ttth247.com

Cây xanh lâu năm trong đô thị: Giữ thì bất an, cắt lại sợ dư luận

Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với ông Lê Công Phương, giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh, về vấn đề này.

Đứng ngồi không yên

* Thưa ông, khi thấy cây xanh mà đơn vị mình từng ngày chăm bón gặp sự cố, hay bị ngã đổ..., cảm xúc của ông như thế nào?

- Mỗi khi nhận được tin cây xanh mà do mình chăm sóc bị sự cố thì anh em chúng tôi rất buồn, lo lắng và suy nghĩ.

Lo nghĩ vì có những sự cố không lường trước được có thể lại xảy ra. Không ai muốn có những sự việc như vậy cả.

Nghề này cũng rất cực khổ, công việc anh em cũng nguy hiểm.

Chúng tôi luôn cố gắng đảm bảo an toàn cho người dân. Khi trời mưa gió là anh em cây xanh "đứng ngồi không yên".

* Vậy những cây lâu năm ở TP.HCM được chăm sóc ra sao?

- Hiện nay, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM là một trong những nhà thầu đang chăm sóc cây xanh trên địa bàn TP.

Công ty chăm sóc hơn 83.000 cây xanh các loại, trong đó có khoảng 7.600 loại 3 (cây lâu năm, cổ thụ). Các cây này tập trung ở các tuyến đường quận 1, 3, 5, 10, 11. Những công viên có cổ thụ nhiều là: Tao Đàn, Gia Định...

Riêng đối với cây xanh phân loại 3, chủng loại sao đen và dầu con rái là 4.900 cây chiếm số lượng lớn nhất (64,5% cây phân loại 3). Những cây này có từ trước, một số cây đã trên 100 năm. Cây có chiều cao phổ biến trên 25m, một số từ 35 - 40m.

Các cây xanh do công ty chăm sóc đều phải thực hiện theo quy trình kỹ thuật ban hành. Các cây được "khám tổng quát" hai lần mỗi năm.

Ngoài ra chúng tôi thực hiện công tác tuần tra hằng ngày nhằm phát hiện các nhánh khô, cành chết, cây nghiêng nguy hiểm, các hành vi xâm hại cây xanh... để báo cáo chủ đầu tư xử lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn.

Phải hạn chế thấp nhất sự cố cây xanh

* Thời gian qua hình ảnh cây xanh bị cắt trơ cành lá gây nhiều ý kiến trái chiều. Ông có thể nói rõ hơn về kỹ thuật chăm sóc cây để rộng đường dư luận?

- Trong sổ tay hướng dẫn của Sở Xây dựng, có hướng dẫn về việc cắt tỉa cành lá trong lần không quá 25%. Nhưng hiện nay có một số cây bị cắt khá trơ trọi, trụi lủi. Lý do là để đảm bảo an toàn.

Về việc này, chúng tôi khẳng định các cây sao đen cắt tỉa vừa qua tại trung tâm TP không phải là cách chăm sóc phổ biến của công ty.

Những tháng vừa rồi tình hình thời tiết TP có những diễn biến bất thường làm một số cây bị tét cành nhánh, gãy, bật gốc. Đặc biệt, sự cố rơi vào hai loại cây là cây sao đen và dầu (loại 3). Những vụ trên đã gây thiệt hại về người và tài sản người dân.

Vì vậy, công ty cũng đề xuất và thực hiện thu gọn, hạ chiều cao tán một số cây sao đen (loại 3) ở các tuyến đường, khu vực trong thời gian vừa qua đã xuất hiện sự cố. Việc này nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Những cây sao đen này cũng đã được thu gọn và cắt thấp trước đây. Và hiện nay, các cây xanh này đã phục hồi. Chúng tôi cũng tiếp tục theo dõi và chăm sóc để cây có tán được cân đối và an toàn. Đối với cây dầu thì công ty thực hiện chăm sóc tỉa thưa và thu gọn tán chứ không thể hạ thấp được.

* Hiện nay khi đốn hạ, thay mới một cây xanh lâu năm trên đường phố, dư luận bàn tán rất nhiều, ông có chia sẻ gì?

- Như đã nói, chúng tôi thực hiện tuần tra hằng ngày. Khi cây có dấu hiệu bất thường như khô cành, sâu mọt... thì đề xuất chủ đầu tư xử lý.

Với cây lâu năm, hiện nay chúng tôi có phiếu khảo sát sơ bộ. Sau đó so sánh phiếu khảo sát với tiêu chí rồi mới đề xuất phải đốn hạ thay thế hay gom vùng tán, hạ chiều cao.

Không phải tự nhiên mà anh em đem xe, máy móc ra để hạ cây. Các cây đốn hạ, thay mới đều lưu hồ sơ rõ ràng về tình trạng cây, mức độ nguy hiểm... Đồng thời, phải có văn bản cho phép của cơ quan chức năng thì mới thực hiện.

Do đó, mong người dân hiểu và không chia sẻ, đăng tải các thông tin sai lệch, gây bức xúc trong dư luận.

Cần xác định cây được bảo tồn, cây cần thay mới

* Các chuyên gia Hội đồng công viên quốc gia Singapore (Nparks) nhận định cây xanh quá lớn không thích hợp trồng trên đường phố. Đơn vị nhận định sao về ý kiến này?

- Vừa qua, công ty cũng phối hợp với Hiệp hội Cây xanh Việt Nam mời các chuyên gia Singapore (thuộc Công viên quốc gia Singapore - Nparks) để tập huấn công tác đánh giá những rủi ro cây xanh đô thị tại TP.

Đúng như các chuyên gia đánh giá, cây xanh là sinh vật sống, cũng như con người, cây cũng có tuổi thành thục, tuổi thọ của nó. Đối với các cây trên đường phố cũng không để cây xanh quá cao lớn, trừ các cây được bảo tồn hoặc cây di sản như Singapore đã làm.

* Vậy cây lâu năm không thuộc diện bảo tồn thì cần thay thế khi tới tuổi?

- Việc này cơ quan quản lý chuyên ngành nên xem xét tổ chức hội thảo về an toàn cây xanh đô thị và mời các chuyên gia góp ý. Trong đó, việc xác định chu kỳ thay thế cây xanh, quản lý rủi ro cây xanh cần được thảo luận kỹ.

Nếu ngay từ đầu chúng ta quy định rõ ràng khu vực nào trồng loài cây gì, bao nhiêu năm sẽ thay thế thì sẽ không vấp phải dư luận khi thay mới cây xanh.

* Như vậy, TP.HCM nên ban hành danh mục cây bảo tồn để xác định được cá thể, quần thể cây nào giữ lại và có cách chăm sóc riêng biệt? Cây nào kích thước lớn nhưng không thuộc dạng bảo tồn thì thay mới cho an toàn?

- Hiện nay, TP.HCM chưa ban hành danh mục cây bảo tồn. Đối với cây xanh được bảo tồn thì sẽ có chế độ chăm sóc đặc biệt, công tác kiểm tra, đánh giá theo dõi sẽ được quan tâm đặc biệt hơn.

Ngoài ra, đối với các cây xanh loại 3 (cổ thụ) không thuộc diện bảo tồn thì các cơ quan quản lý cũng cần có chủ trương về quy hoạch, lộ trình, tiến độ cải tạo, thay thế cụ thể. Chủ trương này cần được phổ biến rộng rãi để người dân biết và đồng thuận khi thực hiện.

Nói thêm để hiểu rõ, không phải cây có kích thước lớn thì sẽ bảo tồn. Nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

Ví dụ đối với cá thể thì xác định tiêu chí loài, tuổi thọ, kích thước, chất lượng thẩm mỹ, môi trường, vị trí mọc gắn với di tích lịch sử. Còn quần thể cây thì không cần tiêu chí về kích thước.

Nhưng dù gì thì tiêu chí an toàn phải đặt lên hàng đầu. Nếu như cây đó không an toàn thì nhất thiết phải thay thế để không gây nguy hiểm cho người dân.

* Cây xanh mọc trong tự nhiên có không gian lớn để phát triển. Cây trong đô thị tất nhiên sức chống chịu yếu hơn. Cây trồng mới cũng không trồng sâu xuống được, cây lâu năm thì bị xâm hại qua thời gian. Ông có đề xuất gì?

- Rõ ràng cây xanh trong môi trường đô thị gặp nhiều bất lợi hơn so với môi trường tự nhiên.

Đối với môi trường đô thị, quá trình phát triển cơ sở hạ tầng ít nhiều có tác động đến cây xanh như cải tạo, mở rộng đường, đào vỉa hè thi công lắp đặt hệ thống điện, nước... đã làm ảnh hưởng đến hệ thống rễ. Cây xanh đô thị cũng không thể trồng sâu xuống được vì rất nhiều hạ tầng ngầm bên dưới.

Ngoài ra mật độ xây dựng, các công trình nhà cao tầng ngày càng nhiều đã làm thay đổi hướng gió, gây nên hiệu ứng đường hầm dẫn đến cây xanh dễ bị tét nhánh, gãy đổ nhiều hơn.

Bên cạnh đó ý thức của một bộ phận tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Chúng tôi từng ghi nhận nhiều hành vi xâm hại cây xanh đô thị như đổ hóa chất độc hại để giết cây, đốn hạ cây xanh trái phép, tự ý trám bít gốc cây, đóng đinh treo bảng quảng cáo trên cây...

TP.HCM cần có biện pháp chế tài mạnh đối với các hành vi xâm hại cây xanh đô thị gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống cây xanh. Con người có những ứng xử làm cây xanh suy yếu thì những sự cố cây xanh tất yếu sẽ xảy ra.

Hà Nội trồng lại cây sau bão: Phải làm kỹ, không thể nhanh được

Ngày 13-10, ông Nguyễn Thế Công, phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết qua thống kê chưa đầy đủ, cây bóng mát tại Hà Nội có gần 1,2 triệu cây (trồng trên 1.310 tuyến đường, phố, công viên, vườn hoa, địa điểm công cộng và trong khuôn viên tổ chức, cá nhân).

Với 12 quận, có khoảng 142.000 cây xanh (chưa bao gồm cây trong khuôn viên của các tổ chức, cá nhân).

TP Hà Nội giao các đơn vị quản lý theo phân cấp: Sở Xây dựng quản lý hơn 700.000 cây xanh (gồm 194.000 cây đô thị và 510.000 bóng mát, lấy gỗ) tại 12 quận, 107 tuyến đường cao tốc, quốc lộ, đường vành đai, đường tỉnh, các đường trên địa bàn các huyện, thị xã và công viên Thủ Lệ; UBND cấp huyện quản lý khoảng 461.000 cây tại các địa bàn còn lại.

Về quy trình cứu cây đổ ngã sau bão, ông cho biết trước hết các đơn vị đánh giá, phân loại theo chỉ đạo của UBND TP. Sau đó, sẽ rà soát đánh giá từng cây cụ thể.

Sau khi bão số 3 quét qua Hà Nội, theo thống kê chưa đầy đủ, tại thủ đô có hơn 40.000 cây xanh bị gãy đổ, gãy cành. Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Hưng, giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội), cho biết Hà Nội cứu được 4.103 cây, gồm 3.513 cây được dựng lại ngay tại chỗ sau khi đổ và 608 cây được mang về vườn ươm để trồng lại.

"7.635 cây gãy đổ không cứu được đã được cắt thành các khúc gỗ ngắn mang về kho chờ đấu giá. Riêng cây quý hiếm, cây lịch sử và cây cổ thụ có 98 cây bị gãy đổ. Trong đó, cứu được 33 cây", ông Hưng thông tin.

Về việc chăm sóc cổ thụ, cây lịch sử bị đổ ngã sau bão, ông Hưng cho biết trong 35 cây gãy đổ, TP đã trồng lại tại chỗ được 33 cây, còn 2 cây phải mang đi vườn ươm chăm sóc. "Chúng tôi dùng máy cẩu 100 tấn để cẩu và dựng lại các cây gãy đổ tại chỗ, mang đi tới vườn ươm.

Việc chăm sóc cây xanh bị gãy đổ hiện tại chúng tôi chỉ thực hiện việc tưới cây, còn công tác chống thối rễ, cắt rễ, kích rễ, hàn sẹo thì đã làm ngay trước khi trồng lại cây, chứ không thể để tới bây giờ được", ông Hưng nói.

Về việc trồng thay thế các cây bị gãy đổ, ông Hưng cho biết đơn vị đang thống kê, lập dự toán và đấu thầu.

"Giờ cây nhập khẩu sau những vụ sai phạm trong quá trình trồng cây xanh thì chắc chúng tôi sẽ không chọn, nên chỉ chọn cây nội địa để trồng lại. Chúng tôi đang đi khảo sát nguồn cây để trồng lại cây cho phù hợp. Phải làm kỹ lưỡng, không thể nhanh được", ông Hưng nói.

Kinh nghiệm trồng cây ở châu Á

Ở châu Á, đặc biệt là những nơi thường đối mặt với bão như Nhật Bản, Philippines và Đài Loan, việc chăm sóc và bảo vệ cây xanh trong mùa bão thường được đặc biệt quan tâm.

Việc này bao gồm chọn lựa các loài cây phù hợp với điều kiện thời tiết của địa phương, quản lý tốt đất đai và cây xanh, cũng như áp dụng các biện pháp bảo vệ cây khỏi gió to, lũ lụt và xói mòn đất.

Nhật Bản: thường ưu tiên trồng những loài cây bản địa có khả năng chống chịu bão tốt như thông và dã hương nhờ có hệ thống rễ sâu và khỏe chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Hàn Quốc: tiên phong trong việc áp dụng công nghệ hiện đại để theo dõi sức khỏe của cây trước các tác động của thiên tai.

Như áp dụng các cảm biến và hệ thống thông tin địa lý (GIS) để thu thập và phân tích dữ liệu về cây nhằm giám sát tình trạng sức khỏe chung của cây. Các cảm biến được lắp đặt trên và xung quanh cây để đo nhiều yếu tố khác nhau, như độ nghiêng của cây, độ ẩm của đất và tốc độ phát triển của rễ.

Những dữ liệu này sẽ giúp nhận diện sớm các vấn đề như rễ cây yếu hoặc bị thiếu nước, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời trước các đợt bão để giúp cây chống chịu với sức gió và mưa lớn tốt hơn.

Đài Loan: cũng áp dụng tương tự với trọng tâm là tăng cường hệ thống rễ và đảm bảo rằng các cây xanh trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão được cắt tỉa đúng cách.

Singapore: Ông Eric Ong, giám đốc cây xanh đô thị thuộc Hội đồng công viên quốc gia Singapore (Nparks), thừa nhận cũng có lúc đất nước của ông cây xanh ngã đổ nhiều do thiên tai.

Tháng 9-2024, Singapore chịu ảnh hưởng của lốc xoáy làm 300 cây bị bật gốc, ngã đổ.

Dù đây là sự cố do thiên tai, tuy nhiên đơn vị phải rút kinh nghiệm, tìm phương pháp để giảm thiểu nguy cơ cây ngã đổ. Ông Eric Ong cũng nhận định đối với biến đổi khí hậu, những phương án chăm sóc cây xanh mà các đơn vị đã và đang làm là chưa đủ.

Philippines: ưu tiên chọn cây chống chịu gió như dừa, bàng biển và phi lao - những loài cây có hệ rễ phát triển sâu và rộng, thích nghi tốt với môi trường địa phương.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
2 tuần trước - Thời gian qua, nhiều cây xanh tại nhiều tuyến đường trung tâm TP.HCM được cắt tỉa nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa. Tuy nhiên có nhiều cây xanh bị cắt trụi lủi, chỉ còn phần thân đứng trơ trọi.
1 tháng trước - Tôi đang sống ở quần thể chung cư 'Liên Hiệp Quốc' gần cầu Sài Gòn. Chung cư có biệt danh ấy vì nơi đây có hàng trăm cư dân mang hàng chục quốc tịch khác nhau'.
1 tháng trước - Sáng 8.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (bão Yagi).
1 tháng trước - Trong 12 tiếng tàn phá miền Bắc, bão Yagi vẫn giữ được cấp gió mạnh khi đi qua Quảng Ninh - Hải Phòng, nó bắt đầu suy yếu nhanh khi đi qua Hải Dương và Hà Nội.
1 tháng trước - Hà Nội vừa có thêm một người thiệt mạng do cây đổ trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy.
Xem tin bài khác
2 giờ trước - Lào Cai- Hàng trăm người dân ở thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu và xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà đang sống tạm trong lều lán, chờ nhà tái định cư sau sạt lở.
2 giờ trước - Kon Tum- Kẻ gian liên tục lẻn vào vườn nhổ trộm hàng nghìn gốc sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông khiến người trồng lo lắng.
4 giờ trước - Lửa từ tầng một nhanh chóng lan lên căn hộ tầng cao của tòa nhà 7 tầng ở quận Sơn Trà, người dân hốt hoảng tìm lối thoát hiểm, tối 18/10.
4 giờ trước - Chiều 18/10, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương (T.Ư) tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ.
5 giờ trước - Đà Nẵng- Lửa từ tầng một nhanh chóng lan lên căn hộ tầng cao của tòa nhà 7 tầng ở quận Sơn Trà, người dân hốt hoảng tìm lối thoát hiểm, tối 18/10.