ttth247.com

Giới trẻ đi ăn chung trả tiền chung 'cho văn minh'

"Ê chia tiền đi nha". "Nãy tiền ăn hết 303.000 đồng, giờ uống nước 195.000 đồng nữa, vậy mỗi người 166.000 đồng". Một người bạn trong nhóm của Hồng Nhung (33 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) xem hóa đơn, cầm điện thoại để bấm số tiền của ba người.

Sau đó, Hồng Nhung và người bạn kia chuyển khoản cái vèo cho thủ quỹ của nhóm.

Chia tiền cho khỏe, khỏi lăn tăn

Theo Hồng Nhung, chừng 3 - 4 năm nay, nhóm bạn của cô đã áp dụng chuyện chia tiền bằng cách chuyển khoản như vậy.

Trước đây đi ăn, nhóm thường dùng tiền mặt để trả, rồi người trả đúng, người không có tiền mệnh giá đó để đưa. Vì vậy có tình trạng lúc dư lúc thiếu khi đưa cho thủ quỹ của nhóm. Có lúc họ quên chuyển cho nhau hoặc vài ngày sau mới chuyển.

Nhung chia sẻ: "Nhóm chơi thân nên cũng không có vấn đề gì. Nhưng sau này khi áp dụng chia tiền rồi chuyển khoản, tôi thấy đơn giản, thoải mái hơn. Với những nhóm bạn khác, tôi cũng thường ai sao mình vậy, chia tiền ra luôn".

Để tránh cảm giác quá rạch ròi, Nhung thường làm tròn số tiền cần chuyển cho bạn. Hoặc cô bớt đi phần tiền lẻ trong hoá đơn khi chia tiền cho bạn bè, nếu mình là người đại diện trả trước.

Tuy nhiên, khi đi ăn uống với bạn bè nhỏ tuổi hơn, hoặc với người bạn thân, Nhung không quá rạch ròi chuyện chia tiền. Với những người bạn trẻ như sinh viên mới ra trường, cô hay trả luôn phần của bạn. 

Còn với cô bạn thân, thường thì hai người sẽ giành nhau trả tiền. Hoặc người nào trả nhiều hơn cũng không vấn đề gì.

Chọn cách chia tiền khi đi ăn uống với nhóm bạn từ hồi còn học cấp 3, Kim Trúc (sinh viên Trường Đại học Bách khoa TP.HCM), cho biết bản thân và bạn bè cảm thấy thoải mái khi chia ra.

Trúc vui vẻ cho biết: "Thường thì một bạn trong nhóm chúng tôi đại diện trả, rồi mấy bạn còn lại chuyển khoản cho bạn này. Chúng tôi không chia theo ai ăn gì trả nấy, mà tính hóa đơn rồi chia đều. Bấm điện thoại chia cho nhanh".

Theo Kim Trúc, chuyện tiền bạc khi đi ăn uống nếu càng rõ ràng càng dễ chơi chung lâu dài, cũng văn minh. 

"Chúng tôi thường sẽ chuyển khoản ngân hàng hoặc trả qua ví điện tử MoMo để về nhà khỏi quên. Còn trong bữa ăn, bạn nào mua về cho người nhà thì tính riêng", cô nói.

Khi đi du lịch cùng nhau, nhóm của Trúc chọn cách mỗi người góp vào "một cục tiền" rồi chi xài lúc đi chơi. Sau đó các bạn tính toán nếu dư sẽ trả lại, thiếu sẽ chuyển khoản thêm.

Các bạn thay phiên nhau làm thủ quỹ trong nhóm. Theo Trúc, cả nhóm không ngại nói chuyện về tiền bạc, vì vậy chơi với nhau thoải mái hơn.

Còn với những người bạn không thân, nếu đi ăn Trúc sẽ tiền ai nấy trả. Với những anh chị lớn tuổi hơn, thường sẽ giành trả tiền cho các bạn cỡ tuổi Trúc. Vì vậy có dịp hôm sau cô mua cà phê mời lại.

Sinh nhật, dịp đặc biệt: Sẽ mời nhau chứ không chia tiền

Tuy nhiên, câu chuyện chia tiền thường chỉ áp dụng trong chuyện đi ăn uống, du lịch cùng nhau. 

Với những dịp sinh nhật, Kim Trúc cho biết thường nhân vật chính sẽ mời mọi người đi ăn, nhóm mời uống cà phê và tặng quà.

Tương tự, Hồng Nhung chia sẻ rằng vào dịp sinh nhật bạn bè thân, cô thường cùng nhóm bạn đặt bánh kem rồi mời nhân vật chính đi ăn. Hoặc những dịp như có bạn trong nhóm đạt được thành công nào đó, lâu ngày gặp lại… thì thường mời nhau.

Trần Tuấn Minh (35 tuổi, sống tại Hà Nội) cho biết anh và bạn bè cũng chia tiền khi đi ăn cho khoẻ, "trừ khi có gì vui thì tôi bao, hoặc bạn bè bao mình". Thường giữ vai ứng trước, anh nói: "Tôi cứ trả một thể xong về nhà tính và nhắn số tiền cho mọi người chuyển khoản lại".

Quản lý một cơ sở làm đẹp, Minh thường mời nhân viên uống trà sữa mỗi tuần, còn mời ăn thì thi thoảng. Hôm nào không mời, cuối tháng anh sẽ tính ra để mọi người trả lại một lần.

Việc tận dụng công nghệ, chuyển khoản trong câu chuyện chia tiền khi đi ăn uống được nhiều bạn trẻ ủng hộ. Nhất là với các bạn nhân viên văn phòng. Theo các bạn, cách chia tiền này giúp tránh được những tình huống ngại ngần.

Chẳng hạn, theo Hồng Nhung, có lần cô chỉ còn tờ 500.000 đồng trong bóp, mà bạn thì không có tiền thối. Về nhà cô lại quên mất. Cả tuần sau cô mới sực nhớ để chuyển khoản trả phần ăn của mình.

Hoặc khi bạn bè quên đưa lại tiền, cô ngại không nhắc. Thành ra, việc chuyển khoản vừa nhanh chóng, vừa tránh được những sự lăn tăn tiền bạc trong các mối quan hệ bạn bè.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - Trong thời đại số, khi thông tin tràn ngập và các thiết bị điện tử trở nên phổ biến, nhiều người cho rằng giới trẻ đã dần rời xa những trang sách. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy vẫn có rất nhiều bạn trẻ tìm thấy niềm vui trong việc đọc...
1 tháng trước - Hình ảnh phụ huynh trắng đêm chen lấn nhằm nhận một suất tiêm chủng dịch vụ cho con trở thành động lực để trung tâm tiêm chủng VNVC đầu tiên thành lập 8 năm trước.
1 tháng trước - Thẩm mỹ viện này bị cáo buộc lừa một thanh niên bị thiểu năng trí tuệ đi phẫu thuật nâng ngực khiến cư dân mạng bức xúc.
1 tháng trước - 20 năm, 2.352 suất học bổng với số tiền 24,5 tỉ đồng được CLB Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng trao cho tân sinh viên, mà nói vui là "ngấp nghé triệu đô".
2 tuần trước - Trung Quốc - Sau ngày vợ mất, Vu sạc đầy pin và nạp 1.000 tệ vào tài khoản điện thoại của vợ rồi chôn dưới bia mộ để ngày ngày nhắn tin cho cô.
Xem tin bài khác
7 giờ trước - Trong lúc chạy lũ thấy vợ chần chừ, chồng tôi kéo tay giục giã: ‘Đi thôi em ơi, bám vào áo anh, còn người là còn của. Em với con còn sống thì anh mới làm lại được’”, chị Thoa chia sẻ.
8 giờ trước - Sau 1 thời gian nhá hàng bằng đoạn video ngắn, Mai Dora đã thả xích loạt ảnh diện bikini cực nóng bỏng.
9 giờ trước - Ngày 19-9, Trường đại học Nam Cần Thơ trao tặng cho đại diện báo Tuổi Trẻ số tiền của đoàn viên thanh niên nhà trường, đóng góp cho đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng của bão số 3.
9 giờ trước - Chiều 19.9, nhiều người ở TP.HCM vất vả di chuyển, lội nước qua đoạn đường ngập do triều cường. Nhiều người đã quá quen với cảnh này, các chủ quán hai bên đường bị ngập thở dài vì ế khách.
10 giờ trước - Hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân nghèo là một nghĩa cử đầy cao đẹp của đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.