ttth247.com

Có cảnh báo sớm trượt lở đất đá được không?

Từ nhiều ngày nay, trong phạm vi ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều vụ sạt lở đất đá gây hậu quả đau thương đã liên tục xảy ra ở các tỉnh miền núi phía bắc. Theo TS Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng viễn thám và tai biến địa chất, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ TN-MT), những điểm sạt lở vừa qua ở các tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Kạn… đa phần đều nằm trong danh sách cảnh báo về nguy cơ cao trượt lở đất đá thuộc đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi VN" mà Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đã chuyển giao về các địa phương.

Có cảnh báo sớm trượt lở đất đá được không?- Ảnh 1.

TS Nguyễn Quốc Khánh (đứng) và TS Trịnh Xuân Hòa, Phó viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản

Ảnh: Quý Hiên

Cũng theo ông Khánh, trượt lở đất đá, lũ quét là 2 loại hình thiên tai xảy ra phổ biến nhất ở VN, hằng năm gây thiệt hại lớn hơn do bão, lũ lụt… Nó có sức phá hoại lớn, thường xuyên xảy ra vào mùa mưa bão, áp thấp nhiệt đới tại các khu vực miền núi, trung du ở VN. Nhìn chung, trượt lở đất đá, lũ quét, lũ bùn đá xảy ra tại các vùng núi, trung du VN hầu như đều có liên quan đến nhau.

Nguyên nhân gây trượt lở đất đá, lũ quét thì đa dạng: các yếu tố địa chất, kiến tạo, địa hình, địa mạo, thạch học, vỏ phong hóa, thổ nhưỡng, thảm phủ, sử dụng đất, khí tượng - thủy văn... Còn yếu tố kích hoạt tự nhiên được xác định chủ yếu là do mưa. Tuy nhiên, yếu tố kích hoạt do con người ngày càng gia tăng từ các hoạt động như phá rừng, cắt xẻ sườn đồi, núi, khai thác khoáng sản... Dưới tác động của biến đổi khí hậu (chủ yếu đến từ sự thay đổi chế độ mưa), trượt lở đất đá và lũ quét có khả năng xảy ra thường xuyên hơn, phức tạp, khó lường hơn, sức phá hoại lớn hơn, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế - xã hội.

Hậu quả thảm khốc sau bão Yagi: 326 người chết và mất tích

Với sự phát triển của khoa học công nghệ thông tin, dự báo thời tiết ngày càng chi tiết hơn, thậm chí nhiều hiện tượng thiên nhiên được dự báo từ rất sớm. Vậy với trượt lở đất đá, lũ quét thì các nhà chuyên môn có dự báo được sớm không, thưa ông?

TS Nguyễn Quốc Khánh: Với sự phát triển của khoa học công nghệ và thông tin hiện nay, việc cảnh báo sớm về nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét là hoàn toàn được. Ngày nay, trên thế giới, hệ thống cảnh báo sớm thiên tai thường là một hệ thống cảnh báo sớm với nhiều hợp phần, và hệ thống cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét cũng tương tự. Theo mô hình của Cơ quan chiến lược về giảm nhẹ thiên tai của LHQ thì hệ thống cảnh báo sớm có 4 hợp phần: sự hiểu biết về rủi ro, giám sát và dự báo, phổ biến thông tin, phản ứng đối với thiên tai trượt lở đất đá, lũ quét. Hệ thống cảnh báo với đầy đủ 4 hợp phần đã được xây dựng ở nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới như: Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan...

Ở VN hiện nay, các công nghệ cảnh báo sớm đã và đang đạt được những thành tựu tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn lượng lớn công việc cần phải làm để lấp đầy những khoảng trống về công nghệ, đặc biệt là vấn đề truyền thông.

[FLYCAM] Ám ảnh 'dòng sông bùn' san phẳng cả thôn Làng Nủ sau lũ quét

CẢNH BÁO CHÍNH XÁC TỚI THÔN, BẢN Ở XÃ TRỌNG ĐIỂM

Từ năm 2012 - 2021, Bộ TN-MT đã thực hiện đề án đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi VN". Một trong những mục tiêu của đề án là nâng cao khả năng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, phục vụ chỉ đạo sơ tán dân cư kịp thời, phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Hiệu quả của đề án này như thế nào, thưa ông?

Đây là đề án lớn, được giao cho Viện Khoa học địa chất và khoáng sản thực hiện. Chủ nhiệm đề án là TS Lê Quốc Hùng (từ năm 2012 - 2017) và TS Trịnh Xuân Hòa (2017 - 2021). Cá nhân tôi cũng tham gia. Trong số các sản phẩm của đề án, đáng chú ý có các bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá ở các tỷ lệ 1:50.000, 1:25.000 và 1:10.000, giúp chúng ta hình dung được về hiện trạng trượt lở đất đá và các yếu tố thành phần đóng vai trò là nguyên nhân gây phát sinh, phát triển quá trình trượt lở đất đá (25 bộ cho 25 tỉnh). Hoặc các bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 (15 bộ cho 15 tỉnh), được trình bày trên các tờ bản đồ A0 theo địa giới cấp huyện, có độ chính xác tới cấp xã (tỷ lệ 1:50.000), thôn/bản (xã trọng điểm, tỷ lệ 1/10.000). Đa phần những điểm sạt vừa qua ở các tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Kạn… nằm trong danh sách cảnh báo cao về nguy cơ trượt lở đất đá trong các bộ bản đồ này.

Theo kế hoạch ban đầu, đề án được phê duyệt thực hiện trong 10 năm. Nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, đề án đã không được gia hạn thêm thời gian thực hiện, phải tạm dừng để chuyển sang giai đoạn 2 ("Cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét khu vực miền núi, trung du VN"). Như vậy, sau 10 năm đề án mới chỉ thực hiện được một nửa khối lượng công việc so với mục tiêu ban đầu. Chẳng hạn, thay vì làm bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá ở các tỷ lệ 1:50.000 cho 37 tỉnh thì đề án chỉ thực hiện được cho 25 tỉnh hiện trạng trượt lở và 15 tỉnh phân vùng nguy cơ; phần về rủi ro, giám sát, cảnh báo sớm và phổ biến thông tin, phản ứng, đối phó với thiên tai trượt lở đất đá chưa được thực hiện.

Tuy nhiên, các sản phẩm đã có của đề án là rất quý, giúp các cấp chính quyền địa phương nắm bắt được toàn cảnh thực trạng xảy ra trượt lở đất đá ở địa phương mình. Các bộ bản đồ này cung cấp thông tin chi tiết về từng vị trí, từng khu vực đã xảy ra trượt lở đất đá đến thời điểm được điều tra, khoanh vùng sơ bộ các khu vực có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá cao trên cơ sở tổng hợp các kết quả khảo sát.

Địa phương và các đơn vị liên quan có thể sử dụng bộ bản đồ như một công cụ cảnh báo sơ bộ về nguy cơ tái xuất hiện trượt lở đất đá tại các vị trí đã từng xảy ra trong các khu vực đã điều tra, cũng như cảnh báo sớm về nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá tại các vị trí, khu vực nhạy cảm có điều kiện tự nhiên - môi trường tương đồng với khu vực nguy cơ cao đã xảy ra trượt lở. Trên cơ sở đó, các địa phương có thể chuẩn bị các biện pháp ứng phó phù hợp tại mỗi vị trí tùy mức độ quy mô, nguy cơ xuất hiện trượt lở trong các mùa mưa bão.

CẢNH BÁO: Ngập lụt tại Hà Nội tiếp tục kéo dài trong 2-3 ngày tới

MUỐN CẢNH BÁO CÓ HIỆU QUẢ, CẦN ĐỒNG BỘ

Như ông chia sẻ ở trên, tất cả các điểm sạt lở nghiêm trọng vừa qua đều nằm trong danh sách các khu vực dự báo, cảnh báo, bao gồm các xã trọng điểm nhạy cảm cần tập trung điều tra, đánh giá chi tiết. Vậy tại sao vẫn xảy ra thiệt hại về người?

Nếu nhìn lại sự phá hoại của trượt lở đất đá những năm trước đây thì có thể thấy càng ngày thiệt hại về người càng được giảm đi. Tuy nhiên, ngay cả ở những nước rất phát triển về hệ thống cảnh báo sớm, thiệt hại về người khi có thiên tai cũng là điều khó tránh khỏi.

Mặt khác, như tôi đã nói ở trên, hệ thống cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét cần phải có đủ 4 hợp phần. Trong đó hợp phần 1 và 2 liên quan nhiều tới các cơ quan điều tra, nghiên cứu. Hợp phần 4 liên quan nhiều tới các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư. Còn hợp phần 3 cần sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, cộng đồng nêu trên, nếu thiếu bất kỳ hợp phần nào sẽ đồng nghĩa với sự thất bại của toàn bộ hệ thống. Ví dụ, các cảnh báo chính xác sẽ không có tác dụng nếu người dân không được chuẩn bị trước hoặc nếu cảnh báo không được phổ biến bởi các cơ quan nhận thông tin, cơ quan quản lý.

Cảm ơn ông!

Danh sách 25 tỉnh, thành đã được lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá ở tỷ lệ 1:50.000: Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
5 ngày trước - Chuyên gia cảnh báo không phải cứ có mưa to mới gây sạt lở, lũ quét bùn đá. Người dân ở vùng núi, trung du cần cảnh giác với tình trạng mưa kéo dài.
1 tuần trước - Đêm qua, sau khi đi sâu vào đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
1 tuần trước - Bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7. Khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to.
5 ngày trước - Quyết định di tản học sinh rất nhanh được đưa ra sáng sớm 9.9 đã cứu được 140 học sinh và thầy cô giáo Trường THCS và THPT số 3 Mường Hum (H.Bát Xát, Lào Cai) khỏi vụ sạt lở nghiêm trọng.
5 ngày trước - Quyết định di tản học sinh rất nhanh được đưa ra sáng sớm 9.9 đã cứu được 140 học sinh và thầy cô giáo Trường THCS và THPT số 3 Mường Hum (H.Bát Xát, Lào Cai) khỏi vụ sạt lở nghiêm trọng.
Xem tin bài khác
43 phút trước - Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 4 khiến một số tuyến đường tại H.Hướng Hóa (Quảng Trị) sạt lở gây cản trở giao thông.
1 giờ trước - Hai phó thủ tướng cùng chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.
1 giờ trước - Tối 19-9, Đồn biên phòng Đắc Pring (Bộ đội biên phòng Quảng Nam) cho biết sau nhiều giờ huy động cán bộ chiến sĩ cùng lực lượng địa phương, toàn bộ dân ở thôn 56B, xã Đắk Pre (huyện Nam Giang) đã được sơ tán tới nơi an toàn.
1 giờ trước - Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đem tới những thông điệp lớn, quan trọng, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, với vai trò trung tâm của Liên Hiệp Quốc đối với hòa bình,...
2 giờ trước - Trong quá trình tránh trú bão số 4 ở Khánh Hoà, một ngư dân Bình Định trượt chân ngã đập đầu vào thành tàu cá rồi rơi xuống biển, tử vong