ttth247.com

Chặng mới của đổi mới giáo dục

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói: "Năm học mới 2024-2025 là năm Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai từ lớp 1 đến lớp 12. Nhiều khó khăn, thách thức trong triển khai chương trình mới đang dần được khắc phục. Ngành giáo dục cũng nhận được nhiều hơn sự chia sẻ, thấu hiểu của người dân và xã hội và sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành. Đó là thuận lợi căn bản để ngành giáo dục tiếp tục lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo".

Ưu tiên hoàn thiện thể chế

* Có thể xếp thứ tự từ 1 đến 3 những nhiệm vụ quan trọng mà ông cho rằng ngành giáo dục ưu tiên và đầu tư thích đáng trong năm học tới, thưa bộ trưởng?

- Việc xếp thứ tự là khó vì các nhiệm vụ đều có ý nghĩa và vai trò riêng, khớp nối tạo thành một tổng thể. Tuy nhiên có thể tạm nêu như sau: ưu tiên hàng đầu sẽ là hoàn thiện thể chế, trong đó có việc tham mưu trình Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ để triển khai kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị. Cùng với đó là việc ban hành kế hoạch hành động của ngành giáo dục nhằm triển khai chương trình hành động của Chính phủ và trình Quốc hội dự án Luật Nhà giáo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Năm học 2024-2025, quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ hoàn tất chu trình với các lớp cuối cùng của các cấp học. Dù vẫn còn khó khăn về điều kiện thực hiện nhưng không còn bỡ ngỡ, giáo viên, học sinh đã bắt nhịp đổi mới. Các địa phương đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư và ưu tiên cho triển khai đổi mới. Khép lại hành trình đầu tiên cũng là để mở ra hành trình tiếp theo với sự đổi mới đi vào chiều sâu, bền vững và thực sự tạo ra một diện mạo giáo dục phổ thông đổi mới căn bản và toàn diện.

Đây cũng sẽ là năm học đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT, công tác tuyển sinh đại học được tổ chức theo phương án mới đáp ứng yêu cầu của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Do đó đây sẽ là hai công việc quan trọng toàn ngành cần tập trung, dồn lực để thực hiện sao cho chất lượng và hiệu quả.

Năm học 2024-2025, ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Trong đó ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ thuật cao, bao gồm ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn như yêu cầu trong công điện ngày 23-8-2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Gỡ các "nút thắt" về đội ngũ nhà giáo

* Người thầy là nhân tố quan trọng để thực hiện các mục tiêu giáo dục nhưng nhiều vấn đề khó khăn, bất cập liên quan tới giáo viên vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm từ các năm học trước đến nay. Vậy chuẩn bị bước vào năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất và triển khai những giải pháp nào để thúc đẩy việc này?

- Đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong vài năm qua đã có nhiều nỗ lực để giải quyết các vấn đề khó khăn về đội ngũ giáo viên, trong đó toàn ngành đã được Bộ Chính trị giao gần 66.000 biên chế. Chế độ tiền lương cho đội ngũ giáo viên cũng tiếp tục được cải thiện. Dù chưa thể giải quyết được ngay tất cả các vướng mắc nhưng từng "nút thắt" đã được nhìn nhận đầy đủ cả về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp phải thực hiện. Chúng ta sẽ cần thời gian, cần thêm thể chế, cần thêm chính sách, cần thêm nguồn lực, cần thêm sự quan tâm, quyết liệt, đồng bộ hơn nữa để giải quyết.

Nhìn lại năm học vừa qua, toàn ngành đã tuyển dụng được gần 20.000 giáo viên nhưng số lớp học (mầm non và phổ thông) cũng tăng gần 10.000 lớp nên trong năm học mới cả nước vẫn thiếu gần 20.000 giáo viên.

Bộ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ số chỉ tiêu biên chế còn lại theo quyết định 72 của trung ương, quyết liệt đôn đốc các địa phương tuyển hết số biên chế được giao từ các năm trước và giao bổ sung. Đồng thời chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền và điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên của địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác.

* Vấn đề lương nhà giáo, các chế độ đãi ngộ sẽ tiếp tục được cải thiện như thế nào để "giữ chân" các thầy cô giáo, đồng thời thu hút người giỏi vào ngành sư phạm?

- Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu các cơ quan có thẩm quyền xây dựng chính sách tiền lương đối với giáo viên theo tinh thần kết luận số 91-KL/TW và nghị quyết 27-NQ/TW để "lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng".

Thời gian qua, các chính sách ưu tiên dành cho sinh viên sư phạm, các thay đổi về tiền lương cơ bản đã tác động tích cực đến việc lựa chọn theo học ngành sư phạm của học sinh. Điểm tuyển vào ngành sư phạm tăng cao, số lượng học sinh đăng ký vào các ngành sư phạm tăng cao là dấu hiệu đáng mừng. Nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện được các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực để thu hút, "giữ chân" giáo viên.

Luật Nhà giáo, giáo viên được gì?

* Trong năm học 2024-2025, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội. Dự án luật này được thông qua sẽ có tác động như thế nào đến chất lượng giáo dục cũng như đội ngũ nhà giáo, thưa bộ trưởng?

- Theo kế hoạch, dự án Luật Nhà giáo được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ tám (tháng 10-2024) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ chín (tháng 5-2025). Luật Nhà giáo được xây dựng bám sát các quan điểm, mục đích: Tiếp tục luật hóa đầy đủ các quan điểm đường lối, định hướng của Đảng và Nhà nước về giáo dục nói chung và nhà giáo nói riêng, nhất là quan điểm "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu", nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục". Luật phải phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước với nền kinh tế - xã hội đang chuyển đổi.

Luật Nhà giáo sẽ tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra, những lỗ hổng về thể chế, bất cập về chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo. Cùng với đó sẽ xây dựng một số chính sách mới khả thi để củng cố, nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng và cơ cấu, chuẩn hóa về chất lượng, chuyên nghiệp về kỹ năng nghề, yêu nghề và gắn bó hết lòng với sự nghiệp giáo dục. Các chính sách lớn có lưu ý tới độ phổ quát cho cả hệ thống công và hệ thống tư.

Dự kiến khi Luật Nhà giáo được ban hành, ngành giáo dục sẽ có công cụ pháp lý đủ mạnh để quản lý và phát triển đội ngũ nhà giáo cả trong và ngoài công lập, tạo sự bình đẳng về cơ hội phát triển giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập, thu hút người giỏi đến với nghề dạy học, giữ chân nhà giáo giỏi trong nghề.

Ngành giáo dục cũng chủ động hơn trong quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo, khắc phục tình trạng thừa/thiếu cục bộ đối với giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. 

Đối với đội ngũ nhà giáo, khi luật ban hành, nhà giáo sẽ được nâng tầm vị thế, vai trò, được xã hội ghi nhận, tôn vinh, được bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp, được mở rộng cơ hội phát triển nghề nghiệp. Luật Nhà giáo cũng sẽ góp phần nâng cao đời sống, giúp nhà giáo yên tâm công tác và tạo động lực để nhà giáo tận tâm cống hiến với nghề bằng chính sách tiền lương và phụ cấp tốt hơn.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
2 tuần trước - Nhân dịp khai giảng năm học 2024-2025, khi công cuộc đổi mới giáo dục đang bước sang một chặng mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có cuộc chia sẻ với Tuổi Trẻ.
2 tuần trước - Tôi đang sống ở quần thể chung cư 'Liên Hiệp Quốc' gần cầu Sài Gòn. Chung cư có biệt danh ấy vì nơi đây có hàng trăm cư dân mang hàng chục quốc tịch khác nhau'.
1 tháng trước - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tổng thống Timor-Leste José Ramos-Horta tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực viễn thông, cung cấp giải pháp dịch vụ số và thăm dò,...
1 tháng trước - Cuối tháng 5 năm 1975, tôi may mắn được theo đoàn nhà văn miền Trung lên Đà Lạt.
2 tuần trước - Trong sổ tay phóng viên của tôi, bốn chữ "hội nhập quốc tế" xuất hiện từ những năm 1990. Tuy nhiên, để đến được cụm từ hay lạ đó, Việt Nam đã phải chòi đạp khai phá con đường đổi mới và mở cửa từ năm 1986.
Xem tin bài khác
4 giờ trước - Sau khi lập biên bản các trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội sẽ gửi thông báo về địa phương xác minh; gửi về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
4 giờ trước - Quảng Ninh- Hai tuần sau khi bão Yagi hoành hành gây thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng, Quảng Ninh và Hải Phòng đang huy động nhiều nguồn lực để phục hồi kinh tế.
4 giờ trước - Sân vận động Thống Nhất sẽ được sửa chữa các hạng mục tại khán đài, sân cỏ, đường chạy, xây ba khán đài mới với quy mô 3 tầng, kinh phí dự tính hơn 149 tỷ đồng.
4 giờ trước - Địa phương lên kế hoạch dùng 4.200 tỷ đồng ngân sách địa phương để làm ba dự án môi trường và giao thông, nhằm thay thế cho nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới.
4 giờ trước - Nhà ga metro sẽ được xây ở Trung tâm thương mại dịch vụ vòng xoay A1 rộng 7 ha tại thành phố mới Bình Dương, kết nối tuyến metro đến Suối Tiên, TP HCM.