ttth247.com

Điều kiện đấu thầu “loại” doanh nghiệp nội?: Tạo lợi thế cho nhà đầu tư nước ngoài

Hạn chế tính cạnh tranh của các DN có năng lực

Cụ thể, trong phần "Kinh nghiệm đầu tư, xây dựng công trình, dự án tương tự đối với dự án có cấu phần xây dựng", dự thảo yêu cầu nhà đầu tư (NĐT) phải "có tối thiểu 80% số lượng hạng mục công trình được nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng từng phần" hoặc "có tối thiểu 80% giá trị khối lượng công việc của dự án được nghiệm thu".

Điều kiện đấu thầu “loại” doanh nghiệp nội?:  Tạo lợi thế cho nhà đầu tư nước ngoài- Ảnh 1.

Quy định tỷ lệ dự án hoàn thành phần lớn theo dự thảo Thông tư quy định mẫu hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được cho là không khả thi

Theo ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả: Hiện nay, Thông tư 06/2024 của Bộ KH-ĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia yêu cầu "Nhà thầu đã thực hiện hoàn thành hoặc hoàn thành 80% khối lượng hợp đồng giám sát xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, cấp III trở lên…" là hợp lý. Nếu đưa thêm điều kiện công trình, dự án được nghiệm thu theo dự thảo Thông tư đang lấy ý kiến sẽ kéo theo nhiều bất cập vì có hàng loạt yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của doanh nghiệp (DN). 

Đơn cử, một dự án xây cầu được chia làm 2 gói thầu, nhà thầu A làm phần cầu chính, còn nhà thầu B làm phần đường dẫn. Nhà thầu A đã hoàn thành hết khối lượng thi công nhưng còn phải chờ nhà thầu B xử lý nền đất yếu, chưa hoàn thiện, thì những phần việc này nằm ngoài khả năng của nhà thầu A. Hay như một số gói thầu xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, nhà thầu đã thi công xong toàn bộ dự án, thông xe kỹ thuật, thậm chí cho xe chạy bình thường được rồi nhưng mãi tới gần đây mới xong hết thủ tục bàn giao, nghiệm thu. Nguyên nhân do các vấn đề về vận hành, bàn giao cho ban quản lý… thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư chưa được xác định. Tất cả những điều này nằm ngoài khả năng kiểm soát của nhà thầu.

"Thông tư 06/2024 cũng quy định kinh nghiệm đầu tư, xây dựng công trình, dự án tương tự có tổng vốn đầu tư tối thiểu 50% tổng vốn đầu tư của dự án đang xét là tỷ lệ phù hợp, không cần thiết nâng lên tới 70% như dự thảo", ông Nam nhấn mạnh.

Thực tế, giai đoạn trước khi Bộ GTVT tổ chức đấu thầu 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2), cũng có nhiều tiêu chí được đánh giá là ngặt nghèo, khó khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tế của đa số các DN nội. Với những dự án đòi hỏi nguồn vốn huy động lớn có tổng mức đầu tư trên 13.000 - 14.000 tỉ đồng, cơ hội cho DN trong nước lọt qua được vòng sơ tuyển là khá khó khăn dù đã liên danh. Sau đó, Bộ GTVT cũng đã phải nghiên cứu hạ đầu bài về kinh nghiệm tham gia các dự án đường cao tốc, thay vào đó có thể là kinh nghiệm từng tham gia các dự án giao thông, hạ tầng, từ đó tạo cơ hội cho các DN nội tham gia đấu thầu.

Ông Ngọ Trường Nam chia sẻ, sau thời gian thực hiện hàng loạt dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, giai đoạn 2 với những gói thầu quy mô lớn, các nhà thầu VN đã tăng năng lực hơn trước rất nhiều. Có rất nhiều DN Việt đã tích lũy được kinh nghiệm, nâng cao năng lực không thua kém gì DN nước ngoài. Do đó, cần tạo điều kiện và cơ hội để các DN Việt được tham gia, đóng góp nhiều hơn vào các dự án lớn, trọng điểm quốc gia. Đối với các dự án có đặc thù công nghệ cao hơn như đường sắt cao tốc, metro… cũng cần phương án để phát huy năng lực của DN Việt. Trong trường hợp bắt buộc phải đấu thầu quốc tế, nên dành thêm quy định phải liên doanh có kèm thêm DN Việt để các nhà thầu nội có cơ hội học hỏi, nâng cao năng lực, tích lũy kinh nghiệm.

"Bản chất của các quy định trên nhằm đánh giá và đảm bảo năng lực của các nhà thầu khi tham gia đấu thầu nên có thể linh động xét các yếu tố tương tự, đánh giá trên mức độ hoàn thành và công trình đạt chất lượng, như quy định hiện nay. Nếu đưa ra quá nhiều điều kiện, yêu cầu sẽ gây khó khăn cho các DN, hạn chế tính cạnh tranh của các DN có năng lực tham gia đấu thầu. Với một số dự án có tính chất đặc biệt thì có thể xét ở góc độ hẹp hơn, nhưng quy định chung về đấu thầu thì cần mang tính phổ quát, phù hợp với nhiều loại hình dự án để mở cơ hội cho nhiều NĐT tham gia, tạo môi trường đấu thầu cạnh tranh, bình đẳng", ông Ngọ Trường Nam nhận định.

Tạo cơ chế độc quyền cho một vài DN

Góp ý về dự thảo Thông tư hướng dẫn biểu mẫu đấu thầu, Hiệp hội Bất động sản VN cho rằng trên thực tế, để đạt được tỷ lệ hoàn thành phần lớn, tối thiểu 80% số lượng hạng mục công trình hoặc 80% giá trị khối lượng công việc của dự án được nghiệm thu đối với các dự án có quy mô lớn thì thời gian triển khai kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm. Quy định này sẽ hạn chế tính cạnh tranh lành mạnh của những DN có năng lực tham gia đấu thầu các dự án sử dụng đất có tổng mức đầu tư lớn hoặc diện tích dự án có quy mô lớn; tạo ra cơ chế độc quyền cho một vài DN. 

Ví dụ trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có đăng tải thông tin đấu thầu một số dự án khu đô thị mới để mời NĐT tham gia, có tổng vốn đầu tư thực hiện trên 80.000 tỉ đồng. Theo quy định mới, để NĐT có thể tham gia đấu thầu dự án này phải hoàn thành phần lớn giá trị hoặc hạng mục công trình tối thiếu 80% của tổng mức đầu tư, tương đương đã thực hiện đầu tư được 32.000 - 44.800 tỉ đồng. Quy định này sẽ hạn chế tham gia của các NĐT trong nước, mở đường cho NĐT nước ngoài hoặc một vài DN trong nước tham gia được. Đồng thời, quy định không phù hợp với nguyên tắc bảo đảm cạnh tranh của luật Đấu thầu năm 2023.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nói thẳng: Quy định sẽ làm sụt giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư, tạo "lợi thế tuyệt đối" cho một số rất ít NĐT rất lớn, nhất là các NĐT lớn của nước ngoài. Vì chỉ có một số rất ít tập đoàn kinh tế lớn trong nước hoặc các NĐT nước ngoài mới có thể đáp ứng được yêu cầu này. 

Ông Châu nhấn mạnh: Với quy định về yêu cầu dự án hoàn thành phần lớn của dự thảo sẽ tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư. Cách quy định đó hình như "đo ni đóng giày"và chỉ phù hợp với một số NĐT lớn nào đó. Nếu quy định được đưa vào áp dụng thì sẽ tạo sân chơi không công bằng và đa số NĐT trong nước sẽ "bị loại ngay từ vòng gửi xe". Trong khi đó, quy định về yêu cầu "dự án hoàn thành phần lớn" đối với dự án có cấu phần xây dựng cũng đang được áp dụng theo Thông tư số 09/2021 của Bộ KH-ĐT ghi rõ tương đương trong khoảng 50 - 70% tổng mức đầu tư của dự án đang xét. Quy định này hợp lý và đã được thực thi từ năm 2021 đến nay, nên cần tiếp tục thực hiện. Các quy định cần phải minh bạch, hiệu quả kinh tế và nhất là bảo đảm tính cạnh tranh cho các DN tham gia đấu thầu dự án.

Dự thảo Thông tư quy định mẫu hồ sơ đấu thầu lựa chọn NĐT thực hiện dự án theo phương thức đối tác công - tư, dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu yêu cầu: NĐT phải hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn, với tỷ lệ hoàn thành phần lớn theo 2 phương án sau:

Phương án 1: Dự án hoàn thành phần lớn là dự án có tối thiểu 80% số lượng hạng mục công trình được nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng từng phần theo giai đoạn thi công xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Phương án 2: Dự án hoàn thành phần lớn là dự án có tối thiểu 80% giá trị khối lượng công việc của dự án được nghiệm thu.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Đó là kiến nghị của nhiều hiệp hội, doanh nghiệp để bảo đảm công bằng trong môi trường đầu tư và tạo điều kiện cho các công ty Việt Nam.
1 tháng trước - Một số quy định tại Dự thảo nghị định và thông tư liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư tham gia đấu thầu đang khiến các doanh nghiệp lo lắng vì khó đáp ứng, hạn chế cơ hội của họ trước các doanh nghiệp nước ngoài.
1 tháng trước - Dự thảo thông tư đang lấy kiến thì tỷ lệ hoàn thành, nghiệm thu các hạng mục công trình của dự án đó phải đạt tối thiểu 80% là thách thức rất lớn với các doanh nghiệp.
22 giờ trước - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực...
1 tháng trước - Theo các chuyên gia và sở ngành, việc mở cửa cho các doanh nghiệp tham gia xe buýt hai tầng sẽ tạo điều kiện cạnh tranh, nâng cao chất lượng.
Xem tin bài khác
25 phút trước - Trên khắp cả nước, nhiều hoạt động thiện nguyện được Vietcombank đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai, đồng hành cùng chính quyền và nhân dân các tỉnh thành miền Bắc vượt qua bão lũ.
25 phút trước - Hưởng ứng lời kêu gọi của các cấp lãnh đạo “Hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng bởi bão lũ”, chiều ngày 13/9/2024, Chi đoàn thanh niên Vietcombank Chí Linh đã hỗ trợ thực hiện tiêu thụ 500 kg cá lồng cho hộ kinh doanh cá...
25 phút trước - Giá vàng hôm nay trên thế giới ghi nhận dao động trong khoảng 2.550 - 2.600 USD/ounce. Diễn biến này xảy ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản.
25 phút trước - Khu công nghiệp VSIP 3 (tỉnh Bình Dương) rộng 10km2 (gấp rưỡi quận 1 (TP.HCM). Dù chưa xây dựng xong, nơi đây đã thu hút 8 dự án với tổng vốn 1,6 tỷ USD. Trong đó nổi bật là siêu nhà máy lớn nhất thế giới của tập đoàn LEGO.
25 phút trước - Giá USD hôm nay 19/9: Trong nước, tỷ giá USD/VND niêm yết tại thị trường tự do bất ngờ "rơi" 50 đồng ở cả 2 chiều khiến chiều bán chính thức về dưới mốc 25.000 đồng. Hiện thị trường này đang niêm yết ở mức 24.850 - 24.950 VND/USD.