ttth247.com

Doanh nhân làm việc để sống cuộc đời có ý nghĩa

Lần này cũng vậy, chỉ là ăn tối, nói chuyện trên trời dưới bể… Nhưng càng nói, tôi càng bị cuốn hút bởi khí chất chân thành ở chị Nhi. Một cách hết sức tự nhiên, chị Nhi dẫn tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác về tư duy, quan điểm làm người, làm nghề của chị.

Đó cũng là lý do tôi nhất định chọn chị làm nhân vật nhân dịp 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Chị là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ Nguyễn Thị Thảo Nhi, chủ đầu tư khu công nghiệp chuyên sâu đầu tiên của Việt Nam.

Có lần chị Nhi gọi điện cho tôi, đầy tâm trạng. Đó là khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc tới dự án nhà máy Tesla hàng tỉ USD đầu tư tại Trung Quốc chỉ mất chưa tới một năm từ lúc khởi công đến khánh thành, đi vào hoạt động. Họ cũng mất 2 tháng để xây trung tâm thương mại như AEON tại Việt Nam hay khu đô thị ở UAE có tổng đầu tư 20 tỉ USD với quy mô 600 ha, 500 tòa nhà làm trong vòng 5 năm. Chị bảo chị hiểu trăn trở và tâm huyết của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Nhưng không phải doanh nghiệp Việt Nam không làm được như vậy, mà bởi bị trói buộc rất nhiều thủ tục. Như khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 của chị, hạ tầng hoàn chỉnh; điện, nước, khí gas, cáp viễn thông đấu nối vào tận hàng rào; nước thải loại A; quy hoạch 1/500 có sẵn, doanh nghiệp cũng đã được cấp phép đầu tư nhưng vẫn phải chờ giấy phép xây dựng mới được triển khai xây nhà máy. Muốn có giấy phép xây dựng thì phải có đánh giá tác động môi trường (ĐTM), phòng cháy chữa cháy… Quy trình này rất lâu, tốn rất nhiều thời gian.

“Trong khi mình có thể làm song song rồi sau đó kiểm tra xem ĐTM, phòng cháy chữa cháy đúng không? Còn hiện nay, hạ tầng có hết rồi nhưng từ lúc cấp phép đầu tư cho tới khi được cấp phép xây dựng cũng mất mấy tháng. Thế nên không phải doanh nghiệp nội không làm được như người ta mà muốn làm cũng không được”, chị Nhi tâm tư.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ Nguyễn Thị Thảo Nhi, chủ đầu tư khu công nghiệp chuyên sâu đầu tiên của Việt Nam

Lần đầu tiên chị Nhi gọi tôi, là trăn trở vì tình trạng “lọc ngành” trong thu hút đầu tư ở một số địa phương. “Em nghĩ đi, mình còn mặc quần áo, thì vẫn cần dệt nhuộm. Con cái mình còn dùng sách vở thì vẫn phải sản xuất giấy… đều là những ngành ô nhiễm. Ngay cả công nghiệp bán dẫn mà Chính phủ đang thu hút đầu tư cũng sử dụng điện, nước rất nhiều. Nước thải sản xuất chất bán dẫn cũng chứa các chất gây ô nhiễm; đầu vào của bán dẫn là xi mạ… Vậy chúng ta có thu hút đầu tư vào công nghiệp bán dẫn nữa không? Nếu đứng trên quan điểm lọc ngành, thì các ngành công nghiệp nặng, những ngành hóa chất cơ bản chắc chắn sẽ bị gạt hết. Nhưng nếu không có các ngành này thì làm sao chúng ta có nền tảng để phát triển công nghiệp? Thế nên, vấn đề là phải tìm cách quản lý ô nhiễm để giảm thải chứ không phải lọc nó, loại bỏ nó”, chị Nhi nói.

Các cuộc gọi của chị Nhi với tôi, không phải là phản ánh với báo chí, dù khu công nghiệp của chị là nơi phát triển các ngành công nghiệp nặng như lọc hóa dầu, luyện kim, khí đốt… Chị cứ gọi ào một cái, xong rồi thôi, có khi vài tháng chẳng liên lạc lại. Cũng như tôi hẹn đi ăn, chị không bao giờ hỏi lý do. Tới ăn chán chê cũng không hỏi. Nói chuyện suốt 3 - 4 tiếng đồng hồ, quán đóng cửa, chia tay về, chị cũng chẳng quan tâm xem tôi hẹn gặp chị để làm gì, dù số lần tôi và chị gặp nhau tính tới nay, đếm không quá một bàn tay.

Có lẽ, chị coi tôi như một người bạn, một người em mà chị tin cậy chứ chẳng liên quan gì công việc. Bởi thực tế, chị đã chủ động “xanh” cách đây hơn 1 thập niên chứ không đợi đến bây giờ. Chị bảo chị làm khác người lắm.

Mà khác thật! Như cái chuyện chị tự “nâng hạng” xử lý nước thải ở khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 lên loại A, trong khi quy định chỉ yêu cầu loại B. Hồi đó nhiều người can chị. Thứ nhất là làm vậy, chi phí xử lý nước thải chỗ chị cao hơn các khu công nghiệp khác, ảnh hưởng việc thu hút đầu tư. Thứ 2, đã xử lý nước thải loại A rồi chị còn bắt gom về hồ tập trung để quan trắc xử lý.

Tính đến nay, tổng vốn đầu tư thu hút vào Phú Mỹ 3 vượt mức 4 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2027, tổng vốn có thể đạt trên 6,7 tỷ USD. Tỷ suất thu hút đầu tư trung bình 9-10 triệu USD/ha đất cho thuê. Một con số rất ấn tượng tại Việt Nam

“Mấy ảnh bảo làm thế rủi ro cho em lắm. Nhưng thà chị rủi ro chứ để họ xả ra môi trường thì dân rủi ro, mình thành tội đồ, chị sợ lắm”, chị nói và trầm ngâm: “Nhật đã trả giá rất nhiều về môi trường. Nếu mình không làm tốt, sau này mình phải trả giá. Nghĩ đến đó là chị quyết tâm nâng hạng bằng được”.

Cũng nhờ chị “sợ” mà khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 là một trong số hiếm hoi các khu công nghiệp vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt loại A trước khi các dự án sản xuất đi vào hoạt động. Nghe nói đến giờ, chị Nhi vẫn đang bù lỗ cho dự án này. Đổi lại, nói đến khu công nghiệp xanh, người ta nhớ ngay chị, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thảo Nhi, chủ đầu tư khu công nghiệp kiểu mẫu đầu tiên nằm trong thỏa thuận hợp tác và phát triển được ký kết giữa lãnh đạo hai nước Việt Nam và Nhật Bản vào tháng 11.2011. Không chỉ thành công trong việc thu hút các tập đoàn đa quốc gia từ các nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Trung Quốc đại lục, Đài Loan... với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỉ USD, chị còn trở thành người bạn tin cậy, nhận sự tôn trọng và yêu quý của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các đối tác Nhật Bản.

Nhưng chị Nhi không chỉ “xanh” tới đó. Chị bảo, xanh là phải cộng sinh, nghĩa là đầu ra của ông này là đầu vào của ông kia. Doanh nghiệp này thải ra thì doanh nghiệp khác lấy vào. Ví dụ, doanh nghiệp này lấy hơi nước của doanh nghiệp kia thì sẽ không cần đầu tư hóa hơi nữa. Muốn như thế, phải kiếm những tập đoàn biết nhau, quá trình hoạt động phải tương hỗ nhau. “Còn không biết nhau, một ông phá sản không lẽ ông kia đóng cửa? Vì thế khi cộng sinh, tối ưu hóa nguồn lực, phải kiếm 2 doanh nghiệp tương đương. Việc này rất khó, nhưng chị đang cố gắng làm”, chị Nhi dứt khoát.

Chị cũng ấp ủ làm 3 trụ điện gió trong khu công nghiệp Phú Mỹ 3 của mình. “Khu công nghiệp của chị có cái dẻo, ngay dòng sông và một con sông lớn nên rất thuận lợi để phát triển điện gió. Chị đang nghiên cứu Quy hoạch điện 8 và các cơ chế liên quan. Làm được cái này là xanh đúng nghĩa luôn”, chị Nhi hào hứng.

Có cảm giác, chị Nhi “chăm bẵm” khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 như đứa con của mình. Càng thấy nó phát triển, thành công lại càng muốn hoàn thiện hơn nữa. Thậm chí, chị vẫn tự làm khó mình bởi những mục tiêu quá cao, quá phức tạp. Như cái vụ “xanh cộng sinh” mà chị Nhi đang ấp ủ, có ai bắt chị phải làm đâu. Thế nhưng, khi tôi hỏi tại sao không tận dụng thương hiệu, uy tín để mở rộng thêm nhiều khu công nghiệp xanh khác nữa, đón đầu xu hướng thời đại, đón đầu dòng vốn FDI thế hệ mới đang đổ vào Việt Nam… thì chị Nhi lại xua tay. Chị bảo, chị đã từng làm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, từng thấy nhiều hồ sơ xử lý nợ, từng chứng kiến thăng trầm của nhiều doanh nghiệp nên chị sợ.

“Mình mới có mấy chục năm phát triển đổi mới, các doanh nghiệp tích lũy tư bản chưa nhiều nên hầu hết phải lấy ngắn nuôi dài. Mình nghĩ mình làm được, mình bung ra nhưng chẳng may khủng hoảng, mình không kiểm soát, không cân đối được tài chính thì chết. Nên sức chị đến đâu thì chị làm tới đó thôi”, chị Nhi giải thích.

Chị cũng bảo không biết truyền thông, quảng bá. Đáng lẽ làm thành công thì phải la lên cho nhiều người biết nhưng chị thì không. Chị cứ từ từ, cứ âm thầm làm việc của mình. Rồi chị bảo chị là phụ nữ, chị cũng không giao thiệp giỏi như đàn ông…

“Cái “style” của mình như vậy, thôi chấp nhận đi chậm, nhưng mình phát triển được cái gì nó bền cái đó. Mình làm đến đâu là nó rất rõ ràng, rất sạch sẽ, rất đàng hoàng, cuộc sống của mình cũng khỏe em ạ”, chị Nhi cười xòa.

Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (BR-VT) là một trong số hiếm hoi các khu công nghiệp vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt loại A trước khi các dự án sản xuất đi vào hoạt động

Chị Nhi có nhiều nỗi sợ, nghe chẳng giống doanh nhân tí nào. Chị kể về nỗi sợ cũng hồn nhiên, không chút ngại ngần. Như khi chị đi khảo sát khu vực đang xin chủ trương đầu tư khu công nghiệp ở Cần Thơ. Thấy xung quanh vẫn còn nhiều dân ở, đất vẫn đang trồng lúa. Thế là chị lại sợ.

“Trước khi chị làm khu công nghiệp Phú Mỹ 3 thì ở đó là một vùng sình lầy ngập mặn, chỉ toàn sú với vẹt. Rồi mình vào, mình xây dựng, mình thu hút đầu tư, tạo nên giá trị kinh tế cho vùng đất đó. Còn đây là đất nông nghiệp, nếu mình không làm thì người dân vẫn có thể trồng 2 - 3 vụ lúa. Đụng tới cuộc sống của người dân mà không chắc mang lại cuộc sống tốt hơn cho họ là chị rất sợ”, chị Nhi băn khoăn.

Nhưng cuối cùng chị được thuyết phục bởi tâm huyết của lãnh đạo Cần Thơ. “Các ảnh bảo cứ chỉ làm nông nghiệp thì làm sao phát triển được. Cần Thơ vẫn làm nông nghiệp, nhưng phải có công nghiệp thì đời sống của người dân mới khá lên được. Các ảnh tâm huyết thì mình góp chút xíu công sức của mình vô”, chị Nhi giải thích.

Dù vậy, chị vẫn xin để dân ở lại thay vì chuyển họ đi. “Mình chưa biết làm có tốt hơn không mà di dời dân đi, chị không yên tâm. Mà công nghiệp thì cũng cần dân nên thôi để họ ở lại. Giờ chị áp lực phải làm sao cho nó tốt hơn, để mang lại đời sống tốt hơn cho họ, như tâm huyết của lãnh đạo tỉnh, và để chị không mang tội với vùng đất đó”, chị Nhi nói.

Chị Nguyễn Thị Thảo Nhi khiến nhiều người tham dự Hội thảo "Lọc ngành hay giảm phát thải" do báo Thanh Niên tổ chức kinh ngạc về sự hiểu biết của mình về tăng trưởng xanh, đặc biệt là trong áp dụng các quy tắc, tiêu chuẩn để xanh hoá các KCN theo xu hướng thế giới

Rồi chị cười bảo, cái số chị nó cực! Người ta đầu tư khu công nghiệp, cho thuê đất là xong. Còn chị có cả một bộ phận phục vụ khách hàng ở trong khu công nghiệp. Bản thân chị hằng ngày cũng cứ sáng từ TP.HCM xuống Bà Rịa-Vũng Tàu làm việc rồi tối quay ngược trở lại. Bữa hẹn với tôi, chị tới trễ gần một tiếng vì kẹt xe. Doanh nhân ngàn tỉ, chắc chẳng ai tự làm mình cực như chị.

“Mấy ông tổng giám đốc người Nhật, Hàn, EU… có việc gì là qua gặp chị nhờ tư vấn. Rồi họ truyền tai nhau, có gì cứ gặp bà Nhi. Riết rồi quen, chị coi việc của họ như việc của mình. Ngược lại có việc mình nhờ họ, họ cũng vui vẻ đồng ý ngay”, chị Nhi cười hồn nhiên, pha chút tự hào.Tôi đã chứng kiến chị Nhi nhiều lần dẫn cả đoàn lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật, đại diện các tổ chức Jetro, Jica (Nhật Bản); Kotra, KoCham (Hàn Quốc) tham dự hội nghị, hội thảo… Dáng chị nhỏ nhắn nhưng khí chất tự tin của người kiểm soát được đích mình muốn tới, khiến người khác phải chú ý, phải dõi theo.

Dù may mắn được tiếp xúc với khá nhiều doanh nhân, chị Nhi vẫn mang đến cho tôi những kiến giải rất xác đáng, rất riêng về những câu chuyện, những vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ trên thị trường. Chị bảo, xã hội thường nghĩ giới kinh doanh chỉ vì tiền. Tất nhiên kinh doanh là phải tính toán đến lời lỗ, vì doanh nghiệp còn phải nuôi bao nhiêu con người. Nhưng thực tế, có rất nhiều việc, nhiều dự án nếu không làm, doanh nhân chắc chắn nhiều tiền hơn. Nhưng họ làm vì muốn tạo ra giá trị cho cộng đồng, cho xã hội và cho đất nước chứ không phải vì tiền.

“Em nhìn cái cách anh Dương (ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco) phát triển Chu Lai, đó là cách mà mình phải học tập. Anh ấy làm cả một hệ sinh thái, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp khác cùng phát triển với ảnh. Em thấy đấy, giờ ảnh giàu quá trời, cần gì ảnh phải đầu tư qua nông nghiệp rồi lăn lộn, vất vả với nó? Rõ ràng đâu phải vì tiền?”, chị hỏi ngược lại tôi.

Chị Nhi thừa nhận, ngay bản thân chị, có nhiều lúc chùng xuống, nghĩ đến việc lại phát triển tiếp các dự án mới, phải ngoại giao, gặp gỡ, chạy chỗ nọ chỗ kia, chị thấy mệt mỏi. Mà suy cho cùng, bản thân chị cũng không có nhiều nhu cầu. Nhưng rồi nhìn xung quanh, thấy bao người vẫn làm việc điên cuồng, chị lại tự xốc mình dậy.

Chị Nhi luôn đồng hành và trở thành người bạn tin cậy của các nhà đầu tư trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam

“Những lúc như vậy, chị càng thấy nể những người làm lớn như anh Dương, anh Vượng (Chủ tịch Vingroup), chị Thảo (Chủ tịch VietJet Air)... Ai nhìn cũng biết làm ô tô rất vất vả nhưng anh Vượng vẫn quyết làm cho bằng được. Mình chưa biết con người ta sao nhưng rõ ràng đó là tấm gương để mình phấn đấu. Không phải phấn đấu giàu như người ta mà phấn đấu để có ý chí như người ta”, chị Nhi nói.

Tôi hỏi: “Vậy chị làm vì cái gì?”. Chị trả lời bình dị: “Đầu tiên làm vì bản thân mình. Mình làm để không còn tư tưởng chán nản nữa. Bởi vì không làm việc và có tư tưởng chán nản thì người mình sẽ yếu đi. Yếu về tinh thần rồi sẽ yếu về sức lực. Thứ 2 là làm vì đam mê. Nếu không có đam mê, sẽ không có động lực để vượt qua khó khăn vất vả và nghĩ đến phát triển, mở rộng, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Thứ 3 là làm để chứng minh năng lực, đó là tính tự tôn mà doanh nhân nào cũng có. Tiếp nữa là làm vì những gì mình gầy dựng lên, nuôi bao nhiêu con người đi theo mình. Giờ mình không làm thì sao cải thiện được cuộc sống anh em? Và xa hơn nữa, lớn hơn nữa là làm để đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội. Doanh nhân thời nào cũng có khát vọng cống hiến cho đất nước”.

Chị Nguyễn Thị Thảo Nhi và Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Điện tử nghe nhìn BOE Bắc Kinh, ký thỏa thuận BOE đầu tư xây dựng nhà máy 277,5 triệu USD tại KCN Chuyên Sâu Phú Mỹ 3

Chị Nhi kể ngày trước chị từng làm bất động sản dân dụng, cũng mua miếng đất này bán miếng đất kia, có lời xong lại mua tiếp nhưng không thấy có ý nghĩa gì. Đến khi đầu tư khu công nghiệp, từ một vùng sình lầy không giá trị, nhà máy mọc lên, đường sá mở ra, vốn đầu tư nước ngoài vào, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

“Có một ngày chị đứng nhìn ra, công nhân đi làm như ong vỡ tổ, chị thấy cuộc đời có ý nghĩa hẳn lên. Chị thấy yêu đời hơn và cứ thế mình làm thôi”, chị hồi tưởng và rồi tự hỏi, tự trả lời: “Như vậy mình làm vì cái gì? Vì cuộc sống nó ý nghĩa, cả cuộc đời cũng ý nghĩa. Chị nghĩ các anh, các chị doanh nhân có đủ ý chí để làm điên cuồng cũng vì họ thấy cuộc đời của họ ý nghĩa, chứ đâu phải vì tiền”.

... Đến lần thứ 3 bị nhắc nhở, tôi và chị Nhi đành đứng dậy về. Trong đầu tôi cứ nghĩ đến câu “lúa chín cúi đầu, sông sâu tĩnh lặng”. Nhưng mặt trăng, mặt trời rồi sẽ tự sáng theo quy luật của tự nhiên. Và tôi không tiếc vì đã gặp chị quá trễ nữa.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - 20 năm (2004 - 2024) tính từ ngày Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký Quyết định lấy ngày 13.10 hằng năm là ngày Doanh nhân Việt Nam, hành trình không dài nhưng đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển kinh tế đất nước.
5 ngày trước - Các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã "dám chơi và biết chơi" hơn trong một sân chơi không chỉ trong lòng đất nước mà cả khu vực và thế giới. Chúng ta không chỉ bắt kịp mà có những bước quan trọng để đi cùng với thế giới, với thời đại.
1 tuần trước - 14 năm trước, thay vì bỏ 5 tỷ mua đất, Phan Minh Thông lại dồn hết cho Công ty Cổ phần Phúc Sinh làm ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị), để rồi…mất trắng. Dù vậy, vị doanh nhân này khẳng định mình đã lựa chọn đúng. Sau thất bại ban đầu,...
3 ngày trước - Đây là lời khuyên cho những ai muốn xây dựng sự giàu có và theo đuổi giấc mơ độc lập tài chính.
1 tháng trước - Trong những ngày bão số 3 (Yagi) cùng nước lũ càn quét, bên cạnh đội ngũ quân đội, công an, cứu hộ cứu nạn, còn có hàng ngàn doanh nghiệp, hàng trăm doanh nhân luôn tiên phong trong tất cả các "mặt trận".
Xem tin bài khác
2 phút trước - Công ty CP Vinhomes đính chính, các giao dịch vẫn được triển khai trong khoảng thời gian kể từ ngày 23/10, nhưng ngày kết thúc sẽ thay đổi từ 22/11 sang 21/11. Mỗi ngày, Vinhomes sẽ đặt mua tối thiểu 11,1 triệu cổ phiếu và tối đa 37 triệu...
2 phút trước - Thị trường hoa dịp 20/10 bắt đầu trở nên nhộn nhịp với nhiều phân khúc giá khác nhau. Ở phân khúc hoa tươi, cây cảnh cao cấp, những lẵng sen đá tiền triệu hút khách, đặc biệt hơn là sự xuất hiện của loại hoa hoàng đế có giá lên tới...
32 phút trước - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) ngày 18/10 công bố quyết định bổ nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với hai phó tổng giám đốc mới.
32 phút trước - Ngày 14 và 15/10/2024, Công ty Tân Hiệp Phát đã tổ chức chuỗi các hội nghị và sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập (15/10/1994 - 15/10/2024) với chủ đề: “Tạo giá trị - niềm tin - yêu thương, phụng sự xã hội”.
41 phút trước - Bầu Đức đang nỗ lực tìm cách mang về lợi nhuận cho Hoàng Anh Gia Lai sau khoảng thời gian dài thua lỗ, đồng thời giảm số nợ lớn.