ttth247.com

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên

11h30

16 năm lũ sông Hồng chưa lên báo động 1

Kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó với lũ tại bên Chương Dương Độ, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết lúc 10h lũ sông Hồng lên mức báo động 1. Tính từ năm 2008 đến nay sông Hồng mới lên cao ở mức này, nên người dân có thể chủ quan thiếu kỹ năng ứng phó, chính quyền có thể bị động.

Phó bí thư yêu cầu quận Hoàn Kiếm thực hiện các biện pháp ứng phó cao hơn một cấp. Nghĩa là chưa báo động 1 thì ứng phó ở báo động cấp 1, khi báo động cấp 1 thì ứng phó ở cấp 2. Ông khuyến cáo người dân không nên chủ quan vì diễn biến mưa bão cực đoan bất thường.

11h30

Nước sông Bùi ở Chương Mỹ tràn qua đê

Tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, từ sáng nay nước sông Bùi sau khi lên báo động ba đã bắt đầu tràn qua đê Bùi 1-2 vào nội đồng và khu dân cư. Nếu nước tiếp tục lên thì đến chiều sẽ ngập hết cánh đồng, đến đêm ngập nhiều gia đình trong các thôn Nhân Lý, Hạnh Bồ, Nam Hài.

Nam Phương Tiến là xã ngập sâu và lâu nhất trong các đợt lũ ở ngoại thành Hà Nội. Trong đợt lũ cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, có vị trí trong làng ngập hơn 2 m, ngoài đồng ngập hơn 4 m và kéo dài 10-15 ngày tùy khu vực.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 1

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 1

Nước sông Bùi tràn vào khu dân cư ở xã Nam Phương Tiến. Ảnh: Gia Chính

11h00

Nước sông Hồng dâng cao có thể ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn dân

Theo Đồ án quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng đang được nghiên cứu, đoạn sông Hồng qua Hà Nội dài khoảng 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích 11.000 ha; thuộc 55 phường, xã của 13 quận, huyện. Dân số tính toán theo quy hoạch từ 280.000 đến 320.000.

13 quận huyện nằm ven sông gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm.

Khi nước dâng Hồng dâng cao do mưa lũ, phạm vi tác động sẽ rất rộng, lên tới hàng trăm nghìn dân. Đến sáng nay, mực nước vẫn dưới báo động một nên chỉ một số khu dân cư ven sông được di dời.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 1

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 1

Nước sông Hồng bắt đầu tràn vào khu dân cư ven sông ở quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Văn Phú

10h50

Hoàn Kiếm di dời 460 người dân

Trong cuộc họp sáng nay với UBND phường Chương Dương và Phúc Tân, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, yêu cầu di dời ngay tất cả hộ dân trong phạm vi báo động một; di dời tạm đến chung cư The One và vệ sinh chuẩn bị dự phòng chợ Hàng Bè để dời dân đến đó.

Ngoài ra, ông Long yêu cầu rà soát thêm các địa điểm thiết chế công để dự phòng làm nơi đón dân di dời. Cụ thể với Chương Dương ở mức báo động một di dời 60 hộ với 200 nhân khẩu; Phúc Tân 70 hộ 260 nhân khẩu.

Báo động cấp một là sông bắt đầu có lũ, nhưng còn ở giới hạn trong lòng sông - tương đương cấp lũ nhỏ. Báo động cấp hai là mực nước trên sông đã lên đến mức trung bình, nước lũ bắt đầu gây ảnh hưởng ngập lụt và tác động xấu đến dân sinh, kinh tế, xã hội - tương đương lũ trung bình.

Nước sông Hồng nhìn từ trên cao, khu vực cầu Chương Dương. Video: Văn Phú

10h40

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ bị ngập 

Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, cho biết từ 7h hôm nay, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ qua huyện Thường Tín bị ngập do nước từ khu vực hạ lưu và đường gom tràn lên. Làn khẩn cấp và làn số 2 cả hai chiều đều bị ngập, gây ùn tắc kéo dài khoảng 2-3 km.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 1

Nước ngập trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Anh Duy

Để hạn chế xe vào cao tốc, cảnh sát giao thông nhiều thời điểm phải phân luồng, cấm phương tiện để đảm bảo an toàn cho lái xe. Xe chiều Pháp Vân - Cầu Giẽ phải quay đầu ở trước trạm thu phí Pháp Vân để đi sang quốc lộ 1. Ở chiều Cầu Giẽ - Pháp Vân, lối từ Vạn Điểm lên cao tốc cũng bị đóng, phương tiện được hướng dẫn sang quốc lộ 1.

10h10

Nhiều tuyến phố bị ngập nặng

Từ đêm 9/9 đến sáng nay, nhiều khu vực ở trung tâm Hà Nội có mưa vừa đến mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi cao hơn 150mm. Cơn mưa nhiều tuyến đường phố ở Hà Nội ngập sâu, phương tiện bị chết máy, người dân di chuyển khó khăn. Sau khung giờ cao điểm buổi sáng, một số tuyến phố khu vực Hà Đông, đại lộ Thăng Long... vẫn bị ngập, ùn tắc.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 1

Tuyến đường đi qua ngõ 232 Tân Triều, Thanh Trì bị ngập hơn 30 cm. Ảnh: Huy Mạnh

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 1

Nước ngập tại đường Phùng Hưng, Hà Đông. Ảnh: Phương Linh

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 1

Nhiều người đi xe bị chết máy. Ảnh: Phương Linh

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 1

Hơn 30 chiếc xe máy qua đường viện K Tân Triều chết máy, phải sửa chữa. Ảnh: Huy Mạnh

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 1

Ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Phương Linh

10h05

46 hộ dân phường Chương Dương được di dời

Sáng 10/9, UBND phường Chương Dương báo cáo tình hình ngập lụt nghiêm trọng dọc bờ sông Hồng. Đoạn sông dài 1,6km thuộc địa phận phường, chủ yếu là đất bồi, đã bị ngập hoàn toàn. Các bãi bồi và khu vực sát sông cũng nhanh chóng chìm trong nước. Toàn bộ thuyền chài đã được sơ tán trước đó.

Đặc biệt, khu vực từ ngõ 114 Hàm Tử Quan đến bến Chương Dương Độ, nước sông dâng cao đã nhấn chìm bãi xe và sân chơi vườn rừng. Người dân đã chủ động di dời đến nơi an toàn.

Đoạn bờ sông từ 407 đến 727 Bạch Đằng (dài 800 m) đã được gia cố bằng kè, đảm bảo an toàn. Hiện tại, có 46 hộ dân (162 người) sống sát bờ sông này. Do nguy cơ ngập lụt, chính quyền đã vận động tất cả các hộ dân di dời đến nơi cao ráo hơn. Dự kiến khi mức nước đạt báo động một sẽ có 11 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng số 27 nhân khẩu sơ tán đến nơi khác.

10h05

Lũ sông Hồng tiếp tục lên nhanh 

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết, mực nước sông Hồng tại Hà Nội lúc 7h hôm nay ở 9,02 m, dưới báo động một 0,48 m. Dự báo, trong 12h tới lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh đạt mức báo động một. Trong 12-24h tiếp theo lũ tiếp tục lên nhanh đạt báo động hai.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 1

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 1

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 1

Sông Hồng nhìn từ cầu Văn Phú, Yên Bái. Ảnh: Hoàng Phương

10h00

Hà Nội lệnh báo động cấp một trên sông Hồng

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội cho biết mực nước sông Hồng tại An Cảnh, huyện Thường Tín lúc 9h là 7,23 m, vượt nước báo động một 3 cm. Vì vậy, Ban Chỉ huy lệnh báo động một trên sông Hồng tại xã ven đê thuộc huyện Thường Tín, Phú Xuyên.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 1

Bản đồ mực nước báo động của các sông ở miền Bắc. Đồ họa: Đỗ Nam

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, từ sáng 10/9 đến 12/9, TP Hà Nội sẽ mưa 80-150 mm, có nơi trên 250 mm. Các quận, huyện Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh 100-200 mm, có nơi trên 300 mm.

Thị xã Sơn Tây và các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phương, Hoài Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên mưa 80-150 mm, có nơi trên 250 mm.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 1

Bãi giữa sông Hồng nhìn từ cầu Chương Dương xuống. Ảnh: Giang Huy

Theo quy định, có 3 cấp báo động lũ. Báo động cấp một là sông bắt đầu có lũ, nhưng nước lũ còn ở giới hạn trong lòng sông - tương đương cấp lũ nhỏ. Báo động cấp hai là mực nước trên sông đã lên đến mức trung bình, nước lũ bắt đầu gây ảnh hưởng ngập lụt và tác động xấu đến dân sinh, kinh tế, xã hội - tương đương lũ trung bình.

Báo động cấp ba là lũ trên sông đã lên cao, gây ảnh hưởng ngập lụt nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân - tương đương lũ lớn.

9h45

Cấm người ra bến Chương Dương Độ 

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 1

Cảnh sát lập rào chắn, cấm người ra bến Chương Dương Độ. Ảnh: Võ Hải

9h40

Tạm dừng chạy tàu qua cầu Long Biên

Ông Phan Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết từ 9h sáng nay, đơn vị quyết định dừng chạy tàu qua cầu Long Biên do mực nước sông Hồng đã vượt ngưỡng an toàn cho phép, uy hiếp an toàn chạy tàu.

Sau khi nước sông rút, ngành đường sắt sẽ đánh giá lại mức độ an toàn để khai thác trở lại.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 1

Tàu hỏa chạy trên cầu Long Biên. Ảnh: Giang Huy

Toàn bộ tàu khách trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng sẽ đón và trả khách tại ga đầu/cuối Gia Lâm thay vì ga Long Biên hoặc Hà Nội như trước. Từ ngày mai, phụ thuộc nhu cầu hành khách, ngành đường sắt có thể giảm tàu, duy trì tối thiểu đôi tàu Hà Nội - Hải Phòng mỗi ngày.

Long Biên vốn là cầu yếu, tàu lưu thông tốc độ khoảng 15 km/h. Mực nước hiện cách mặt cầu vài mét, nhưng do nước chảy xiết, dễ ảnh hưởng đến trụ cầu.

Ngành đường sắt vẫn dừng chạy tàu tuyến Hà Nội - Lào Cai từ ngày 7/9 do ảnh hưởng bão.

9h30

Mực nước báo động trên các sông

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 1

9h25

Hàng loạt tuyến phố bị ùn tắc 

Nhiều tuyến phố trung tâm bị ngập lụt, gây ùn tắc phương tiện vào giờ cao điểm sáng. Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) lưu ý người dân di chuyển qua các tuyến phố bị ngập 25-35 cm như: Thụy Khuê, Thành Công, Huỳnh Thúc Kháng, La Thành, Liễu Giai, Điện Biên Phủ, Núi Trúc, Ngọc Khánh, Nguyễn Trường Tộ.

Quận Hoàn Kiếm có các phố sau bị ùn tắc: Phùng Hưng, Liên Trì - Nguyễn Gia Thiều, ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến, Đinh Liệt, Nguyễn Siêu - ngõ Gạch, Tông Đản, ngã tư Quang Trung - Trần Quốc Toản, Thợ Nhuộm, Bà Triệu, Điện Biên Phủ, Quán Thánh, ngã ba Đường Thành - Hàng Nón.

Quận Đống Đa có các phố Huỳnh Thúc Kháng, Thái Hà, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên, Lê Duẩn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Kim Liên...

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Phương tiện ùn tại đê Xuân Quan - Bồ Đề - Long Biên khi lực lượng chức năng đang điều tiết giao thông lên cầu Chương Dương phía vào Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Quận Thanh Xuân có các tuyến phố ùn tắc: Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Ngọc Nại, Vương Thừa Vũ, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Tuân, Lương Thế Vinh, Nguyễn Xiển, Quan Nhân - Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huy Tưởng, Phùng Khoang, đường Tố Hữu (đoạn từ Lương Thế Vinh đến Trung Văn)...

Quận Hai Bà Trưng có các phố Nguyễn Khoái, Lạc Trung, Mạc Thị Bưởi, Hàng Chuối, Trần Xuân Soạn, Thanh Nhàn, Yéc-xanh.

Quận Cầu Giấy có các khu vực ngã tư Dương Đình Nghệ - Nam Trung Yên (phía sau tòa nhà Keangnam), Hoàng Quốc Việt (gần Đại học Điện lực), Phan Văn Trường, Phùng Chí Kiên, Trần Bình, phố Hoa Bằng.

Quận Hoàng Mai có các tuyến phố: Thịnh Liệt, đường Đền Lừ, đường Hoàng Mai, phố Vĩnh Hưng, Trương Định, Lĩnh Nam, Định Công. Quận Nam Từ Liêm có các tuyến phố Đỗ Đức Dục, Phùng Khoang, hầm chui dân sinh qua đại lộ Thăng Long...

Hà Đông có các phố Triều Khúc, đường Quyết Thắng, Phùng Hưng, Tô Hiệu, Yên Nghĩa...

9h20

Chủ tịch quận Hoàn Kiếm: Nước sông Hồng vẫn dưới báo động một

Thị sát vùng ngập lụt ven sông Hồng, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch quận Hoàn Kiếm, cho biết quận có 3,7 km nằm ven sông, thuộc hai phường Chương Dương, Phúc Tân, nơi tập trung đông dân cư. 9h sáng, mực nước sông Hồng ở địa bàn là 9,21 m, dưới báo động một khoảng 30 cm. Phạm vi bị ngập chủ yếu ở bờ vở (sát sông), chưa liên quan đến hành lang bảo vệ đê.

Từ đêm qua đến nay, quận đã vận động hộ dân chủ động di chuyển tài sản, đảm bảo an toàn.

Video: Văn Phú

9h10

Tất cả sông, hồ điều hòa nước dâng cao 

Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, mực nước trên các sông Kim Ngưu, Tô Lịch, Lừ, Nhuệ và hệ thống hồ điều hòa đang ở ngưỡng cao, khả năng điều hòa kém. Công ty đã vận hành các bơm trên hệ thống thoát nước đô thị gồm Đồng Bông 1 với 13 bơm; 9 bơm ở trạm bơm Đồng Bông 2; trạm bơm Cổ Nhuế 4 bơm; trạm bơm Yên Sở 20 bơm...

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Đường cầu Bươu gần Bệnh viện K3 Tân Triều ngập 60 cm do nước sông Nhuệ tràn lên. Ảnh: Huy Mạnh

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết sáng nay một số điểm úng ngập tại lưu vực sông Tô Lịch gồm Vĩnh Hưng, đường 2,5 hồ Đền Lừ, Thái Hà, Quan Nhân. Lưu vực sông Cầu Bây gồm Cổ Linh, Đàm Quang Trung, Vũ Xuân Thiều, Ngọc Lâm.

Lưu vực sông Nhuệ gồm Phan Văn Trường, đại lộ Thăng Long (ngã ba giao Lê Trọng Tấn), hầm chui số 3, 5, 6, Km9+656, đường Tố Hữu, Yên Nghĩa, đường Quyết Thắng, HH2 Nguyễn Trác, Võ Chí Công, Dương Đình Nghệ, Nguyễn Khánh Toàn, Thiên Hiền, phố Nhuệ Giang.

9h05

Cảnh sát điều tiết phương tiện lên cầu Chương Dương 

Do cầu Chương Dương cấm phương tiện tải trọng lớn, dòng xe ùn ứ ở hai đầu cầu. Cảnh sát giao thông đứng trên đường đê Xuân Quan - Bồ Đề - Long Biên phân luồng, hướng dẫn phương tiện.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Đại úy Lưu Hồng Quân, đội CSGT số 1. Video: Văn Phú

9h00

Người dân ven sông Hồng tiếp tục di chuyển

Tại ngõ 46 phố Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm, nước sông Hồng tiếp tục dâng cao, người dân khẩn trương di dời tài sản, hàng hóa.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Nước sông Hồng tràn vào khu phố Chương Dương Độ.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Nhà dân đóng cửa, người đi sơ tán.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Một số người sáng nay tiếp tục di chuyển đồ đạc hàng hóa. Ảnh: Văn Phú

8h35

Di dời hộ dân ở bãi giữa sông Hồng

Lãnh đạo phường Phúc Xá, quận Ba Đình sáng 10/9 cho biết đã hoàn thành việc di dời các hộ dân ở bãi giữa và khu vực sát bờ sông Hồng đến nơi an toàn. Công tác di dời được thực hiện trong đêm, trong đó có 4 hộ với 9 người ở bãi sông; 5 hộ với 15 người ở khu vực xóm trọ mép bờ sông.

Phường Phúc Xá nằm ngoài đê sông Hồng nên sẽ là khu vực có nguy cơ mất an toàn cao. "Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình nước lũ sông Hồng, cảnh báo kịp thời cho người dân để sẵn sàng sơ tán, có phương án bảo đảm an toàn đối với người dân khu vực nguy hiểm", vị này nói.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Người dân được lưu trú tại trạm y tế phường để đảm bảo an toàn.

8h30

Bãi giữa sông Hồng chìm trong biển nước

Lũ sông Hồng dâng cao, hiện còn cách cầu Chương Dương khoảng 2 m. Hà Nội cấm xe khách, xe hợp đồng, ôtô du lịch trên 9 chỗ; cấm ôtô tải trên 0,5 tấn trên cầu Chương Dương.

Tại bãi giữa sông Hồng, nơi nhiều người đến trồng hoa, dựng điểm vui chơi, nước ngập đến ngọn cây.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Nước sông Hồng dâng cao, cách cầu Chương Dương 2 m.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Chỉ xe máy, xe bốn chỗ và xe buýt được qua cầu Chương Dương.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Bãi giữa sông Hồng ngập sát lên ngọn cây. Ảnh: Giang Huy

8h25

Nước sông Nhuệ tràn bờ, đường qua cầu Bươu ngập

Đường cầu Bươu gần Bệnh viện K3 Tân Triều ngập 60 cm do nước sông Nhuệ tràn lên. Nhiều nhà dân trong ngõ 232 Tân Triều phải sơ tán đồ đạc ra ngoài.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Nước sông Nhuệ dâng cao cùng với mưa lớn khiến đường qua cầu Bươu, gần Bệnh viện K Tân Triều ngập sâu 60 cm.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Giao thông ách tắc, cảnh sát giao thông đứng ra giữa đường phân luồng.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Nước tràn vào ngõ 232 Tân Triều.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Người dân phải sơ tán đồ đạc sang nhà hàng xóm cao hơn. Ảnh: Huy Mạnh

8h20

Rà soát các cầu vượt sông, cấm phương tiện qua cầu yếu

Ban An toàn giao thông TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị chức năng rà soát toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là cầu vượt sông thành phố đang quản lý. Với các cầu yếu có nguy cơ đổ sập, cần khẩn trương cấm người và phương tiện qua cầu và có biện pháp phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian cấm.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Cầu Chương Dương. Ảnh: Ngọc Thành

Đồng thời, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương tập trung rà soát và có phương án tổ chức giao thông đối với hệ thống kết cấu hạ tầng xảy ra sự cố do ảnh hưởng của bão, đặc biệt tại các vị trí cầu yếu và điểm úng ngập cục bộ; kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông qua các cầu có nguy cơ đổ sập.

Thanh tra giao thông Hà Nội được giao phối hợp với công an, các đơn vị chức năng tổ chức hướng dẫn, phân luồng phương tiện qua các vị trí xảy ra sự cố do ảnh hưởng bão Yagi.

Từ 8h30 sáng nay, nhiều phương tiện lớn đã bị cấm qua cầu Chương Dương.

8h15

Cấm đường nối Chương Mỹ với Quốc Oai

Ông Vũ Đình Hiệp, Đội phó Thanh tra giao thông huyện Quốc Oai, cho biết tuyến đường 421B nối thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ) với huyện Quốc Oai cấm tất cả phương tiện tiện từ 17h30 hôm qua do có vị trí ngập sâu hơn 70 cm.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Thanh tra giao thông phân luồng, hướng dẫn phương tiện không qua đường 421B. Ảnh: Gia Chính

Đơn vị này đã phân luồng cách vị trí ngập 3 km để khuyến cáo phương tiện đi theo hướng khác; đồng thời đặt biển cấm phương tiện trên đê Cấn Hữu do tuyến đê này trong đợt ngập hơn một tháng trước xuất hiện điểm thấm nước qua đê.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Ôtô bị cấm đi trên đường đê Cấn Hữu. Ảnh: Gia Chính

8h00

Hà Nội sẵn sàng ứng phó "tình huống xấu"

UBND TP Hà Nội ra công điện về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông. Chủ tịch thành phố yêu cầu giám đốc các ngành kiểm tra, sẵn sàng triển khai phương án hộ đê, ứng phó mưa lũ theo phương châm "4 tại chỗ"; ứng trực 24/24h, duy trì lực lượng ứng cứu nhanh, phối hợp chặt chẽ với quân đội, công an, y tế để ứng cứu kịp thời, hiệu quả.

Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã được giao nắm bắt thông tin về việc xả lũ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, lũ lớn trên các tuyến sông; kịp thời thông báo cho người dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ sạt lở biết để phòng tránh; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Nước lên cao khiến nhiều hộ dân ngoài đê phải chuyển đồ trong đêm Ảnh: Giang Huy

Các huyện cũng sẵn sàng các phương án sơ tán dân, di chuyển tài sản khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, lên danh sách hộ dân cần sơ tán; đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân.

Các quận huyện tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó tình huống xấu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, kè, cống, trạm bơm, các công trình phòng chống lũ khác, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả; Sở Công Thương rà soát phương án đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho dân, đặc biệt là tại các khu vực bị ảnh hưởng/chia cắt bởi mưa lũ; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Theo UBND thành phố, mực nước các sông trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đang ở mức cao: Sông Tích, sông Bùi: trên báo động 3; sông Cầu, sông Cà Lồ: trên báo động 2; sông Đáy: trên báo động 1 và đang xu hướng tiếp tục lên; sông Hồng tại trạm thủy văn Long Biên: 7,81m (dưới báo động 1 là 1,69m, dự báo sẽ lên báo động 1 vào đêm ngày 10/9).

7h50

Lũ sông Thao, sông Cầu lập kỷ lục sau hơn 50 năm

Tối 9/9, lũ sông Thao đạt hơn 87 m vượt kỷ lục tồn tại 53 năm, lũ sông Cầu gần 29 m vượt kỷ lục tồn tại 65 năm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết, lũ sông Thao là nghiêm trọng nhất. Mực nước sông này tại Lào Cai lúc 19h ngày 9/9 là hơn 87 m, trên báo động ba 3,62 m, vượt mốc lịch sử năm 1971 khoảng 0,27 m; tại Bảo Hà đạt gần 61 m, trên báo động ba 3,98 m, vượt lịch sử năm 2008.

Trên sông Cầu tại Cầu Gia Bảy mực nước đạt 28,71 m, trên báo động ba 1,71 m, trên mức lũ lịch sử năm 1959 khoảng 0,57 m. Như vậy lũ sông Thao vượt kỷ lục tồn tại 53 năm, sông Cầu vượt kỷ lục tồn tại 65 năm.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Ngập lụt sau bão Yagi ở phường Yên Ninh, TP Yên Bái ngày 9/9. Ảnh: Ngọc Thành

Ba ngày qua, cả 25 tỉnh, thành phố miền Bắc đều có mưa rất lớn với lượng phổ biến 200-400 mm, riêng Lào Cai, Yên Bái và Thái Nguyên phổ biến 400-600 mm. Một số nơi mưa lớn hơn như Nậm Xây Luông, huyện Văn Bàn (Lào Cai) mưa 760 mm, Phú Dảnh (Sơn La) 614 mm, Tân Phương (Yên Bái), Nấm Dẩn (Hà Giang) gần 600 mm. Yên Đổ (Thái Nguyên) mưa 565 mm, Hồng An (Cao Bằng) gần 430 mm.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, lượng mưa ở các tỉnh Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên trong một ngày đã gấp đôi trung bình nhiều năm tháng 9. "Đây là điều quan ngại nhất trong các tác động của bão Yagi. Mưa lớn dẫn tới ngập úng cục bộ, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và uy hiếp hệ thống đê điều", ông Hiệp nói thêm.

Dự báo, mưa lớn diện rộng ở miền Bắc đến hết 12/9. Hai ngày tới, mưa lớn sẽ tiếp tục tập trung ở trung du và miền núi phía Bắc với lượng phổ biến 70-150 mm, có nơi trên 350 mm.

Mưa lớn sẽ khiến miền Bắc xuất hiện một đợt lũ trong khoảng thời gian từ nay đến 11/9. Trong đợt lũ này đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạm, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hoà Bình, Sơn La lên mức báo động hai, ba có nơi trên báo động ba.

7h30

Cấm nhiều phương tiện qua cầu Chương Dương

Xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ, xe tải trên 0,5 tấn bị cấm qua cầu Chương Dương từ 8h30 sáng nay đến khi nào có thông báo mới do lo ngại mất an toàn.

Cụ thể, hướng từ Hoàn Kiếm đi Long Biên: Cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn; xe buýt được phép hoạt động.

Hướng từ Long Biên đi Hoàn Kiếm: Cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn; xe buýt được phép hoạt động.

Các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ và xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn có nhu cầu đi qua cầu Chương Dương lưu thông theo các cầu: Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long.

7h15

Chèo thuyền trong bến xe Bạch Đằng, Hoàn Kiếm

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Bãi xe trên phố Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm, sau mấy tiếng nước dâng người dân phải đi thuyền từ ngoài đê vào sát đường. Trước đó sáu giờ, lệnh mở cửa xả và đảm bảo an toàn hạ du đã được Bộ gửi đến Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà và UBND các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, TP Hà Nội, nơi chịu ảnh hưởng của xả lũ. Ảnh: Giang Huy

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Người dân ngoài đê di dời ôtô lên đường Nghi Tàm. Ảnh: Giang Huy

7h10

Nhiều sông qua Hà Nội lũ lên báo động ba

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết sáng nay các tỉnh miền Bắc tiếp tục mưa lớn. Lượng mưa từ 19h hôm qua đến 3h ngày hôm nay ở Yên Ninh (Yên Bái) hơn 320 mm, Đồng Tâm (Hòa Bình) 272 mm, Quang Trung (Nam Định) gần 210 mm.

Mực nước trên sông Đáy ở Ba Thá lúc 6h là 6,22 m, dưới báo động hai 0,28 m; sông Tích tại Kim Quan 8,59 m, trên báo động ba 0,19 m; sông Bùi tại Yên Duyệt 7,22 m, trên báo động ba 0,22 m; sông Cầu tại Lương Phúc 8,53 m trên báo động ba 0,53 m. Trong thang đo báo lũ, báo động 3 là mức cao nhất.

Cơ quan khí tượng cho biết trong 12 giờ tới mực nước trên các sông Hồng, Cầu, Thương, Thái Bình tiếp tục lên.

7h00

Dân Nghi Tàm dời nhà lúc nửa đêm

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Chị Lê Thị Ngọc đang đưa đồ đạc ra khỏi nhà vì nước đã cao 40-60 cm. "Nước lên nhanh quá, bao nhiêu năm rồi ở đây mới lại bị ngập nặng thế này", chị Ngọc nói. Ảnh: Giang Huy

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Anh Hoàng Long phải khóa cửa để chuẩn bị đi ngủ nhờ nhà người thân phía ngoài vì nước đã ngập gần nửa nhà. Ảnh: Giang Huy

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Ông Thế Cường, nhà trong khu vườn quất Tứ Liên - Quảng An, đang cắm que để đo mực nước. "Cứ một tiếng tôi lại ra đo một lần, nước lên nhanh quá, mười mấy năm rồi mới thấy cao thế này, vườn quất xung quanh đây ngập hết rồi", ông nói. Ảnh: Giang Huy

6h45

Nghi Tàm nước "ngập đến ngực"

0h30 ngày 10/9, nước sông Hồng dâng cao khiến ngõ 176 Nghi Tàm ngập đến ngực, nhiều người phải sơ tán đến ở nhờ những nhà cao hơn.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Ảnh: Giang Huy

6h00

Rốn lũ Chương Mỹ đắp đập ngăn lũ

Nước sông Bùi ở huyện Chương Mỹ lên báo động ba, mức báo động cao nhất và chưa có dấu hiệu dừng lại khiến người dân vội sơ tán tài sản, đắp đập ngăn nước.

Chiều 9/9, nước từ sông Bùi tràn vào cánh đồng mấp mé đê Bùi 2. Mực nước tại trạm Yên Duyệt lúc 14h cùng ngày xấp xỉ báo động ba 6,98 m. Trên đoạn đê dài hơn một km có bốn vị trí nước tràn bờ cao khoảng 20 cm. Một hộ dân sống trong đê dùng bạt căng để ngăn nước chảy vào nhà.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Người dân Chương Mỹ chạy lụt. Ảnh: Gia Chính

UBND huyện Chương Mỹ cho biết có 3 thôn bị ngập làm 273 hộ với 1.100 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Ngoài ra, 1.300 m giao thông nội đồng, hơn 4.000 m giao thông nông thôn bị ngập. UBND huyện Chương Mỹ cho biết đã tập kết 6 xuồng máy, hai máy đẩy, bốn bè cứu sinh, 100.000 bao tải, hơn 16.000 m3 đất sẵn sàng hộ đê, cứu trợ người dân khi có yêu cầu.

Xã Xã Nam Phương Tiến đã huy động hàng chục người dân, thanh niên tình nguyện đắp đê Bùi 2. Đêm qua, nhiều người dân các thôn Nhân Lý, Nam Hài, Hạnh Bồ bắt đầu kê đồ đạc lên cao.

Hà Nội chạy lụt, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên - 2

Đê sông Bùi 2 nước lũ tràn qua. Ảnh: Gia Chính

Thị trấn Xuân Mai huy động hơn 30 dân quân tự vệ, tổ dân phố hỗ trợ 120 hộ dân với 500 nhân khẩu thôn Bùi Xá di chuyển đồ đạc lên cao. Lãnh đạo thị trấn Xuân Mai cho biết một số người già và trẻ nhỏ đã được vận động di chuyển đến nơi cao hơn ở các gia đình họ hàng.

Chương Mỹ là vùng trũng nhất Hà Nội, trước kia được xác định là vùng phân lũ. Vì thế, mỗi khi nước các sông dâng cao, đặc biệt là sông Bùi từ Hòa Bình chảy về, vùng này ngập đầu tiên.

Source: 24h.com.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - Nước dâng nhanh, ngập đến ngực tại vùng ven sông Hồng qua quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, người dân phải khẩn cấp di chuyển; chính quyền cũng hạn chế xe tải trọng lớn qua cầu Chương Dương.
5 ngày trước - Từ hôm qua đến sáng nay 13.9, mực nước sông Hồng và sông Đuống qua Hà Nội đã rút nhanh. Ngành đường sắt đang chuẩn bị phương án đề xuất cho các đoàn tàu chạy trở lại, đồng thời thử tải cho phương tiện xe cơ giới lưu thông bình thường.
1 tuần trước - Lúc 23h30 ngày 10/9, mực nước sông Hồng tại Long Biên lên 10,5 m, bằng báo động hai, TP Hà Nội phát báo động hai đến 10 quận huyện.
1 tuần trước - Đến trưa 10-9, bão số 3 và mưa lớn hoàn lưu sau bão gây ra lũ lụt, sạt lở đất làm 82 người chết, 64 người mất tích, gần 50.000 nhà bị hư hỏng, thiệt hại.
1 tuần trước - Đến trưa 10-9, bão số 3 và mưa lớn hoàn lưu sau bão gây ra lũ lụt, sạt lở đất làm 82 người chết, 64 người mất tích, gần 50.000 nhà bị hư hỏng, thiệt hại.
Xem tin bài khác
16 phút trước - Cầu bắc qua con suối trên đường tỉnh 445 ở TP Hòa Bình bị sập rạng sáng nay, may mắn không gây thiệt hại về người.
19 phút trước - Khi vụ bạo hành trẻ ở mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP.HCM) bị phanh phui, cơ quan chức năng kiểm tra thì lộ ra cơ sở có đến 85 trẻ, chứ không phải chỉ 39 trẻ như đăng ký.
19 phút trước - Dự báo hôm nay, bão số 4 hướng vào ven biển Quảng Trị - Quảng Nam rồi đi vào đất liền các tỉnh miền Trung. Cơ quan khí tượng cảnh báo tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có mưa rất lớn trong sáng nay.
19 phút trước - Tối 18-9, Công ty cổ phần Thủy điện Đak Mi đã có thông báo về việc điều tiết nước qua cửa van hồ chứa thủy điện Đak Mi 4.
39 phút trước - Theo dự báo, hôm nay, bão số 4 sẽ đổ bộ vào khu vực từ tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị với sức gió cấp 8, giật cấp 10.