ttth247.com

Cụm dân cư vượt lũ hoang vắng, bài giải nào cho những lô nền trơ trọi hơn 20 năm?

Tuy nhiên đến nay, sau 23 năm từ khi chương trình được triển khai tại 8 tỉnh, vẫn còn có hàng ngàn lô nền trống không, nhà vượt lũ hoang phế đổ nát không người ở, khiến ai cũng có thể cảm nhận về sự lãng phí và mong mỏi sớm tìm ra cách khắc phục.

Những lô nền trơ trọi hơn 20 năm

Là tỉnh có diện tích lớn nhất ở vùng Đồng Tháp Mười, Long An đã triển khai cụm - tuyến dân cư vượt lũ từ đầu năm 2001 có tổng mức đầu tư hơn 938 tỉ đồng với 104 cụm và 61 tuyến dân cư vượt lũ.

Qua rà soát mới nhất, thực tế đang có 34.718 lô nền, trong đó có 18.167 lô nền có sở hữu bởi các diện đối tượng của chương trình, 16.551 lô nền bán sinh lợi. Ngoài ra còn 181 lô bố trí trạm y tế, trụ sở ấp...

Các cụm - tuyến dân cư vượt lũ này được trung ương cấp hơn 765 tỉ đồng vốn tôn nền (trong đó có hơn 365 tỉ đồng vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam). Bên cạnh đó, vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 136 tỉ đồng. Đến nay các địa phương đều đã hoàn tất nghĩa vụ hoàn trả nợ vay.

Tuy nhiên, chỉ mới 136 cụm - tuyến đảm bảo đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, đạt khoảng 82%. Còn lại, 29 cụm - tuyến đến nay đã xuống cấp, chưa đảm bảo hạ tầng; 12 cụm - tuyến thiếu hạ tầng giao thông; 21 cụm - tuyến thiếu hệ thống thoát nước; 9 cụm - tuyến thiếu hạ tầng cấp nước và 11 cụm - tuyến thiếu hạ tầng cấp điện.

Đặc biệt, tỉ lệ người dân vào ở trong các nhà vượt lũ chỉ đạt 59,4%. Đến nay chỉ thống kê được 20.654 hộ vào ở, gồm 13.035 hộ thuộc diện đối tượng của chương trình và 7.619 hộ sinh lợi.

Nhiều cụm dân cư vượt lũ khi được quy hoạch còn mang một mục đích lớn lao hơn là hình thành điểm dân cư thiết yếu mới cho các vùng địa giới hành chính được phân bổ lại ở vùng Đồng Tháp Mười.

Tuy vậy đến nay, đơn cử như ở huyện Mộc Hóa (địa phương từ năm 2013 đã tách một phần diện tích lớn ở trung tâm huyện lỵ để thành lập thị xã Kiến Tường), các cụm dân cư trung tâm ở xã Bình Thạnh, Bình Hòa Trung, Bình Hòa Tây dù tất cả các trụ sở hành chính đã được xây dựng, nhưng dân cư vẫn khá thưa thớt.

Cũng tại địa phương này, hai tuyến dân cư vượt lũ Bình Hòa Trung và tuyến dân cư Cây Khô Lớn (xã Bình Thạnh) cũng thưa thớt, bỏ trống rất nhiều. Thậm chí một nửa đoạn tuyến dân cư vượt lũ ở xã Bình Hòa Trung đến nay chỉ là một dải nền trống chạy dài ven đường, không có nhà dân nào.

Một số cụm - tuyến dân cư vượt lũ khác trên địa bàn tỉnh Long An cũng tương tự, nhà cửa im lìm, nhiều căn đã đổ sập không có người ở.

Không còn "sợ lũ", nhưng không có việc làm

Nguyên nhân lớn nhất vẫn là người dân ĐBSCL nhiều nơi đã không còn "sợ lũ", thậm chí những năm gần đây người dân còn phải quay sang "ngóng lũ" vì mùa nước nổi cứ ít dần. Cùng với đó, hệ thống đê bao, đường nông thôn được đầu tư tốt, người dân không cần phải "chạy lũ" nữa vì ngay trên đất nhà họ, cũng có nơi khô ráo đủ để xây dựng nhà cửa khang trang.

Những lô nền vượt lũ chỉ trên dưới 100m2, dù nằm ở trung tâm xã, cũng không còn hấp dẫn với những nông dân khoáng đạt quen cảnh "trời cao đất rộng".

"Năm 2000, toàn bộ chỗ đất nhà tui chìm trong biển nước. Ban đầu khi nghe có cụm dân cư vượt lũ, cũng có ý định đưa gia đình vào ở nhưng thấy mấy lô nền ở đó nhỏ quá. Với lại sau đó đường đê bao cắt ngang đất nhà, mình đắp nền lên dựng nhà ở luôn cho thoải mái. Về sau này thì có còn nước lũ gì nữa đâu" - anh Nguyễn Hiền, người dân ở xã Bình Hòa Trung, kể chuyện trong căn nhà của mình ở cách cụm dân cư vượt lũ trung tâm xã chừng 2km.

Bên cạnh việc không có người dân vào ở dẫn đến lô nền còn để trống, nhiều căn nhà ở các cụm - tuyến vượt lũ đến nay đã xuống cấp, bỏ hoang vì người dân đi làm ăn xa không quay về hoặc đã tìm được chỗ ở mới rộng rãi hơn nhưng nhà cũ (ở cụm - tuyến vượt lũ) vẫn chưa bán được.

Tại cụm dân cư Phan Chí Thành (xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) có rất nhiều ngôi nhà không người ở đã trở nên xập xệ. Nhiều căn đã có vách nhưng chưa kịp lợp tôn đến hơn 20 năm thành nơi cho cỏ cây chen lấn. Bà Võ Thị Gõ, sống ở khu dân cư này, cho biết gia đình bà từng ở cặp bờ kênh, 8 năm trước có người bán nền với giá 30 triệu đồng nên gia đình bà mua ở để khỏi lo sạt lở.

"Nhưng ở đây không có công ăn việc làm gì hết. Cả 5 đứa con tui đã đi Bình Dương rồi, còn có tui ở đây một mình". Bà Gõ cũng cho hay một số nền đã có người mua. "Một số người ban đầu mua thêm để cho con cháu về sau. Nhưng tụi trẻ có ai chịu ở lại đâu. Ở lại cũng không biết mần ăn gì nên đi hết", bà Gõ nói thêm.

Nói về chuyện việc làm, một lãnh đạo huyện Tân Hiệp cũng kể khó. "Huyện đâu có khu công nghiệp nào. Làm nông thì giờ đã có nhiều máy móc nên việc càng ít đi. Các khu dân cư vượt lũ đa số người dân đã đi lao động ngoài tỉnh hoặc ở các khu, cụm công nghiệp lớn", vị này cho hay.

Thêm rắc rối quyền sử dụng nền nhà vượt lũ

Ngoài những chuyện khách quan như lũ không về, không có việc làm... Sở Xây dựng TP Cần Thơ còn nhận định khi thực hiện chương trình xây dựng cụm dân cư vượt lũ, các quận huyện gặp khó trong việc người dân chuyển quyền sử dụng đất.

Hiện chưa có báo cáo kết quả rà soát các lô nền đã nhận chuyển nhượng mà không xây dựng nhà ở và chưa có sự phối hợp với Ngân hàng Chính sách để thu hồi nợ vốn vay đối với các trường hợp này.

Còn tại An Giang, tình trạng cấp giấy quyền sử dụng đất cho các nền khu dân cư vượt lũ bị "tắc" với nhiều lý do khác nhau. Cụ thể, huyện Tri Tôn có tổng số 2.404 nền nhà nhưng chỉ cấp giấy quyền sử dụng đất cho 50 nền nhà, đạt tỉ lệ 2,08%. Còn huyện An Phú có 8.910 nền nhà nhưng chỉ cấp giấy đất được 2.986 nền, đạt tỉ lệ 33,51%.

Ông Đỗ Minh Trí - phó chủ tịch UBND huyện Tri Tôn - cho biết trước đây, việc thiết kế các cụm dân cư chưa đầy đủ nên phải làm lại rất chậm theo quy trình. Một số lại vướng quy trình thu hồi đất của bà con.

"Có vài tuyến dân cư họ đăng ký đầy đủ nhưng không đến ở cũng không biết tại sao. Với các tuyến dân cư đã có người vào ở thì việc cấp giấy quá chậm. Sắp tới sẽ cố gắng cấp giấy cho bà con nhưng phải làm thận trọng theo đúng quy định pháp luật", ông Trí nói. Sở Xây dựng An Giang cho hay công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn tỉnh đã đạt 26.134/51.426, tỉ lệ 50,82%.

Bên cạnh đó, trong quá trình di dời khẩn cấp một số hộ dân bị sạt lở vào ở, huyện chưa kịp xin chủ trương từ UBND tỉnh, dẫn đến không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ bị ảnh hưởng, cũng như thu tiền sử dụng đất và tôn nền đối với các trường hợp này.

Ngoài ra, địa phương cũng đang đối mặt với tình hình nhiều hộ dân vay tiền vào mua nền ở cụm - tuyến dân cư vượt lũ nhưng chưa trả được. 

Sở Xây dựng cho biết đã kiến nghị UBND tỉnh trình Chính phủ cho phép tỉnh thực hiện cơ chế xóa nợ tiền vay nền cơ bản đối với các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách đang còn nợ tiền của tỉnh đối với phần nguồn vốn tỉnh đã vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Tìm cách tránh lãng phí đất đai

Trước tình trạng còn nhiều lô nền bị bỏ trống, hoang vắng ở các cụm - tuyến dân cư vượt lũ tại ĐBSCL, các tỉnh đang tính đến nhiều phương án lấp đầy, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.

Đại diện phía Bộ Xây dựng cũng có ý kiến sẽ kiến nghị để cấp vốn thêm cho các địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hùng - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An - cho biết hiện nay, UBND các huyện đã tập trung rà soát lại từng cụm - tuyến dân cư vượt lũ để làm cơ sở, đề xuất bổ sung kế hoạch vốn hằng năm nhằm nâng cấp hạ tầng.

UBND tỉnh Long An cũng đã có chỉ đạo phải tiếp tục sửa chữa, nâng cấp, đặc biệt với các tuyến đường chính để thu hút người dân vào trong các cụm - tuyến này.

UBND các huyện cũng thực hiện rà soát lại, trường hợp không còn hộ gia đình thuộc diện đối tượng để bố trí chỗ ở và đã giải quyết đủ chỗ ở cho các hộ dân vùng ngập lũ thì báo cáo, đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương bán đấu giá những lô nền chính sách dôi dư theo quy định, lấy tiền duy tu, bảo trì hoặc đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật theo quy định.

Đối với các cụm - tuyến bỏ trống nhiều, sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương để UBND huyện thực hiện trình tự thủ tục điều chỉnh quy hoạch nhằm bố trí các điểm hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu hút người dân vào ở, tăng tỉ lệ lấp đầy.

"Hoặc rà soát xong sẽ đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch thành đất dự trữ. Nêu rõ loại hình dự trữ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dự kiến đến hết năm 2025 sẽ có tổng kết đánh giá và kết thúc chương trình cụm - tuyến dân cư vượt lũ, các phần đất dự trữ thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương sẽ thực hiện đấu giá để phát triển kinh tế huyện", ông Hùng nói thêm.

TP Cần Thơ cũng đã có yêu cầu quận huyện rà soát với mong muốn tương tự như Long An, đến quý 1-2023 phải báo cáo nhưng đến nay vẫn có quận huyện chưa báo cáo hoặc có báo cáo nhưng không đạt yêu cầu, Sở Xây dựng đã nhắc nhở nhưng chưa nhận được báo cáo mới.

Một phương án khác để lấp đầy các lô nền trống, theo ông Mai Như Toàn - giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, là bố trí cho các hộ dân thuộc vùng ngập lũ hoặc trong các khu vực sạt lở nguy hiểm vào ở.

Nếu hết nhu cầu mà còn nền trống thì tham mưu UBND TP Cần Thơ tổ chức bán đấu giá theo quy định. Tại An Giang, một số địa phương cũng đã linh động bố trí các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở vào các khu đất công cộng trong các cụm - tuyến dân cư vượt lũ.

Còn tại Đồng Tháp, ông Trần Ngô Minh Tuấn - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh này - cho biết đã ưu tiên bố trí các hộ dân trong khu vực sạt lở khẩn cấp vào các lô nền còn trống.

"Thời gian qua, các địa phương đã điều chỉnh quy hoạch các khu chức năng không còn phù hợp thành đất ở. Đồng thời rà soát nhằm tận dụng tối đa nguồn vốn và chính sách ưu đãi cho người dân có nhu cầu", ông Tuấn nói.

Mặt khác, một số tỉnh tập trung tìm kiếm giải pháp việc làm để giải quyết bài toán căn cơ nhất cho các vùng nông thôn.

"Huyện đang phấn đấu tạo những cơ sở sản xuất nông nghiệp chuyên sâu để tạo công ăn việc làm cho bà con. Người dân hiện nay không phải như ngày xưa, tức là họ có ruộng nhưng vẫn cho thuê ruộng rồi đi làm thêm.

Do đó, không thể tránh khỏi các khu dân cư đóng cửa là vậy. Huyện có quy hoạch Cụm công nghiệp Thạnh Trị nhưng chưa hoàn thiện hết", một lãnh đạo Huyện ủy Tân Hiệp (Kiên Giang) thông tin.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
2 tuần trước - Tôi đang sống ở quần thể chung cư 'Liên Hiệp Quốc' gần cầu Sài Gòn. Chung cư có biệt danh ấy vì nơi đây có hàng trăm cư dân mang hàng chục quốc tịch khác nhau'.
3 tuần trước - Đứng giữa cánh đồng, một bên là cây ăn trái, một bên là lúa, ông Nguyễn Văn Long (76 tuổi, Đồng Tháp) lưỡng lự. Ông muốn bỏ lúa, nhưng không đành.
3 tuần trước - Đứng giữa cánh đồng, một bên là cây ăn trái, một bên là lúa, ông Nguyễn Văn Long (76 tuổi, Đồng Tháp) lưỡng lự. Ông muốn bỏ lúa, nhưng không đành.
1 tuần trước - Sáng 10/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Bắc Giang thị sát và chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ, đi cano thăm người dân xã Vân Hà đang bị cô lập.
1 tháng trước - Sơn La đang rà soát để có phương án trình Thủ tướng và các bộ, ngành trung ương đầu tư xây hầm tiêu thoát lũ, chống ngập úng ở thành phố Sơn La.
Xem tin bài khác
4 phút trước - Trong lúc chạy xe máy đi qua tràn ngập nước, bà Loan bị nước chảy xiết cuốn trôi. May mắn, bà Loan nhanh tay ôm vào hàng cây bên đường và được người dân ném dây thừng cứu lên bờ an toàn.
4 phút trước - Trong lúc chở 2 con đi học về qua đoạn đường ngập nước, cả 3 mẹ con chị T. bị nước lũ cuốn trôi. Phát hiện sự việc, người dân chạy ra cứu được 2 con, riêng người mẹ bị nước cuốn trôi mất tích.
16 phút trước - Ngày 20-9, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vừa công bố Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2024.
16 phút trước - TP.HCM sẽ dùng vốn ngân sách để đầu tư đoạn đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
16 phút trước - Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam linh hoạt đóng, mở cụm cống Cái Lớn - Cái Bé, cống Xẻo Rô cả đêm lẫn ngày để điều tiết nước, tránh gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân Đồng bằng sông Cửu Long.