ttth247.com

Cha mẹ bạo bệnh, nữ sinh Hà Tĩnh vẫn là HS giỏi tỉnh, tiến vào ĐH Y Hà Nội

Dù nhận kết quả 29,25 điểm ba môn khối C00 (văn - sử - địa) kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng cô gái 18 tuổi ấy nói với Tiếp sức đến trường: "Cầm giấy báo nhập học trên tay vẫn cứ ngỡ như giấc mơ vì đây là ngành mới mở, nhà trường chỉ lấy 20 sinh viên".

Mẹ rối loạn tâm thần, cha gặp bạo bệnh

Thùy sinh ra trong gia đình thuần nông ở thôn Trà Sơn, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Từ đường liên huyện, muốn vào đến nhà Thùy còn phải vượt con đường dài, hẹp, dốc và ngoằn ngoèo. Thùy có nước da ngăm, đôi mắt đượm buồn, luôn chực nảy lệ khi nghe hỏi về chuyện gia đình.

Thùy là con thứ ba trong gia đình năm chị em gái. Từ lúc cha gặp bạo bệnh, nỗi căng thẳng của gia đình càng hiện rõ. Mẹ Thùy - bà Trần Thị Hòa (48 tuổi) - mắc chứng rối loạn tâm thần, nhiều lúc như đứa trẻ. Bà cũng chẳng phụ gánh vác được gì cùng chồng, chỉ có thể làm vài việc trong nhà mỗi lúc tỉnh táo.

Người cha Nguyễn Sỹ Lâm (45 tuổi) có thể nói là nguồn sống của cả nhà theo đúng nghĩa của từ này. Hồi sau Tết vừa rồi, ông trở lại công trường ở Đắk Lắk làm phụ hồ nhưng chưa được bao lâu lại bị sốt xuất huyết. Nằm một tuần tại trung tâm y tế mà không đỡ, cả nhà quyết định đưa cha về nhà chữa trị.

Vượt cả ngàn cây số về quê, đường gập ghềnh, ông về đến nhà trong tình trạng máu mũi và tai chảy không ngừng. Được chuyển ngay vào bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán ông bị xuất huyết não do đi chặng đường dài, cơ thể bị rung lắc phải chuyển ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An điều trị. Đến nỗi mẹ phải gọi chị gái Thùy đang ở TP.HCM về gấp vì có thể cha không qua khỏi.

May mà cha may mắn giữ được tính mạng song kể từ ngày ấy nguồn thu nhập của gia đình gần như mất toàn bộ, sống dựa vào sự giúp đỡ của họ hàng. Dù đang chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhưng Thùy lao vào làm thêm, buổi lên trường buổi còn lại phụ hái sim thuê hay việc gì làm được bạn đều xin làm.

Ngày ra Hà Nội nhập học, 10 triệu đồng trong tay là toàn bộ số tiền Thùy kiếm được trong những ngày vừa ôn thi vừa đi làm. Dù đã ở trọ cùng chị, tối giản mọi nhu cầu sinh hoạt, ăn ở nhưng bài toán những năm học phía trước cũng cực kỳ khó giải.

Niềm tự hào của gia đình nghèo túng: Các con vào đại học

Tìm về nhà Thùy, ngay đầu thôn gặp người phụ nữ chừng 50 tuổi chỉ tay về phía vườn tràm nói: "Nhà ông Lâm tít dưới kia, gia đình hoàn cảnh nhưng con cái học giỏi lắm". Tiếp chuyện, ông Lâm bảo từ hồi đổ bệnh đến nay không làm nổi việc nặng, cuốc có luống rau cũng thấy mệt chứ trước đây bôn ba khắp nơi không quản việc chi.

Vốn sinh ra khốn khó, không học hành, ông Lâm phải chăn trâu, cắt cỏ kiếm sống. Theo người làng vào Đắk Lắk hái cà phê thuê, ông gặp và nên duyên vợ chồng với bà Trần Thị Hòa. Năm cô con gái lần lượt ra đời, cả nhà dựa vào 3 sào ruộng, rồi làm thuê. Hai vợ chồng cần cù, thu nhập cũng tạm đủ chi tiêu và nuôi con ăn học cho đến khi cả hai đổ bệnh.

Là trụ cột gia đình lại không thể làm việc nặng, mọi sinh hoạt, ăn uống hằng ngày, việc học rồi thuốc thang chữa bệnh đều trông vào khoản trợ cấp 750.000 đồng mỗi tháng của người vợ cùng 3 sào ruộng lúa. "Đến bữa ăn cũng ít khi có thịt cá mà chỉ toàn rau củ nhà tự trồng được, các con tôi cũng quen rồi" - ông Lâm nói.

Dẫu vậy, niềm vui trong ngôi nhà vất vả ấy là kết quả học hành của các con. Con gái đầu vừa tốt nghiệp ĐH, cô thứ hai đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. Năm nay tới lượt con gái thứ ba vào ĐH. Hai con gái còn lại đang học lớp 9 và lớp 5.

Phút tỉnh táo ngồi bên nghe chồng kể, bà Hòa rơm rớm nước mắt nói hai vợ chồng đã khổ rồi nên muốn đời các con sẽ khác. Ba mẹ luôn động viên các con phải học, kiếm cái chữ dù phải vay mượn khắp nơi. Thậm chí bán nhà lo cho con ăn học họ cũng tính tới dù khoản nợ hơn 400 triệu đồng vay ngân hàng nhiều năm trước để xây căn nhà nhỏ đang ở còn chưa biết khi nào mới có thể trả.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
3 ngày trước - 100 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ 11 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã tụ hội tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang chiều 18-10 nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024 của báo Tuổi Trẻ.
3 ngày trước - 100 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ 11 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã tụ hội tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang chiều 18-10 nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024 của báo Tuổi Trẻ.
1 tuần trước - Trung Quốc- Giấu bố mẹ ruột, Trương Kiến Hà tình nguyện hiến 2/3 lá gan cho bố chồng bị ung thư.
1 tuần trước - Naomi Armel, tên khai sinh Phạm Thị Hòa không có ký ức về Việt Nam nhưng nhớ như in khung cảnh khắp nơi tuyết trắng của mùa đông 1996 trong ngày đầu đến Pháp.
3 tuần trước - Sống bấp bênh trên những con thuyền tròng trành, những hộ dân vạn chài trên sông Lam (xã Xuân Lam, H.Hưng Nguyên, Nghệ An) vốn nghèo khó, đến mùa mưa bão càng cực khổ hơn.
Xem tin bài khác
55 phút trước - Hơn một năm trước, anh Đặng Trịnh Bộ (sinh năm 1984, vốn là người khuyết tật ở thôn Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) bị đột quỵ qua đời. Vợ anh Bộ là chị Nguyễn Thị Hòa đã hiến tạng chồng tại Bệnh viện Việt Đức.
1 giờ trước - Quê tôi, vùng đất ngày xưa được gọi là 'tiểu Đồng Nai', thực ra là vùng đất nghèo. Ngày xưa, có ruộng cấy lúa nước, lại là ruộng nhất hay nhì đẳng điền, đã mặc nhiên được coi là 'trù phú'.
1 giờ trước - Mưa sao băng Orionids có nguồn gốc từ sao chổi cổ đại nổi tiếng Halley đạt cực điểm tối nay ở Việt Nam.
1 giờ trước - Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VII (nhiệm kỳ 2024 - 2029) đã hiệp thương chị Nguyễn Thị Tuyết Kha làm Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
1 giờ trước - Anh Nguyễn Bảo Tân, Phó bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum, được luân chuyển giữ chức vụ Phó bí thư Huyện ủy Đăk Hà (Kon Tum).