ttth247.com

Bị hại nhận lại 7.215 đồng một cổ phiếu ROS trong vụ Trịnh Văn Quyết

Hà NộiBản án tuyên bị hại sẽ được bồi thường 7.215 đồng cho một cổ phiếu ROS, người liên quan nhận 5.466 đồng; riêng 5 mã AMD, HAI, GAB, FLC, ART không có căn cứ bồi thường.

Chiều 5/8, TAND Hà Nội tuyên mức án cao nhất trong 50 bị cáo với cựu chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết - 21 năm tù. Ông Quyết, 49 tuổi, bị xác định là chủ mưu, gây thiệt hại đặc biệt nhiều.

Hai em gái của ông Quyết bị phạt 8 và 14 năm tù, cùng về hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán.

>Mức án cụ thể của 50 bị cáo

Trong hơn hai tiếng đọc bản án, TAND Hà Nội dành phần lớn thời gian nêu phán quyết về phần trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại cho bị hại và các nhà đầu tư cổ phiếu ROS.

Bản án nêu sau 5 lần tăng vốn, nhóm ông đã Quyết niêm yết 43 triệu cổ phiếu ROS lên HoSE, bán lần đầu cho 25.853 bị hại, chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng. Về nguyên tắc phải buộc các bị cáo bồi thường cho bị hại số tiền đã mua cổ phiếu bị nâng khống. Song thực tế nhiều nhà đầu tư sau khi mua cổ phiếu ROS đã bán đi, có người mua bán nhiều lần, cổ phiếu bị trộn lẫn trong các lần giao dịch sau đó.

Hiện có nhà đầu tư đã bán hết cổ phiếu nên không có yêu cầu bồi thường, có nhà đầu tư không biết bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên không yêu cầu bồi thường.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết, chiều 5/8. Ảnh: Giang Huy

Bị cáo Trịnh Văn Quyết, chiều 5/8. Ảnh: Giang Huy

Cho rằng tại thời điểm các bị cáo bán cổ phiếu ROS bị nâng khống, có người mua với giá cao song cũng có nhà đầu tư mua với giá thấp, HĐXX đánh giá việc giao dịch mua bán khớp lệnh diễn ra trong nhiều năm, đến nay không xác định được chính xác giá mua bán trong các lần khớp lệnh.

Để đảm bảo công bằng, tòa buộc ông Quyết và đồng phạm bồi thường cho các nhà đầu tư số tiền bị chiếm đoạt trên giá trị nâng khống của mỗi cổ phiếu đã bán, tương ứng khối lượng cổ phiếu các bị hại này đang sở hữu.

430 triệu cổ phiếu đã phát hành theo vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng của Faros, trong đó giá trị nâng khống là 3.102 tỷ. Như vậy mỗi cổ phiếu ROS được niêm yết phát hành có 72,15% nâng khống.

Mệnh giá cổ phiếu ROS được chào bán trên thị trường khi đó là 10.000 đồng. Do đó trên mỗi cổ phiếu, các bị cáo đã nâng khống 7.215 đồng. "Các bị cáo sẽ phải đền bù 7.215 đồng cho mỗi cổ phiếu bán cho bị hại, nhân với khối lượng cổ phiếu bị hại đang sở hữu", bản án nêu.

Trong 133 bị hại đang nắm giữ cổ phiếu ROS trong lần bán ra ban đầu có 85 người có đơn gửi tòa án xác nhận đã nhận đủ tiền bồi thường từ gia đình bị cáo Quyết. Các bị cáo phải tiếp tục bồi thường cho những bị hại còn lại theo phương án giá nêu trên

Tòa Hà Nội cho phép các bị hại đã bán hết cổ phiếu ROS đã chuyển phần giá trị bị nâng khống cho người mua tiếp theo và các bị hại khác chưa có yêu cầu bồi thường có quyền đề nghị xem xét bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong vụ án dân sự khác.

HĐXX tuyên án chiều 5/8 sau 2 tuần xét xử và nghị án. Ảnh: Danh Lam

HĐXX tuyên án chiều 5/8 sau 2 tuần xét xử và nghị án. Ảnh: Danh Lam

Người liên quan được bồi thường 5.466 đồng cho mỗi cổ phiếu khống

Tính đến ngày ROS bị hủy niêm yết trên sàn HoSE, 5/9/2022, có 63.075 nhà đầu tư (không bao gồm các bị cáo) đang giữ tổng hơn 567 triệu cổ phiếu ROS. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, 27.866 nhà đầu tư có yêu cầu bồi thường thiệt hại.

HĐXX xét thấy hành vi nâng khống vốn sở hữu của Faros để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã khiến cổ phiếu này bị hủy niêm yết bắt buộc, ảnh hưởng quyền lợi các nhà đầu tư và tính thanh khoản của ROS. Vì thế, các bị cáo cũng phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, việc mua bán cổ phiếu được xác lập trên cơ sở khớp lệnh của hành triệu tài khoản chứng khoán trên thị trường. Khi nhà đầu tư phát sinh nhiều giao dịch mua bán một mã cổ phiếu, nhà đầu tư mua cổ phiếu của ai và tại thời điểm nào là "không thể xác định được".

Ngoài giá trị gốc của cổ phiếu theo mệnh giá thì cổ phiếu còn bị ảnh hưởng bởi thị trường, tâm lý nhà đầu tư, các yếu tố khách quan, chủ quan khác. Mặt khác, Công ty Faros vẫn đang hoạt động, cổ phiếu ROS vẫn đang có giá trị lưu hành, chỉ không được niêm yết trên sàn chứng khoán. Với phân tích trên, tòa cho rằng "không thể buộc các bị cáo bồi thường toàn bộ số tiền các nhà đầu tư đã bỏ tiền ra mua cổ phiếu mà chỉ có thể buộc các bị cáo bồi thường phần bị nâng khống trên mỗi cổ phiếu".

Cách xác định số tiền những người liên quan được bồi thường

Sau khi phát hành 430 triệu cổ phiếu ROS trên HoSE, cơ quan điều tra xác định, Faros có thêm hai lần tăng vốn (lần 6 và 7) dẫn đến số vốn điều lệ cuối cùng là 5.675 tỷ đồng.

Cả hai lần tăng vốn này đều dưới hình thức phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn điều lệ để chi trả cổ tức cho các cổ đông hiện hữu, và là hệ quả tiếp theo của 5 lần nâng khống vốn trước đó. Tòa cho rằng cần buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm về yêu cầu bồi thường của hơn 63.000 nhà đầu tư còn đang nắm giữ 567 triệu cổ phiếu ROS, đang được xác định là người có quyền nghĩa vụ liên quan.

Số tiền tăng vốn lần 6 và 7 không được tính là nâng khống nên tòa xác định sau lần tăng vốn thứ 7, số vốn thật của Faros là 2.573 tỷ đồng, vốn khống là 3.102 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ 5.675 tỷ đồng.

Như vậy, tỷ lệ vốn khống trên tổng vốn điều lệ là 54,66%. Quy ra trong mỗi cổ phiếu ROS mệnh giá 10.000 đồng sẽ có 5.466 đồng là vốn khống. Các bị cáo phải bồi thường phần giá trị nâng khống này cho người liên quan.

"Phần giá trị khác ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu nhà đầu tư đã mua, nằm ngoài giá trị bị nâng khống là do ảnh hưởng của các yếu tố thị trường và chủ quan khách quan khác nên không có căn cứ buộc các bị cáo bồi thường.

"Đối với các bị hại, người liên quan chưa có yêu cầu bồi thường, có thể yêu cầu bồi thường trong vụ án dân sự khác", tòa nhắc lại.

Với các nhà đầu tư đã bán cổ phiếu ROS cho các nhà đầu tư khác, tòa cho rằng có thể tự thỏa thuận với bên mua về việc hoàn trả giá trị bị nâng khống. Nếu không thỏa thuận được có quyền đề nghị giải quyết bằng vụ án dân sự khác.

'Chưa đủ căn cứ bồi thường người mua 5 mã AMD, HAI, GAB, FLC, ART'

Với hành vi Thao túng thị trường chứng khoán, HĐXX buộc tội ông Quyết, bà Nga và Huế đã chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi này.

Giai đoạn tố tụng, một số nhà đầu tư yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại về hành vi này. Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định tại Bộ Tài chính để xác định số tiền gây thiệt hại cho nhà đầu tư mua 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART thuộc họ FLC trong giai đoạn nhóm ông Quyết thao túng thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính kết luận chưa có căn cứ xác định thiệt hại cho các nhà đầu tư với 5 mã chứng khoán nêu trên. Lý do, giao dịch chứng khoán trên thị trường theo nguyên tắc khớp lệnh, phương thức khớp lệnh, biên độ, giao động giá. Giá cổ phiếu được xác định trên cơ sở khớp lệnh giao dịch hàng triệu tài khoản của các nhà đầu tư. Nhà đầu tư không biết đối tác khớp lệnh. Một mã cổ phiếu trong thời gian dài thì việc xác định nhà đầu tư đã bán cổ phiếu cho ai và mua cổ phiếu của ai là điều không thể.

Kết luận giám định nêu, trong giai đoạn nhóm ông Quyết thao túng thị trường chứng khoán, có nhà đầu tư giao dịch có lãi, có người lỗ. Nhưng giá trị cổ phiếu thua lỗ do nhiều nguyên nhân như thị trường, thao túng giá, yếu tố chủ quan của bản thân nhà đầu tư. Việc xác định mức độ ảnh hưởng của từng nguyên nhân "là không thể".

HĐXX cho rằng không có căn cứ xác định yêu cầu bồi thường của nhà đầu tư về hành vi Thao túng thị trường chứng khoán của nhóm ông Quyết với 5 mã cổ phiếu nêu trên.

Các nhà đầu tư có thể khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, HĐXX vẫn buộc ông Quyết, bà Huế và Nga phải nộp số tiền hưởng lợi bất chính từ hành vi này, tổng 684 tỷ đồng (đã trừ đi việc hưởng lợi từ mã AMD) để sung công quỹ.

Xét theo vị trí, vai trò, ông Quyết bị truy nộp nhiều nhất, tiếp đó là bà Huế, bà Nga. Quá trình điều tra, một số bị cáo tự nguyện nộp lại tổng 570 triệu đồng nên số tiền còn phải nộp ngân sách là hơn 683 tỷ đồng.

Với hành vi Thao túng thị trường chứng khoán ở mã AMD xảy ra trước khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, các bị cáo không bị truy tố ở hành vi này. Công ty chứng khoán BOS để các bị cáo sử dụng tài khoản không đủ tiền và tài sản đảm bảo để thao túng thị trường, thu phí giao dịch bất hợp pháp 42 tỷ đồng (đã trừ đi số tiền từ mã AMD nên tòa buộc sung công quỹ số tiền trên. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã thu giữ và các bị cáo tự nguyện nộp tổng 264 tỷ đồng. Tòa tuyên số tiền này cần tiếp tục tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

Em gái út của ông Quyết bị buộc liên đới đồi thường hơn 1.785 tỷ đồng. Ảnh: Ngọc Thành

Em gái út của ông Quyết, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, bị buộc liên đới bồi thường hơn 1.785 tỷ đồng. Ảnh: Ngọc Thành

Ông Quyết và em gái út phải bồi thường hơn 1.785 tỷ đồng

Cựu chủ tịch FLC bị xác định là chủ mưu, cũng là người chiếm hưởng phần lớn số tiền phạm tội mà có. Em gái út của ông Quyết, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (án 14 năm) dù được anh trai đề nghị chịu thay toàn bộ trách nhiệm song tòa cho rằng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị hại và người liên quan như nêu trên, cần buộc cả hai anh em liên đới bồi thường.

Trong 133 bị hại có yêu cầu bồi thường, 85 người đã nhận đủ tiền bồi thường. 48 người còn lại sẽ được bồi thường theo công thức 7.125 đồng cho mỗi cổ phiếu ROS còn đang nắm giữ, tổng hơn 2 tỷ đồng. Còn 27.866 người liên quan có yêu cầu sẽ được bồi thường 5.466 đồng cho mỗi cổ phiếu ROS, tổng 1.783 tỷ đồng. Do đó, tổng số tiền anh em ông Quyết phải liên đới bồi thường là 1.785 tỷ đồng.

Các bị cáo khác giữ vai trò thấp hơn, phần lớn không hưởng lợi, làm theo chỉ đạo của Quyết, Huế và đã nộp lại tiền hoặc cổ phiếu được chia, tài sản đang bị phong tỏa thi hành án, vì vậy HĐXX không buộc bồi thường.

Tiền các bị cáo đã nộp (tổng hơn 264 tỷ đồng) được trừ vào tiền các bị cáo còn phải bồi thường. Các tài sản bị kê biên phong tỏa vẫn bị tòa tuyên giữ nguyên biện pháp này, để đảm bảo thi hành án.

Thanh Lam - Viết Tuân

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tháng trước - Nam sinh 21 tuổi Zulfarhan bị nhóm bạn cùng ký túc xá tra tấn bằng bàn ủi nóng để bắt nhận ăn trộm laptop, khiến tử vong vì vết thương quá nặng, năm 2017.
15 giờ trước - Một phụ nữ bị sát hại tại nhà; xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2; truy tố cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải vì nhận hối lộ của Xuyên Việt Oil... là những tin nóng 24 giờ qua.
3 tuần trước - Sau 3 ngày nghị án, TAND Tp.Cần Thơ đã tuyên án đối với 6 bị cáo trong vụ gây thiệt hại 291 tỷ đồng cho ngân hàng ở Cần Thơ.
1 tuần trước - Nhóm đại diện tham gia tố tụng của Eximbank vắng mặt tại phiên tòa xét xử cựu Phó giám đốc chi nhánh ngân hàng này lừa đảo 2.700 tỷ, chỉ cử một nhân viên đến nghe diễn biến. Phía bị hại cho rằng cần triệu tập đại diện ngân hàng để làm rõ...
1 tháng trước - 3 đối tượng người nước ngoài trên xe taxi gây tai nạn liên hoàn ở Quảng Bình liên quan vụ chết người ở Quảng Ngãi đã được bàn giao cho Công an tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Xem tin bài khác
1 giờ trước - Theo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh đây là phương thức lừa đảo trực tuyến mới, chưa từng ghi nhận tại tỉnh Quảng Ninh
2 giờ trước - Ông Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan) trình bày sức khỏe hiện không tốt do bệnh tim, nhưng chưa tái khám.
3 giờ trước - Tài xế ô tô trả khách thì xảy ra va chạm với một thanh niên đi xe máy. Sau đó, người đàn ông trong clip xuất hiện...
4 giờ trước - Hai đối tượng lên mạng giới thiệu có xe máy bán, sau đó lừa đảo nạn nhân chuyển tiền cọc rồi hủy kết bạn Zalo, Facebook, chặn số điện thoại.
4 giờ trước - Đối tượng Hoàng Sùn Ta (SN 1977), trú tại thôn Khuổi Luông, xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đã bị bắt giữ về hành vi giết người vào 20h ngày 18/9, sau 24 giờ lẩn trốn trên rừng.