện để duy trì sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, việc sử dụng máy phát điện liên tục có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng,...
1 tháng trước - Với sự ra đời của phương pháp can thiệp cắt tách dưới niêm mạc ESD, bác sĩ có thể can thiệp điều trị triệt căn ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng ở giai đoạn sớm. Người bệnh không cần trải qua phẫu thuật nặng nề, hóa trị hay xạ trị.
5 ngày trước - Trong 5 năm gần đây, sốt xuất huyết ở Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp. Tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay có khoảng 6.600 ca mắc sốt xuất huyết và trong tuần gần nhất, TP ghi nhận 226 ca.
1 tháng trước - Cô gái mang thai 8 tháng, ở huyện Mường Lát, dương tính với bạch hầu song chưa rõ nguồn lây, nhiều người tiếp xúc gần được cách ly.
Xem tin bài khác
29 phút trước - Anh Đ.P.D (29 tuổi, ngụ TP.HCM) làm việc tại một xưởng in, vài tháng gần đây anh cảm thấy cột sống bị đau thắt, trong một lần đang đứng thì bất ngờ ngã quỵ xuống đất.
29 phút trước - Mốc 2 tháng tuổi là thời điểm vàng bé cần được tiêm ngừa vaccine 6 trong 1 để phòng 6 bệnh nguy hiểm là bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và bệnh do vi khuẩn Hib. Để bé được bảo vệ sớm và tối ưu nhất, ba mẹ đừng trì hoãn hoặc...
38 phút trước - Thiếu vận động, không uống đủ nước, ăn nhiều đồ ngọt... là những thói quen hàng ngày của nhiều người đang ảnh hưởng đến não bộ và sức khỏe tổng thể.
1 giờ trước - Thời gian qua, Bộ Y tế liên tiếp phát cảnh báo về tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Trong đó, không ít vụ việc bị khởi tố liên quan đến việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.
1 giờ trước - Nhật Bản đối mặt khủng hoảng dân số bởi số trẻ sơ sinh giảm, dân số già và tổng số cư dân giảm.