ttth247.com

Hàng loạt trường học siết dùng điện thoại

Hàng loạt trường ở Nghệ An, Hà Tĩnh, TP HCM, Hà Nội, Tuyên Quang yêu cầu học sinh không dùng điện thoại trong suốt buổi học, thậm chí không mang theo đến lớp.

Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An giữa tháng 10 phát động phong trào "Trường học nói không với điện thoại trong buổi học".

Theo đó, trước khi vào tiết đầu, các trường yêu cầu học sinh tắt nguồn điện thoại hoặc chuyển sang chế độ im lặng, rồi cất vào tủ lớp. Các em chỉ được nhận lại sau khi kết thúc buổi học. Song song đó, trường lập đường dây điện thoại để phụ huynh và học sinh liên lạc, tổ chức các hoạt động thể chất, câu lạc bộ khoa học, tiếng Anh, văn hóa... đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Ngoài ra, giáo viên giao bài tập, kiểm tra trực tiếp hoặc thông qua phụ huynh, hạn chế tối đa trao đổi qua các nhóm online, nhất là trong giờ học.

Ngành giáo dục Nghệ An kỳ vọng việc siết sử dụng điện thoại trong trường sẽ nâng cao chất lượng giáo dục, tạo thói quen học tập trung, tăng cường giao lưu trực tiếp, giảm tình trạng nghiện game, mạng xã hội của học sinh.

Học sinh trường THPT Đô Lương 1, Nghệ An, cất điện thoại trong tủ trước giờ học ngày 14/10. Ảnh: Mỹ Hà/Báo Nghệ An

Học sinh trường THPT Đô Lương 1, Nghệ An, cất điện thoại vào tủ trước giờ học ngày 14/10. Ảnh: Mỹ Hà/Báo Nghệ An

Tuyên Quang Hà Nội cũng có cách làm tương tự. Ở Hà Tĩnh, hàng loạt trường học phát động học sinh cam kết không mang điện thoại đến lớp, như THPT Phúc Trạch, Cẩm Bình, Kỳ Anh... Việc liên hệ của các em với bố mẹ sẽ thông qua thầy cô hoặc cán sự lớp.

Còn ở TP HCM, Sở Giáo dục và Đào tạo không đưa ra khuyến cáo chung nhưng nhiều trường đã quản lý chặt hơn việc dùng điện thoại của học sinh như THPT Nguyễn Thượng Hiền, Trường Chinh, Thạnh Lộc, THCS Nguyễn Thái Bình, Lê Văn Tám... Ở các trường này, học sinh không được dùng điện thoại trong khuôn viên trường, kể cả giờ ra chơi.

Thầy Lương Văn Định, Hiệu trưởng trường THPT Thạnh Lộc, TP HCM, cho biết lúc đầu nhiều học sinh không đồng tình, tỏ ra khó chịu. Sau hai tháng, các em dần quen nề nếp, trò chuyện, vui chơi thay vì cắm cúi với chiếc điện thoại.

Các trường cho hay đều ghi nhận sự chuyển biến tích cực của phía học sinh sau yêu cầu không dùng điện thoại suốt buổi học. Các em tập trung trong giờ học hơn, xuống sân chơi và giao lưu nhiều hơn, trong khi trước đây hầu hết "dán mắt" vào màn hình.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết việc quản lý sử dụng điện thoại của học sinh hiện theo thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, học sinh không được sử dụng điện thoại di động trong lớp nếu không phục vụ cho việc học và không được giáo viên cho phép. Còn lại sẽ phụ thuộc vào nội quy, quy định riêng của từng trường.

"Việc tùy tiện sử dụng điện thoại di động trong giờ học khiến học sinh mất tập trung, khó tiếp thu bài giảng", ông Minh nói. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu khai thác các tính năng tương tác, tìm kiếm dữ liệu một cách tích cực với sự hướng dẫn của thầy cô, đây sẽ là một công cụ hữu ích, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học.

Học sinh THCS Lê Văn Tám, TP HCM, dùng điện thoại của trường để liên hệ phụ huynh. Ảnh: Sơn Ca

Học sinh THCS Lê Văn Tám, TP HCM, dùng điện thoại của trường để liên hệ với bố mẹ. Ảnh: Sơn Ca

Năm 2023, nghiên cứu của UNESCO ở 14 quốc gia cho thấy điện thoại thông minh khiến học sinh mất tập trung vào việc học. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng học sinh có thể mất tới 20 phút để tập trung lại vào những gì đang học sau khi bị phân tâm vì sử dụng thiết bị này. Việc sử dụng điện thoại di động quá mức cũng tác động tiêu cực đến sự ổn định cảm xúc của trẻ em.

UNESCO kêu gọi cấm học sinh dùng điện thoại ở trường nhằm giảm gián đoạn giờ học, nâng cao chất lượng học và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trên mạng. Nhiều quốc gia như Pháp, Hy Lạp, Hungari, Đan Mạch gần đây đã có động thái thắt chặt việc này.

Lệ Nguyễn

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
2 tuần trước - Để được làm việc tại Canada sau khi tốt nghiệp, du học sinh một số bậc học phải chọn ngành trong danh sách thiếu hụt lao động dài hạn thay vì tự do như trước.
1 tháng trước - Canada chỉ cấp 437.000 giấy phép du học trong năm 2025, giảm ít nhất 10% so với năm nay, tiếp nối loạt chính sách nhằm giảm người nhập cư.
1 tháng trước - Thông tin được chính phủ Canada đưa ra vào hôm qua (18.9), là động thái mới nhất trong loạt quy định nhằm cắt giảm hàng trăm nghìn du học sinh mà nước này đang thực hiện.
1 tháng trước - Sáng nay 12-9, hàng loạt trường đại học tại TP.HCM phát động viên chức, người lao động đóng góp tối thiểu một ngày lương hỗ trợ đồng bào miền Bắc bị bão lũ.
3 tuần trước - Hàng chục trường hợp học sinh lái xe khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm... bị cảnh sát xử lý trong chiều 1-10 tại quận Long Biên (Hà Nội).
Xem tin bài khác
23 phút trước - Trên thực tế, bạn hoàn toàn có thể nhẹ nhàng đối mặt với giai đoạn này của con nếu biết thay đổi bản thân mình trước hết cho phù hợp với tâm lý của trẻ.
1 giờ trước - Em định đăng ký ngành Ngôn ngữ Anh nhưng nhiều người nói ngôn ngữ chỉ là công cụ, nên chọn nghề khác.
1 giờ trước - Hơn 10.000 nhà báo Việt Nam tham gia các khóa học của Viện đào tạo nâng cao báo chí Thụy Điển (FOJO), từ năm 1997 đến 2013.
4 giờ trước - Nhóm 'Liêm Chính Khoa Học' trên Facebook với gần 100.000 thành viên đã hoạt động trở lại sau 4 ngày bất ngờ biến mất.
7 giờ trước - 20 nữ sinh có công bố quốc tế hoặc đạt giải cao trong các cuộc thi về khoa học công nghệ được Trung ương Đoàn vinh danh.