ttth247.com

Biên giới đất liền Việt Nam, Trung Quốc và cuộc đàm phán đến 2h sáng ở Hà Nội

Sáng 2-8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị 25 năm ký hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và 15 năm ký ba văn kiện pháp lý biên giới trên đất liền.

Tám năm bền bỉ với hàng chục cuộc đàm phán

Tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ sau khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 và ký hiệp ước biên giới trên đất liền, Việt Nam cùng Trung Quốc đã khẩn trương tiến hành các vòng đàm phán.

Chỉ tính riêng năm 2008, hai bên đã có 10 vòng đàm phán ủy ban liên hợp, 5 vòng đàm phán và gặp đặc biệt của hai trưởng đoàn đàm phán Chính phủ. Vòng ngắn nhất kéo dài 9 ngày, vòng dài nhất 23 ngày liền, có phiên họp kéo dài liên tục 31 tiếng. Càng về cuối, đàm phán càng khó khăn, căng thẳng.

Trong đó có vòng đàm phán tại Hà Nội tháng 12-2008 chứng kiến sự giằng co quyết liệt. Khoảng 18h ngày 31-12-2008, trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ của Việt Nam là ông Vũ Dũng đề nghị tạm dừng đàm phán để gặp báo chí, ra tuyên bố chung kết thúc phân giới cắm mốc.

Hai bên sau đó trở lại bàn đàm phán và phải đến 2h sáng 1-1-2009, hai trưởng đoàn đàm phán Việt Nam và Trung Quốc mới ký kết biên bản hoàn thành, giải quyết vấn đề thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân.

Đến ngày 18-11-2009, tại Bắc Kinh, đại diện Chính phủ hai nước đã ký ba văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, bao gồm:

- Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

- Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

- Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu để ghi nhận toàn bộ thành quả phân giới cắm mốc biên giới trên thực địa, xác lập các quy định pháp lý để phối hợp thực hiện công tác quản lý, bảo vệ biên giới, quản lý, phát triển cửa khẩu giữa hai nước.

Kết thúc phân giới cắm mốc, hai bên đã phân giới trên thực địa toàn tuyến biên giới dài 1.449,566km. Trong đó cắm 1.971 cột mốc, bao gồm một cột mốc ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, 1.548 cột mốc chính và 442 cột mốc phụ.

Hệ thống mốc giới này đã được đánh dấu, ghi nhận và mô tả phù hợp với địa hình thực tế, đảm bảo khách quan, khoa học, rõ ràng, ổn định và bền vững lâu dài.

Biên giới hòa bình, ổn định để phát triển

Phát biểu khai mạc tại hội nghị ngày 2-8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định việc ký kết hiệp ước biên giới và ba văn kiện pháp lý nêu trên có ý nghĩa lịch sử to lớn, mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước.

Thành tựu lịch sử này đã đặt nền tảng pháp lý, chính trị để hai nước duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng... đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là giữa các tỉnh giáp biên của hai nước.

Nhìn lại 25 năm đã qua, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn mong muốn các cơ quan hữu quan áp dụng những phương thức quản lý hiện đại, kể cả áp dụng kỹ thuật số trong công tác quản lý biên giới.

Qua đó triển khai công tác quản lý biên giới một cách hiệu quả, khoa học, cùng nhau xây dựng đường biên giới trên đất liền Việt - Trung thực sự hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác.

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, người từng có thời gian là chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề biên giới trong mối quan hệ giữa hai nước.

"Giải quyết tốt biên giới giúp thúc đẩy quan hệ. Ngược lại, có quan hệ tốt cũng rất quan trọng để tạo thuận lợi giải quyết vấn đề biên giới", ông Trung nêu vấn đề.

Theo ông Lê Hoài Trung, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc hiện nay đang hết sức tốt đẹp, có thể nói là "tốt như thời Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông của Trung Quốc".

Trong bối cảnh việc hiện đại hóa công tác quản lý cửa khẩu còn nhiều việc phải làm, ông Trung đề nghị cần tranh thủ tiếp tục củng cố khu vực biên giới, kể cả áp dụng kỹ thuật số để duy trì hòa bình và hữu nghị, thúc đẩy hợp tác và phát triển.

Cũng tại hội nghị ngày 2-8, các bộ ngành và địa phương đã cùng trao đổi, tổng kết, đánh giá những thành tựu, kết quả và cả những tồn tại, hạn chế phát sinh trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới.

Từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm, tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để góp phần vào việc duy trì đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - "Chúng tôi nâng cốc chúc mừng mà rưng rưng nước mắt nghĩ tới biết bao hy sinh của đồng bào, chiến sĩ để có được đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình hôm nay".
1 tháng trước - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, góp phần thúc đẩy quan trọng đối với việc xây dựng...
3 tuần trước - Được gặp lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Bí thư Khu ủy Quảng Tây Lưu Ninh bày tỏ mong muốn thông qua Quảng Tây để kết nối, đưa hàng hóa Việt Nam vào sâu Trung Quốc và sang các nước thứ ba.
1 tháng trước - Ngày 15.8, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc từ ngày 18 - 20.8.
2 tuần trước - Tôi đang sống ở quần thể chung cư 'Liên Hiệp Quốc' gần cầu Sài Gòn. Chung cư có biệt danh ấy vì nơi đây có hàng trăm cư dân mang hàng chục quốc tịch khác nhau'.
Xem tin bài khác
4 giờ trước - Sau khi lập biên bản các trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội sẽ gửi thông báo về địa phương xác minh; gửi về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
4 giờ trước - Quảng Ninh- Hai tuần sau khi bão Yagi hoành hành gây thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng, Quảng Ninh và Hải Phòng đang huy động nhiều nguồn lực để phục hồi kinh tế.
4 giờ trước - Sân vận động Thống Nhất sẽ được sửa chữa các hạng mục tại khán đài, sân cỏ, đường chạy, xây ba khán đài mới với quy mô 3 tầng, kinh phí dự tính hơn 149 tỷ đồng.
4 giờ trước - Địa phương lên kế hoạch dùng 4.200 tỷ đồng ngân sách địa phương để làm ba dự án môi trường và giao thông, nhằm thay thế cho nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới.
4 giờ trước - Nhà ga metro sẽ được xây ở Trung tâm thương mại dịch vụ vòng xoay A1 rộng 7 ha tại thành phố mới Bình Dương, kết nối tuyến metro đến Suối Tiên, TP HCM.