ttth247.com

Ca mổ lớn mới được trả 280.000 đồng, y bác sĩ lo âu

Mới đây, Bộ Y tế cho biết đang chuẩn bị đề xuất tăng phụ cấp phẫu thuật và thủ thuật, tăng tiền trực và tiền ăn cho cán bộ y tế. Đây là tin vui với toàn ngành y tế, nhưng...

Đứng mổ 7 - 8 tiếng phụ cấp hơn 200.000 đồng

Năm 2011, quyết định 73 về chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch chính thức được áp dụng. Thời điểm đó, y bác sĩ vui mừng khi có thêm một khoản thu nhập để trang trải cuộc sống.

Thế nhưng suốt 13 năm qua, khi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao thì phụ cấp đặc thù vẫn "đứng im" khiến nhiều y bác sĩ không khỏi chán nản.

Từng công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), bác sĩ Đinh Thế Tiến (đã chuyển sang một bệnh viện tư nhân) cho hay khi còn công tác tại bệnh viện công, mỗi tuần anh trực đêm 1 buổi.

"Những ngày trực bệnh viện sẽ phát cho một phiếu ăn. Thêm phụ cấp trực mỗi ca 90.000 đồng, cuối tháng nhận về thêm gần 400.000 đồng. Hầu hết y bác sĩ bệnh viện công nếu không làm ngoài khó có thể duy trì được cuộc sống", bác sĩ Tiến nói.

Khi chuyển sang bệnh viện tư nhân, bác sĩ Tiến chia sẻ bệnh viện chi trả tiền trực rất cao, có thể 1 - 1,5 triệu đồng/ca trực. Khi biết Bộ Y tế đề xuất thay đổi mức phụ cấp này, bác sĩ Tiến vui cho các đồng nghiệp. Tuy nhiên, anh cũng cho rằng tăng phụ cấp dự kiến sẽ không đáng kể do nguồn thu của bệnh viện không tăng.

"Có thể chỉ tăng 10 - 20% so với hiện hành, cải thiện không đáng kể so với giá cả thị trường ngày càng tăng cao", bác sĩ Tiến nói.

Là điều dưỡng tại một bệnh viện hạng II tại Hà Nội, chị Nguyễn Quỳnh Thư ngán ngẩm khi nhắc đến mức thu nhập của mình. Lương khởi điểm vỏn vẹn hơn 4 triệu kèm theo phụ cấp trực mỗi tháng thêm gần 1 triệu. Tổng thu nhập hằng tháng nhận về hơn 5 triệu khiến chị chật vật khi chi tiêu.

"Nói làm việc tại bệnh viện ai cũng nghĩ thu nhập sẽ tốt lắm, nhưng thực tế thì ngoài công việc ở bệnh viện tôi phải bán hàng online thêm mới đủ trang trải. Thử hỏi với phụ cấp ăn trưa 15.000 đồng/ngày thì liệu chúng tôi có thể ăn gì khi một ổ bánh mì cũng đã 20.000 đồng", chị Thư nói.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bác sĩ Hà Ngọc Cường (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) nói phụ cấp cho nhân viên y tế thực sự đã lỗi thời so với giá cả leo thang như hiện nay. 

Trung bình mỗi tuần bác sĩ Cường có một buổi trực 24/24 giờ, phụ mổ trung bình 1 ca/ngày, thế nhưng tổng thu nhập vỏn vẹn chưa đầy 7 triệu/tháng.

"Chúng tôi cũng rất mong lương, phụ cấp có thể giúp cán bộ y tế đủ chi trả cho cuộc sống và có nguồn để chúng tôi nâng cao năng lực chuyên môn. Thực tế hầu hết các bác sĩ đều "chân trong - chân ngoài" mới đủ sống, vô hình trung sẽ khiến bác sĩ không thể tập chung chuyên môn tại bệnh viện", bác sĩ Cường nói.

Một bác sĩ đang công tác tại khoa ung bướu bệnh viện công lập tại TP.HCM cho biết phụ cấp ca mổ hiện nay rất thấp, nhiều ca mổ kéo dài 7 - 8 tiếng đồng hồ nhưng bác sĩ chính chỉ được 280.000 đồng.

Chính điều này dẫn đến các bác sĩ thường phải làm thêm bên ngoài mới đủ lo chi phí sinh hoạt hằng ngày. Nhiều người thường mổ thêm tại bệnh viện tư với mức chi trả rất hấp dẫn. Về lâu dài nếu vẫn giữ phụ cấp như hiện nay sẽ khó giữ chân nhân viên y tế tại bệnh viện công lập.

Bệnh viện lo lắng vì giá khám chữa bệnh không tăng

Dự kiến tháng 11-2024 Bộ Y tế sẽ trình Thủ tướng nội dung tăng phụ cấp phẫu thuật và thủ thuật, tăng tiền trực và tiền ăn cho cán bộ y tế. Việc thay đổi phụ cấp đặc thù cho cán bộ, người lao động làm việc tại cơ sở y tế công lập được kỳ vọng sẽ nâng cao đời sống.

Theo một lãnh đạo bệnh viện tại Hà Nội, hiện nay hầu hết các bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên vì vậy việc chi trả tiền lương, phụ cấp cho người lao động đều do bệnh viện tự hạch toán, chi trả.

"Tăng phụ cấp là chính đáng khi vật giá ngày càng leo thang. Thế nhưng với các bệnh viện, giá dịch vụ y tế không thay đổi, nguồn thu vẫn vậy.

Từ tháng 7 tăng lương cơ sở bệnh viện đã phải lấy quỹ phát triển sự nghiệp để chi trả lương nhân viên. Nếu tăng phụ cấp cũng khiến bệnh viện khó khăn trong thu - chi. Nhưng khó khăn ra sao thì phải khi có quy định cụ thể mới có thể tính toán được", vị này chia sẻ.

Lãnh đạo bệnh viện cũng cho rằng, song song với việc tăng lương, tăng phụ cấp, Bộ Y tế cần đề xuất tính đúng tính đủ cấu phần giá dịch vụ y tế để các bệnh viện có thể phát triển bền vững.

Bác sĩ Hà Ngọc Cường cũng cho rằng việc tăng lương, phụ cấp là nhu cầu chính đáng của người lao động. Thế nhưng, nếu chỉ tăng lương, phụ cấp mà khoản thu của bệnh viện không tăng thì kéo theo đó là những khoản thưởng khác cũng giảm để bù chi. 

"Tính đi, tính lại thì thu nhập của người lao động vẫn vậy. Vì vậy, cần có chính sách đầu tư đúng mức cho bệnh viện công, tính đủ giá cấu phần", bác sĩ Cường mong.

Đại diện Bệnh viện quận 7 (TP.HCM) cho biết phụ cấp phẫu thuật thủ thuật, tiền trực tiền ăn cho nhân viên y tế bắt buộc phải tăng, thậm chí phải làm sớm hơn. Quyết định 73 năm 2011 về phụ cấp cho nhân viên y tế đã lạc hậu, trong khi lương tối thiểu vùng, lương công nhân viên chức cũng đã tăng nhưng giá khám chữa bệnh và phụ cấp vẫn đứng im.

Theo quy định hiện hành, bác sĩ mổ chính ca mổ đặc biệt chỉ được phụ cấp 280.000 đồng. Để được đứng mổ bác sĩ phải học rất nhiều, sau khi tốt nghiệp đại học phải thực hành 18 tháng tại bệnh viện, sau đó tiếp tục học lên chuyên khoa, học lên tiếp mới có thể đứng mổ; chi phí để học không hề nhỏ, nhưng phụ cấp lại rất thấp.

"Cần đẩy nhanh quy trình để tăng phụ cấp cho nhân viên. Một bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình sau tốt nghiệp đại học phải học thêm 6 năm nữa mới được mổ. Lương và phụ cấp làm nhân viên y tế hài lòng, người bệnh và bác sĩ đều an tâm điều trị và phát triển chuyên môn", vị này cho hay.

Theo vị này, khi tăng tiền phụ cấp cho nhân viên y tế thì bắt buộc phải điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, nếu không sẽ rất bất cập. Trước đó tăng lương cơ sở nhưng giá dịch vụ khám chữa bệnh không tăng dẫn đến hiện nay nhiều bệnh viện tự chủ đang rất căng thẳng khi chi trả lương.

"Bệnh viện tôi có hơn 300 cán bộ nhân viên, mỗi tháng đang phải lấy quỹ để chi trả thêm 3,5 tỉ đồng cho nhân viên y tế sau khi lương cơ sở mới có hiệu lực. Chính vì vậy phải nhanh chóng thay đổi giá dịch vụ khám chữa bệnh khi tăng lương hoặc tăng phụ cấp cho nhân viên y tế.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
2 tuần trước - Anh- Bác sĩ Rachel Gibson, 47 tuổi, ngừng tim sau ca phẫu thuật thay khớp háng tại Bệnh viện Spire Lea do bị tiêm quá liều thuốc gây tê cục bộ.
1 tháng trước - TP HCM- Bác sĩ Kha ngồi ở buồng điều khiển, cách bệnh nhân nam hơn 10 m, chỉ huy cùng lúc bốn cánh tay robot mổ cắt khối u ung thư tiền liệt tuyến.
3 tuần trước - Hà Nội- Cầm kết quả mắc bệnh thận mạn tính, ông Hồ Hồng Việt suy sụp, muốn buông xuôi khi nghĩ về tương lai phải gắn với giường bệnh, sống nhờ chiếc máy chạy thận.
3 tuần trước - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa thực hiện thành công ca ghép tim xuyên Việt đầu tiên, giúp đem lại sự sống cho bệnh nhân mắc bệnh tim nặng.
1 tháng trước - Bộ Y tế đề xuất quy định tỉ lệ hưởng bảo hiểm y tế 100% trong phạm vi mức hưởng đối với một số trường hợp đặc thù, người bệnh được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo…
Xem tin bài khác
52 phút trước - Hà Nội- Tăng cân sau sinh khiến Linh ngán ngẩm khi nhìn mình trong gương, cô quyết nhịn ăn gián đoạn, ăn theo quy tắc bàn tay kết hợp tập luyện thay đổi vóc dáng.
52 phút trước - Tôi thường xuyên nhận được thịt cá sạch từ quê gửi lên, nên đã dự trữ đầy ắp ngăn đông tủ lạnh, điều này có tốt? (Hà, 35 tuổi, Hà Nội)
6 giờ trước - Viêm da tiếp xúc, nấm da, nhiễm trùng da do vi khuẩn và ghẻ nước là những bệnh da thường gặp trong mùa mưa bão, có thể trở nên nghiêm trọng nên không được chăm sóc, điều trị đúng cách.
6 giờ trước - 'Khi bước sang tuổi 50, phần lớn mọi người sẽ đi ngủ sớm hơn so với những năm 20 hay 30 tuổi. Thế nhưng, họ sẽ khó chìm vào giấc ngủ hơn'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!
6 giờ trước - Đi bộ là cách tuyệt vời để tập thể dục. Tuy nhiên, bài tập đơn giản này - nếu đi quá nhiều, vẫn có thể dẫn đến các vấn đề như đau chân, đau nhức cơ, đau khớp, sưng và đau ống quyển.