ttth247.com

Bệnh ngủ ngáy và cách điều trị

Nhiều người có thói quen ngáy trong giấc ngủ, mong chữa dứt điểm để ngon giấc và tránh phiền toái cho người thân.

Ngủ ngáy khiến bạn giảm chất lượng cuộc sống, ngủ không sâu, thường tỉnh giấc giữa đêm, ngộp thở, ngáy to ảnh hưởng đến người xung quanh. Đây là lý do nhiều người tìm cách điều trị dứt điểm ngủ ngáy.

Ngày 1/8, ThS.BS.CKI Phạm Thị Phương, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hiện mỗi tháng Trung tâm Tai Mũi Họng điều trị hơn 400 người bệnh ngủ ngáy, tăng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng như tắc nghẽn vùng mũi họng, thừa cân, béo phì... Ngoài ra, yếu tố khác làm tăng nguy cơ ngủ ngáy như lớn tuổi, uống rượu, hàm nhỏ, nam giới, phụ nữ tiền mãn kinh...

Ngủ ngáy sinh lý do làm việc quá sức, sau khi uống rượu bia, tư thế ngủ không phù hợp là tình trạng bình thường, theo bác sĩ Phương. Tuy nhiên, ngủ ngáy lớn tiếng, liên tục kèm ngừng thở, giảm thở, đau đầu, mệt mỏi khi thức dậy... có thể là dấu hiệu lệch vách ngăn mũi, quá phát cuốn mũi, polyp mũi, khối u vùng vòm, viêm amidan quá phát, lưỡi to, hẹp eo họng... Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cũng có triệu chứng này.

Như anh Vũ, 40 tuổi, ngủ ngáy to, ban đầu tưởng do di truyền không chữa hết nên không đi khám. Lâu dần ngáy kèm triệu chứng mệt, buồn ngủ vào ban ngày, đau đầu và đau họng khi thức dậy, khó tập trung, anh đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kiểm tra.

Kết quả nội soi tai mũi họng, đo đa ký hô hấp cho thấy anh Vũ mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA). Đây là các cơn tắc nghẽn đường hô hấp trên toàn phần hoặc một phần khi ngủ, lặp đi lặp lại. Anh còn bị lệch vách ngăn mũi, quá phát cuốn mũi, hẹp eo họng, viêm amidan quá phát làm đường thở không được thông thoáng... Amidan sưng to chèn ép đường thở vùng họng. Tất cả bệnh lý này đều gây ngủ ngáy.

Bác sĩ Phương phẫu thuật cho bệnh nhân xử lý tình trạng lệch vách ngăn mũi, cắt amidan, chỉnh hình cuốn mũi dưới và họng màn hầu lưỡi gà. Anh tái khám sau hai tuần, các triệu chứng trên cải thiện đáng kể.

Bác sĩ Phương (phải) phẫu thuật nội soi điều trị ngủ ngáy cho một người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Phương (phải) phẫu thuật nội soi điều trị ngủ ngáy cho một người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Tương tự, bé Ân, 10 tuổi, ngủ ngáy to, thở bằng miệng, thường viêm họng, sốt, bác sĩ Phương chẩn đoán viêm amidan quá phát độ 4, viêm VA quá phát, điều trị nội khoa không cải thiện. Bác sĩ phẫu thuật cắt amidan cho bé vì nếu để lâu, amidan có nguy cơ trở thành ổ nhiễm trùng, tái phát nhiều lần, cản trở đường thở khiến ngủ ngáy, nguy cơ biến chứng. Hai tuần sau, bé không còn ngủ ngáy, viêm đường hô hấp cải thiện, khả năng lành thương tốt.

Không phải trường hợp nào ngủ ngáy cũng phải phẫu thuật, theo bác sĩ Phương. Phương pháp này được chỉ định khi người bệnh bị tắc nghẽn ngoại biên gây ngưng thở khi ngủ, điều trị nội khoa không đáp ứng. Tùy triệu chứng của người bệnh, bác sĩ khám lâm sàng, nội soi tai mũi họng để đánh giá tắc nghẽn đường thở. Bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng đo đa ký hô hấp, thu thập các chỉ số liên quan như số lần ngưng, giảm thở trong đêm, lượng oxy trong máu, số lần ngáy, nhịp thở...

"Đo đa ký hô hấp là phương pháp vàng giúp chẩn đoán nguyên nhân ngủ ngáy, nhất là ngưng thở khi ngủ", bác sĩ Phương nói. Từ kết quả chỉ số ngưng thở, giảm thở khi ngủ trong vòng một giờ (AHI), bác sĩ đánh giá về mức độ ngưng thở khi ngủ và điều trị thích hợp.

Người bệnh ngủ ngáy có thể được điều trị bằng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP). Phương pháp này giúp tăng kích thước của đường hô hấp trên, ngăn ngừa hẹp hoặc xẹp đường hô hấp trên trong khi ngủ. Hiện, có thêm phương pháp phẫu thuật giảm thể tích vùng đáy lưỡi hoặc cấy điện thần kinh kích hoạt cơ vùng họng hoạt động lúc ngủ, mở rộng eo họng để giảm ngáy, cải thiện giấc ngủ, ngưng thở khi ngủ của bệnh nhân.

Để giảm ngủ ngáy không ngưng thở khi ngủ, bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên ăn uống khoa học, duy trì cân nặng hợp lý, bỏ hút thuốc lá, rượu bia, kê cao đầu khi ngủ. Điều trị triệt để các bệnh mũi họng, khám sức khỏe định kỳ hai lần mỗi năm.

Uyên Trinh

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
22 giờ trước - TP HCM- Anh Đại, 30 tuổi, thường xuyên buồn ngủ, tay chân bủn rủn không đứng dậy được tưởng đột quỵ, nhập viện bác sĩ chẩn đoán do bệnh ngủ rũ.
1 tuần trước - Ăn nhiều thực phẩm chống viêm, uống đủ nước, tránh rượu bia có thể giúp đường thở thông thoáng, giảm ngáy.
1 tháng trước - Ngưng thở khi ngủ không xảy ra ở trẻ em, uống rượu giúp cải thiện tình trạng, phẫu thuật là cách duy nhất để chữa bệnh là những cách hiểu chưa đúng.
1 tháng trước - TP HCM- An, 16 tuổi, thường nặn mụn trứng cá bằng đầu bút bi để lại sẹo thâm đen, mua kem tự điều trị tại nhà khiến tình trạng nặng hơn.
1 tháng trước - 'Một nghiên cứu mới đây phát hiện thời lượng tập thể dục tối thiểu để khắc phục những tác hại của ngồi nhiều'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!
Xem tin bài khác
25 phút trước - Anh Đ.P.D (29 tuổi, ngụ TP.HCM) làm việc tại một xưởng in, vài tháng gần đây anh cảm thấy cột sống bị đau thắt, trong một lần đang đứng thì bất ngờ ngã quỵ xuống đất.
25 phút trước - Mốc 2 tháng tuổi là thời điểm vàng bé cần được tiêm ngừa vaccine 6 trong 1 để phòng 6 bệnh nguy hiểm là bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và bệnh do vi khuẩn Hib. Để bé được bảo vệ sớm và tối ưu nhất, ba mẹ đừng trì hoãn hoặc...
34 phút trước - Thiếu vận động, không uống đủ nước, ăn nhiều đồ ngọt... là những thói quen hàng ngày của nhiều người đang ảnh hưởng đến não bộ và sức khỏe tổng thể.
1 giờ trước - Thời gian qua, Bộ Y tế liên tiếp phát cảnh báo về tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Trong đó, không ít vụ việc bị khởi tố liên quan đến việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.
1 giờ trước - Nhật Bản đối mặt khủng hoảng dân số bởi số trẻ sơ sinh giảm, dân số già và tổng số cư dân giảm.