ttth247.com

Cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường: Tín hiệu tốt từ Trường Trường Chinh

Ông Trịnh Duy Trọng - hiệu trưởng nhà trường - giải thích: "Chúng tôi không cấm học sinh mang điện thoại vào trường nhưng các em không được sử dụng trong khuôn viên giáo dục của trường, kể cả giờ ra chơi".

Sân trường không điện thoại

"Trường chúng tôi có hai sân, sân trong và sân trước. Học sinh được sử dụng điện thoại ở sân trước, là khu vực để xe trong lúc tan học. Còn khi đã bước vào sân bên trong là không được tùy tiện sử dụng điện thoại, chỉ trừ những tiết học giáo viên yêu cầu học sinh mới được sử dụng" - ông Trọng nói thêm.

Cũng theo ông Trọng, từ chủ trương trên Trường THPT Trường Chinh truyền thông đến học sinh giờ ra chơi các em cần vận động, trò chuyện, giao lưu, vui chơi với bạn bè để phát triển kỹ năng, tạo mối quan hệ...

"Từ khi thực hiện quy định trên, không còn cảnh tụm năm tụm ba, cắm cúi vào điện thoại trong giờ ra chơi nữa. Thay vào đó, sân trường đông học sinh hơn, các em chơi thể thao rất nhiều" - ông Trọng cho hay.

Trong khi đó, Trường tiểu học, THCS và THPT Ngô Thời Nhiệm (TP.HCM) cho học sinh sử dụng điện thoại có kiểm soát.

"Cấm tuyệt đối sẽ gây ức chế cho các em. Trong giai đoạn chuyển đổi số, nhiều tiết học yêu cầu học sinh phải sử dụng điện thoại để làm việc nhóm, ghi hình... Vì vậy trường chúng tôi cho phép học sinh mang điện thoại đi học nhưng khi vào trường phải nộp cho bảo vệ hoặc giáo viên chủ nhiệm" - ông Tưởng Nguyên Sự, hiệu trưởng nhà trường, cho hay.

Theo ông Sự, mỗi lớp ở trường này có một tủ để điện thoại của học sinh. Những tiết học có sử dụng điện thoại, giáo viên chủ nhiệm sẽ phát cho học sinh vào đầu tiết, hết tiết thu lại.

"Với học sinh bán trú, đầu mỗi buổi học sẽ nộp điện thoại cho giáo viên. Cuối buổi học các em sẽ nhận lại điện thoại để liên hệ với phụ huynh, đặt xe công nghệ để về nhà... Học sinh nội trú thì đầu tuần nộp điện thoại đến cuối tuần học sinh sẽ nhận lại trước khi về thăm nhà.

Trường chúng tôi có thuận lợi là giáo viên chủ nhiệm ở trường suốt cả ngày nên việc giữ điện thoại của học sinh không có gì khó khăn" - ông Sự thông tin thêm.

Theo ông Sự, mặc dù đã có quy định và khi thực hiện nhà trường cũng khá linh hoạt chứ không cứng nhắc. Ví dụ trong ngày có thể học sinh lấy điện thoại để gọi cho cha mẹ có việc cần thì giáo viên chủ nhiệm vẫn đáp ứng.

Sau khi học sinh gọi xong vẫn nộp lại điện thoại rồi cuối giờ mới nhận mang về. Quy định trên được đa số phụ huynh ủng hộ và đồng tình.

"Trường chúng tôi cũng đã thực hiện từ nhiều năm nay như thế. Tuy nhiên học sinh không phải em nào cũng làm theo. Có em mang theo hai cái điện thoại, một cái nộp cho giáo viên và giữ lại một cái để sử dụng. Do đó ngoài quy định thì các giáo viên vẫn phải để mắt, kiểm tra, nhắc nhở để các em tuân thủ" - ông Sự nói thêm.

Chuyện chiếc ba lô 28 triệu đồng

Về việc sử dụng điện thoại của học sinh, chị N.T. - một phụ huynh ở quận 7, TP.HCM - kể một buổi sáng chủ nhật chị nhận được điện thoại cho biết con trai đang học lớp 9 đặt mua một ba lô giá... 28 triệu đồng. 30 phút sau họ sẽ giao tới.

"Tôi tá hỏa hỏi lại thì con xác nhận đúng. Cháu kể giờ nghỉ trưa ở trường vào phòng bán trú nhưng không ngủ, cả nhóm lấy điện thoại lướt web. Rồi bốn học sinh cùng sa đà vào trang bán hàng online dành cho tuổi teen.

Cái mẫu ba lô này cháu và các bạn rất thích do nhà sản xuất chỉ làm đúng năm cái, không sợ bị đụng hàng. Được các bạn khuyến khích "thích là nhích", con tôi đặt hàng luôn. Tôi nghe mà tá hỏa, 28 triệu bằng cả một tháng lương của hai vợ chồng tôi chứ ít đâu" - chị N.T. kể.

Chị T. kể nếu không mua họ sẽ bêu xấu con tôi trên mạng xã hội về tội "bom" hàng.

"Thằng con nước mắt ngắn dài, mặt đầy lo lắng bảo mẹ không mua con không sống nổi với những người bán hàng. Họ sẽ làm nhiều cách khiến mình không dám nhìn mặt bạn bè" - chị T. kể lại.

Sau lần đó, chị đề nghị trường cần cấm triệt để, không cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong trường học để học sinh được ngủ trưa.

Cô H.T.T. - giáo viên môn khoa học tự nhiên lớp 7 một trường THCS ở huyện ngoại thành TP.HCM - phát hiện học sinh lướt Facebook trong giờ học, bình luận theo kiểu khích tướng rồi thách thức nhau.

"Chỉ vì một lời bình luận trên mạng mà các em hẹn gặp nhau sau giờ học để giải quyết. Kinh nghiệm của tôi cho thấy cứ gặp nhau kiểu này là đánh nhau. Hôm đó thấy học sinh cứ cắm cúi xuống mặt bàn, em còn giả bộ lấy cuốn sách dựng lên để che mắt giáo viên nữa.

May là tôi phát hiện và ngăn chặn ngay" - cô T. kể.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - Các trường học trên khắp nước Bỉ đang áp đặt lệnh cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học vì lo sợ vấn đề nghiện điện thoại và bắt nạt qua mạng.
6 ngày trước - Sau thời gian nghỉ hè, bước vào năm học mới thì việc sử dụng điện thoại của học sinh như một thói quen khiến các thầy cô khá vất vả trong việc kiểm soát.
5 ngày trước - Phía dưới bài viết của Báo Thanh Niên về Trường THPT Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM cấm học sinh dùng điện thoại di động trong toàn bộ thời gian 8 tiết chính khóa tại trường, kể cả giờ ra chơi, bạn đọc rần rần ủng hộ. Nhiều người nói 'Mong áp...
4 ngày trước - Bắt đầu năm học 2024-2025 có địa phương suôn sẻ, thầy cô và học sinh nô nức đến trường. Có nhiều trường, đến nay thầy trò phải nghỉ học do hậu quả khủng khiếp của bão Yagi.
5 ngày trước - Từ đầu năm học 2024-2025 này, một trường THPT ở Q.12, TP.HCM cấm học sinh dùng điện thoại di động trong suốt 8 tiết học trong trường, kể cả giờ ra chơi. Việc này nhằm giúp học sinh tập trung học tập, kết nối nhiều hơn với thầy cô, bạn bè.
Xem tin bài khác
3 giờ trước - MỸ - Sau khi cùng con “đánh vật“ với mấy trang bài tập rồi cả hai òa khóc vì quá căng thẳng, người mẹ quyết định gửi thư cho giáo viên bày tỏ quan điểm không muốn cô giao bài tập về nhà cho con tuổi mẫu giáo.
4 giờ trước - Em thấy không hợp với Luật nên đang tìm hiểu ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, mong mọi người cho lời khuyên.
5 giờ trước - Đó là chia sẻ của ông Luke Turner, giám đốc điều hành Trường song ngữ quốc tế Emasi Nam Long, TP.HCM, về việc tổ chức "Tuần lễ sẻ chia" hướng về vùng bão lũ cho học sinh.
7 giờ trước - Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường thực hiện các giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
8 giờ trước - Huân chương Cành cọ hàn lâm ghi nhận nỗ lực không ngừng nghỉ của TS Phan Thị San Hà trong việc xây dựng và phát triển Trung tâm CARE, cũng như bồi đắp mối quan hệ giữa Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) và các đối tác Pháp.