ttth247.com

Hiểm họa kháng thuốc kháng sinh: Xử nghiêm kê đơn kháng sinh không đúng

Làm sao để quản lý, nâng cao hiểu biết của người dân trong việc sử dụng thuốc kháng sinh, ngăn chặn làn sóng kháng thuốc kháng sinh hiện nay?

Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến của người dân và chuyên gia y tế về giải pháp quản lý tình trạng kháng thuốc kháng sinh hiện nay.

Bà Nguyễn Đỗ Quyên (phó tổng giám đốc FPT Retail):

Nhà thuốc cần tuân thủ quy định

Hệ lụy của việc lạm dụng sử dụng thuốc kháng sinh như sử dụng không đúng chỉ định hoặc không được chỉ định, sử dụng thuốc kháng sinh quá liều... đã được các chuyên gia trong lĩnh vực y tế cảnh báo và khuyến cáo.

Các hệ lụy có thể xảy ra khi lạm dụng thuốc kháng sinh như có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, giảm hiệu quả điều trị bệnh, kháng kháng sinh (lờn thuốc), gây tốn kém, lãng phí...

Vậy nên để tránh các hệ lụy này, công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người sử dụng thuốc đóng vai trò hết sức quan trọng.

Chúng tôi khuyến cáo người dân dùng đúng thuốc, đúng liều, đúng chỉ định; tuyệt đối không sử dụng thuốc tùy tiện, theo truyền miệng mà không có chỉ định từ bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga):

Tước giấy phép mới đủ răn đe

Theo tôi, hiện nay quy định về quản lý mua bán thuốc kháng sinh đã có đầy đủ, quan trọng là làm sao để thực hiện những quy định này.

Thứ nhất cần kiểm soát nhà thuốc, cần có những chế tài, biện pháp cần nghiêm ngặt hơn, thậm chí có thể tước giấy phép nếu phát hiện vi phạm để đủ sức răn đe.

Thứ hai là ở chính các nhân viên y tế, bởi thực tế một số bác sĩ vẫn kê đơn kháng sinh không cần thiết. Có thể xuất phát từ trình độ bác sĩ còn hạn chế hoặc do nhu cầu mong muốn của bệnh nhân muốn khỏi bệnh nhanh.

Vì vậy, Bộ Y tế nên ban hành quy định cụ thể về các trường hợp được kê đơn kháng sinh hoặc sử dụng kháng sinh dự phòng.

Nếu bác sĩ vi phạm sẽ bị chế tài, xử phạt.

Thứ ba là tình trạng kháng kháng sinh từ nguồn thực phẩm. Thuốc kháng sinh không phải lúc nào cũng uống, nhưng thực phẩm thì chúng ta sử dụng hằng ngày. Trong khi đó, một số loại kháng sinh được dùng trong chăn nuôi không được quản lý tốt.

Khi sử dụng hằng ngày, tồn dư kháng sinh còn lại trong thực phẩm cũng khiến tình trạng kháng kháng sinh tăng lên. Vì vậy cần có sự quản lý từ phía lĩnh vực chăn nuôi.

Thứ tư là làm sao để người dân tiếp cận với dịch vụ y tế dễ dàng hơn. Người dân rất ngại đến bệnh viện vì mất thời gian, tốn tiền... Vì vậy với những bệnh thông thường sẽ nghe theo tư vấn của dược sĩ hoặc sử dụng những đơn thuốc chuyền tay nhau.

Cuối cùng là truyền thông toàn dân về nguy hại của kháng kháng sinh, về việc có thể toàn nhân loại sẽ đứng trước nguy cơ không còn kháng sinh để điều trị bệnh.

Dược sĩ Triệu Thị Tâm:

Không vì lợi nhuận mà coi thường sức khỏe người dân

Phải siết chặt tình trạng buôn bán thuốc kháng sinh tràn lan. Nhà thuốc không vì lợi nhuận mà coi thường sức khỏe của người dân.

Khi người bệnh có các triệu chứng nhiễm khuẩn nặng mới cần cân nhắc kê kháng sinh. Quan trọng khi kê thuốc kháng sinh phải giải thích rõ cho người dân liều dùng kháng sinh để tránh tình trạng kháng thuốc.

Tùy theo loại bệnh và tình trạng bệnh mà thời gian dùng thuốc kháng sinh có khi dài khi ngắn nhưng thông thường là không dưới 5 ngày.

Tốt nhất bệnh nhân khi mua thuốc kháng sinh và nhân viên nhà thuốc khi bán thuốc kháng sinh phải có đơn của bác sĩ.

Ngoài ra, nhân viên nhà thuốc cần giới thiệu người bệnh có nhu cầu mua thuốc kháng sinh tới cơ sở y tế khi không có đơn thuốc của bác sĩ hoặc có đơn thuốc không phù hợp như đơn thuốc cũ, đơn thuốc của một bệnh nhân khác...

Chị Dương Thị Huệ (35 tuổi, Hà Nội):

Báo cáo vi phạm khi bán thuốc kháng sinh không đơn

Khi bệnh, tôi hay một số người khác thường đến luôn nhà thuốc, nghĩ rằng dược sĩ tư vấn nên gửi niềm tin.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần quản lý chặt các hiệu thuốc, không nên tư vấn chỉ để bán thuốc.

Thậm chí, người dân cũng có thể là người kiểm soát.

Người dân có thể trở thành một kênh để báo cáo vi phạm nếu hiệu thuốc bán thuốc kháng sinh mà không có đơn.

Ông Hà Anh Đức (cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh):

Thiết lập hệ thống giám sát quốc gia về kháng sinh

Tình trạng kháng kháng sinh vẫn gia tăng và là một thách thức lớn của ngành y tế. Thực trạng đòi hỏi gia tăng nỗ lực trong cuộc chiến trường kỳ của Chính phủ, các cơ quan ban ngành, các đơn vị liên quan và người dân đối với vấn đề này.

Các giải pháp tập trung vào truyền thông nâng cao nhận thức người dân về nguyên nhân, hậu quả kháng kháng sinh.

Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn bác sĩ, dược sĩ về chẩn đoán, điều trị, kê đơn kháng sinh hợp lý và có trách nhiệm.

Thiết lập và củng cố hệ thống giám sát quốc gia về kháng kháng sinh. Đồng thời xây dựng và triển khai chương trình quản lý sử dụng thuốc kháng sinh trong bệnh viện; giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện. Xây dựng các văn bản pháp quy, hướng dẫn chuyên môn về điều trị, vi sinh, dược lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn...

Anh Phạm Văn Thụy (36 tuổi, Đồng Nai):

Kiểm tra kỹ các loại thuốc khi đưa vào người

Theo tôi, cần phải nâng cao nhận thức của người dân, nhất là tăng cường công tác tuyên truyền về hiểm họa kháng thuốc để người dân thay đổi việc tự dùng thuốc kháng sinh.

Nhà thuốc chính là mắt xích quan trọng để giảm thiểu tình trạng người bệnh bị kháng thuốc, do nhiều người dân không hề hay biết trong các thuốc được kê có bao nhiêu kháng sinh.

Không tránh được nhiều nơi vì mục đích lợi nhuận hoặc để tăng hiệu quả điều trị đã kê nhiều kháng sinh liều cao, dẫn đến người bệnh chịu thiệt.

Các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát các nhà thuốc và có hình thức xử phạt răn đe nhằm hạn chế tình trạng kê kháng sinh tràn lan.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
2 ngày trước - Không ít người bệnh không mua được loại thuốc mà bác sĩ đã kê. Thậm chí, nhiều cửa hàng bán thuốc tự tư vấn cho người bệnh 'đổi thuốc' sang các loại thuốc khác có hoạt chất 'tương tự'.
1 tháng trước - Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho biết tại các khu vực bị ngập lụt ở Hà Nội đã ghi nhận 508 bệnh nhân mắc bệnh về da, 117 trường hợp mắc bệnh về mắt...
2 tuần trước - Các bệnh viện ghi nhận rất nhiều ca mắc zona thần kinh trong mỗi năm, có ca gặp biến chứng, đặc biệt ở người cao tuổi, người có bệnh nền. Số ca mắc zona thần kinh có xu hướng gia tăng sau dịch COVID-19.
3 tuần trước - Mới đây, anh N.V.T. (50 tuổi, ngụ tại Long An) được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng bỏng nặng toàn thân và cánh tay bên phải.
3 tuần trước - Trải qua nhiều cuộc mổ để chuyển từ nam sang nữ, Minh 29 tuổi, vẫn cảm thấy xa lạ với cuộc sống trong cơ thể mới nên quyết định trở lại làm đàn ông.
Xem tin bài khác
20 phút trước - Hiện nay, tỷ lệ người mắc đột quỵ khi chơi thể thao ngày càng gia tăng và xảy ra ở mọi đối tượng, kể cả những người trẻ tuổi. Vậy nguyên nhân là gì? Làm thế nào để nhận biết và phòng tránh đột quỵ? Cùng lắng nghe chia sẻ từ BSCKII.BSNT Lê...
50 phút trước - Cam cung cấp vitamin C giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất và cải thiện độ ẩm, còn hỗ trợ giảm cân nhờ ít calo.
3 giờ trước - Chuyên gia Rhian Stephenson, Viện Dinh dưỡng Anh ARTAH, khuyên nên ăn sáng sau bữa tối 12 tiếng để hệ tiêu hóa ổn định, tăng cường sức khỏe.
4 giờ trước - 'Tôi nghe nói ăn phao câu, da gà không tốt cho sức khỏe, có đúng không ạ? Nhân đây cho tôi hỏi những bộ phận nào của gà khi ăn nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe? Xin cảm ơn'. (T.Đạm, ở TP.HCM).
6 giờ trước - Nam sinh đột ngột mất ý thức, ngã đập mặt vào vật cứng gây ngừng tim, hôn mê từng có tiền sử bị ngất 1 lần cách đây 7 năm.