ttth247.com

Chuyên gia Nhật Bản: Chùa Cầu đã phục hồi trạng thái vững chắc

Chuyên gia Nhật Bản nói Chùa Cầu đã phục hồi trạng thái vững chắc về mặt kết cấu nhưng cần theo dõi nền móng và có biện pháp đối phó với thiên tai, hỏa hoạn.

Chiều 3/8, Chùa Cầu được khánh thành sau 19 tháng trùng tu. Công trình nhận được sự trợ giúp cả về tài chính, kỹ thuật từ các chuyên gia, tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng cục Văn hóa Nhật Bản. VnExpress đã phỏng vấn ông Yamashita Shinichiro, Ủy viên Hội đồng về tài sản văn hóa, đại diện Tổng cục Văn hóa Nhật Bản về quá trình trùng tu cầu. Ông Yamashita Shinichiro có kinh nghiệm trùng tu di tích thành cổ Heijyo và phục dựng cung điện hoàng gia ở cố đô Nara.

Ông Yamashita Shinichiro, Ủy viên Hội đồng về tài sản văn hóa, Tổng cục Văn hóa Nhật Bản. Ảnh: Đắc Thành

Ông Yamashita Shinichiro, Ủy viên Hội đồng về tài sản văn hóa, Tổng cục Văn hóa Nhật Bản. Ảnh: Đắc Thành

- Ông tham gia vào quá trình trùng tù Chùa Cầu như thế nào?  

- Tháng 8/2022, đoàn chuyên gia Nhật Bản bắt đầu sắp xếp, điều chỉnh cơ chế tham gia hỗ trợ quá trình trùng tu Chùa Cầu với sự dẫn dắt của GS Tomoda ở Đại học nữ Chiêu Hòa. Kể từ khi công trình khởi công (ngày 28/12/2022), chúng tôi đã 3 lần phái cử chuyên gia vào tháng 3, tháng 6 và tháng 10/2023.

Lần phái cử đầu tiên là lúc công trình bắt đầu xây dựng nhà bao che để phục vụ cho công tác trùng tu, chúng tôi đã tư vấn kỹ thuật về nội dung này. Cùng với đó chúng tôi trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan đến công trình tu bổ trong giai đoạn tiếp theo với UBND TP Hội An và Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An.

Lần phái cử thứ hai vào tháng 6/2023, các bên đã tổ chức hội thảo về phương pháp khảo sát khi hạ giải phần mái và phần tường của công trình. Tại sự kiện này, chúng tôi đã có bài giới thiệu về phương pháp bảo tồn và tu bổ các công trình kiến trúc bằng gỗ của Nhật Bản, giới thiệu phương pháp khảo sát và hạ giải mẫu một phần công trình ở phần mái và tường, cũng như trao đổi ý kiến giữa chuyên gia Nhật Bản, các cán bộ, kỹ thuật viên người Việt Nam.

Lần phái cử thứ ba vào tháng 10/2023, chúng tôi tư vấn về việc tu bổ và cách lập tư liệu báo cáo quá trình này. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục trao đổi ý kiến với các bên về công trình.

- Theo ông, việc trùng tu Chùa Cầu khó nhất là điều gì?

- Khảo sát đánh giá cấu trúc nền móng do phía Đại học Bách khoa Đà Nẵng thực hiện cho thấy nền móng khu vực Chùa Cầu có phần hơi yếu. Chúng tôi đã kiểm tra và xác nhận điều này. Nền móng yếu dẫn đến lún, các cột trụ bằng gỗ, hệ thống dầm, mái cũng như toàn thể công trình có độ nghiêng nhất định. Chính vì vậy các bên cho rằng phải hạ giải toàn bộ công trình để tu bổ. Đây là quyết định tôi cho rằng khó nhất trong trùng tu Chùa Cầu.

Móng Chùa Cầu lún, dầm cầu hư hỏng có nguy cơ đổ sập nên thành phố Hội An dùng cây gỗ chống đỡ gầm cầu tháng 5/2019. Ảnh: Đắc Thành

Móng Chùa Cầu lún, dầm cầu hư hỏng có nguy cơ đổ sập nên TP Hội An dùng cây gỗ chống đỡ gầm cầu tháng 5/2019. Ảnh: Đắc Thành

Quyết định có hạ giải công trình hay không nằm ở Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An. Là cơ quan tham gia tư vấn, chúng tôi đã được đề cập vấn đề này từ hơn 10 năm trước, khi công trình xuống cấp nghiêm trọng. Nói vậy để thấy việc hạ giải công trình đã được tiến hành trên cơ sở cân nhắc, đánh giá rất thận trọng.

Thực tế cho thấy sau khi hạ giải, các bên bắt đầu nhìn thấy nhiều hơn dấu vết hư hỏng cũng như có khả năng công trình bị mất mát phần nào đó. Điều này lại tiếp tục đặt ra yêu cầu phải tu bổ một cách vô cùng kỹ lưỡng và cẩn thận. Đây cũng chính là điểm khó trong công tác trùng tu. Hy vọng những kinh nghiệm của Nhật Bản đã đóng góp phần nào đó trong tu bổ di tích Chùa Cầu.

- Ông đánh giá thế nào về kết quả trùng tu Chùa Cầu?

- Công trình tu bổ Chùa Cầu lần này được tiến hành bởi phía Việt Nam và chúng tôi cảm thấy rất hài lòng về kết quả đạt được. Có thể thấy thời gian tu bổ thực tế đã phải kéo dài hơn so với kế hoạch (dự kiến hoàn thành tháng 12/2023 nhưng đến 7/2024 mới xong). Lý do là sau khi hạ giải, phía Việt Nam đã thảo luận rất kỹ lưỡng xung quanh việc tu bổ công trình như thế nào cho hợp lý. Sau khi tham vấn, khảo sát kỹ lưỡng thực tế, việc tu bổ mới tiếp diễn.

Sau dự án trùng tu lần này, Chùa Cầu Hội An đã phục hồi được trạng thái vững chắc về mặt kết cấu. Trước đó Chùa Cầu luôn nằm trong tình trạng nguy hiểm khi phải dựng các cột trụ để chống đỡ hệ thống cột và dầm cầu. Với việc sử dụng kỹ thuật truyền thống về kết cấu trong trùng tu, Chùa Cầu đã trở nên chắc chắn hơn trong cấu trúc, kể cả có bỏ các cột chống đỡ đi thì vẫn đảm bảo được độ an toàn. Đây là điều hết sức quan trọng.

Sau khi công trình hoàn thành, báo cáo trùng tu đã được xuất bản, giúp ghi lại và công khai nội dung quá trình khảo sát, trùng tu. Chúng tôi kỳ vọng kết quả dự án trùng tu Chùa Cầu sẽ được lan tỏa tới các địa phương khác trên toàn Việt Nam, chứ không dừng ở Hội An.

- Một số người cho rằng Chùa Cầu quá mới, không còn rêu phong cổ kính. Ông nhìn nhận thế nào về nhận xét này? 

- Ở Nhật Bản chúng tôi cũng có trường hợp tương tự. Từ năm 2009 đến 2015, thành Himeji - di sản văn hóa thế giới - đã diễn ra cuộc đại trùng tu. Sau khi hoàn thành, phần bao bọc ngoài công trình được tháo ra làm xuất hiện hình dáng thành Himeji với màu tường sơn trắng. Nhiều người dân cho rằng màu sơn trắng có phần hơi tươi mới và chói sáng.

Đối với các ý kiến như thế, chúng tôi đã giải thích việc tu bổ đảm bảo bám sát chất liệu truyền thống của cấu kiện gốc cũng như phương thức kiến trúc truyền thống. Thực tế sau đó với sự ảnh hưởng của thời tiết, công trình đã dần dần trở lại màu sắc trầm lắng như xưa và hiện tại cũng không có vấn đề lớn nào xảy ra.

Thành Himeji và Chùa Cầu đều là di sản văn hóa thế giới, đều được tu bổ theo nguyên tắc trùng tu di sản văn hóa. Bản thân quá trình trùng tu chúng tôi đánh giá không xảy ra vấn đề gì cả.

Chùa Cầu trải qua năm tháng chắc chắn sẽ trở lại vẻ vốn có trước đây. Từ góc nhìn ngược lại, nếu nhìn kỹ công trình hiện tại, chúng tôi nghĩ đây sẽ là trạng thái duy nhất, chỉ bây giờ mới thấy được. Với ý nghĩa đó, cá nhân tôi cho rằng đây là thời điểm hiếm hoi chúng ta có thể chiêm ngưỡng và cảm nhận được một hình ảnh hơi khác lạ của Chùa Cầu so với thường thấy.

- Để Chùa Cầu tồn tại hàng chục năm tới, điều quan trọng nhất theo ông phải làm gì?

- Chúng tôi nghĩ có hai điểm cần lưu ý. Thứ nhất, như tôi có chia sẻ ở trên, vì bản thân phần nền móng của cầu có phần hơi yếu từ trước nên cần tiếp tục theo dõi xem sau này có sự biến động nào ở phần móng hay không.

Thứ hai, những biện pháp đối phó với thiên tai và hỏa hoạn là vô cùng quan trọng, luôn luôn phải thực hiện trong thời gian sau này.

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
2 tuần trước - Tôi đang sống ở quần thể chung cư 'Liên Hiệp Quốc' gần cầu Sài Gòn. Chung cư có biệt danh ấy vì nơi đây có hàng trăm cư dân mang hàng chục quốc tịch khác nhau'.
1 tháng trước - Một số tin tức đáng chú ý: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 10 dự luật; Thủ tướng yêu cầu tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất; Voi ở Thảo cầm viên Sài Gòn 'mừng thọ' 65 tuổi...
3 ngày trước - Đến chiều 16/9, 20 quốc gia và tổ chức quốc tế quyết định hoặc dự kiến hỗ trợ tổng giá trị hơn 22 triệu USD (550 tỷ đồng) giúp người dân vùng bão lũ phục hồi sinh kế.
3 ngày trước - New Zealand vừa công bố khoản đóng góp một triệu đôla New Zealand (617.000 USD), Ấn Độ chuyển 35 tấn hàng hỗ trợ người dân vùng bão lũ phục hồi sinh kế.
1 tuần trước - Có nhiều cách để lý giải tại sao Đà Nẵng lại trở thành 'thành phố đáng sống', nhưng theo các chuyên gia cũng như các cấp lãnh đạo, yếu tố con người là động lực mạnh mẽ để địa phương xây dựng và tiếp tục gìn giữ thương hiệu này.
Xem tin bài khác
9 phút trước - Hàng chục hộ dân ở huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình) bị ngập sâu do mực nước thượng nguồn sông Gianh dâng cao, phải sơ tán đến nơi an toàn.
9 phút trước - Ngày 20.9, Sở Y tế TP.HCM cho biết, đã triển khai quy trình tra cứu, hỗ trợ thuốc cấp cứu giữa các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM trên ứng dụng. Có 14 bệnh viện tham gia tra cứu và chia sẻ thuốc cấp cứu.
20 phút trước - Mưa lớn đã làm mực nước trên các sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố gần lên mức báo động 2, sông La ở mức báo động 1.
20 phút trước - Sáng 20-9, lực lượng chức năng triển khai trục vớt nhịp cầu, xe và tổ chức tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu, Phú Thọ.
21 phút trước - Sáng 20-9, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết thường trực Tỉnh ủy vừa yêu cầu cơ quan chức năng dừng một số nội dung của Lễ hội Lam Kinh năm 2024.