ttth247.com

Hàng Việt xuất khẩu bị 'vạ lây' hàng Trung Quốc: Không tiếp tay cho hành vi gian lận…

Nhất là khi bị các nước điều tra chống lẩn tránh thuế, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Trịnh Anh Tuấn, cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), đã khuyến cáo như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh chuyện hàng Việt xuất khẩu bị "vạ lây" khi một số mặt hàng Trung Quốc bị các nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (Tuổi Trẻ ngày 17-10).

Ông Tuấn nói: Đến nay đã có 38 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá từ các nước đối với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam và số vụ điều tra ngày càng gia tăng.

Để chủ động ứng phó với các vụ kiện như thế này, các doanh nghiệp cần nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm, tăng cường sử dụng các nguyên liệu được sản xuất trong nước...

* Việc gia tăng các vụ điều tra chống lẩn tránh đặt ra những nguy cơ nào với những ngành bị điều tra nói chung và hàng xuất khẩu do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nói riêng?

- Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có những tác động tiêu cực như giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu.

Doanh nghiệp cũng phải bố trí thời gian và nguồn lực để xử lý, thuê tư vấn pháp lý đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài, tăng thêm gánh nặng tài chính. Trên thực tế, một số vụ việc điều tra chống lẩn tránh của Mỹ kéo dài đến 2-3 năm, khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn để duy trì xuất khẩu.

* Có hay không việc chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ từ các sản phẩm hàng hóa của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam như các nước đưa ra để thực hiện các cuộc điều tra này, thưa ông?

- Khả năng chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ từ các sản phẩm hàng hóa của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo kiểu chỉ gia công đơn giản hoặc lắp ráp và đưa đi xuất khẩu là có. Tuy nhiên, đây chỉ là các hành vi cá biệt, "con sâu làm rầu nồi canh", không phản ánh hành vi của cả ngành xuất khẩu Việt Nam.

Việc các nước tiến hành điều tra chống lẩn tránh với hàng hóa xuất khẩu của ta cũng không khẳng định các doanh nghiệp bị điều tra đang lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Chẳng hạn, Mỹ mới đây đã kết luận là các doanh nghiệp Việt Nam không lẩn tránh trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh với thép dây không gỉ dạng tròn (bị cáo buộc lẩn tránh thuế, đang áp dụng với Hàn Quốc), ống thép tròn hàn carbon và hàn không hợp kim (bị cáo buộc lẩn tránh thuế, đang áp dụng với Đài Loan - Trung Quốc)...

Phía Mỹ cũng chấm dứt điều tra chống lẩn tránh với bánh xe kéo bằng thép, tủ gỗ (đang áp dụng với Trung Quốc)..., cho phép phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam được tham gia cơ chế tự xác nhận không lẩn tránh để được miễn thuế...

EU cũng cho phép miễn trừ biện pháp chống lẩn tránh cho một số doanh nghiệp trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh với thép không gỉ...

* Theo ông, Việt Nam cần làm gì để hoàn thiện hơn nữa chính sách về thu hút đầu tư, quản lý xuất nhập khẩu nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ?

- Theo tôi, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai quyết định số 824/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; nghị quyết số 119/2019 của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Các cơ quan chức năng cũng cần khuyến nghị các doanh nghiệp tìm hiểu kỹ các quy định về chống lẩn tránh phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu, tuyệt đối không tham gia hay tiếp tay cho các hành vi trốn thuế, lẩn tránh phòng vệ thương mại.

* Vậy doanh nghiệp làm thế nào để ứng phó tốt hơn và tránh được các vụ kiện chống lẩn tránh thuế của các nước?

- Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu không nên tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Theo dõi thông tin cảnh báo sớm để đề ra chiến lược xuất khẩu phù hợp từng giai đoạn; tìm hiểu quy định về điều tra chống lẩn tránh của nước nhập khẩu...

Thiết lập kênh thông tin với các đối tác nhập khẩu, hiệp hội, ngành hàng để kịp thời cập nhật, xử lý vụ kiện, tình huống phát sinh; đồng thời cần nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm, tăng cường sử dụng các nguyên liệu được sản xuất trong nước hoặc từ các nguồn cung cấp không bị nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; tăng tỉ lệ giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam.

Triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch; duy trì hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ để chứng minh khi bị điều tra.

Trước khi ký hợp đồng phải trao đổi kỹ với đối tác nhập khẩu để đánh giá rủi ro về khả năng bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nếu sản phẩm xuất khẩu hoặc một phần nguyên liệu sử dụng để sản xuất sản phẩm xuất khẩu đã là hàng hóa bị nước nhập khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Trường hợp không chắc chắn có thể đề nghị đối tác nhập khẩu sử dụng cơ chế xác định trước xuất xứ. Và khi bị nước nhập khẩu điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược xử lý vụ việc thống nhất, xuyên suốt. Bố trí nguồn lực xử lý vụ việc, cân nhắc thuê luật sư.

Doanh nghiệp chủ động phối hợp đầy đủ, toàn diện, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài. Phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong quá trình xử lý vụ việc để được hướng dẫn kịp thời.

* Bộ Công Thương sẽ làm gì để hỗ trợ thực hiện hiệu quả các vụ kiện và giảm thiệt hại nhất cho doanh nghiệp trong nước, tránh bị liên đới bởi các vụ kiện này cũng như ngăn chặn tình trạng sản xuất, gian lận xuất xứ?

- Bộ Công Thương vẫn đang chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xử lý hiệu quả các vụ việc điều tra chống lẩn tránh của nước ngoài thông qua các hoạt động đa dạng.

Bao gồm việc cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý.

Trao đổi kịp thời với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc. Chúng tôi cũng tăng cường hoạt động tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, định hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, chúng tôi cũng cung cấp thông tin theo yêu cầu của doanh nghiệp và trao đổi, tham vấn với cơ quan điều tra của nước ngoài để đưa ra quan điểm của ta về các khía cạnh pháp lý và thực tiễn của vụ việc.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
5 ngày trước - Nhiều ngành hàng Việt đang đối diện với các vụ kiện điều tra phòng vệ thương mại hoặc chống lẩn tránh thuế, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.
1 tháng trước - Nhiều ngân hàng đã nhanh chóng công bố các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay vượt qua giai đoạn khó khăn sau ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi).
1 tháng trước - Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc xây thương hiệu nông lâm thủy sản quốc tế chỉ thành công khi chúng ta làm tốt đối với sức khỏe cho 100 triệu người dân Việt.
2 tuần trước - 14 năm trước, thay vì bỏ 5 tỷ mua đất, Phan Minh Thông lại dồn hết cho Công ty Cổ phần Phúc Sinh làm ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị), để rồi…mất trắng. Dù vậy, vị doanh nhân này khẳng định mình đã lựa chọn đúng. Sau thất bại ban đầu,...
17 giờ trước - Thị trường xuất nhập khẩu sôi động trong 9 tháng đầu năm 2024 tạo nên những cơ hội mới cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu phát triển kinh doanh. Cùng với lực đẩy tài chính, các giải pháp thanh toán, chuyển tiền quốc tệ hiện đại từ những ngân...
Xem tin bài khác
18 phút trước - Dự án BOT quốc lộ 51 có một số phận khá long đong, đã tạm dừng thu phí nhưng vẫn chưa thể xác lập là tài sản công, từ đó có thể đại tu toàn diện.
18 phút trước - Đó là ý kiến của một số chuyên gia trước chuyện đất nông nghiệp Việt Nam bị suy kiệt hàm lượng dinh dưỡng, mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới cảnh báo. Để đất khoẻ, nhiều giải pháp thiết thực đặt ra.
19 phút trước - (NLĐO) - Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỉ USD và hoàn thành năm 2035
19 phút trước - Cập nhật giá vàng hôm nay (22/10), Công ty SJC niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 87 - 89 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 1 triệu đồng/lượng cả 2 chiều với đầu giờ sáng.
19 phút trước - Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ tập trung vào 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.