ttth247.com

Đầu năm học 'nóng' chuyện máy lạnh ở lớp

Anh N. - phụ huynh có con học lớp 10 Trường THPT Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM - nêu thắc mắc.

Mua rẻ hơn thuê

Anh N. tính toán: "Chúng tôi phải đóng 95.000 đồng mỗi tháng cho con với khoản tiền thuê máy lạnh. Trong khi đó, tôi xem giá thị trường thì máy lạnh hai ngựa loại dùng được bây giờ chỉ khoảng 15,5 triệu đồng/cái.

Mỗi lớp cần lắp hai máy lạnh hai ngựa, vị chi 31 triệu đồng. 45 học sinh/lớp thì chỉ cần lấy số tiền của bảy tháng thuê là có thể mua được hai máy lạnh mới và có thể dùng trong suốt ba năm THPT. Chỉ tính sơ sơ như thế là đủ thấy giá tiền thuê máy lạnh hiện nay quá mắc so với giá thị trường".

Tương tự, anh P. - phụ huynh Trường THPT Long Trường, TP Thủ Đức - cũng phản ảnh: "Trường chúng tôi có 40 lớp, tính trung bình mỗi lớp 45 học sinh thì số tiền thuê máy lạnh mỗi tháng hơn 170 triệu đồng.

Như vậy, một năm học có chín tháng thì tiền thuê máy lạnh hơn 1 tỉ đồng chứ không ít. Tại sao nhà trường không chọn phương án rẻ hơn, tốt hơn cho học sinh là mua máy lạnh vì mua thì máy lạnh đó chính là của cải do mình sở hữu, sử dụng được lâu dài".

Không chỉ hai trường trên, hiện trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều trường THPT chọn phương án thuê máy lạnh bằng phương thức xã hội hóa thay vì vận động phụ huynh góp tiền để mua.

Quyết định của phụ huynh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hữu Hân - hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa - thông tin: "Trước đây trường chúng tôi cũng có vận động phụ huynh trang bị máy lạnh cho các lớp vì học sinh than nóng quá, học tập không hiệu quả. Tuy nhiên, việc này không nhận được sự đồng thuận của phụ huynh.

Từ năm học trước, chúng tôi đưa ra phương án thuê máy lạnh thì phụ huynh đồng tình. Do đó Trường THPT Thanh Đa đã thuê máy lạnh từ năm học 2023 - 2024. Năm nay, trường cũng hỏi ý kiến phụ huynh ngay từ đầu năm học rồi mới thực hiện".

Theo ông Hân, thiết kế ban đầu của Trường Thanh Đa là không gắn máy lạnh mà dùng quạt máy. Vì vậy, khi thay đổi công năng thì đường điện hiện tại không đáp ứng được.

"Mức thu 95.000 đồng/tháng là mức thu đã được HĐND TP.HCM quy định chứ không phải do nhà trường tự đặt ra. Trong đó 60.000 đồng là tiền thuê máy lạnh, 35.000 đồng là tiền điện, bảo trì, bảo dưỡng...

Chưa kể đơn vị cho thuê máy lạnh có nghĩa vụ làm lại đường dây điện riêng để đảm bảo an toàn. Việc làm lại đường dây điện này cũng khá tốn kém", ông Hân nói.

Trong khi đó, ông Võ Tấn Nghĩa - hiệu trưởng Trường THPT Long Trường - cho hay đầu năm học nhà trường triển khai ba phương án: lớp học không gắn máy lạnh nếu phụ huynh không có nhu cầu; phụ huynh mua máy lạnh mang vào lắp và hằng tháng chỉ đóng tiền điện; phương án 3 là thuê máy lạnh. Kết quả là các lớp chọn phương án 3.

Nói về việc thuê máy lạnh, một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng không phải cứ mua cái máy lạnh mang vào trường gắn là sử dụng được ngay. Đa số các trường có thiết kế ban đầu là không sử dụng máy lạnh, giờ muốn sử dụng thì phải làm hồ sơ, xin làm lại đường dây điện, khá nhiêu khê và tốn kém.

"Tính ra, mỗi phụ huynh phải đóng 1 - 2 triệu đồng mới có thể mua được. Mà việc huy động tiền bạc hiện nay được xem là việc nhạy cảm, không phải phụ huynh nào cũng đồng tình và có điều kiện. Chỉ những trường có đa số phụ huynh khá giả mới thực hiện được.

Do đó, HĐND TP.HCM đã quy định hai khoản thu có liên quan đến máy lạnh: đối với những trường đã có máy lạnh thì phụ huynh sẽ đóng 35.000 đồng/tháng tiền điện và bảo trì, bảo dưỡng; với những trường phải đi thuê thì phụ huynh đóng 95.000 đồng/tháng", vị này nói.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Bắt đầu năm học 2024-2025 có địa phương suôn sẻ, thầy cô và học sinh nô nức đến trường. Có nhiều trường, đến nay thầy trò phải nghỉ học do hậu quả khủng khiếp của bão Yagi.
1 tháng trước - Các giáo viên và phụ huynh có trách nhiệm trong việc học tập của con đều cho rằng để góp phần mang lại môi trường học đường văn minh, chống lạm thu thì cần sự góp sức của nhiều bên. Đặc biệt, phụ huynh không đứng ngoài cuộc.
2 tuần trước - Để lo cho hoạt động của lớp, các thầy cô càng phải giữ kẽ, giữ quy chế, giữ lòng tự trọng của nghề giáo. Một bước phải hỏi ý kiến, làm biểu quyết trên nhóm lớp, hai bước phải xin phép hiệu trưởng, ba bước phải báo cáo với phụ huynh...
2 tuần trước - Bậc học mầm non tại TP.HCM đang tính toán, nghiên cứu giải pháp để các cơ sở mầm non có thể đồng loạt triển khai cho trẻ ăn tập trung tại cùng khu vực như các sảnh rộng, nhằm mang lại hiệu quả, phòng tránh rủi ro.
2 tuần trước - Các khách mời của tọa đàm "Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học: Làm gì để vượt thách thức?" đã dành thời gian phân tích về thuận lợi, khó khăn, thách thức và tìm ra các giải pháp để thực hiện chủ trương này.
Xem tin bài khác
7 phút trước - 84% người học Việt Nam được cấp visa du học, khoảng 40 suất học bổng chính phủ dành riêng cho người Việt... là một số dữ liệu cho thấy New Zealand ‘rộng cửa’ chào đón du học sinh Việt.
1 giờ trước - Một tân sinh viên sau vài tuần bước vào năm học mới tại trường ĐH đã khóc và cho biết không muốn đi học nữa, vì "thầy cô không giảng bài như hồi THPT, không tiếp thu được, bị thầy la và bài kiểm tra bị điểm thấp".
2 giờ trước - Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), quỹ Bill và Melinda Gates, rót 16,1 triệu USD cho 6 dự án của PGS Nguyễn Đức Thành, để anh theo đuổi các nghiên cứu về vaccine và kỹ thuật y sinh.
2 giờ trước - Theo các giáo viên Trường THCS-THPT Marie Curie (Hà Nội), đề tham khảo các môn thi tốt nghiệp THPT 2025 mà Bộ GD-ĐT công bố cuối tuần qua mang tính ứng dụng và phân hóa cao.
2 giờ trước - Đề tham khảo các môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 do Bộ GD-ĐT vừa công bố được nhiều giáo viên nhận xét đã có những thay đổi đáng kể, đòi hỏi việc dạy học và ôn tập cũng sẽ phải theo hướng tích cực hơn.