ttth247.com

Giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ: Khơi thông nhưng vẫn chờ đột phá

Không chỉ là những dự án đang tăng tốc đảm bảo tiến độ, có những gói thầu, nhà thầu đang từng ngày nỗ lực vượt qua các khó khăn chung về nguồn vật liệu để đưa công trình về đích trước hẹn.

Thi công ngày đêm kết nối vùng Đông Nam Bộ

Đầu tiên phải kể đến dự án cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai, do nhà thầu Kumho E&C (Hàn Quốc) thi công hiện đã đạt hơn 80%. Công trình này gồm hai gói thầu, gói CW1 (cầu Nhơn Trạch) và gói CW2 (đường dẫn hai đầu cầu) đang được các nhà thầu tăng tốc thi công. Nhà thầu quyết tâm sẽ thi công hoàn thành sớm hơn so với hợp đồng đã ký kết bốn tháng, tức dự kiến hoàn thành dịp 30-4-2025.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Thi, giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án), nói rằng thời gian qua dự án gặp một số khó khăn như khan hiếm vật liệu, vướng mắc mặt bằng. Tuy nhiên chủ đầu tư cùng với nhà thầu đã tập trung mọi nguồn lực khắc phục các khó khăn gặp phải, tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ" để sớm hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng.

"Đến nay gói thầu CW1 đã cơ bản hoàn thành các hạng mục quan trọng. Còn gói thầu đường dẫn CW2 theo hợp đồng hoàn thành vào tháng 9-2025. Chúng tôi cũng đã yêu cầu nhà thầu tập trung thi công để rút ngắn tiến độ", ông Thi nói.

Còn tại cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư cũng đạt được những kết quả nổi bật. Đáng chú ý Tập đoàn Sơn Hải (công ty đứng đầu trong liên danh, thi công 14,2km đường) cam kết sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 30-4-2025. Nếu cam kết đúng hẹn thì cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ về đích trước năm tháng so với cam kết trong hợp đồng và trước tám tháng so với nghị quyết của Chính phủ.

Sau nhiều năm đình trệ, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành nối mạch miền Đông và miền Tây cũng đang tất bật thi công, có những đoạn tuyến sẽ thông xe trong vài tháng tới đây. Chẳng hạn như ở đoạn tuyến phía Tây dài 27,7km sẽ thông xe trước một đoạn từ quốc lộ 1 đến đoạn giao với cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Đoạn phía Đông dài 25,3km sẽ hoàn thành cuối năm 2024 và trong tháng 11-2024, đoạn 7,5km nối huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch cũng được thông xe.

Trong khi đó, tại sân bay Tân Sơn Nhất, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết toàn dự án nhà ga T3 đã hoàn thành hơn 70%. Phần việc còn lại không chiếm nhiều thời gian, bởi chủ yếu lắp đặt thêm các thiết bị, kiến trúc. Riêng về phần xây thô đã xong 100%, đây là một bước ngoặt quan trọng của dự án. Bởi theo yêu cầu của Chính phủ, dự án phải đưa vào sử dụng đúng dịp 30-4-2025.

"Hiện nay trên công trường huy động hơn 2.000 công nhân và kỹ sư, hàng trăm máy móc thiết bị thi công, thi công ngày đêm 3 ca 4 kíp", đại diện chủ đầu tư cho hay.

15 gói thầu, dự án ở TP.HCM liên tiếp về đích

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết từ nay đến cuối năm hạ tầng giao thông TP.HCM đón nhận nhiều tin vui. Chẳng hạn hôm nay 10-8, gói thầu hầm Phan Thúc Duyện và đoạn đầu tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (thuộc dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa) được thông xe, sớm hơn ba tháng so với kế hoạch.

Và từ nay đến cuối 2024 sẽ có khoảng 15 gói thầu, dự án hoàn thành như các cầu: Phước Long, Rạch Đỉa, Bà Hom, Nam Lý, Tăng Long, Tân Kỳ - Tân Quý, Bà Dạt và các tuyến đường như Tên Lửa, Hoàng Hoa Thám, Tân Kỳ Tân Quý... 

Ngoài ra TP.HCM cũng đang chuẩn bị khởi công các dự án như cầu đường Nguyễn Khoái, đường vành đai 2 (đoạn 1, đoạn 2), cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và chuẩn bị trình chủ trương đầu tư năm dự án BOT, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4...

Ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, nói rằng TP.HCM đang có nhiều cơ hội, điều kiện để hoàn thành bộ khung cơ bản của quy hoạch giao thông. 

Đó là hoàn thiện các tuyến vành đai, mở rộng các tuyến quốc lộ cửa ngõ, các đường cao tốc, sân bay, các cây cầu có quy mô lớn. Bên cạnh đó là các dự án mang tầm chiến lược như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, siêu đề án đường sắt đô thị xây dựng đồng loạt sáu tuyến...

Cũng theo ông Phúc, nhiều địa phương trong vùng Đông Nam Bộ cũng đang chuẩn bị triển khai loạt dự án lớn. Chẳng hạn, hiện có năm địa phương đang chuẩn bị các thủ tục để đầu tư đường vành đai 4 dài hơn 207km. Dự kiến trong quý 4-2024, các địa phương sẽ trình dự án và kiến nghị các cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian triển khai đầu tư.

Các tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, các dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đang triển khai thủ tục đầu tư. TP.HCM cũng đang rà soát cân đối nguồn vốn để chuẩn bị vốn đầu tư đường dẫn, đường kết nối và các nút giao hoàn chỉnh, đảm bảo lối ra vào cao tốc được thông thoáng.

Mới đây, theo ông Phúc, việc Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cao tốc Mộc Bài - TP.HCM là một tin vui cho TP.HCM, Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Dự án này là trục kết nối giao thông trong quy hoạch hành lang xuyên Á, kết nối tuyến cao tốc Bavet - Phnom Penh (thuộc nước Campuchia và Lào). Dự kiến năm 2025 sẽ được khởi công và phấn đấu đưa vào khai thác năm 2027 để đồng bộ với cao tốc Bavet - Phnom Penh.

"Từ những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ việc làm dự án đường vành đai 3, chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan sẽ có nhiều cách làm mới cho những dự án sắp tới. Bên cạnh đó, nhờ vận dụng nghị quyết 98, chúng tôi có thể làm khác đi, nhanh hơn, quyết liệt hơn và tạo ra sự thay đổi", ông Phúc nhấn mạnh.

Vẫn còn chậm vì vướng mặt bằng, vật liệu xây dựng

Các dự án cao tốc đã và đang triển khai tại Đông Nam Bộ sẽ góp phần vào việc hoàn thiện nhiệm vụ chung là đến năm 2025 cả nước đưa vào khai thác 3.000km đường cao tốc. Tuy nhiên hiện tại một số dự án đang triển khai vẫn đang còn vướng mắc.

Chẳng hạn để dự án đường vành đai 3 đảm bảo hoàn thành phần cao tốc vào cuối tháng 12-2025 thì các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh hơn thủ tục khai thác cát từ các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre... Ngoài ra đối với dự án thành phần 3 đường vành đai 3 đoạn qua Đồng Nai tiến độ vẫn còn chậm vì vướng mặt bằng...

Trong khi đó, dự án thành phần 1 và 2 tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai đang thiếu vật liệu đất đắp và mặt bằng. Vì vậy các nhà thầu chưa đủ điều kiện để nhà thầu tổ chức thi công đồng loạt.

Ông Nguyễn Tất Nam, giám đốc điều hành dự án gói thầu số 9 thuộc dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cho biết dự án đã khởi công tháng 6-2023. Tuy nhiên đến nay gần một nửa thời gian trôi qua nhưng mới thực hiện được khoảng 20% giá trị gói thầu. Khó khăn lớn nhất của gói thầu là thiếu vật liệu đất đắp.

Theo ông Nam, trong hồ sơ lấy đất ở mỏ Tân Cang, tuy nhiên qua khảo sát mỏ này không đủ trữ lượng, chất lượng không đảm bảo. Do đó các cơ quan liên quan đã đề xuất lấy đất từ khu vực 187ha quy hoạch ga T3 sân bay Long Thành (giai đoạn 2). Thủ tục đã được triển khai làm từ lâu nhưng đến nay địa phương vẫn chưa thống nhất dù cho các cấp bộ ngành, trung ương đã có nhiều ý kiến chỉ đạo.

Ông Nam cho biết riêng gói thầu số 9 cần 1,6 triệu khối đất đắp và cần 10 tháng thi công mới đảm bảo tiến độ. Nhà thầu đã đảm bảo nhân lực, máy móc thi công, sẵn sàng "vượt nắng, thắng mưa", thi công xuyên ngày đêm để đảm bảo tiến độ. Tuy vậy việc giải quyết thủ tục để có đất đắp mất quá nhiều thời gian khiến các nhà thầu rất lúng túng, chờ có sự đột phá thủ tục để bắt tay làm nhanh.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Tại cuộc làm việc ở TP.HCM sáng 10-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phấn đấu khởi công 3 cao tốc vùng Đông Nam Bộ vào đầu năm 2025.
1 tháng trước - Sáng nay 10-8, đoàn công tác của Thủ tướng sẽ làm việc với TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội, việc thực hiện nghị quyết 98 và họp Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần 4.
1 tháng trước - Với vị trí địa lý ở trung tâm của Đông Nam Bộ, chiếm tới 2/3 diện tích của Đại học Quốc gia TP.HCM, thành phố trẻ Dĩ An, tỉnh Bình Dương có nhiều “bí quyết” để có tốc độ phát triển nhanh đáng kinh ngạc.
1 tháng trước - Cầu Nhơn Trạch - cây cầu lớn nhất đường vành đai 3 TP.HCM nối TP.HCM và tỉnh Đồng Nai - đang bứt tốc về đích.
1 tháng trước - Thủ tướng yêu cầu TPHCM cùng các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đối với dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Chơn Thành - Gia Nghĩa và TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Xem tin bài khác
39 phút trước - Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 4 khiến một số tuyến đường tại H.Hướng Hóa (Quảng Trị) sạt lở gây cản trở giao thông.
1 giờ trước - Hai phó thủ tướng cùng chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.
1 giờ trước - Tối 19-9, Đồn biên phòng Đắc Pring (Bộ đội biên phòng Quảng Nam) cho biết sau nhiều giờ huy động cán bộ chiến sĩ cùng lực lượng địa phương, toàn bộ dân ở thôn 56B, xã Đắk Pre (huyện Nam Giang) đã được sơ tán tới nơi an toàn.
1 giờ trước - Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đem tới những thông điệp lớn, quan trọng, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, với vai trò trung tâm của Liên Hiệp Quốc đối với hòa bình,...
2 giờ trước - Trong quá trình tránh trú bão số 4 ở Khánh Hoà, một ngư dân Bình Định trượt chân ngã đập đầu vào thành tàu cá rồi rơi xuống biển, tử vong