ttth247.com

Chính quyền loay hoay đòi đất nhà thầu

Thi công xong, "quên" trả đất

Năm 2004, để xây dựng công trình thủy điện Bản Vẽ (xã Yên Na, H.Tương Dương, Nghệ An), UBND H.Tương Dương đã giải phóng hơn 76 ha mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư là Ban quản lý (BQL) Dự án thủy điện 2 mượn đất, để các nhà thầu làm nhà ở cho công nhân và làm khu nhà điều hành.

Đến năm 2011, công trình thủy điện này hoàn thành, thay vì phải tháo dỡ nhà cửa, trả lại mặt bằng cho UBND H.Tương Dương, nhiều nhà thầu đã tự ý bán lại các dãy nhà ở của công nhân và nhà điều hành cho một số hộ dân ở địa phương.

Vì thế, diện tích đất mượn để làm công trình tạm sau nhiều năm vẫn không được BQL Dự án thủy điện 2 bàn giao cho chính quyền do người dân đã đến làm nhà ở và sinh sống.

Chính quyền loay hoay đòi đất nhà thầu- Ảnh 1.

Những dãy nhà cũ của các nhà thầu được bán lại cho người dân sinh sống 12 năm qua

ẢNH: K.HOAN

Chị Lữ Thị Diệm, một người dân đã làm nhà và đang sinh sống trên đất từng thuộc khu nhà ở công nhân thi công thủy điện, cho biết năm 2011, sau khi thủy điện hoàn thành, chị mua lại căn nhà này của một nhà thầu thi công với giá 15 triệu đồng.

Năm 2012, vợ chồng chị mới cưới nhau, chưa có đất ở, thấy nhiều người đến đây mua lại nhà ở của công nhân nên cũng mua để ở mà không hề nghĩ nhà thầu chỉ bán tài sản trên đất.

"Khi mua cũng không làm giấy tờ gì và cứ nghĩ là họ bán cả nhà và đất. Nhà này vợ chồng em phải xây lại tường, lợp lại mái tôn vì lúc đó nhà đã hư hỏng. Sau khi mua ở, cán bộ xã và huyện đến bảo phải di dời để trả lại đất cho huyện, nhưng đi thì biết ở đâu?", chị Diệm nói.

Năm 2005, gia đình anh Vi Văn Xay (ngụ xã Yên Na) được di dời đến khu tái định cư ở bản Khe Ò (xã Lượng Minh, H.Tương Dương) để nhường đất xây dựng thủy điện Bản Vẽ. Nhưng sau 4 năm sinh sống, một vụ lở núi, đá lăn làm sập căn nhà bếp của nhà hàng xóm khiến anh Xay và nhiều hộ dân khác phải bỏ khu tái định cư vì sợ núi tiếp tục lở.

Sau một thời gian làm lán ở tạm ven đường, năm 2012, anh Xay mua lại 2 gian nhà của một nhà thầu thi công thủy điện Bản Vẽ với giá 10 triệu đồng. "Thấy họ bán thì mình mua vì đang rất cần chỗ ở. Gia đình mình ở từ đó đến nay và nếu phải trả đất thì lại ra đường dựng lán để ở thôi", anh Xay phàn nàn.

Tương tự gia đình anh Xay, nhiều hộ dân khác mua lại khu nhà ở của các nhà thầu thi công thủy điện Bản Vẽ cũng từng được bố trí tại khu tái định cư Khe Ò và phải bỏ đi vì sợ lở núi. Các hộ dân khác cũng thuộc diện hoàn cảnh khó khăn, không có đất ở nên đã tìm đến đây mua lại nhà và sinh sống tại khu đất này.

Chờ luật Đất đai mới

Nhiều năm qua, UBND H.Tương Dương đã vào cuộc để thu hồi hơn 76 ha đất kể trên, tuy nhiên, do 94 hộ dân đã mua nhà ở của các nhà thầu thi công thủy điện và đang sinh sống nên việc thu hồi hết sức khó khăn.

Một cán bộ xã Yên Na cho biết, trước khi các đơn vị thi công rút đi, họ đã tự ý bán tài sản trên đất cho người dân mà không báo chính quyền địa phương. Phần lớn người dân không hiểu quy định của pháp luật nên cứ nghĩ mua nhà là mua luôn đất, một số người biết luật nhưng cũng không chịu dỡ nhà trả lại đất vì thực sự họ khó khăn về chỗ ở.

Xã và huyện đã nhiều lần tổ chức họp, đến từng nhà vận động người dân trả lại mặt bằng nhưng người dân lại "năn nỉ" được huyện tạo điều kiện để sinh sống lâu dài tại đây.

Chính quyền loay hoay đòi đất nhà thầu- Ảnh 2.

Khu đất dọc QL48C này được người dân làm nhà ở từ nhiều năm qua sau khi các nhà thầu bán lại nhà ở

ẢNH: K.HOAN

Ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng phòng TN-MT H.Tương Dương, cho biết theo quy định của pháp luật, sau khi hoàn thành công trình, chủ đầu tư phải bàn giao lại mặt bằng cho địa phương quản lý. Thế nhưng, do các nhà thầu thi công đã tự ý bán tài sản trên đất cho dân nên không có mặt bằng sạch để bàn giao.

Sau khi rút đi, các nhà thầu hoặc đã giải tán, hoặc không có mặt tại địa phương nên không thể phối hợp giải quyết. Trách nhiệm không bàn giao mặt bằng thuộc về chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Bản Vẽ (trước đây là BQL Dự án thủy điện 2).

Trong khi đó, theo báo cáo của BQL Dự án thủy điện 2, có 94 hộ dân đang sử dụng các công trình lán trại, nhà ở của nhà thầu để lại trên phần đất này. Thời gian qua, BQL Dự án thủy điện 2 đã nhiều lần triển khai thu dọn, hoàn trả mặt bằng nhưng không thực hiện được do người dân không chấp nhận trả phần đất đã chiếm dụng.

Năm 2022, UBND H.Tương Dương đã thành lập tổ liên ngành để kiểm tra, rà soát và đòi lại khu đất này. Ông Nguyễn Phùng Hùng cũng cho hay, tháng 4 vừa qua, chủ đầu tư Dự án thủy điện Bản Vẽ đã làm việc với tổng thầu là Công ty CP Sông Đà và các đơn vị liên quan để tháo gỡ vướng mắc.

Chủ đầu tư đề nghị các nhà thầu thi công đã bán tài sản cho người dân phải làm việc với từng hộ dân để người dân bàn giao đất. Đến nay, phần đất người dân không làm nhà ở đã được thu dọn, song còn 4,3 ha chưa thể bàn giao vì 94 hộ dân này đang sinh sống.

"Theo luật Đất đai 2013, toàn bộ nhà dân đang sống ở đây phải tháo dỡ để bàn giao mặt bằng cho chính quyền quản lý. Nhưng luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực và theo quy định tại điều 16 về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và điều 8 Nghị định 102/NĐ-CP quy định về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã mở ra hướng xử lý dễ dàng hơn. Chúng tôi đang chờ hướng dẫn thi hành luật và nếu đủ điều kiện sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xử lý theo hướng cấp đất cho người dân sinh sống lâu dài", ông Hùng nói.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
2 tuần trước - Tôi đang sống ở quần thể chung cư 'Liên Hiệp Quốc' gần cầu Sài Gòn. Chung cư có biệt danh ấy vì nơi đây có hàng trăm cư dân mang hàng chục quốc tịch khác nhau'.
14 giờ trước - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng đã đến lúc nông dân miền Tây buộc phải thay đổi khi năng suất, sản lượng của cây lúa dần chạm ngưỡng, dư địa phát triển đã không còn.
1 tháng trước - Thành phố muốn cải tạo nhà trọ từ năm 2006, lập quỹ cho vay sửa chữa, xây mới phòng cho công nhân thuê... nhưng sau gần 20 năm việc triển khai vẫn còn lúng túng.
1 tháng trước - Vì sao TP.HCM phải điều chỉnh bảng giá đất tăng cao như vậy, có giải pháp nào dung hòa để vừa không lo pháp lý, vừa được đồng thuận cao.
1 tháng trước - Việc xin gia hạn thêm thời gian hoạt động dự án nhà máy lắp ráp ô tô Mercedes-Benz tại quận Gò Vấp, được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu ra làm ví dụ về vướng mắc cơ chế, chính sách cản trở phát triển.
Xem tin bài khác
31 phút trước - Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 4 khiến một số tuyến đường tại H.Hướng Hóa (Quảng Trị) sạt lở gây cản trở giao thông.
1 giờ trước - Hai phó thủ tướng cùng chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.
1 giờ trước - Tối 19-9, Đồn biên phòng Đắc Pring (Bộ đội biên phòng Quảng Nam) cho biết sau nhiều giờ huy động cán bộ chiến sĩ cùng lực lượng địa phương, toàn bộ dân ở thôn 56B, xã Đắk Pre (huyện Nam Giang) đã được sơ tán tới nơi an toàn.
1 giờ trước - Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đem tới những thông điệp lớn, quan trọng, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, với vai trò trung tâm của Liên Hiệp Quốc đối với hòa bình,...
1 giờ trước - Trong quá trình tránh trú bão số 4 ở Khánh Hoà, một ngư dân Bình Định trượt chân ngã đập đầu vào thành tàu cá rồi rơi xuống biển, tử vong