ttth247.com

Chồng thoát di chứng đột quỵ nhờ vợ nhanh chóng gọi cấp cứu

TP HCMÔng Huỳnh, 55 tuổi, đang uống cà phê gần sân bay Tân Sơn Nhất đột ngột không nói được, liệt nửa người bên phải, vợ nghi chồng đột quỵ nên lập tức gọi cấp cứu.

"Chồng tôi mắc bệnh nền rung nhĩ, bác sĩ từng cảnh báo nguy cơ đột quỵ nên tôi luôn lưu vào điện thoại các địa chỉ cấp cứu phòng khi cần", vợ ông Huỳnh nói hôm 23/10, sau khi chồng được can thiệp thành công tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

"Lúc đấy tôi quyết định gọi điện thoại đến Bệnh viện Tâm Anh yêu cầu cấp cứu do đây là bệnh viện gần sân bay Tân Sơn Nhất nhất", bà nói thêm. BS.CKI Nguyễn Phương Trang, khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nói rằng cự ly gần và tốc độ phản ứng nhanh của người vợ giúp tăng cơ hội cứu sống ông Huỳnh.

Theo bác sĩ Trang, nhận tin cấp cứu, trong khi đội y tế đến hiện trường thì bệnh viện kích hoạt sẵn quy trình cấp cứu đột quỵ (Stroke Code). Ông Huỳnh được đưa đến bệnh viện chỉ sau 10 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng. Đây là điều kiện tiên quyết để nâng cao hiệu quả cứu sống, hạn chế tổn thương não cao nhất cho người bệnh.

Kết quả đo điện tim loại trừ nguy cơ ông Huỳnh bị nhồi máu cơ tim. Chụp CT 1975 lát cắt sọ não ghi nhận dấu tăng quang động mạch não giữa bên trái (dấu hiệu cho thấy cục máu đông). Bác sĩ xác định ông bị đột quỵ nhồi máu não giờ đầu do tắc nghẽn mạch máu não, loại trừ đột quỵ chảy máu não. Đánh giá theo thang điểm NIHSS, tình trạng đột quỵ của bệnh nhân là 23, thuộc mức rất cao. NIHSS là thang điểm dùng để đánh giá tiên lượng lâm sàng đối với bệnh nhân đột quỵ cấp. Bệnh nhân có điểm số càng cao phản ánh mức độ đột quỵ càng nặng.

Ông Huỳnh có bệnh nền rung nhĩ (dạng rối loạn nhịp tim mạn tính do tâm nhĩ trái co bóp bất thường) hơn ba năm. Bác sĩ Trang giải thích tim co bóp không đều khiến máu bị ứ đọng sâu trong tâm nhĩ, dễ hình thành cục máu đông. Nguy cơ đột quỵ tăng cao khi cục máu đông trôi theo dòng tuần hoàn máu lên đến não.

Dấu tăng quang động mạch não giữa bên trái trên hình chụp CT sọ não của ông Huỳnh. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Dấu tăng quang động mạch não giữa bên trái trên hình chụp CT sọ não của ông Huỳnh. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch sau gần 20 phút tính từ khi nhập viện. Đồng thời, bác sĩ truyền thuốc đối quang để sẵn sàng chụp CTA mạch máu não, đánh giá chuyên sâu các mạch máu lớn. 10 phút sau truyền thuốc tiêu sợi huyết, các triệu chứng lâm sàng cải thiện, điểm NIHSS giảm còn 17 cho thấy một phần mạch máu não đã được tái thông, giảm tổn thương não, hạn chế di chứng, tạo điều kiện phục hồi chức năng thần kinh.

Kết quả chụp CTA mạch máu não bệnh nhân ghi nhận tắc hoàn toàn động mạch não giữa bên trái tại vị trí nhánh M1. Bác sĩ hội chẩn nhanh chỉ định can thiệp nội mạch ngay để tranh thủ "giờ vàng" tái thông mạch máu não lớn cho người bệnh. Dưới sự hỗ trợ của máy chụp mạch máu DSA, êkíp luồn ống thông siêu nhỏ hút hết huyết khối ra ngoài chỉ trong 10 phút.

Êkíp can thiệp mạch đang loại bỏ huyết khối lớn giúp tái thông mạch máu não cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Tâm Anh

Êkíp can thiệp mạch loại bỏ huyết khối lớn giúp tái thông mạch máu não cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Tâm Anh

BS.CKI Dương Đình Hoàn, Trưởng Đơn vị Can thiệp Thần kinh, Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh và Điện quang Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh được truyền thuốc tiêu sợi sớm giúp giảm kích thước cục huyết khối. Từ đó, hỗ trợ quá trình can thiệp mạch nhanh, loại bỏ hoàn toàn huyết khối, tái thông mạch máu não sớm, giảm tối đa tổn thương não và tránh khỏi các khiếm khuyết thần kinh sau đột quỵ.

Hậu can thiệp nội mạch, sức khỏe ông Huỳnh cải thiện rõ rệt, có thể nói chuyện, phát âm rõ ràng, tự đưa tay chân lên được. Điểm NIHSS còn 1, gần như bình thường, tiếp tục lưu viện để theo dõi.

Động mạch não giữa bên trái của ông Huỳnh bị tắc (hình trái) và sau khi can thiệp nội mạch, tái thông hoàn toàn (hình phải). Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Động mạch não giữa bên trái của ông Huỳnh bị tắc (hình trái) và sau khi can thiệp nội mạch, tái thông hoàn toàn (hình phải). Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Sau 4 ngày, ông tự đi đứng, vận động nhẹ, nói chuyện linh hoạt, các chỉ số sinh hiệu ổn định. Ông được bác sĩ tầm soát các yếu tố nguy cơ có thể gây tái phát đột quỵ, có chỉ định phù hợp, xuất viện, tái khám sau một tuần.

Người bệnh rung nhĩ hoặc rối loạn nhịp tim có nguy cơ cao xảy ra đột quỵ nên tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa tim mạch, không tự ý ngừng thuốc. Thường xuyên kiểm soát các chỉ số huyết áp, nhịp tim, mỡ trong máu. Xây dựng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và nghỉ ngơi khoa học.

Người bệnh nên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát đột quỵ hàng năm. Từ đó, bác sĩ chuyên khoa sâu về tim mạch và thần kinh - đột quỵ phối hợp đánh giá những yếu tố nguy cơ đột quỵ tiềm ẩn, có biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.

Cấp cứu đột quỵ là tình trạng khẩn cấp. Từ kinh nghiệm của vợ ông Huỳnh, bác sĩ Trang khuyến cáo mỗi người nên tìm hiểu, lưu sẵn số điện thoại và địa chỉ các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu đột quỵ gần nhất. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ như miệng méo, yếu liệt tay chân hoặc nửa người, nói đớt, đau đầu, mờ mắt..., người bệnh hoặc người thân cần gọi ngay đến cơ sở y tế.

Trường Giang

* Tên người bệnh đã thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
3 tuần trước - Hàn Quốc- Park Ji Ah tử vong tại Trung tâm Y tế Asan, hưởng dương 52 tuổi do đột quỵ thiếu máu cục bộ, còn gọi nhồi máu não.
3 tuần trước - Giữa màn đêm tĩnh lặng, phòng trực Khoa Tim mạch, BV Hồng Ngọc vẫn sáng đèn. Tại đây, mỗi giây đều là cuộc chiến sinh tử, nơi các bác sĩ không chỉ cứu sống những trái tim lỗi nhịp mà còn đối mặt với thử thách khắc nghiệt nhất của nghề y.
2 tuần trước - Có những biểu hiện triệu chứng rõ ràng chúng ta nhận biết cần chăm sóc y tế ngay, nhưng rất nhiều các triệu chứng chúng ta gặp hằng ngày rất mơ hồ cảnh báo bệnh nguy hiểm chúng ta thường bỏ qua mà không biết đó là dấu hiệu bệnh tật nguy...
1 tháng trước - Tôi 49 tuổi, hay bị đau đầu dữ dội, lo mắc bệnh mạch máu não nguy hiểm. Làm cách nào có thể phát hiện bệnh chính xác để điều trị sớm? (Phương Oanh, TP HCM)
1 tháng trước - Ngừng tuần hoàn là hiện tượng tim mất chức năng, không co bóp, mạch không đập, dẫn đến không thể cung cấp máu cho các cơ quan trong cơ thể, ngay sau đó gây ra ngưng thở và mất ý thức.
Xem tin bài khác
45 phút trước - Theo CNN, những ngày qua nhiều thông tin trên TikTok cho rằng hormone căng thẳng cortisol có thể làm má và mí mắt sưng phồng đến mức không thể nhận ra, một tình trạng được gọi là 'mặt trăng'.
45 phút trước - Sau một lần ngáp to, có người không ngậm miệng lại được vì trật khớp thái dương - hàm (sái quai hàm). Dù hy hữu nhưng tình trạng này có thể thấy ở người đã từng mắc trước đó hay rối loạn khớp ở thái dương - hàm.
46 phút trước - Gần đây trên các mạng xã hội bỗng rộ lên trào lưu đi khám bệnh tổng quát bỗng phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối.
1 giờ trước - Công tố viên Istanbul truy tố 47 người, bao gồm bác sĩ và y tá, vì cố tình kéo dài thời gian nằm viện hoặc chuyển viện cho trẻ sơ sinh một cách không cần thiết để trục lợi.
1 giờ trước - Một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... sẽ bỏ thủ tục chuyển tuyến, được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.