ttth247.com

Hành trình tìm ra vaccine viêm gan B

Nhà khoa học Baruch Blumberg tò mò về mối liên hệ chủng tộc và bệnh tật, đến năm 1967 tìm ra vaccine ngừa viêm gan B - loại "vaccine ngừa ung thư đầu tiên trên thế giới".

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê, khoảng 254 triệu người đang chung sống với viêm gan B mạn tính năm 2022, mỗi năm thêm 1,2 triệu ca nhiễm mới. Viêm gan B được ghi nhận lần đầu từ thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên và xuất hiện trong tập sách của Hippocrates với tên gọi bệnh vàng da. Đến năm 1885, thế giới đã xuất hiện các "đại dịch vàng da".

Đến năm 1967, Baruch Blumberg (1925-2011) phát hiện kháng nguyên bất thường và tìm ra virus viêm gan B, vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên 10 năm sau, loại vaccine này mới vượt qua sự nghi ngờ của giới y khoa, được đưa vào chương trình tiêm chủng toàn cầu. Từ đó, tỷ lệ nhiễm virus và mắc ung thư gan giảm rõ rệt. Như tại Trung Quốc - số ca nhiễm viêm gan B từ mức cao (16,3%) đã giảm xuống 1,4% sau khi bắt đầu tiêm chủng.

Năm 2011, loại vaccine này được New York Times nhận định là "vaccine ngừa ung thư đầu tiên trên thế giới", trong bài viết tưởng niệm ngày tiến sĩ Blumberg qua đời.

Khởi đầu bằng dự án phân tích di truyền khắp 5 châu

Năm 1950, Baruch Blumberg khi ấy là bác sĩ và nhà di truyền học, vô cùng tò mò vì sao nguồn gốc dân tộc khác nhau lại phản ứng khác nhau với bệnh tật. Ông quyết định tìm lời giải bằng cách xét nghiệm máu, thu thập mẫu máu của người dân bản địa tại châu Mỹ và hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ông còn lấy mẫu từ hải cẩu và gia súc và kiểm tra dấu vết máu từ xác ướp Ai Cập tại Đại học Pennsylvania (Mỹ).

"Chúng tôi có mục tiêu, song không biết cuối cùng sẽ tìm thấy gì", tiến sĩ Blumberg từng chia sẻ trong bài viết trên trang Foxchase.

Bên cạnh việc thu thập mẫu máu của người bình thường, họ cũng chú ý vào nhóm người có chứng máu khó đông nhằm "nhận diện" những kháng nguyên lạ từ tất cả mẫu máu thu thập. Để tìm ra kết quả chính xác nhất, Blumberg kiểm tra các mẫu máu tối thiểu 25 lần.

Quá trình thu thập, nghiên cứu kéo dài hơn 10 năm, số lượng mẫu máu thu được lên tới hàng chục nghìn. Họ thực hiện hàng trăm thí nghiệm một tuần.

Tiến sĩ Blumberg bên các tủ trữ đông mẫu máu mà nhóm nghiên cứu thu thập được. Ảnh: American Philosophical Society

Tiến sĩ Blumberg bên các tủ trữ đông mẫu máu mà nhóm nghiên cứu thu thập được. Ảnh: American Philosophical Society

Từ kháng nguyên Australia đến virus viêm gan B

Đến năm 1963, nhóm của ông tìm ra một kháng nguyên lạ từ phản ứng bất thường trong một mẫu máu ở New York và một thổ dân Australia. Họ đặt tên là "kháng nguyên Australia" tuy vậy chưa thực sự hiểu bản chất của nó.

Năm 1964, ông tiến thêm một bước - nhận diện được kháng nguyên trong máu của bệnh nhân Down và tương quan với môi trường sinh sống, gợi ý về bệnh truyền nhiễm. Mối liên hệ trở nên rõ ràng hơn khi phát hiện rằng kháng nguyên Australia chỉ có sau khi phát triển viêm gan cấp tính.

Từ kháng nguyên Australia, nhóm thực hiện thêm loạt thí nghiệm và ứng dụng nhiều học thuyết, trong đó có việc virus bệnh truyền nhiễm chỉ có thành phần là protein với các acid nucleic. Một số công thức di truyền giống nhau tìm thấy trong cơ thể bệnh nhân, họ xác định kháng nguyên Australia thuộc virus viêm gan B.

Hai năm sau, ông cùng cộng sự Irving Millman tìm ra vaccine phòng bệnh. Họ bào chế vaccine bằng cách chiết xuất kháng nguyên từ máu của người mang mầm bệnh và xử lý để tiêu diệt virus sống.

Blumberg mô tả trong cuốn Hepatitis B: The Hunt for a Killer Virus: "công việc này chưa ai từng thực hiện, có thể phá vỡ giáo điều khoa học thời bấy giờ". Thực tế đúng như vậy, khi kết quả nghiên cứu được công bố, giới khoa học nổi lên tranh cãi và nghi ngờ. Bài báo khoa học do Blumberg viết năm 1967 chứng minh kháng nguyên Australia thuộc virus viêm gan B bị từ chối. Lý do, tác giả là nhà sinh hóa và nhân chủng học, không phải nhà virus học, bài viết chưa đủ tính thuyết phục.

Tiến sĩ Blumberg bên sơ đồ về kháng nguyên Úc. Ảnh: American Philosophical Society

Tiến sĩ Blumberg bên sơ đồ về kháng nguyên Úc. Ảnh: American Philosophical Society

Blumberg tiếp tục đọc sách, nghiên cứu để chứng minh cho lập luận này. Ông cùng các cộng sự thiết kế thêm những cuộc thử nghiệm trên động vật để xác nhận kết quả. Khi kết hợp nghiên cứu với nhau, kết quả về virus viêm gan B trở nên thuyết phục hơn.

Tháng 10/1968, họ bắt đầu phân phát miễn phí bộ dụng cụ thí nghiệm có hai ống huyết thanh riêng biệt chứa kháng nguyên Australia và kháng thể chống lại nó (anti-HBs). Nhiều năm sau, bộ thử nghiệm giúp đỡ hàng trăm nhà khoa trên thế giới, cho phép bắt đầu nghiên cứu ngay mà không phải mất hơn một năm để tìm kiếm công cụ.

Vaccine nhận bằng sáng chế năm 1969. Tuy nhiên, vì không phải sản phẩm hấp dẫn, có lợi nhuận như thuốc trị bệnh mạn tính, vaccine không được công ty dược phẩm nào đầu tư. Mãi đến tháng 7/1976, Merck & Co. là công ty đầu tiên đồng ý hợp tác với nhóm Blumberg để sản xuất vaccine bằng phương pháp mới. Khi đã có vaccine, họ thử nghiệm thực tế trong 4 năm. Đến 1980, sau khi có báo cáo về kết quả nghiên cứu, loại vaccine này được phê duyệt tại Mỹ.

Công trình được trao giải Nobel Y sinh

Các nghiên cứu về virus viêm gan B giúp ông đoạt giải thưởng Nobel Y sinh năm 1976. Tuy nhiên lúc này, ông vẫn bận rộn chứng minh virus liên quan tới bệnh ung thư gan, dù mối liên hệ này đã được nhiều đồng nghiệp làm rõ.

Theo Tổ chức Ung thư Fox Chase Cancer Center, công trình nghiên cứu của Blumberg có tính đột phá. Ông tiên phong phát triển nguyên lý vaccine thế hệ đầu tiên từ huyết tương kháng nguyên HBs - lần đầu tiên chế tạo vaccine không dựa trên phương pháp nuôi cấy mô truyền thống.

Những thành quả của tiến sĩ Baruch Blumberg đặt nền móng cho thế hệ vaccine kế tiếp sản xuất bằng công nghệ tái tổ hợp. Vaccine này thay thế phiên bản thô sơ ban đầu, cũng là loại đầu tiên trên thế giới được sản xuất bằng công nghệ gen. Đến đầu năm 2000, hơn một tỷ liều vaccine viêm gan B đã được sử dụng. Năm 2022, 190 nước đưa loại vaccine này vào chương trình tiêm chủng cho trẻ em.

Cha đẻ của vaccine viêm gan B qua đời năm 2011. Năm 2010, WHO lấy 28/7 làm ngày "Phòng chống viêm gan thế giới", mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh viêm gan và tri ân các đóng góp khoa học của ông. Năm 2024, ngày Phòng chống viêm gan thế giới diễn ra với chủ đề "Hãy hành động: Xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng" (Take action: Test, treat, vaccinate).

Người dân tiêm vaccine phòng viêm gan B tại VNVC. Ảnh: Nhật Linh

Người dân tiêm vaccine phòng viêm gan B tại VNVC. Ảnh: Nhật Linh

Nói về ý nghĩa của vaccine ngừa viêm gan B ngày nay, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, nhận định tiêm chủng đã trở thành biện pháp không thể thiếu để phòng viêm gan B và ung thư gan hiện nay. Nhờ vaccine, nhiều quốc gia có thể đặt mục tiêu loại trừ hoàn toàn viêm gan B và xây dựng chiến lược phòng chống ung thư gan hiệu quả.

Viêm gan B mạn tính còn được xem là "sát thủ thầm lặng" vì diễn biến âm thầm trong nhiều năm và không biểu hiện rõ ràng. Giai đoạn đầu, người bệnh có thể chỉ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn hoặc đau tức vùng hạ sườn phải, các dấu hiệu dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với bệnh lý thông thường khác.

Hiện vaccine ngừa viêm gan B đã được phổ biến trong cả tiêm chủng mở rộng lẫn dịch vụ. Trẻ sơ sinh cần chủng ngừa ngay sau sinh. Mũi tiêm này có khả năng bảo vệ 85-90% nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con.

Vaccine ngừa viêm gan B sau đó được kết hợp trong mũi tiêm phối hợp đầu đời cho trẻ, sử dụng khi trẻ 2, 3, 4 và 16-18 tháng tuổi. Nếu tiêm đủ liều đúng lịch, hiệu quả vaccine lên đến 98%. Với người lớn không rõ lịch sử tiêm ngừa, cần xét nghiệm máu để xác định có đang nhiễm virus viêm gan B hay không hoặc đã có kháng thể hay chưa. Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả của hai xét nghiệm này để đưa ra chỉ định tiêm ngừa phù hợp.

Đối với bệnh nhân viêm gan B, bác sĩ Chính nhấn mạnh cần theo sát hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý dùng thuốc, hay các biện pháp dân gian không rõ nguồn gốc vì có thể khiến bệnh nặng thêm.

Nhật Linh - Chi Lê

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
23 giờ trước - Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng nhận định quận 8 hội đủ điều kiện cần thiết để sớm công bố chấm dứt dịch sởi.
1 tháng trước - Trẻ chào đời cần tiêm ngay mũi ngừa lao, viêm gan B, sau đó hoàn thành lịch chủng ngừa phế cầu, thủy đậu trước khi tròn hai tuổi.
1 tháng trước - Vaccine ngừa bạch hầu, sởi, phế cầu giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh và tránh biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm màng não.
14 phút trước - Mốc 2 tháng tuổi là thời điểm vàng bé cần được tiêm ngừa vaccine 6 trong 1 để phòng 6 bệnh nguy hiểm là bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và bệnh do vi khuẩn Hib. Để bé được bảo vệ sớm và tối ưu nhất, ba mẹ đừng trì hoãn hoặc...
3 tuần trước - Người từ 50 tuổi trở lên bước vào quá trình lão hóa, tăng nguy cơ ung thư, có thể giảm thiểu nhờ tiêm vaccine, tầm soát bệnh và có lối sống lành mạnh.
Xem tin bài khác
13 phút trước - Anh Đ.P.D (29 tuổi, ngụ TP.HCM) làm việc tại một xưởng in, vài tháng gần đây anh cảm thấy cột sống bị đau thắt, trong một lần đang đứng thì bất ngờ ngã quỵ xuống đất.
23 phút trước - Thiếu vận động, không uống đủ nước, ăn nhiều đồ ngọt... là những thói quen hàng ngày của nhiều người đang ảnh hưởng đến não bộ và sức khỏe tổng thể.
49 phút trước - Thời gian qua, Bộ Y tế liên tiếp phát cảnh báo về tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Trong đó, không ít vụ việc bị khởi tố liên quan đến việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.
49 phút trước - Nhật Bản đối mặt khủng hoảng dân số bởi số trẻ sơ sinh giảm, dân số già và tổng số cư dân giảm.
1 giờ trước - Lớn lên trong hoàn cảnh bố mẹ ly hôn, phụ huynh phải điều trị tâm lý trong bệnh viện, Ngân, 25 tuổi, cũng bị trầm cảm nặng.