ttth247.com

Chuyện ngoại giao triều Nguyễn qua tư liệu

Thư ngoại giao đầu tiên của Tổng thống Mỹ Andrew Jackson gửi vua Minh Mạng, tranh vua Tự Đức tiếp Phó đô đốc Bonard của Pháp được triển lãm.

Tranh mô tả vào năm 1825, Bá tước Đại tá hải quân Pháp đến Đà Nẵng xin đặt lãnh sự và thông thương nhưng vua Minh Mạng từ chối. Theo tài liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, do triều Nguyễn và Pháp có ''duyên nợ'' từ trước, vua Gia Long không dễ từ chối quan hệ với họ. Vua sử dụng một số người Pháp để làm quan trong triều đình như một sự đền ơn.

Tuy nhiên sang thời Minh Mạng, các vị quan này phải về nước bởi họ không thể là cầu nối giữa hai quốc gia. Người Pháp nỗ lực đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao bằng cách dâng vật phẩm, quốc thư nhưng đều bị vua Minh Mạng cự tuyệt.

Tác phẩm thuộc triển lãm 3D Bang giao triều Nguyễn: Giữa làn gió Đông - Tây, khai mạc ngày 22/8 tại website Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, dịp kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Ngoại giao Việt Nam (22/8). Ban tổ chức cho biết các bức vẽ đều được sưu tầm từ sách của những nhà nghiên cứu, như cuốn Việt Nam trong quá khứ qua tranh khắc Pháp (Nguyễn Khắc Cần, Nguyễn Ngọc Điệp), đồng thời lựa chọn từ Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn.

Tranh vua Tự Đức tiếp Phó đô đốc Bonard của Pháp và đại tá Palanca của Tây Ban Nha.

Triển lãm gồm hai phần, trong đó Đóng cửa Tây cho thấy vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức thực hiện nhất quán chính sách "tự thủ", "khép kín" nhưng không tuyệt giao với những gì liên quan phương Tây (chủ yếu là Anh, Pháp, Mỹ).

Phái bộ Pháp - Tây Ban Nha.

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cho biết qua Châu bản có thể thấy nhà Nguyễn dùng cớ ảnh hưởng đến kinh tế truyền thống để không xác lập quan hệ, vẫn cho thương thuyền phương Tây lui tới buôn bán nhưng không giao thương chính thức.

Tổng thống Mỹ Andrew Jackson gửi vua Minh Mạng bức thư ngoại giao đầu tiên năm 1832, trong đó ghi: ''Thư này sẽ dâng lên hoàng thượng do Edmund Roberts, công dân danh vọng Hoa Kỳ, đã được bổ nhiệm làm đặc phái viên của chính phủ, tới thương thuyết với hoàng thượng những vấn đề quan trọng. Tôi xin hoàng thượng chở che và cho đương sự được đối đãi tử tế khi thừa hành nhiệm vụ được giao. Đương sự sẽ đề nghị lên hoàng thượng tình hữu nghị và thiện chí của tôi, là điều tôi đã phó thác''.

Sách Đại Nam thực lục chính biên nói năm 1819, người Mỹ đã có mặt ở nước ta, khi John White đi theo thuyền buôn của Australia đến cảng Vũng Tàu, sau đó tới Gia Định. Tuy nhiên 13 năm sau, Mỹ mới chính thức cử phái bộ đến Việt Nam, có quốc thư để đặt quan hệ bang giao với nhà Nguyễn.

Trong sách ghi: ''Vào tiết đông chí tháng 11, năm Minh Mạng thứ 13, một chiếc thuyền của nước Nhã Di Lý (còn gọi là Hoa Kỳ, Ma ly căn, Tân Anh Cát Lợi) cập bến Vũng Lấm, tỉnh Phú Yên. Quốc trưởng nước ấy cử hai người là Nghĩa Đức Môn La Bách (Edmund Roberts) và Đại úy Đức Giai Tâm Gia (Georges Thompson) đem quốc thư đến cầu giao hảo thông thương''.

Biết tin, vua Minh Mạng lệnh cho Viên ngoại giao Nguyễn Tri Phương và Tư vụ Lý Văn Phức phối hợp quan tuần phủ Phú Yên mở tiệc đãi phái bộ Mỹ trên tàu nhưng không mời lên bờ cũng như từ chối quốc thư. Năm 1836, Edmond Roberts mang quốc thư trở lại nhưng vẫn không thành.

Cụ Nguyễn Tri Phương, người đã tiếp xúc phái bộ Edmond Roberts khi còn giữ chức Viên ngoại.

Nguyễn Tri Phương (1800-1873) là một đại danh thần thời nhà Nguyễn. Ông là tổng chỉ huy quân đội triều đình Nguyễn chống lại quân Pháp lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873).

Châu bản năm Gia Long 16 (1817) cho biết tàu đem theo lễ vật của vua Ba Lãng Sa (Pháp) tặng vua nước Việt để tỏ tình hữu hảo.

Phần Mở cửa Đông đề cập các vua nhà Nguyễn ưu tiên phát triển quan hệ với những nước phương Đông như Cao Miên (Campuchia), Vạn Tượng (Lào), Xiêm La (Thái Lan), Trung Quốc.

Bản tâu năm Minh Mạng thứ tám (1827), Quốc vương Cao Miên bày tỏ lòng biết ơn khi được nước ta chẩn cấp cứu đói do mùa màng thất bát.

Theo Châu bản, vua triều Nguyễn thường thể hiện sự quan tâm đến các nước phiên bang bằng cách cử người đi thăm dò tình hình, cảm thông trước cảnh những nước này vượt đường sá xa xôi, vất vả để đến kinh đô nước Việt.

Châu bản năm Minh Mạng thứ 10 (1829) viết: ''Sang năm, vào dịp lễ mừng thọ nhà vua, cho quan bộ Lễ bàn chọn nhạc công các nước phiên bang phụ thuộc đến ca múa. Nay trẫm thấy các địa phương thuộc Cao Miên, Nam Chưởng đi lại vất vả, không thuận tiện. Truyền cho các trấn Nghệ An, Thanh Hoa chọn ở các phủ miền biên cương nơi nào có âm nhạc bản địa chọn người mang theo nhạc cụ, ngày lễ đến kinh cho đủ nhạc của bốn phương''.

Một góc không gian trưng bày Bang giao triều Nguyễn: Giữa làn gió Đông - Tây, thuộc phần Đóng cửa Tây.

Phương Linh
Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cung cấp

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tháng trước - TP HCM- Cây bút Nguyễn Quốc Bửu, 36 tuổi, nói dành 10 năm hoàn thành tiểu thuyết "Nam triều kiến mộng", bối cảnh những năm đầu thời vua Minh Mạng.
1 tuần trước - Nghệ sĩ Trà Giang đấu giá bức "Hồn quê" do bà vẽ, quyên góp cho quỹ hỗ trợ người dân miền Bắc chịu thiệt hại do bão Yagi.
2 tuần trước - Hàng trăm hiện vật gốm sứ trục vớt từ các tàu đắm ở Biển Đông được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử TP HCM, quận 1.
1 tuần trước - Nhóm tứ tấu quốc tế đến Việt Nam lần thứ ba, biểu diễn trong chuỗi concert "Good Morning Vietnam", ngày 5/10 ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.
2 tuần trước - Hai Muối, Làm giàu với ma và Cám gặp khó khi phải cạnh tranh với loạt phim quốc tế đình đám ngoài rạp.
Xem tin bài khác
5 giờ trước - Lãnh chúa Yoshii Toranaga chiến đấu bảo vệ mạng sống khi kẻ thù liên kết chống lại ông, ở "Shogun" - series đoạt bốn giải Emmy 2024.
6 giờ trước - Nghệ sĩ Chiều Xuân rong ruổi nhiều vùng núi phía Bắc, săn các bức ảnh đẹp về thiên nhiên, con người.
9 giờ trước - Tối 19.9, Vũ Cát Tường trình làng MV 'Chỉ cần có nhau', kể chuyện tình ngọt ngào bằng âm nhạc dung dị, gần gũi. Cũng qua sản phẩm mới, giọng ca 32 tuổi bày tỏ quan điểm của mình về chuyện kết hôn.
10 giờ trước - 'Đố anh còng được tôi' (tựa gốc: I, The Executioner) gây ấn tượng với thành tích vượt 4 triệu vé bán ra sau 6 ngày ra mắt tại Hàn Quốc. Bộ phim có sự tham gia của các tài tử đình đám như Hwang Jung Min, Jung Hae In…
10 giờ trước - Nữ ca sĩ Tyla sẽ tham gia cùng Cher, Tyra Banks, Gigi Hadid, Paloma Elsesser và nhiều ngôi sao hàng đầu khác khi trình diễn trong lần trở lại hoành tráng của thương hiệu nội y Victoria's Secret.