ttth247.com

Châu Á loay hoay khi tuổi già ập tới

Số người trên 60 tuổi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vài thập niên tới. 

Sự già hóa dân số nhanh chóng tại các quốc gia/vùng lãnh thổ trên khắp khu vực này không chỉ đặt ra câu hỏi ai sẽ chi trả cho lương hưu cao hơn, mà còn đặt ra thách thức về cách thức đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần ngày càng tăng.

"Quả bom hẹn giờ" nhân khẩu học

Nhiều câu chuyện từ Malaysia, Thái Lan, Singapore... cho thấy sự già hóa đang diễn ra nhanh chóng tại châu Á - Thái Bình Dương, gây căng thẳng cho xã hội hơn bao giờ hết. Điều đó cho thấy các khoản đầu tư từ sớm, gồm cả đầu tư vào chăm sóc sức khỏe, quan trọng ra sao.

Như trường hợp ông Santokh Singh - chuyên gia tư vấn 63 tuổi sống tại Kuala Lumpur (Malaysia), dù đã quá tuổi nghỉ hưu 3 năm, nhưng ông vẫn tiếp tục làm việc khi nhận thấy lương hưu và tiền tiết kiệm của mình sẽ khó có thể duy trì cuộc sống trong những năm tháng cuối đời.

"Nếu tiết kiệm đủ tiền để nghỉ hưu, tôi sẽ tự tin để nghỉ ngơi vì được đảm bảo về mặt tài chính" - ông chia sẻ với báo South China Morning Post, đồng thời cho biết thêm mục tiêu chính của ông khi về già là theo đuổi hạnh phúc và tạo dựng thêm những mối quan hệ mới.

Hay như trường hợp bà Gaysorn Chobtham (76 tuổi) - sống một mình ở vùng nông thôn Thái Lan với mức thu nhập dưới 50 USD/tháng - và nhiều người châu Á lớn tuổi khác gặp bất lợi về tài chính và xã hội, thì họ chỉ có mong muốn duy nhất là không trở thành gánh nặng cho người khác trong những năm tháng cuối đời.

Châu Á - Thái Bình Dương đang "già đi", nhưng chính phủ và hầu hết người dân tại khu vực này đang phải vật lộn để theo kịp tốc độ. Chi phí chăm sóc sức khỏe và lương hưu đang tăng lên, ngay cả khi lực lượng lao động nộp thuế đang ít lại, tạo ra cái gọi là "quả bom hẹn giờ nhân khẩu học".

Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, đến năm 2050, số người trong nhóm từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng vọt lên 1,3 tỉ người, chiếm khoảng 1/4 dân số ở châu Á - Thái Bình Dương. Sự thay đổi nhân khẩu học này là chưa từng có về tốc độ, một phần do sự suy giảm mạnh mẽ về tỉ suất sinh.

Hiện nay trung bình 57% số người trong nhóm tuổi này mắc ít nhất một bệnh không lây nhiễm, phổ biến nhất là tăng huyết áp, tiểu đường và bệnh tim, nhưng chỉ có 4/10 người được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Gần 1/3 có các triệu chứng trầm cảm gia tăng, trong đó nhiều người nói rằng họ cảm thấy bị cô lập hoặc cô đơn.

Đâu là giải pháp?

Theo chia sẻ của nhà kinh tế trưởng Albert Park của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trên báo Financial Times cuối tuần qua, việc đầu tư vào chăm sóc sức khỏe theo thời gian có thể đảm bảo một thế hệ người cao tuổi khỏe mạnh hơn, năng suất hơn và ít cần chăm sóc hơn.

Điều quan trọng nhất là làm thế nào đảm bảo phúc lợi cho số người cao tuổi đang tăng vọt. Sức khỏe là khía cạnh quan trọng nhất của phúc lợi, vì ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Nó cũng có tác động quan trọng đối với các khía cạnh khác, chẳng hạn như hiệu quả công việc, an ninh kinh tế, gia đình và đời sống xã hội.

Các nước sẽ cần phải mở rộng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe dài hạn, dù điều này có thể tốn kém. Qua thời gian, việc đầu tư nhiều hơn vào chăm sóc sức khỏe có thể đóng góp vào "lợi tức bạc" (silver dividend) vì nhóm người cao tuổi khỏe mạnh hơn sẽ có năng suất cao hơn và cần ít sự chăm sóc hơn. Trên thực tế, ADB ước tính năng lực làm việc chưa được khai thác của người cao tuổi có thể giúp tăng GDP tới 1,5% ở một số nền kinh tế châu Á.

Hơn nữa, lợi ích đáng kể về sức khỏe và kinh tế có thể tích lũy thông qua việc phòng ngừa bệnh tật. Các chương trình dựa vào cộng đồng đã đạt được kết quả đầy hứa hẹn trong việc giảm sử dụng thuốc lá, kiểm soát huyết áp, quản lý bệnh tiểu đường và khám sức khỏe. Thúc đẩy hoạt động thể chất và thực phẩm lành mạnh có thể giảm thiểu bệnh tật.

Ngoài chính sách chăm sóc sức khỏe, các nhà hoạch định chính sách ở các nước cũng phải giải quyết các thách thức liên quan như tình trạng việc làm phi chính thức tràn lan và bất bình đẳng giới nghiêm trọng. Người lao động phi chính thức được hưởng ít hoặc không được bảo vệ tại nơi làm việc; và nhiều người không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục làm việc cho đến khi sức khỏe không còn nữa.

Có thể đưa ra các chính sách giúp người cao tuổi dễ dàng làm việc hơn, ví dụ bằng cách cung cấp các ưu đãi cho người sử dụng lao động để thuê và giữ chân người lao động lớn tuổi, điều chỉnh mô hình làm việc. Độ tuổi nghỉ hưu có thể được tăng lên theo thời gian và linh hoạt hơn, chế độ trả lương dựa trên thâm niên có thể được cải cách…

Và quan trọng, chính phủ các nước có thể và phải nỗ lực hơn nữa để trao cho công dân "quyền lập kế hoạch và chuẩn bị cho tuổi già". Các chính sách nên tập trung vào việc chuẩn bị suốt đời, khuyến khích không chỉ lối sống lành mạnh mà còn việc học tập liên tục để cập nhật kỹ năng mới, cũng như lập kế hoạch tài chính dài hạn cho việc nghỉ hưu. Nói chung đầu tư sớm sẽ là chìa khóa thành công.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Mưa bão và lũ lụt tuần qua đã khiến ít nhất 250 người tử vong ở khắp châu Á, với đa số nạn nhân ở Ấn Độ và Trung Quốc, trong khi Pakistan và CHDCND Triều Tiên cũng bị ảnh hưởng.
3 tuần trước - Tạp chí Time Out (Anh) công bố danh sách 13 thành phố có cuộc sống về đêm tuyệt vời nhất trên thế giới, trong đó có sự góp mặt của 3 đại diện châu Á.
2 tuần trước - Các nhà khoa học phát hiện ra rằng loài ong ruồi đỏ đã lập đàn ở châu Âu lần đầu tiên, theo tờ The Guardian hôm nay 30.8 dẫn lại một nghiên cứu mới.
1 tuần trước - Nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở châu Á đang gặp tình trạng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ngày càng tăng.
1 tháng trước - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm một loạt sáu quốc gia châu Á từ 27-7. Chuyến công du diễn ra vào thời điểm được coi quan trọng đối với chính trị Mỹ, sau khi Tổng thống Joe Biden quyết định dừng tái tranh cử vào ngày 21-7 vừa qua.
Xem tin bài khác
28 phút trước - Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah ngày 19.9 đã lên tiếng về vụ nổ của hàng trăm thiết bị liên lạc được các thành viên của lực lượng này sử dụng ở Li Băng.
1 giờ trước - Mỹ chưa tính rút ngay hệ thống tên lửa tầm trung triển khai tại Philippines và đang thử nghiệm khả năng sử dụng hệ thống này nếu có xung đột ở khu vực.
2 giờ trước - Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen khẳng định ban lãnh đạo cấp cao và nhân dân Cuba rất mong chờ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp nhà nước đến Cuba.
2 giờ trước - Thủ tướng Lebanon kêu gọi Liên Hiệp Quốc cứng rắn với 'chiến tranh công nghệ' của Israel sau vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm làm chết 37 người.
2 giờ trước - Chính quyền Li Băng hôm nay 19.9 đã cấm mang máy bộ đàm và máy nhắn tin lên các chuyến bay từ sân bay ở thủ đô Beirut, theo Hãng tin Quốc gia Li Băng.