ttth247.com

Đề xuất giữ lại phần thu ngân sách vượt kế hoạch để làm metro

Đề xuất này nhận được sự đồng tình của các chuyên gia tài chính, giao thông vận tải, bởi càng đầu tư cho hạ tầng, số thu ngân sách càng tăng và TP sẽ đóng góp nhiều thêm cho sự phát triển của đất nước.

6 tuyến đường sắt đô thị: tiền đâu?

Đề án metro của TP.HCM đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ xây dựng và hoàn thành khoảng 183km với sáu tuyến đường sắt đô thị. Đến năm 2045 làm thêm 168km để nâng tổng chiều dài lên hơn 351km.

Toàn bộ hệ thống với chiều dài hơn 510km sẽ được hoàn thành vào năm 2060. Nếu đề án được thông qua, đây được coi là cuộc đột phá làm metro chưa từng có tại nước ta. Ước tính số vốn cần huy động từ nay đến 2035 khoảng 898.103 tỉ đồng (hơn 37,4 tỉ USD).

Theo báo cáo của đoàn công tác liên ngành do Bộ Giao thông vận tải chủ trì nghiên cứu phát triển đường sắt ở một số nước như Tây Ban Nha, Đức, Trung Quốc..., kinh nghiệm cho thấy phương thức đối tác công tư (PPP) cơ bản là ít được áp dụng hoặc không thành công đối với các dự án đường sắt nói chung và metro nói riêng.

Do đó, đề án xác định ngân sách nhà nước sẽ giữ vai trò chủ đạo trong hành trình đầu tư, hoàn thiện mạng lưới metro.

Để đầu tư đồng loạt sáu tuyến metro từ nay đến 2035, TP.HCM đã nghiên cứu sáu nguồn vốn. Đầu tiên là nguồn đầu tư công từ ngân sách TP 172.064 tỉ đồng. Còn nguồn thu từ phát triển đô thị theo hình thức TOD dự kiến mang về khoảng 120.529 tỉ đồng, tương đương 5 tỉ USD. Cơ chế huy động vốn từ BT (trả chậm) theo nghị quyết 98 cũng có thể huy động được thêm 4,1 tỉ USD.

Kế đến là huy động từ vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho vay lại.

Dự kiến huy động vốn từ trái phiếu địa phương khoảng 10.000 - 30.000 tỉ đồng/năm cho giai đoạn 2027 - 2034 để dành riêng cho phát triển đường sắt đô thị.

Nếu vay trái phiếu chính quyền địa phương theo kế hoạch của đề án là 155.000 tỉ đồng thì hạn mức dư nợ của TP vẫn đảm bảo trong giới hạn 120% số thu điều tiết ngân sách địa phương theo quy định.

Đáng chú ý là đề án có đề xuất nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu (tương tự như dự án đường vành đai 3 TP.HCM) khoảng gần 227.000 tỉ đồng tương đương 9,49 tỉ USD. TP.HCM cũng đề xuất giữ lại nguồn tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia ngân sách trung ương và ngân sách TP.

Ước tính từ nay đến 2035, số vốn huy động từ nguồn này 160.064 tỉ đồng, tương đương khoảng 6,6 tỉ USD.

Tự chủ vốn làm metro

Ông Khương Văn Mười - nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM - nói rằng trong khi mạng lưới metro tại các đô thị trên thế giới đã hoàn thiện, ở TP.HCM đã 17 năm trôi qua mới chuẩn bị hoàn thành tuyến metro số 1, dài 19,7km. Như vậy là quá chậm, đòi hỏi phải triển khai siêu đề án để tiến tới đột phá loại hình này. Bởi một hai tuyến đưa vào lần lượt sẽ không thể phát huy tác dụng.

"Đối với đề xuất giữ lại nguồn tăng thu ngân sách trung ương, tôi hoàn toàn đồng ý chủ trương này. Bởi càng đầu tư cho hạ tầng, số thu ngân sách càng tăng và TP sẽ đóng góp nhiều thêm cho sự phát triển của đất nước", ông Mười nói.

TS Chung Thành Tiến - chuyên gia kinh tế tại TP.HCM - cũng bày tỏ ủng hộ TP.HCM có thể được giữ lại phần ngân sách thu vượt dự toán để làm metro.

Trong những năm qua, TP đang đối mặt với quá tải hạ tầng, trong khi giao thông công cộng vẫn chưa thể đáp ứng. Điều này dẫn tới các vấn đề kẹt xe, ngập nước... gây thiệt hại kinh tế đáng kể. 

Hệ thống metro được đầu tư hoàn thiện sẽ giúp giải quyết những vấn đề trên, thay đổi bộ mặt đô thị và thúc đẩy TP.HCM phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

"Việc sử dụng nguồn ngân sách thu vượt dự toán để làm metro có thể thấy là cơ hội giải quyết bớt khó khăn về nguồn vốn làm hạ tầng. Kinh phí để hoàn thiện hệ thống metro là khá lớn nên cần tính toán thêm vốn từ những nguồn khác.

Trong đó, có thể kể đến phát hành trái phiếu huy động vốn từ trong nước để phát triển giao thông công cộng đem lại lợi ích cho người dân.

Tuy nhiên, muốn thu hút tổ chức tài chính tham gia nắm giữ trái phiếu thì Nhà nước cần đảm bảo lợi ích bền vững, lãi suất hấp dẫn...", TS Chung Thành Tiến nói.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng - nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM - cũng khẳng định việc TP.HCM đề xuất giữ lại phần ngân sách thu vượt kế hoạch và phát hành trái phiếu để làm metro là rất cần thiết.

Thời gian qua, một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA cũng đã gặp một số vướng mắc và bất cập. Khi tự chủ nguồn vốn, chúng ta sẽ tự chủ về công nghệ làm metro và góp phần phát triển ngành công nghiệp đường sắt.

"Về việc phát hành trái phiếu, TP.HCM sẽ huy động được nguồn vốn làm metro, thậm chí là những công trình trọng điểm khác nữa. Người dân chắc chắn sẽ ủng hộ bởi đây là đầu tư lâu dài, bền vững. Dù vậy TP phải cân đối về các khoản thu, chi, hoàn trả khoản vay khi đáo hạn cho phù hợp để đem lại hiệu quả cao", ông Hoàng nói.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
4 ngày trước - Thành phố đề xuất được giữ lại toàn bộ số thu ngân sách vượt dự toán giai đoạn 2026-2030 để làm đường sắt đô thị.
4 ngày trước - UBND TP.HCM vừa báo cáo Bộ Tài chính đánh giá tác động nợ công của các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn.
1 tháng trước - Hơn 1 năm triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội, nhiều cơ chế đặc thù đi vào cuộc sống giúp TP.HCM đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng, tạo nền tảng để phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
12 giờ trước - Cần quyết liệt chống lãng phí, coi đây là nhiệm vụ quan trọng song hành với cuộc chiến chống tham nhũng.
1 tuần trước - Bộ ngành cần chủ động cùng TP HCM thực hiện cơ chế đặc thù, không để thành phố phải đeo bám xin ý kiến nghe rất xót xa, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị.
Xem tin bài khác
6 phút trước - Quán karaoke ở mặt tiền đường Đồng Khởi (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đang tạm ngưng hoạt động để sửa chữa, bất ngờ bốc cháy dữ dội.
6 phút trước - Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến của UBND TP.HCM, tỉnh Long An và Tiền Giang về dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận lên 6-8 làn xe.
39 phút trước - Đến 20 giờ 30 tối nay 18.10, công tác giải cứu người mắc kẹt trong vụ cháy tòa nhà căn hộ cho thuê 7 tầng ở khu vực biển Đà Nẵng đã kết thúc.
54 phút trước - Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng là ông Huỳnh Đức Hòa và ông Đoàn Văn Việt
54 phút trước - Xe thang được huy động đến hiện trường để cứu nhiều người mắc kẹt trên cao. Khoảng 19h30 tối ngày 18-10,...