ttth247.com

Điều trị gãy xương tay bằng kỹ thuật mới

Bình ĐịnhKỹ thuật nắn kín kết hợp xuyên đinh Kirschner chéo từ bên trong giúp Bệnh viện Đa khoa Bình Định giảm nguy cơ lệch xương cho hàng trăm thiếu niên.

Em Phạm Hoàng Thiên, 11 tuổi ở thị xã An Nhơn bị ngã khi đang chơi đùa cùng các bạn và được nhập viện hồi đầu tháng 7, với chẩn đoán sơ bộ là gãy trên lồi cầu xương cánh tay. Qua khám lâm sàng, các bác sĩ Khoa ngoại Chấn thương - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Bình Định xác định đây là ca bệnh nặng do vùng cổ tay sưng nề rõ rệt, dấu hiệu tê bì ở các đầu ngón tay xuất hiện sớm, nghi ngờ có tổn thương thần kinh kèm theo. Chẩn đoán hình ảnh X-quang cho thấy đường gãy xương lệch trục đáng kể.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Vương, Khoa Ngoại chấn thương - Bỏng cho biết, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật bằng kỹ thuật nắn kín xuyên đinh Kirschner qua da dưới máy C-arm. Sau phẫu thuật, bé trai có thể cử động các ngón tay, giảm đau rõ rệt và giao tiếp bình thường. Tại vết mổ chỉ thấy đầu đinh nhô ra ngoài da rất nhỏ.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Vương thăm khám cho em Phạm Hoàng Thiên trước khi phẫu thuật. Ảnh: Thảo Chi

Bác sĩ Nguyễn Tấn Vương thăm khám cho em Phạm Hoàng Thiên trước khi phẫu thuật. Ảnh: Thảo Chi

Nắn kín xuyên đinh Kirschner qua da dưới máy C-arm là kỹ thuật điều trị chuẩn hiện nay đối với các bệnh nhân bị gãy trên lồi cầu xương cánh tay, kết hợp được ưu điểm của phương pháp nắn kín truyền thống và kỹ thuật hiện đại trong cố định xương.

Dù kỹ thuật này đã được triển khai ở nhiều địa phương, song điểm sáng tạo của Bệnh viện Đa khoa Bình Định là thực hiện xuyên đinh từ bên trong, giúp nâng cao hiệu quả điều trị đáng kể.

Để thực hiện ca phẫu thuật, đầu tiên bác sĩ thực hiện nắn xương nhằm đưa xương gãy về vị trí giải phẫu đúng, đồng thời đánh giá kết quả nắn trên cả hai bình diện thẳng và nghiêng.

Sau khi nắn, bác sĩ sẽ đưa các đinh Kirschner qua da để cố định xương. Đinh được xuyên chéo từ bên trong trước, giúp giữ xương ổn định. Toàn bộ quá trình được thực hiện dưới sự hướng dẫn của máy C-arm. Đây là thiết bị chụp X-quang di động, giúp bác sĩ quan sát được vị trí xương và đinh trong suốt quá trình can thiệp mà không cần mổ mở.

So với các phương pháp điều trị truyền thống, kỹ thuật này có nhiều ưu điểm. Trước đây bệnh nhân trẻ em gãy kín trên lồi cầu xương cánh tay được điều trị bằng 2 cách.

Cách đầu tiên là mổ hở: Các bác sĩ thực hiện đường rạch da dài tại vị trí cần can thiệp, sau đó nắn xương, đặt và bắt vít, cuối cùng là khâu lại. Sau một thời gian nhất định, bệnh nhi phải nhập viện trở lại để thực hiện một ca phẫu thuật khác nhằm lấy đinh vít ra. Phương pháp này gây đau, tăng nguy cơ nhiễm trùng, để lại sẹo lớn, chi phí cao do kéo dài thời gian nằm viện và sử dụng nhiều vật tư. Ngoài ra, có khả năng cao ảnh hưởng đến chức năng khớp khuỷu.

Phương pháp thứ hai là bó bột bảo tồn. Cách này gây khó chịu kéo dài, nguy cơ chèn ép và di lệch xương trong bột, có thể dẫn đến biến dạng chi và hạn chế chức năng.

Kỹ thuật nắn kín và xuyên kim Kirschner dưới máy C-arm đã khắc phục được những nhược điểm trên. Kỹ thuật này sử dụng vết rạch nhỏ khoảng 3-5 mm, giúp giảm đau cho bệnh nhi.

Nắn xương dưới C-arm cho phép đánh giá phục hồi giải phẫu toàn diện và đặt đinh Kirschner chính xác, tránh các biến chứng sau mổ. Bệnh nhi có thể xuất viện sau một hai ngày. Sau 3-4 tuần quay lại tái khám để bác sĩ thực hiện rút đinh nhẹ nhàng tại phòng tiểu phẫu.

Tại vị trí vết mổ chỉ thấy đầu đinh nhô ra ngoài da một chút. Ảnh: Thảo Chi

Các bác sĩ Khoa ngoại Chấn thương - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Bình Định trong một ca mổ chỉnh hình chấn thương tay. Ảnh: Thảo Chi

"Chúng tôi tiến hành xuyên đinh Kirschner từ bên trong trước với tư thế tay xoay ngoài 90º, thay vì xuyên đinh chéo bên ngoài trước hoặc chỉ xuyên đinh bên ngoài như các bệnh viện đang làm", bác sĩ Vương giải thích thêm về kỹ thuật mới.

Theo ông, điều này giúp tốc độ thực hiện phẫu thuật nhanh hơn, rút ngắn thời gian phẫu thuật. Đồng thời, kỹ thuật nói trên giảm thiểu nguy cơ di lệch xương, đảm bảo sự chính xác trong việc nắn chỉnh cũng như tăng độ vững chắc của kết cấu xương sau can thiệp.

Kỹ thuật mới này cũng giúp giảm đáng kể nguy cơ tụt đinh sau phẫu thuật và hạn chế tối đa khả năng nhiễm trùng tại vị trí can thiệp. Bệnh nhân có thể vận động sớm hơn, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi, bác sĩ Nguyễn Tấn Vương cho biết thêm.

Theo bác sĩ Trương Kim Hùng - Trưởng khoa Khoa ngoại Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, mỗi năm khoa tiếp nhận khoảng 100 ca phẫu thuật điều trị gãy trên lồi cầu xương cánh tay ở trẻ em, chủ yếu là học sinh từ 5-12 tuổi. Việc áp dụng kỹ thuật mới đã mang lại hiệu quả vượt trội, không chỉ đảm bảo phục hồi nhanh, giảm biến chứng, rút ngắn thời gian điều trị mà còn mang lại kết quả thẩm mỹ cao (hầu như không để lại sẹo) và tiết kiệm chi phí cho người bệnh. Đồng thời, kỹ thuật còn góp phần nâng cao uy tín của bệnh viện và giảm tải cho tuyến trên. Thực tế đây không phải là một kỹ thuật quá phức tạp, hầu hết các trung tâm y tế chỉ cần được trang bị máy C-arm đều có thể làm được.

Thảo Chi

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
3 ngày trước - Nhờ kỹ thuật hiện đại, chi phí thấp hơn so với nhiều nước, không ít người từ nước ngoài đã về Việt Nam để phẫu thuật robot.
2 tuần trước - Thông tin về công tác cấp cứu trong kỳ nghỉ lễ 2/9 năm nay, đại diện Bệnh viện Việt Đức cho biết theo số liệu thống kê, trung bình mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận khoảng 150 ca cấp cứu. Mức này tương đương với kỳ nghỉ lễ năm 2023.
1 tháng trước - TP.HCM, ngày 03 tháng 8 năm 2024: Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, hệ thống y tế tư nhân hàng đầu tại Việt Nam, chính thức ra mắt Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình và Cột sống Hoàn Mỹ với hệ thống cơ sở vật chất và thiết bị chẩn đoán hiện đại, ứng...
2 tuần trước - Kỹ thuật thở, tưởng tượng, thả lỏng và giãn cơ có thể giúp mọi người thiếp đi nhanh chóng hơn, theo các chuyên gia giấc ngủ.
1 tháng trước - Trước đây, bệnh thường gặp ở độ tuổi 18-20 trở lên, thì nay độ tuổi này có xu hướng hạ xuống thấp, trên 12 tuổi đã có thể bị trĩ.
Xem tin bài khác
4 giờ trước - Viêm da tiếp xúc, nấm da, nhiễm trùng da do vi khuẩn và ghẻ nước là những bệnh da thường gặp trong mùa mưa bão, có thể trở nên nghiêm trọng nên không được chăm sóc, điều trị đúng cách.
4 giờ trước - 'Khi bước sang tuổi 50, phần lớn mọi người sẽ đi ngủ sớm hơn so với những năm 20 hay 30 tuổi. Thế nhưng, họ sẽ khó chìm vào giấc ngủ hơn'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!
4 giờ trước - Đi bộ là cách tuyệt vời để tập thể dục. Tuy nhiên, bài tập đơn giản này - nếu đi quá nhiều, vẫn có thể dẫn đến các vấn đề như đau chân, đau nhức cơ, đau khớp, sưng và đau ống quyển.
4 giờ trước - Nếu cơ thể bị sốt thì cơn sốt thường sẽ hết trong vòng 24 đến 48 giờ. Phần lớn là những cơn sốt nhẹ. Nếu cơn sốt này kéo dài vài ngày không khỏi thì rất có thể nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc bệnh tiềm ẩn nào đó.
4 giờ trước - Khi bước sang tuổi 50, phần lớn mọi người sẽ đi ngủ sớm hơn so với những năm 20 hay 30 tuổi. Thế nhưng, họ sẽ khó chìm vào giấc ngủ hơn. Trên thực tế, nhu cầu giấc ngủ của người lớn tuổi không thay đổi so với khi còn trẻ.