ttth247.com

Gọi vốn hàng tỷ USD để chống lại Trung Quốc nhưng hãng ắc quy lớn nhất Châu Âu lại chìm vào khủng hoảng như thế nào?

Gọi vốn hàng tỷ USD để chống lại Trung Quốc nhưng hãng ắc quy lớn nhất Châu Âu lại chìm vào khủng hoảng như thế nào?- Ảnh 1.

Tờ Financial Times (FT) cho hay hãng ắc quy được mệnh danh là lớn nhất Châu Âu, công ty Northvolt đang thiếu tiền trầm trọng chỉ vì quản lý kém và phụ thuộc quá nhiều vào máy móc Trung Quốc.

Những cựu công nhân và lao động hiện tại của Northvolt còn cho rằng tham vọng quá lớn khiến dự án triển khai quá nhiều hạng mục với tần suất nhanh khiến doanh nghiệp đến từ Thụy Điển rơi vào cảnh đứt gãy nguồn vốn.

"Sản xuất pin xe điện rất khó, thực sự rất khó, nhưng chúng tôi lại cố gắng làm gần như mọi thứ cùng lúc. Thế là mọi vấn đề cứ liên tục chồng chất. Tôi còn chẳng biết liệu họ có thể tiến hành tiếp được hay không", một cựu giám đốc điều hành cấp cao của Northvolt thừa nhận.

Gọi vốn hàng tỷ USD để chống lại Trung Quốc nhưng hãng ắc quy lớn nhất Châu Âu lại chìm vào khủng hoảng như thế nào?- Ảnh 2.

Trung Quốc đi trước quá xa trong mảng ắc quy

Nỗi sợ Trung Quốc

Được thành lập vào năm 2017 bởi hai cựu giám đốc điều hành của Tesla cùng nhiều bên ủng hộ bao gồm Volkswagen, Goldman Sachs, BlackRock và Siemens, cái tên Northvolt đã phát triển nhanh chóng để trở thành nhà vô địch về pin ở châu Âu.

Ban đầu, startup này tượng trưng cho sự trở lại của Châu Âu trong mảng công nghệ quan trọng nhưng hiện Northvolt lại đang phải vật lộn để tìm nguồn vốn mới nhằm tiếp tục hoạt động, do các nhà đầu tư không muốn đổ thêm tiền vào đây nữa.

"Người Trung Quốc đã quá nhanh trong mảng này. Họ đã thành công trước và chiếm trước lợi thế. Chúng ta đã đến quá muộn", một kỹ sư hóa học của Northvolt giấu tên ngậm ngùi nói.

Mặc dù Northvolt đã thuê những tài năng sản xuất pin hàng đầu từ Nhật Bản và Hàn Quốc với mục tiêu giảm sự phụ thuộc của Châu Âu vào Trung Quốc, đồng thời tự phát triển hoạt động và tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới.

Thế nhưng theo FT, việc Northvolt vẫn phải phụ thuộc vào máy móc và các công nhân vận hành đến từ Trung Quốc tại nhà máy duy nhất của công ty ở thị trấn Skellefteå, miền bắc Thụy Điển đã khiến mục tiêu này quá khó để thực hiện.

Một công nhân xây dựng của Northvolt cho hay có hàng trăm người Trung Quốc và Hàn Quốc ở Skellefteå và họ sống trong các trại riêng, hàng ngày đến đây lắp đặt và vận hành máy móc.

Một kỹ sư R&D khác của Northvolt thì nói thẳng những công nhân này chủ yếu đến từ Wuxi Lead Intelligence, một trong những nhà sản xuất thiết bị để sản xuất pin lớn nhất thế giới, đã ở lại lâu hơn dự kiến và Northvolt thường cấm mọi người không được nói chuyện này với báo chí.

Việc biểu tượng của Châu Âu trong ngành pin lại phải phụ thuộc vào máy móc Trung Quốc khiến Northvolt không muốn trở thành trò cười trong mắt nhà đầu tư và khó gọi vốn.

Gọi vốn hàng tỷ USD để chống lại Trung Quốc nhưng hãng ắc quy lớn nhất Châu Âu lại chìm vào khủng hoảng như thế nào?- Ảnh 3.

Tham vọng quá tầm

Một yếu tố nữa khiến Northvolt lâm vào khủng hoảng là startup này muốn theo đuổi những dự án đầy tham vọng trong khi vẫn còn gặp khó khăn ở Skellefteå.

Công ty này lên kế hoạch tăng gần gấp 4 lần quy mô của nhà máy Skellefteå ngay cả khi sản lượng mới chỉ đạt dưới 1% công suất, tất cả cũng chỉ vì gây ấn tượng với nhà đầu tư.

Thế rồi dù chưa giải quyết xong vấn đề ở Skellefteå nhưng Northvolt đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới ở Thụy Điển, Đức và Canada, đi kèm với đó là một dự án cơ sở tái chế ở Thụy ĐIển, một doanh nghiệp lưu trữ năng lượng ở Ba Lan và một đơn vị nghiên cứu pin máy bay ở Mỹ.

Mặc dù phía Northvolt bác bỏ việc hoãn các dự án nhưng nguồn tin của FT cho hay những dự án lớn trên sẽ bị trì hoãn vì thiếu vốn. Khoảng ¼ nhân viên tại Thụy Điển của Northvolt sẽ bị sa thải để cắt giảm chi phí.

"Ngay cả khi chỉ có 1-2 dự án ở Skellefteå thôi thì chúng tôi cũng chưa đáp ứng được sản lượng mà họ lại nói về việc mở thêm nhà máy mới. Tại sao chúng ta không nên tập trung hoàn thành dự án đầu tiên trước đã? Ban giám đốc đã ôm đồm quá nhiều thứ", một kỹ sư R&D giấu tên của Northvolt than thở.

Nguồn tin của FT cho hay Northvolt đã phát triển quá nhanh và quá nhiều dự án đến mức mọi thứ trở nên hỗn loạn về quy trình, trong khi ban quản lý lại chưa đủ năng lực để giải quyết tình hình.

Một nhân viên kiểm soát chất lượng cho Northvolt cho biết anh chưa bao giờ thấy nhiều nhà quản lý và giám đốc không chuẩn bị để giải quyết tình hình trước công chúng và cách cư xử đúng mực với nhân viên của họ như vậy.

"Rất nhiều vị trí thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực mà họ đảm nhận, từ quản lý, kỹ sư, kỹ thuật viên cho đến giám đốc", người này nói với FT.

Gọi vốn hàng tỷ USD để chống lại Trung Quốc nhưng hãng ắc quy lớn nhất Châu Âu lại chìm vào khủng hoảng như thế nào?- Ảnh 4.

"Tôi tham gia công ty với tư cách là thực tập sinh không có kinh nghiệm, nhưng lại được giao trách nhiệm lớn vì không có ai khác làm việc đó. Tôi vừa học vừa làm và đương nhiên khiến mọi thứ rối tung lên", một cựu kỹ sư dữ liệu của Northvolt cho biết.

Những lao động giấu tên này cho biết công ty thường xuyên tái cấu trúc khiến mọi thứ trở nên hỗn loạn vì mục tiêu thay đổi liên tục.

Quá giàu, quá nguy hiểm

Khi mới được thành lập, Northvolt đã trở thành niềm yêu thích của các nhà đầu tư quan tâm đến môi trường, thu được 2,8 tỷ USD gọi vốn năm 2021, 2,7 tỷ USD bán trái phiếu năm 2022 và 5 tỷ USD tín dụng năm 2024 từ hàng loạt ngân hàng như JPMorgan, Citigroup, Deutsche Bank và BNP Paribas.

Thế nhưng việc giàu quá nhanh trong khi nhân sự chưa đủ kinh nghiệm khiến mọi thứ trở nên lộn xộn.

"Các nhà quản lý không lắng nghe các kỹ sư. Họ chỉ nhắm đến việc hoàn thành dự án theo tiến độ mà chẳng quan tâm đến ngân sách hay các khó khăn cụ thể", một công nhân xây dựng cho Northvolt tiết lộ.

Nhiều cựu nhân viên cho biết ban giám đốc chỉ quan tâm đến việc hoàn thiện dự án hoặc sản phẩm mà chẳng để ý chúng có tiêu thụ hay hoạt động được không. Việc hàng bị trả lại hoặc mô hình nhà máy bị đập bỏ không quan trọng vì miễn là có thứ để trình bày cho nhà đầu tư và gọi vốn là được.

Một cổ đông của Northvolt là BMW, đồng thời cũng là khách hàng đầu tiên của hãng pin xe điện này đã lên tiếng cảnh báo khi rút hợp đồng trị giá 2 tỷ USD trong năm nay để trao cho Samsung-Hàn Quốc.

"Rất nhiều sản phẩm của chúng tôi bị lỗi", một nhân viên kiểm soát chất lượng giấu tên ở Northvolt thừa nhận.

Gọi vốn hàng tỷ USD để chống lại Trung Quốc nhưng hãng ắc quy lớn nhất Châu Âu lại chìm vào khủng hoảng như thế nào?- Ảnh 5.

Ngoài ra, mức độ an toàn trong nhà máy của Northvolt cũng gặp vấn đề khi một công nhân thiệt mạng vào tháng 12/2023 do một vụ nổ. Một nhà thầu xây dựng khác đã tử vong cuối năm 2023 ở công trường Skellefteå, trong khi 3 công nhân nữa tử vong tại nhà máy vì những hoàn cảnh không giải thích được.

Một công nhân xử lý vật liệu giấu tên cho Northvolt nói với FT rằng công ty rất thiếu tư duy an toàn khi các thùng chứa vật liệu nguy hiểm không có đủ thiết bị an toàn.

Theo đài truyền hình công cộng SVT, kể từ năm 2021, Northvolt đã liên quan đến 47 vụ tai nạn tại nơi làm việc liên quan đến các hóa chất được cơ quan môi trường lao động của Thụy Điển phân loại là đặc biệt nguy hiểm.

Tương lai nào?

Tờ FT cho hay Northvolt hiện đang đấu tranh để sinh tồn sau khi phải vật lộn để huy động hàng tỷ USD nhằm tiếp tục sản xuất.

Báo cáo chính thức cho thấy biểu tượng của Châu Âu này đã hạ dự báo nhu cầu thị trường pin xe điện xuống còn khoảng 200 triệu Euro.

Nguyên nhân thì cũng dễ hiểu khi doanh số bán xe điện tại Châu Âu đã giảm tốc và các nhà sản xuất bao gồm Volvo Cars và VW đã thu hẹp tham vọng của mình. Điều này càng khiến nhà đầu tư chẳng còn hứng thú với Northvolt.

Liệu Northvolt có thể tiếp tục tồn tại hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ khi các ông lớn Trung Quốc đang dẫn trước quá nhiều cả về công nghệ, nhân lực, kinh nghiệm lẫn thị trường.

*Nguồn: FT

Source: cafebiz.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Tin đồn về sự sụp đổ của công ty xuất hiện khi nhà sản xuất GPU này vừa tiến hàng sa thải hàng loạt nhân sự.
2 tuần trước - Tiền rẻ, đòn bẩy và công nghệ "Nhật Bản đang trải qua cuộc biến động xã hội lớn nhất. Chúng ta hãy hành động để 100 năm sau, mọi người sẽ nhìn...
1 tháng trước - Các phi vụ thâu tóm công ty xi măng đang diễn ra quyết liệt giữa hai công ty sản xuất lớn của Ấn Độ.
1 tháng trước - "Tinh thần khởi nghiệp tại đây đã chết", một giám đốc giấu tên nói với tờ Finacial Times.
3 tuần trước - "Tôi không phải là một giám đốc điều hành. Tôi đang xây dựng một đế chế”, Masayoshi Son nói.
Xem tin bài khác
1 giờ trước - Bức tranh kết quả kinh doanh quý 3/2024 của nhóm chứng khoán đã được hé lộ tương sối đầy đủ.
1 giờ trước - Các cổ đông sáng lập của công ty đều là những doanh nghiệp trong ngành, trong đó, trong đó nguồn vốn của Nhà nước hiện nay chiếm 31,25 % tổng số vốn điều lệ công ty.
1 giờ trước - BSC cho rằng tăng trưởng lợi nhuận 2025F và định giá ở mức hợp lý sẽ là yếu tố cốt lõi để lựa chọn cổ phiếu.
1 giờ trước - Dòng vốn ngoại liên tiếp bán ròng với cường độ mạnh trên toàn thị trường, giá trị mỗi phiên đều hàng trăm tỷ.
3 giờ trước - Lợi nhuận trước thuế của 19 ‘ông lớn’ nhà nước ước đạt 85.886 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm nay.