ttth247.com

Chuyên gia Thụy Sĩ: Ấn tượng với sự kiên cường của người Việt Nam sau bão

Trong bối cảnh bão Yagi gây ra thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh thành phía bắc, ngày 12-9, Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sĩ (SDC) thông báo cử nhóm chuyên gia từ bộ phận viện trợ nhân đạo đến Việt Nam, đồng thời cung cấp 1 triệu franc (khoảng 1,2 triệu USD) để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.

Nhóm chuyên gia đã đến Yên Bái, một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây cũng là nhóm quốc tế duy nhất cung cấp hỗ trợ tại tỉnh.

Ngày 27-9 tại Hà Nội, Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trò chuyện với ông BEAT HERGER - trưởng đoàn chuyên gia Thụy Sĩ và ông HANS-RUEDI HOCHULI - chuyên gia trong đoàn.

Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam về cả dài hạn

* Ông cảm thấy thế nào khi đến địa bàn và chứng kiến sự tàn phá mà cơn bão Yagi đã gây ra ở Yên Bái?

- Ông Herger: Mỗi lần đến một quốc gia vừa trải qua thiên tai, tôi luôn cảm thấy rất khó khăn. Nhưng tôi cũng nhanh chóng nhận thấy sự thân thiện của người dân Việt Nam. Họ rất có tổ chức và sẵn lòng giúp đỡ lẫn nhau. Ngay cả khi vừa trải qua thiên tai như vậy mà người dân vẫn giữ được tinh thần tích cực, thân thiện và luôn chào đón mọi sự hỗ trợ. Điều đó thật tuyệt vời.

* Người dân đã phản ứng như thế nào khi thấy đội cứu hộ từ nước ngoài đến với họ trong thời điểm khó khăn như vậy?

- Ông Herger: Ban đầu họ có đôi chút băn khoăn vì họ không biết chúng tôi là ai. Tuy nhiên, khi đội ngũ Thụy Sĩ đến, ở lại địa phương và hành động ngay lập tức, chẳng mấy chốc người dân đã mở lòng và hợp tác chặt chẽ với chúng tôi.

* Xin các ông hãy chia sẻ về các hỗ trợ và các kịch bản ứng phó đã tư vấn cho phía Việt Nam?

- Ông Herger: Điều quan trọng nhất là làm sạch các giếng nước và phục hồi nguồn nước ngọt. Điều thứ hai là khôi phục đường sá và phương tiện liên lạc, ở cả vùng sâu vùng xa. Nhóm chúng tôi đã tham gia vào cả hai công việc này. Chúng tôi đã hỗ trợ thiết bị làm sạch giếng cũng như thuê xe dọn dẹp đường sá tại địa phương.

Thụy Sĩ cũng là một đất nước có nhiều đồi núi và dốc cao. Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi đang thảo luận về hỗ trợ với Việt Nam trong trung và dài hạn, về việc lập bản đồ phòng ngừa rủi ro cho các khu vực có địa hình hiểm trở, thiết lập các hệ thống dự trữ và cảnh báo cho những cơn bão tiếp theo.

- Ông Hochuli: Nhiều người dân đã phải di dời do lở đất. Yên Bái có địa hình đồi núi và các ngôi nhà được xây sát các ngọn đồi, và sẽ mất rất nhiều thời gian để dọn dẹp đất đá, đảm bảo an toàn để người dân có thể trở về sinh sống an toàn. Về trung hạn, cần phải thực hiện các biện pháp để giúp người dân trở về nhà, nhưng việc này chắc chắn sẽ tốn thời gian và tiền bạc.

* Vậy theo ông, quá trình tái thiết có thể sẽ kéo dài bao lâu?

- Ông Hochuli: Theo tôi có thể là nhiều tháng, thậm chí là cả năm ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng.

Ấn tượng với sự kiên cường của người Việt Nam

* Nhiệm vụ lần này ở Việt Nam khác biệt gì so với những nhiệm vụ khác mà các ông đã thực hiện trước đây không?

- Ông Herger: Có thể nói ông Hans-Ruedi và tôi là những thành viên giàu kinh nghiệm nhất trong tổ chức. Chúng tôi đã đến nhiều vùng thiên tai, chẳng hạn như trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi nhiệm vụ đều có những khác biệt. Lần này là lũ lụt ở Việt Nam, một quốc gia xa xôi với sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ.

Tuy nhiên, chúng tôi luôn xác định rõ các thách thức cần đối mặt, điều gì cấp thiết và cần làm gì để giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam để tiến hành công việc.

* Đâu là điều đáng nhớ với các ông trong nhiệm vụ lần này tại Việt Nam?

- Ông Herger: Với tôi, đó là việc trò chuyện với người dân địa phương để hiểu được những khó khăn của họ. Điều đáng nhớ không phải cảnh tượng tàn phá ở khu vực bị ngập lụt hay lở đất mà là gương mặt của người dân, những người dù đang rất khó khăn nhưng vẫn nở nụ cười. Đó là điều mà tôi sẽ khắc ghi.

- Ông Hochuli: Điều thực sự đem chúng tôi đến đây là con người. Tôi đã thấy một người phụ nữ cố gắng lái xe qua một đoạn đường sạt lở. Người dân Việt Nam rất mạnh mẽ, họ chỉ muốn quay trở lại nhịp sống thường ngày càng sớm và càng tốt. Họ không ngồi đó và chờ đợi, họ đứng dậy và vượt qua những khó khăn. Đó là điều tôi rất ấn tượng ở Việt Nam.

Chúng tôi rất vui khi có thể đóng góp một phần nhỏ bé cho cuộc sống của họ. Chẳng hạn như việc khôi phục lại đường sá để người phụ nữ trong câu chuyện ở trên có thể đi lại dễ dàng hơn. Đó là điều thực sự khiến tôi nhớ về nhiệm vụ này.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Thủ tướng Narendra Modi gặp Tổng thống Volodymyr Zelenksy trong chuyến thăm lịch sử tới Kiev nhằm thúc đẩy giải pháp chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.
2 ngày trước - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng thống Ukraine Zelensky và Chủ tịch EC Ursula von de Layern trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ.
2 ngày trước - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Chủ tịch EC Ursula von de Layern và Tổng thống Ukraine Zelensky trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ.
1 tháng trước - Chính thức trở thành ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, bà Harris đang nắm lợi thế tranh cử, nhưng sẽ đối mặt nhiều thách thức về kinh tế và chính sách.
1 tuần trước - Tuyên bố chung Việt Nam - Lào sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith gồm 10 điểm, nhấn mạnh các định hướng lớn tăng cường hơn nữa quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
Xem tin bài khác
11 phút trước - Mỹ- Nhiều khu vực ở bang Florida bị ngập nước, sau khi bão Helene đổ bộ với sức gió 225 km/h.
11 phút trước - Chính quyền quân sự Myanmar đề nghị các nhóm phiến quân ngừng giao tranh và bắt đầu đàm phán để hướng tới hòa bình.
1 giờ trước - Mỹ- Cư dân ở khu vực Vịnh Tampa phải dùng tới thuyền kayak trong nhà vì nước dâng lên quá nhanh sau khi bão Helene đổ bộ Florida.
1 giờ trước - Chiều 26-9 giờ Cuba, ngay sau Lễ đón cấp Nhà nước trọng thể tại Cung Cách mạng ở La Habana, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm cấp cao với Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez.
1 giờ trước - Ít nhất 3 người thiệt mạng và hàng triệu người mất điện do bão Helene quét qua các bang Florida và Georgia phía đông nam nước Mỹ.