ttth247.com

Đầu tư điện mặt trời trong khu công nghiệp kỳ vọng bùng nổ

Chi phí đầu tư giảm, cơ chế mở, điện mặt trời tăng tốc

Là chủ doanh nghiệp may mặc tại TP.HCM, bà Nguyễn Thái Vân cho biết nhu cầu lắp điện mặt trời trên mái nhà xưởng đã được nhen nhóm từ hơn 2 năm qua. Tuy nhiên, cơ sở nhỏ, nguồn đầu tư ban đầu tương đối lớn, khoảng gần 300 triệu đồng cho 20 kWh, lại không cho phát nguồn dư thừa bán lên lưới nên bà vẫn phân vân.

Đầu tư điện mặt trời trong khu công nghiệp kỳ vọng bùng nổ- Ảnh 1.

Với cơ chế điện mặt trời mới, nguồn điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới

Ảnh: HOÀNG NGUYỄN

"Nay chính sách về điện mặt trời mái nhà đã rõ ràng, tôi nhờ đơn vị tư vấn lắp tấm pin mặt trời tính toán cụ thể. Với số tiền điện công ty đang trả hằng tháng là hơn 30 triệu đồng, nếu lắp pin mặt trời thì chỉ còn trả khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó, tấm pin năng lượng giúp làm mát mái nhà xưởng, cũng đỡ lo bị cắt điện đột ngột trong ngày khi quá tải vì khu vực TP.HCM nắng nóng tốt. So đi tính lại, tôi thấy lắp điện mặt trời lợi hơn nên chắc chắn sẽ đầu tư làm trong năm nay", bà Vân nói.

Một chủ doanh nghiệp bao bì nhỏ tại Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) có mái nhà xưởng của công ty rộng hơn 2.000 m2, có thể lắp đặt điện mặt trời rất tốt nên đang triển khai ngay sau khi cơ chế mở ra. "Tôi có ý tưởng đầu tư điện mặt trời từ trước đại dịch Covid-19 nhưng khi dịch bùng phát, kế hoạch chững lại, rồi sau đó không có cơ chế chính sách mới nên gác lại. Giờ thì chi phí đầu tư điện mặt trời giảm khoảng 30% so với trước, lại được bán nguồn điện thừa lên lưới thì quá tốt rồi. Chúng tôi dự kiến đầu tư gần 1 tỉ đồng để làm điện mặt trời trong thời gian tới, một phần để sử dụng, dư có thể bán, hoặc "chơi sang" hơn, có thể đầu tư thêm pin dự trữ. Tôi cũng được các đơn vị cung ứng pin năng lượng và pin dự trữ báo giá rồi", chủ doanh nghiệp này hồ hởi thông tin.

Tâm lý phấn chấn của nhiều người là có thể hiểu bởi nhu cầu đầu tư điện mặt trời mái nhà đã "tích nén" khá lâu. Khi mở ra sẽ tạo thành dòng thác giúp điện sạch chắc chắn tăng tốc mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Vinasol, khẳng định cơ chế sẽ là nguồn kích thích, có tác động quan trọng để hộ dân, doanh nghiệp triển khai lắp điện mặt trời mái nhà trong thời gian tới. Bởi thực tế, nhu cầu là có nhưng lúc trước chưa có cơ chế rõ ràng, hướng dẫn cụ thể. Thế nên, từ sau năm 2020 đến nay, nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp phân vân, lo lắng về tính pháp lý, không dám đầu tư. Nay cơ chế đã rõ ràng thì làn sóng đầu tư sẽ bung ra.

"Đa số doanh nghiệp có nhu cầu đều mong chờ có cơ chế rõ ràng. Vì lắp điện mặt trời không những giúp tiết giảm tiền điện mỗi tháng mà còn giúp sản xuất, xuất khẩu đạt chứng chỉ xanh theo yêu cầu của các thị trường nhập khẩu như Mỹ, EU, Nhật... Chưa kể trong bối cảnh giá điện đang tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có nhu cầu sử dụng điện nhiều càng sớm đẩy nhanh kế hoạch lắp điện mặt trời hơn để chi phí năng lượng hợp lý hơn. Dự kiến làn sóng lắp đặt điện mặt trời mái nhà sẽ tăng rất mạnh trong thời gian tới", ông Việt dự báo.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thùy Ngân, chuyên gia năng lượng, Giám đốc thương hiệu SolarBK, cũng cho rằng sẽ có làn sóng điện mặt trời mái nhà nhưng tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp do áp lực chi phí năng lượng dành cho sản xuất tăng; đồng thời, yêu cầu về chứng chỉ năng lượng tái tạo đang dần trở thành một điều kiện thiết yếu để hàng hóa vào thị trường châu Âu. Với nhóm khách hàng là hộ gia đình cũng lắp đặt nhiều hơn trước do các vướng mắc pháp lý đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, nhóm hộ gia đình sẽ không đầu tư ồ ạt, vì nội dung của Nghị định 135 được ban hành đang sát với thực tế, dựa vào nhu cầu sử dụng thực tế của người dân nên không có nhiều thay đổi về tâm lý, nhu cầu.

"Chúng tôi nhận định doanh nghiệp sẽ là nhóm có nhu cầu lắp điện mặt trời rất cao. Đối với hộ gia đình, sự tác động của tăng giá điện là có nhưng không ảnh hưởng quá nhiều đến chi phí sinh hoạt hằng tháng. Việc có thể bán 20% điện dư cũng không tác động mạnh vào động cơ lắp điện mặt trời mái nhà của người dân. Lý do là trước đây người dân có tâm lý được mua lại 100% điện dư, không phải 20%", bà Nguyễn Thùy Ngân nhận định.

Giải quyết được áp lực thiếu điện

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, bày tỏ niềm vui và đánh giá cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tạo cơ chế mở "quá tốt" để phát triển nguồn điện trong tương lai gần. Cơ chế này có ý nghĩa quan trọng đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đáng lưu ý, với công trình lắp đặt điện mặt trời không nối lưới, cơ chế cho phát triển không giới hạn, lại được bán trực tiếp là hết sức quan trọng.

"Trước đây, luật Điện lực quy định muốn bán điện phải có giấy phép hoạt động điện lực. Nay quy định về giấy phép cởi mở hơn rất nhiều. Luật Điện lực sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận cũng có nhiều điểm mới, thông thoáng hơn nữa, nên việc phát triển nguồn điện mặt trời trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ tăng tốc. Tại sao tôi chắc chắn như vậy? Vì đầu tư điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp một mặt để phục vụ nhu cầu sản xuất của chính doanh nghiệp, mặt khác có thể bán trực tiếp cho các nhà xưởng trong nội khu. Sau cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu dùng, nguồn năng lượng mặt trời sẽ hỗ trợ cho hệ thống điện năng quốc gia rất lớn. Chính khách hàng sản xuất mới là đối tượng có nhu cầu sử dụng điện nhiều", tiến sĩ Ngô Đức Lâm phân tích và cho rằng trong khi chờ đợi các nguồn điện mới, điện mặt trời trong các khu công nghiệp sẽ giảm thiểu nguy cơ thiếu điện, qua đó thu hút đầu tư tốt hơn.

Ông Lâm cũng nhận định: Với các hộ gia đình, việc đầu tư điện mặt trời mới để dùng và bán không quá 20% lên lưới sẽ "không nhiều đâu" mà tập trung chủ yếu ở các hộ đã đầu tư lâu nay chưa được bán lên lưới nay có thể triển khai tiếp. Tuy nhiên, số này cũng sẽ được ngành điện cân nhắc tùy lưới truyền tải của khu vực.

Trao đổi với Thanh Niên, nhiều doanh nghiệp cho hay chi phí tấm quay điện đang "thấp kỷ lục" và khẳng định đây là thời điểm tốt để doanh nghiệp và hộ gia đình cân nhắc đầu tư. Nhưng theo bà Nguyễn Thùy Ngân, quy mô doanh nghiệp lắp công suất lớn thì tổng mức đầu tư lớn nên không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng. Trong khi đó, thông tin về cơ chế mua bán điện (PPA) và cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) vừa rồi vẫn chưa rõ ràng và chưa tạo điều kiện để các bên thứ ba có thể cùng tham gia đầu tư. Nghị định cũng chưa đề cập việc tận dụng các nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư điện mặt trời, nhất là cho nhóm doanh nghiệp, nhà xưởng. Thế nên, đây cũng được coi là điều cần lưu ý. Nếu được áp dụng, sẽ giúp các doanh nghiệp đạt mục tiêu chuyển đổi xanh nhanh chóng, hiệu quả. 

Nghị định 135 của Chính phủ áp dụng với các nguồn năng lượng mặt trời tự dùng lắp đặt trên mái nhà ở, cơ quan công sở, khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, công nghệ cao, khu kinh tế và cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nếu không dùng hết được bán lên hệ thống điện quốc gia, tối đa 20% công suất lắp đặt thực tế. Đặc biệt, công trình không nối với lưới quốc gia được phát triển không giới hạn công suất, miễn giấy phép hoạt động điện lực.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
6 ngày trước - Các khu công nghiệp xanh đang "khát" điện tái tạo để đối phó với nguy cơ thiếu điện và đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu. Thế nhưng, điện tái tạo trong khu công nghiệp vẫn vướng...
3 tuần trước - Điện mặt trời mái nhà sẽ mở rộng cho nhiều tổ chức tham gia, một số trường hợp được phát triển không giới hạn công suất… là những nội dung mới được bổ sung vào dự thảo nghị định về điện mặt trời mái nhà. Dự kiến, nghị định sẽ sớm được ban...
1 tháng trước - Dự thảo nghị định cơ chế điện mặt trời mái nhà sẽ mở rộng quy định cho phép giao dịch, mua bán điện mặt trời mái nhà tự dùng tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.
2 tuần trước - Tỷ lệ huy động điện than (nhiệt điện) vẫn còn khá cao, chiếm 50% trên tổng sản lượng khiến cuộc chiến tiến đến net zero ngày một cam go.
1 tuần trước - Chưa được ban hành nhưng dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ luôn "nóng" với đề xuất chỉ có EVN là bên mua duy nhất nguồn điện dư từ nguồn này. Thế nhưng theo các chuyên gia, đây là điều...
Xem tin bài khác
4 phút trước - Temu xuất hiện không phép, bán hàng rầm rộ ở thị trường Việt Nam đặt ra trách nhiệm cho cơ quan quản lý cần sớm siết quản lý đối với sàn thương mại điện tử.
4 phút trước - VinFast sẽ đào tạo chuyên sâu cho 200 kỹ thuật viên mới trong chương trình kéo dài hai tháng tại nhà máy ở Hải Phòng, với toàn bộ chi phí do hãng chi trả.
10 phút trước - Nhanh tay tậu ngay bộ sưu tập thu đông của UNIQLO cùng ưu đãi hoàn tiền lên tới 300K từ thẻ Agribank JCB ngay hôm nay
10 phút trước - Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25/10/2024, Tập đoàn Vietravel và Tập đoàn Vingroup ký thỏa thuận hợp tác toàn diện nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi xanh trong kinh doanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cùng nâng cao năng lực cạnh...
10 phút trước - Nhằm đáp ứng nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng ngày càng gia tăng và nâng cao hơn nữa sự hài lòng của khách hàng, VinFast đang tập trung thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển mạng lưới xưởng dịch vụ, đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng cho đội ngũ kỹ...