ttth247.com

Dân Thái Nguyên nơm nớp lo sông Cầu 'nuốt' nhà

Đêm mưa không dám ngủ

Con đường dẫn vào xóm Thanh Đàm những ngày vừa qua luôn có chốt trực cảnh giới các phương tiện, người dân không đến gần điểm nóng sạt lở bờ sông Cầu. Nhờ ông Dương Văn Sức, Tổ trưởng Tổ An ninh xóm Thanh Đàm dẫn đường, chúng tôi mới được phép tiếp cận, tiến sâu vào hiện trường vụ sạt lở.

Dân Thái Nguyên nơm nớp lo sông Cầu 'nuốt' nhà- Ảnh 1.

Sạt lở sông Cầu ở xóm Thanh Đàm, xã Nhã Lộng, H.Phú Bình de dọa an toàn, tính mạng của người dân khiến UBND tỉnh Thái Nguyên phải công bố tình huống khẩn cấp

PHAN HẬU

Đường vào nhà bà Dương Thị Loan trước khi xảy ra sạt lở nằm cách bờ sông hơn 10 m. Đó là khu vườn trồng nhiều cây sấu và một số loại cây ăn quả. Sát mép sông là bụi tre to đã trồng vài chục năm nay. Nhưng sau vài đợt mưa lớn tháng 7, gần như toàn bộ vườn cây này đã bị trượt xuống lòng sông Cầu. Vết nứt từ vụ sạt lở "ăn" sâu, làm nứt vỡ đường bê tông dẫn vào nhà. Nằm kế bên đường là khu chuồng nuôi trâu bò, nhà kho để lương thực, nông cụ sản xuất của gia đình bà Loan đã bị nứt vỡ tường phía sau. Những ngày qua, bà đã sơ tán, gửi nhờ nhà hàng xóm toàn bộ đàn trâu bò, tài sản cất trữ trong nhà kho.

"Chưa bao giờ tôi nghĩ sạt lở bờ sông vào đến sát nhà mình thế này. Trước đây, nước sông Cầu từ đầu nguồn đổ sang bờ sông đối diện. Nhưng năm nay con nước lạc dòng, cuồn cuộn chảy về bờ bên này. Ngày mưa, nước sông Cầu chảy qua nhà ầm ầm, réo rắt chỉ nghe thôi đã sợ. Ban đêm không ai dám ngủ, cả nhà thay nhau thức canh phòng. Nhà tôi đã mất gần như toàn bộ khu vườn, hiện giờ chỉ lo cho nhà thằng cháu bên cạnh. Bỏ ra bạc tỉ xây nhà mà giờ sạt lở cận kề rồi, rất xót xa", bà Loan than.

Người cháu mà bà Loan nhắc đến là nhà anh Hoàng Văn Lộc, có nhà 2 tầng khang trang đã xây dựng xong phần thô, đang chờ hoàn thiện để dọn vào ở.

Dân Thái Nguyên nơm nớp lo sông Cầu 'nuốt' nhà- Ảnh 2.

Đoạn sông Cầu bị sạt lở kéo dài 868 m, ảnh hưởng trực tiếp đến 17 hộ dân ở xóm Thanh Đàm, xã Nhã Lộng, H.Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên

PHAN HẬU

Dẫn chúng tôi ra sau vườn xem bụi tre thân cao gần 20 m nhưng đã bị nước xối mất chân, gốc tụt xuống dưới lòng sông, chỉ còn nhìn thấy phần ngọn, anh Lộc cho biết, vết sạt lở xé toạc bờ sông đã tiến sát vào khu nhà xưởng sản xuất mì gạo rộng gần 100 m2. Để giảm tải áp lực, gia đình anh Lộc đã cho tháo dỡ toàn bộ máy móc, nhà xưởng nhưng hiện nay các vết nứt vẫn tiếp tục xuất hiện ăn sâu về phía ngôi nhà mới đang xây dở khiến gia đình anh Lộc lo lắng, mất ăn mất ngủ.

"Sát bờ sông trước đây là khu vườn rất nhiều cây cối và có tường bao, cách 5 - 6 m mới vào đến xưởng sản xuất mì nhưng tất cả đã bị sạt lở, nằm hết dưới sông rồi. Khu đất của gia đình sinh sống, làm ăn ổn định từ đời ông cha mấy chục năm nay chưa từng nghe có sạt lở giờ lại rơi vào tình cảnh éo le này", anh Lộc buồn bã nói.

Sẵn sàng sơ tán dân

Sau gia đình bà Loan, anh Lộc, ông Dương Văn Sức tiếp tục dẫn chúng tôi đi dọc theo bờ sông Cầu đang có sạt lở. Nhà dân ở dọc khu vực đều được căng dây, cắm biển cảnh báo. Trong đó, một số nhà cao tầng có vết nứt phải dọn vào ở tạm nhà người thân nằm sâu trong xóm. Sát bờ sông Cầu ở đây, nhiều đoạn ngổn ngang tường gạch kiên cố, vườn tược, cây cối hoa màu đã bị giật đổ, xiêu vẹo. Một số đoạn mới trượt lở, đất còn mới nguyên, độ cao chênh lệch 3 - 4 m so với nền đất cũ.

Dân Thái Nguyên nơm nớp lo sông Cầu 'nuốt' nhà- Ảnh 3.

Sạt lờ bờ sông Cầu ăn sâu vào vườn gia đình bà Loan được cơ quan chức năng căng dây, cảnh báo nguy hiểm

PHAN HẬU

Theo ông Dương Văn Sức, bắt đầu từ đầu tháng 7 đến nay, mưa xuất hiện nhiều đợt liên tục. Cứ mưa sau 1 - 2 ngày, nước sông Cầu cuồn cuộn dâng cao đã xuất hiện những vết sạt lở nhỏ. Sau mỗi đợt mưa lũ, sạt lở bờ sông Cầu lại diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn và tiếp tục lan "ăn" vào sâu vào các nhà dân.

"Khi thị sát hiện trường, chúng tôi ngỡ ngàng, khu bờ sông này đều là vườn cây của các hộ dân, không có các tác động đến địa chất, nhiều bụi tre có từ vài chục năm để giữ đất nhưng chỉ sau thời gian ngắn đã bị kéo tuột về phía lòng sông", ông Sức thông tin.

Cũng theo ông Sức, để đảm bảo an toàn tính mạnh, tài sản của người dân, UBND xã Nhã Lộng đã yêu cầu 7 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, nằm sát bờ sông chủ động di chuyển tài sản, tạm thời chuyển sang ở nhờ hàng xóm, người thân. Các thành viên Tổ An ninh xóm Thanh Đàm lập chốt trực 24/24 giờ, phong tỏa toàn bộ khu vực có sạt lở, thường xuyên theo dõi các vết sạt để phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, sẵn sàng các phương án sơ tán dân khi có diễn biến bất thường.

Dân Thái Nguyên nơm nớp lo sông Cầu 'nuốt' nhà- Ảnh 4.

Nhà dân trong khu vực sạt lở được cắm biển cảnh báo, một số hộ tạm thời sơ tán đi ở nhờ nhà người thân

PHAN HẬU

Theo thông tin từ UBND H.Phú Bình, sạt lở bờ sông Cầu xảy ra ở xóm Thanh Đàm, xã Nhã Lộng là do ảnh hưởng trực tiếp của 2 đợt mưa lũ từ ngày 1.7 - 4.7 và từ đêm ngày 28.7 - 31.7. Nước thượng nguồn sông Cầu đồ về dâng cao đã gây ra sạt lở bờ sông Cầu với chiều dài 868 m, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản, hoa màu, đất ở, đất sản xuất của 18 hộ dân với 70 nhân khẩu trong xóm.

Để đối phó với hiện tượng này, mới đây nhất, ngày 8.8, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông Cầu tại xóm Thanh Đàm, xã Nhã Lộng, H.Phú Bình. Theo quyết định này, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp chính quyền địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân; tiếp tục rà soát, khoanh vùng, cắm biển cảnh báo những vị trí nguy hiểm có nguy cơ mất an toàn khi mưa lũ xảy ra; không cho người dân, gia súc đi vào khu vực đang xảy ra sạt lở.

Cũng tại quyết định vừa ban hành, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên giao UBND H.Phú Bình, Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương xây dựng phương án để xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở bờ sông Cầu tại xóm Thanh Đàm, xã Nhã Lộng.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - Do chung cư A7 Tân Mai (quận Hoàng Mai) xuống cấp nghiêm trọng, nên chính quyền địa phương đã khẩn cấp di dời toàn bộ cư dân trong đêm để đảm bảo an toàn trước siêu bão Yagi.
1 tháng trước - Nhiều ý kiến bày tỏ sự bất an và bức xúc trước nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm do va chạm với xe container trên đoạn 1,6 km "tử thần" thuộc đường Nguyễn Duy Trinh ở TP.Thủ Đức (TP.HCM).
1 tháng trước - Cuộc đời ông Trần Minh Tùng (54 tuổi, huyện Cần Giờ) đầy những mối duyên với rừng, từ cái tên, người vợ, đến nghề nghiệp mà ông gắn bó.
1 tháng trước - Cuộc đời ông Trần Minh Tùng (54 tuổi, huyện Cần Giờ) đầy những mối duyên với rừng, từ cái tên, người vợ, đến nghề nghiệp mà ông gắn bó.
1 tháng trước - Cuộc đời ông Trần Minh Tùng (54 tuổi, huyện Cần Giờ) đầy những mối duyên với rừng, từ cái tên, người vợ, đến nghề nghiệp mà ông gắn bó.
Xem tin bài khác
8 phút trước - Cầu bắc qua con suối trên đường tỉnh 445 ở TP Hòa Bình bị sập rạng sáng nay, may mắn không gây thiệt hại về người.
11 phút trước - Khi vụ bạo hành trẻ ở mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP.HCM) bị phanh phui, cơ quan chức năng kiểm tra thì lộ ra cơ sở có đến 85 trẻ, chứ không phải chỉ 39 trẻ như đăng ký.
11 phút trước - Dự báo hôm nay, bão số 4 hướng vào ven biển Quảng Trị - Quảng Nam rồi đi vào đất liền các tỉnh miền Trung. Cơ quan khí tượng cảnh báo tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có mưa rất lớn trong sáng nay.
11 phút trước - Tối 18-9, Công ty cổ phần Thủy điện Đak Mi đã có thông báo về việc điều tiết nước qua cửa van hồ chứa thủy điện Đak Mi 4.
30 phút trước - Theo dự báo, hôm nay, bão số 4 sẽ đổ bộ vào khu vực từ tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị với sức gió cấp 8, giật cấp 10.