ttth247.com

Cục diện bầu cử Mỹ hậu tranh luận Trump - Harris

Các cuộc thăm dò trên toàn quốc và tại các bang dao động của Mỹ trong những ngày gần đây đã cho thấy cuộc đua vào Nhà Trắng đang ở thế giằng co, khiến cuộc tranh luận phát trên truyền hình tối 10-9 trở thành một trong những cuộc tranh luận được mong đợi nhất trong lịch sử chính trị Mỹ.

Những điểm nhấn tranh luận Trump - Harris

Trong cuộc tranh luận đầu tiên kéo dài hơn 100 phút ở TP Philadelphia, bang Pennsylvania, ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Kamala Harris đã tranh luận về các vấn đề đáng chú ý như kinh tế, nhập cư, và cả những rắc rối pháp lý của ông Trump... 

Bà Harris được mô tả là đã đặt đối thủ vào thế thủ khi tung ra các đòn công kích trong cuộc tranh luận nảy lửa, theo Hãng tin Reuters.

Một trong những điểm nhấn của cuộc tranh luận là bà Harris đã bắt đầu màn tranh luận bằng việc gây ngạc nhiên cho ông Trump, khi chủ động tiến đến gần để bắt tay ông trên sân khấu tranh luận. Hãng tin AFP bình luận ứng viên Đảng Dân chủ này sau đó đã giữ thế thượng phong.

Trong màn thể hiện giúp nhận được sự ủng hộ của siêu sao nhạc pop Taylor Swift, bà Harris đã khiến ông Trump phản ứng giận dữ khi tung ra các đòn công kích về các vấn đề từ phá thai đến nền dân chủ và chính sách đối ngoại.

Ông Trump liên tục cất cao giọng khi đáp trả bà Harris về vấn đề nhập cư và kinh tế, đổ lỗi cho ứng viên Đảng Dân chủ này về cái gọi là những thất bại của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Đáp trả, bà Harris nói rằng bà đại diện cho một khởi đầu mới sau "sự hỗn loạn" của nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump và tuyên bố "chúng ta sẽ không quay trở lại" thời kỳ đó.

Một màn xung đột chói tai khác xảy ra khi ông Trump tiếp tục từ chối chấp nhận chuyện thua ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Bà Harris đáp trả bằng cách chế nhạo ông Trump, nói rằng ông Trump đã "bị 81 triệu người sa thải" và gọi ông là mối đe dọa đối với nền dân chủ.

Hai ứng cử viên cũng đối đầu về chính sách đối ngoại. Bà Harris nói với ông Trump rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ "đánh bại ông" khi đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine và rằng các nhà lãnh đạo thế giới đang "cười nhạo" ông. Đáp trả, ông Trump cáo buộc bà Harris yếu kém trong cuộc chiến ở Dải Gaza, cho rằng bà Harris "ghét Israel".

Bà Harris, sau 5 ngày chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc tranh luận, đã liên tục khích ông Trump, khiến ứng viên Đảng Cộng hòa phản ứng giận dữ. Ông Trump cũng đã tung đòn công kích bà Harris về vấn đề nhập cư, nhưng bà Harris lại tìm cách khiến ứng viên Đảng Cộng hòa mất bình tĩnh về chủ đề mà đáng lẽ là thế mạnh mang lại chiến thắng cho ông.

Chưa quyết định đường đua

Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là đến ngày bầu cử 5-11, bà Harris đang chịu áp lực phải trình bày trước hàng chục triệu cử tri, để họ biết về bà nhiều hơn, sau khi vị phó tổng thống bất ngờ lên thay ông Biden làm ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ. Thời gian qua bà đã bị chỉ trích vì không cho thấy bản sắc chính trị rõ ràng của mình trong mùa bầu cử năm nay.

Các cuộc thăm dò nhanh và các nhà bình luận cho rằng bà Harris đã chiến thắng trong cuộc tranh luận này, và chiến dịch tranh cử của bà còn nhanh chóng thách ông Trump tham gia cuộc tranh luận thứ hai vào tháng 10.

Tuy nhiên, việc chiến thắng tranh luận không đồng nghĩa sẽ chiến thắng cuộc bầu cử. Đài CNN bình luận mặc dù bà Harris thể hiện tốt hơn ông Trump trong cuộc tranh luận tối 10-9, nhưng "không có gì đảm bảo điều đó sẽ định hình cuộc bầu cử".

Thông thường phải mất nhiều ngày hoặc nhiều tuần để một cuộc tranh luận tổng thống "thấm sâu" vào cử tri và để lại ấn tượng lâu dài. Trước đây, những ứng cử viên giành chiến thắng trên sân khấu tranh luận không phải lúc nào cũng thắng cử. Cả ông Trump vào năm 2016 và tổng thống George W. Bush vào năm 2004 đều bị đánh giá là đã thua trong các cuộc tranh luận, nhưng cuối cùng họ lại thắng cử.

Và mặc dù các thành viên Đảng Dân chủ tỏ ra phấn khích sau màn thể hiện của bà Harris thì những người theo đảng phái thường đánh giá một cuộc tranh luận dựa trên sở thích chính trị của riêng họ. Ngay cả khi ông Trump thua trong cuộc tranh luận, ứng viên này vẫn có lợi thế về hai vấn đề hàng đầu trong cuộc bầu cử: kinh tế và nhập cư.

Với nhiều cử tri vẫn đang chờ đợi những lợi ích từ sự phục hồi kinh tế Mỹ sau đại dịch COVID-19, bất kỳ cuộc tranh luận nào lúc này cũng sẽ khó trở thành yếu tố quyết định đối với lá phiếu của họ. Và những thông điệp của ông Trump về vấn đề nhập cư và tội phạm vẫn có sức thuyết phục mạnh mẽ với nhiều cử tri.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
3 ngày trước - Khảo sát của đài ABC News cho thấy 58% cử tri Mỹ cho rằng bà Harris chiến thắng cuộc tranh luận, nhưng không ứng viên nào thật sự giành thêm lợi thế bầu cử.
1 tháng trước - Thay vì tập trung vào đề xuất chính sách của đối phương, hai chính đảng Mỹ những ngày qua chủ yếu săm soi phong cách của bà Harris và ông Trump.
1 tháng trước - Dù bác bỏ liên quan Dự án 2025 (Project 2025) - một kế hoạch thực thi chính sách đầy tranh cãi, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn bị cho là chịu sự tác động mạnh mẽ từ Quỹ di sản (Heritage Foundation) - cơ quan tư vấn chính sách để tổ...
2 ngày trước - Hôm qua, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) mở cuộc điều tra về âm mưu ám sát cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân golf ở bang Florida, trong bối cảnh quan ngại bạo lực chính trị đang gia tăng ở Mỹ.
1 tháng trước - Việc ông Trump trò chuyện cùng ông Musk trên X diễn ra giữa lúc Đảng Dân chủ trên đà thăng tiến và sự kiện này có thể là cách ông Trump muốn thay đổi cục diện.
Xem tin bài khác
17 phút trước - Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah ngày 19.9 đã lên tiếng về vụ nổ của hàng trăm thiết bị liên lạc được các thành viên của lực lượng này sử dụng ở Li Băng.
50 phút trước - Mỹ chưa tính rút ngay hệ thống tên lửa tầm trung triển khai tại Philippines và đang thử nghiệm khả năng sử dụng hệ thống này nếu có xung đột ở khu vực.
1 giờ trước - Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen khẳng định ban lãnh đạo cấp cao và nhân dân Cuba rất mong chờ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp nhà nước đến Cuba.
1 giờ trước - Thủ tướng Lebanon kêu gọi Liên Hiệp Quốc cứng rắn với 'chiến tranh công nghệ' của Israel sau vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm làm chết 37 người.
2 giờ trước - Chính quyền Li Băng hôm nay 19.9 đã cấm mang máy bộ đàm và máy nhắn tin lên các chuyến bay từ sân bay ở thủ đô Beirut, theo Hãng tin Quốc gia Li Băng.