ttth247.com

Gia đình cảm thấy 'bị phản bội' khi tù nhân Mỹ không được trao đổi với Nga

Gia đình Fogel bày tỏ nỗi thất vọng khi chính quyền Tổng thống Biden không đưa người thân của họ về trong thỏa thuận trao đổi tù nhân với Nga.

Nga, phương Tây ngày 1/8 tiến hành đợt trao đổi tù nhân lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh tại thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thỏa thuận, 10 người Nga, trong đó có hai trẻ vị thành niên, được trao đổi với 16 người phương Tây và người Nga bị giam tại Nga và Belarus. Thỏa thuận được đàm phán bí mật suốt nhiều tháng, Mỹ đã thương lượng với Nga, Đức và ba quốc gia khác.

Khi thông tin về các máy bay chở các tù nhân phương Tây bắt đầu khởi hành từ Moskva xuất hiện trên truyền thông, gia đình Marc Fogel lập tức hành động.

Marc Fogel, 63 tuổi, bang Pennsylvania, giảng dạy tại Trường Moskva Anh - Mỹ gần 10 năm. Ông bị bắt tại sân bay phía bắc Moskva tháng 8/2021 vì mang theo 17g cần sa, được kê đơn tại Mỹ để chữa đau lưng nhưng là chất cấm ở Nga. Tháng 6/2022, tòa án Nga kết án Marc 14 năm tù. Marc thường được nhắc đến trong các cuộc thương lượng trao đổi tù nhân giữa Mỹ và Nga. Những tin đồn gần đây mang đến hy vọng cho gia đình rằng ông có thể trở về bên họ.

Từ trái sang:

Từ trái sang: Lisa Hyland, Anne Fogel và Marc Fogel hồi năm 2012. Ảnh: Anne Fogel

Đội ngũ luật sư của Marc tìm kiếm thông tin từ các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ. Các thành viên gia đình dành nhiều giờ đọc kỹ tin tức để "tự xâu chuỗi những manh mối", Lisa Hyland, chị gái của Marc, kể lại.

Chỉ khi nhận cuộc gọi từ Marc ở nhà tù Rybinsk, phía bắc Moskva, họ mới biết ông không nằm trong đợt trao đổi, và cảm giác bị loại đã "xé nát tâm can" giáo viên này.

Trong số tù nhân Mỹ được Nga trao trả có phóng viên Wall Street Journal Evan Gershkovich, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Paul Whelan và nhà báo Mỹ gốc Nga Alsu Kurmasheva. Nhà hoạt động đối lập Nga Vladimir Kara-Murza, thường trú tại Mỹ, cũng thuộc nhóm được thả và chọn đến Đức.

"36 giờ qua thật đau đớn", Anne Fogel, em gái Marc, nói với CNN ngày 2/8. "Cảm xúc thay đổi liên tục. Không ngủ. Tôi cảm thấy chúng tôi như bị đâm sau lưng". Khi biết anh trai không nằm trong thỏa thuận, cô cảm thấy "bị phản bội".

Trong bài đăng trên Facebook, gia đình Fogel cho biết "con tim họ như tan nát và cảm thấy phẫn nộ" khi Marc không trở về nhà cùng Whelan và Gershkovich.

Đây là hai công dân Mỹ bị Nga bắt vì nghi là gián điệp. Whelan bị bắt tại một khách sạn gần Điện Kremlin tháng 12/2018 và lĩnh án 16 năm tù năm 2020. Gershkovich bị bắt tại thành phố Yekaterinburg ở vùng Urals tháng 3/2023 và đang trong quá trình xét xử.

Tuy nhiên, khác với Whelan và Gershkovich, chính phủ Mỹ không coi Marc là "bị bắt trái phép", do đó, giáo viên này không đủ điều kiện để tham gia trao đổi tù nhân.

Tháng 2/2022, Nga bắt sao bóng rổ Mỹ Brittney Griner tại sân bay gần Moskva, sau khi lực lượng an ninh phát hiện hành lý của cô có ống thuốc lá điện tử chứa dầu cần sa. Griner được trả về Mỹ trong đợt trao đổi tháng 12/2022, vài tháng sau khi cô được xếp vào nhóm "bị bắt trái phép".

Từ trái sang, trên xuống: Evan Gershkovich, Paul Whelan, Alsu Kurmasheva và Vladimir Kara-Murza. Ảnh: CNN

Từ trái sang, trên xuống: Evan Gershkovich, Paul Whelan, Alsu Kurmasheva và Vladimir Kara-Murza. Ảnh: CNN

Khoảng một tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đệ đơn đề nghị Nga thả nhân đạo Marc vì lý do giáo viên này mắc nhiều bệnh nặng. Sasha Phillips, luật sư hỗ trợ gia đình Fogel, nói lý do nhân đạo là chưa đủ.

"Đề nghị đó đồng nghĩa để phía Nga toàn quyền quyết định, và một lần nữa, chúng tôi không kỳ vọng có kết quả thực chất", Phillips nói với Fox News. "Chúng tôi không rõ điều gì khiến Marc không được xếp vào 'bị bắt trái phép' và đang nỗ lực thúc đẩy chính phủ Mỹ thực hiện việc này".

Nhóm "bị bắt trái phép" sẽ được chính phủ Mỹ dành nhiều nguồn lực để hồi hương hơn và được Đặc phái viên về vấn đề con tin xem xét. Hạ nghị sĩ Guy Reschenthaler, bang Pennsylvania, đã viết thư gửi Ngoại trưởng Anthony Blinken hồi đầu tháng, đề nghị đưa Marc vào bất kỳ cuộc trao đổi tiềm năng nào.

Phó cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jonathan Finer ngày 4/8 không bình luận về những đợt trao đổi tù nhân có thể diễn ra trong tương lai, nhưng khẳng định giới chức Mỹ "vẫn nỗ lực giải quyết trường hợp của Marc mỗi ngày".

Anne cho biết bình luận này mang đến cho cô phần nào hy vọng. "Chính quyền Mỹ đã thực hiện một đợt trao đổi tuyệt vời, đáng kinh ngạc và họ nên được chúc mừng. Tôi rất vui khi Paul, Evan và Alsu được trở về", Anne nói với BBC. "Tôi chỉ hy vọng anh mình cũng nằm trong số đó".

Tổng thống Mỹ Joe Biden và cấp phó Kamala Harris chào đón Evan Gershkovich trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1/8. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden và cấp phó Kamala Harris chào đón Evan Gershkovich trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1/8. Ảnh: AFP

Ngoài Marc, Nga còn đang giam giữ một số công dân Mỹ khác như Andre Khachatoorian, Ksenia Karelina, David Barnes, Travis Leake, Gordon Black. Tuy nhiên, đây đều là các trường hợp không quá đáng chú ý với công chúng.

Khachatoorian bị bắt tháng 12/2021 khi quá cảnh ở Moskva trong hành trình đến Armenia vì có một khẩu súng trong hành lý ký gửi. Khachatoorian có giấy phép sở hữu khẩu súng và đã khai báo tại sân bay Los Angeles trước khi khởi hành. Tòa án Nga kết tội Khachatoorian buôn lậu vũ khí và kết án 8 năm tù. Mẹ của Khachatoorian tin con trai bà bị nhắm đến vì là công dân Mỹ.

"Tôi bị sốc khi họ không đưa anh ấy trở về", Soltani, hôn thê của Khachatoorian ở Armenia, nói. "Tôi không hiểu vì sao họ bỏ anh ấy lại".

Karelina là công dân hai quốc tịch Nga - Mỹ làm việc tại một cơ sở làm đẹp ở Los Angeles. Cô bị bắt khi về thăm quê nhà Yekaterinburg hồi tháng 2 với cáo buộc phản quốc, do quyên góp cho một tổ chức nhân đạo mà Moskva nói có liên hệ với quân đội Ukraine.

Chris Van Heerden, bạn trai của Karelina, không biết thỏa thuận trao đổi mang tính lịch sử vừa rồi đồng nghĩa sẽ còn những đợt trao đổi khác hay "phiên xét xử Karelina diễn ra quá muộn và cô bị bỏ lại". Theo các đại diện của Karelina, phiên tòa dự kiến bắt đầu tuần tới và cô đối mặt án tù chung thân nếu bị kết tội.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói họ đang theo dõi tình hình và không thể bình luận thêm vì yếu tố riêng tư.

"Chúng tôi kêu gọi chính phủ Nga đảm bảo đối xử công bằng và chăm sóc y tế phù hợp cho mọi công dân Mỹ bị bắt ở Nga", người phát ngôn cho biết.

Như Tâm (Theo WSJ, Fox News, BBC)

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tháng trước - Tất cả thành viên đảng Cộng hòa quay lưng với cựu tổng thống Donald Trump và chương trình nghị sự của ông đều nhanh chóng lọt vào tầm ngắm trừng phạt.
5 ngày trước - Bà Harris được đánh giá thể hiện tốt hơn ông Trump trong cuộc tranh luận trực tiếp, song đây chưa chắc là yếu tố quyết định lá phiếu của cử tri.
3 tuần trước - Sinh ra trong thời gian 1965-1980, nhiều người thuộc thế hệ Gen X ở Mỹ đã cập kề tuổi hưu, nhưng chưa thể ngừng làm việc.
1 tháng trước - Nỗi lo kinh tế Mỹ suy yếu đang khiến không ít cử tri ngần ngại ủng hộ Phó tổng thống Harris vì họ cho rằng đây không phải thế mạnh của bà.
3 tuần trước - Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực khuyến khích giới trẻ cưới và sinh con, đồng thời làm cho việc ly hôn trở nên khó khăn hơn, trong bối cảnh dân số đang già hóa nhanh chóng và suy giảm.
Xem tin bài khác
22 phút trước - Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah ngày 19.9 đã lên tiếng về vụ nổ của hàng trăm thiết bị liên lạc được các thành viên của lực lượng này sử dụng ở Li Băng.
55 phút trước - Mỹ chưa tính rút ngay hệ thống tên lửa tầm trung triển khai tại Philippines và đang thử nghiệm khả năng sử dụng hệ thống này nếu có xung đột ở khu vực.
2 giờ trước - Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen khẳng định ban lãnh đạo cấp cao và nhân dân Cuba rất mong chờ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp nhà nước đến Cuba.
2 giờ trước - Thủ tướng Lebanon kêu gọi Liên Hiệp Quốc cứng rắn với 'chiến tranh công nghệ' của Israel sau vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm làm chết 37 người.
2 giờ trước - Chính quyền Li Băng hôm nay 19.9 đã cấm mang máy bộ đàm và máy nhắn tin lên các chuyến bay từ sân bay ở thủ đô Beirut, theo Hãng tin Quốc gia Li Băng.