ttth247.com

Co giật mí mắt - điềm báo hay dấu hiệu bệnh lý?

Nhiều người cho rằng co giật mí mắt, còn gọi nháy mắt, là điềm báo cho sự kiện nào đó sắp xảy ra, song từ góc độ y học, hiện tượng này có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CK2 Trương Công Minh, Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn 2, Phó Chủ tịch Liên chi hội Laser y học và ngoại khoa TP HCM.

Co giật mí mắt là gì?

Co giật mí mắt là tình trạng mí mắt co thắt không tự chủ, lặp đi lặp lại. Thông thường, hiện tượng này xảy ra ở mí trên nhưng đôi khi cũng xuất hiện ở mí dưới. Đa phần, các cơn co giật chỉ kéo dài vài giây đến vài phút, không gây đau nhưng có thể làm bạn không thoải mái sinh hoạt.

Với nhiều người, hiện tượng này thường không nghiêm trọng, tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu mí mắt co giật liên tục hoặc kéo dài, đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe khác cần lưu ý.

Nguyên nhân gây co giật mí mắt

Hiện tượng co giật mí mắt có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, dưới đây là một số lý do phổ biến:

Căng thẳng: Khi cơ thể mệt mỏi, căng thẳng, mắt là nơi dễ bị ảnh hưởng. Giải pháp đơn giản là bạn cần thư giãn, giảm bớt áp lực và ngủ đủ giấc để tình trạng này giảm đi.

Thiếu ngủ: Ngủ không đủ giấc không chỉ gây mệt mỏi mà còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây co giật mí mắt. Nếu thường xuyên thiếu ngủ, mắt sẽ dễ mệt mỏi, co giật liên tục và tình trạng này có thể kéo dài.

Uống nhiều cà phê: Caffeine trong cà phê có tác dụng kích thích thần kinh, giúp tỉnh táo nhưng cũng làm cơ mắt dễ bị kích thích. Uống quá nhiều cà phê, mí mắt có thể giật liên tục.

Khối u mắt: Dù hiếm gặp, nhưng co giật mí mắt liên tục cũng có thể là dấu hiệu của khối u trong mắt. Khối u này có thể chèn ép lên dây thần kinh và gây hiện tượng co thắt không kiểm soát. Nếu thấy mắt giật kéo dài không dứt, tốt nhất nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để kiểm tra kỹ.

Một số vấn đề về mắt như viêm mí mắt, khô mắt, viêm kết mạc hoặc tiếp xúc với các chất kích thích từ môi trường như khói bụi, ánh sáng mạnh cũng có thể là nguyên nhân gây co giật mí mắt.

Làm sao để giảm tình trạng co giật mí mắt?

Nếu hiện tượng co giật mí mắt gây phiền toái cho bạn, dưới đây là một số biện pháp đơn giản giúp giảm triệu chứng:

Giảm tiêu thụ cà phê: Nếu bạn uống nhiều cà phê, hãy thử giảm lượng hoặc ngừng uống trong một thời gian xem mắt có bớt co giật không.

Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ đủ sẽ giúp hệ thần kinh ổn định hơn và giảm bớt tình trạng co giật.

Dùng nước mắt nhân tạo: Nếu mắt khô, có thể sử dụng nước mắt nhân tạo để làm dịu mắt.

Thư giãn và nghỉ ngơi: Khi cảm thấy căng thẳng, hãy thư giãn bằng cách chườm ấm lên mắt hoặc nghỉ ngơi.

Bác sĩ Minh khám mắt cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Minh khám mắt cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Khi nào cần đi khám?

Trong phần lớn các trường hợp, co giật mí mắt là tình trạng tạm thời và vô hại. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu sau, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra:

- Co giật mí mắt kéo dài liên tục trong nhiều ngày.

- Co giật mí mắt đi kèm với các triệu chứng như sưng, đau, hoặc chảy nước mắt.

- Mí mắt co giật kèm theo co giật các phần khác của khuôn mặt hoặc cơ thể.

Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của các bệnh lý về thần kinh nghiêm trọng hơn và cần được chẩn đoán kịp thời.

Khi nào cần điều trị y khoa?

Bệnh nhân co giật mí mắt mạn tính, bác sĩ có thể đề nghị một số phương pháp điều trị như:

Tiêm botox: Botox có thể giúp làm giảm các cơn co giật mạnh trong vài tháng.

Phẫu thuật: Trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ dây thần kinh hoặc cơ gây ra co giật.

Lê Phương

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
3 tuần trước - Theo các bác sĩ, đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
1 tuần trước - Con tôi 6 tuổi, gần đây hay khó ngủ, không sâu giấc. Bé nên ăn gì để cải thiện tình trạng? (Thiện Linh, Hà Nội)
1 tháng trước - Phụ huynh chuẩn bị đồ dùng cần thiết, mang theo thuốc dự phòng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, chú ý dinh dưỡng để trẻ có chuyến du lịch an toàn.
1 tháng trước - Căng thẳng có thể gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe, từ nhức đầu, buồn nôn đến mất ngủ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết căng thẳng có tác động đáng kể đến thị lực. Một số triệu chứng bất thường của thị lực có thể là dấu hiệu cảnh báo...
1 tháng trước - Môi trường ngập nước trong bão lũ có độ ẩm cao, nhiệt độ môi trường từ 20 - 30 độ C khiến các vi sinh vật gây bệnh cho mắt sẽ hoạt động mạnh mẽ, nguy cơ gây bệnh, trong đó, bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) là phổ biến.
Xem tin bài khác
24 phút trước - Sau tai nạn, bệnh nhân chịu đựng nhiều đau đớn, chảy máu và không thể tiểu tiện, buộc gia đình phải đưa anh đến trung tâm y tế tuyến huyện để cấp cứu.
30 phút trước - Cha mẹ chia nhỏ nhiệm vụ học tập, kết hợp thời gian thư giãn, khen thưởng khi cần để trẻ tăng động giảm chú ý thích thú học và cải thiện kết quả.
30 phút trước - TP HCM- Chị Trúc, 47 tuổi, có u xơ to cách đây 8 năm, không tái khám mà uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, nay u lớn phải cắt bỏ tử cung.
30 phút trước - Tỷ lệ giường bệnh của hệ thống y tế tư nhân từ 6% hiện nay sẽ tăng lên 10% vào năm 2025 và 15% sau 5 năm nữa, theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn.
30 phút trước - Bắc Giang- Sau bữa tiệc liên hoan 20/10, 46 công nhân Công ty TNHH Shinsung Vina thuộc khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng đau bụng, nôn, sốt, nghi ngộ độc thực phẩm.