ttth247.com

Học sinh, sinh viên stress, trầm cảm: Đừng đánh mất những kết nối

PGS-TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục VN, nêu ra hiện tượng trên trong buổi tập huấn về tham vấn tâm lý trong nhà trường mới đây để nhấn mạnh rằng nhiều người hiện nay sẵn sàng hy sinh những kết nối ngoài đời thật để đánh đổi lấy kết nối trên mạng.

NỐI LẠI NHỮNG ĐỨT GÃY

Trao đổi với PV Thanh Niên, thạc sĩ giáo dục Lương Dũng Nhân, Giám đốc đào tạo huấn luyện của Hệ thống giáo dục ATY, TP.HCM, cho biết một nghiên cứu khoa học tâm lý năm 2021 cho thấy cường độ stress ở người trẻ (trong đó có học sinh, sinh viên - HS-SV) đã cao gấp 20 - 25 lần trước đây. Theo thạc sĩ Nhân, trong sự phát triển của xã hội, yêu cầu công việc ngày càng cao, nhiều ngành nghề biến mất, nhiều nghề mới xuất hiện; trong sự phức tạp của cuộc sống, con người phải đối diện với nhiều vấn đề để tồn tại…

Trong thực tế, nhiều gia đình đã đánh mất đi những kết nối giữa các thành viên; ngoài xã hội, con người mất đi kết nối với con người xung quanh, với bạn bè, thầy cô ở lớp học và chính mình.

"Đó là thực tế chúng ta phải công nhận để đồng hành cùng nhau, sát cánh với nhau thay đổi, chứ không thể nói "bây giờ giới trẻ mong manh, dễ vỡ hơn". Phụ huynh cũng cần soi lại xem bản thân có thật sự kết nối với con em mình chưa? Hãy xem là khi mình chơi với con, phải chăng mình vẫn cầm điện thoại, vẫn lo nghĩ về công việc, hay khi con cái hỏi mình điều gì, mình gạt đi vì "ba/mẹ đang bận!"", thạc sĩ Nhân nói.

Học sinh, sinh viên stress, trầm cảm: Đừng đánh mất những kết nối- Ảnh 1.

HS-SV, giáo viên, nhân viên văn phòng trong một hoạt động kết nối, chữa lành tại Ngày hội an lạc, do TS tâm lý học Lê Nguyên Phương khởi xướng

Thạc sĩ Lương Dũng Nhân nhấn mạnh những lo âu, căng thẳng, trầm cảm trong môi trường học đường như "mối tơ vò" trong tâm trí HS-SV, cảm xúc xoay quanh 3 trạng thái "buồn", "lo", "sợ".

Còn TS Trần Kiều Như, tác giả cuốn sách Trầm cảm và kỹ năng tự kiểm soát trầm cảm, nhà sáng lập Caring From Distance, cho biết trầm cảm là trạng thái rối loạn tâm lý. Đó có thể là trạng thái buồn, mất hy vọng; tuy nhiên, không phải cứ ai mang các trạng thái cảm xúc đó thì có nghĩa là đang trầm cảm.

CHẤP NHẬN BẢN THÂN KHÔNG HOÀN HẢO, NHỜ SỰ HỖ TRỢ

Chia sẻ với PV Thanh Niên, TS Trần Kiều Như chỉ ra các bước và kỹ năng tuần tự để HS-SV có thể tự chữa lành khi gặp những căng thẳng, lo âu, trầm cảm trong cuộc sống.

Thứ nhất, cần thiết lập thói quen lành mạnh. Đôi khi một số người trầm cảm vì quá chìm vào những cảm xúc tiêu cực mà quên đi thói quen lành mạnh, nên đầu tiên cần thiết lập lại thói quen tốt từng chút một và không quá dày đặc. Nên đặt mục tiêu nho nhỏ từ 1 - 3 hoạt động, tránh nhiều gây áp lực hơn cho bản thân. Ví dụ, đặt mục tiêu trong một tuần gọi điện cho một người bạn, chú tâm ăn uống, không vừa ăn vừa xem điện thoại...

Thứ hai, cần kỹ năng thư giãn, kết nối với cơ thể, xương khớp và cơ. Các bạn có thể dùng các ngón chân co lại để lấy cây bút dưới sàn, kết hợp với việc hít thở từ từ để kích hoạt hệ thần kinh thư giãn (thở dài hơn hít). Thực hiện 3 - 5 phút mỗi ngày. Người bị trầm cảm thường sẽ hay mệt mỏi và phản xạ chậm hơn trước nên thực hiện các bài tập nhỏ này giúp kết nối với cơ thể nhiều hơn.

Thứ ba là HS-SV cần kỹ năng suy nghĩ thực tế, đây là bước khó khăn nhất với người trầm cảm. "Hãy nhìn nhận sự việc một cách khách quan nhất và chấp nhận bản thân đang không ổn để tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân. Một số người không muốn để ba mẹ lo lắng nhưng không cân nhắc tác hại trong việc giấu đi cảm xúc nhiều hơn rất nhiều so với mặt lợi", TS Như nói.

TS Như cũng dẫn ra câu chuyện về một nữ SV tốt nghiệp loại xuất sắc ngành luật, ở TP.HCM. Mặc dù rất mệt và nhận thức sức khỏe xuống dốc nhưng luôn nghĩ bản thân có thể vừa học, vừa làm 5 công việc cùng lúc. Vì không biết buông bỏ để giữ lại điều quan trọng nhất mà cô gái đã liệt nửa người vì căng thẳng tột độ gây liệt tế bào thần kinh não.

Kế đến, theo TS Như, cha mẹ và người thân cũng nên đồng hành cùng con để con biết mình không đơn độc. Đôi khi người thân không đủ chuyên môn để giúp đỡ mình nhưng những ánh mắt chân thành, sự lắng nghe cũng khiến đối phương rất yên lòng, được kết nối…

Học sinh, sinh viên stress, trầm cảm: Đừng đánh mất những kết nối- Ảnh 2.

Cần đồng hành, sát cánh với nhau kết nối những đứt gãy trong gia đình, ngoài xã hội

THÚY HẰNG

CẦN THẤU HIỂU TÂM LÝ HS HIỆN NAY

Tại chương trình tập huấn "Nâng cao năng lực hoạt động tham vấn tâm lý trong nhà trường" diễn ra ngày 3.8 tại TP.Thủ Đức, TP.HCM, PGS-TS Trần Thành Nam cho rằng trong bối cảnh nhiều HS-SV gặp những vấn đề về tâm lý học đường, người làm công tác tham vấn tâm lý trong nhà trường hiện nay càng phải thấu hiểu những đặc điểm của HS-SV Gen Z, Gen Alpha. Từ đó, công tác tham vấn tâm lý mới hiệu quả.

Theo PGS-TS Trần Thành Nam, người trẻ hiện nay sống trong thời đại VUCA - từ viết tắt Volatility (Biến động), Uncertainty (Không chắc chắn), Complexity (Phức tạp) và Ambiguity (Mơ hồ). Đây là thời đại mà mọi thứ biến động không ngừng, giáo dục đang chuyển đổi mạnh mẽ, học tập trong kỷ nguyên số. Các Gen Z, Gen Alpha cực kỳ nhạy bén với thế giới số; có ưu việt trong tiên phong, sáng tạo, tốc độ. Thế hệ này lệ thuộc vào thiết bị công nghệ, có thể làm việc đa nhiệm, song sự kiên nhẫn còn chưa cao.

Nhiều bạn có thể rất tự tin trên mạng nhưng ngoài đời sống thực tế lại cô đơn… Các bạn dễ gặp các hội chứng như FOMO - luôn sợ bỏ lỡ một thứ gì đó hay "hội chứng con vịt" - bên ngoài thì luôn tỏ ra mình ổn, mình hoàn hảo và cố gắng che giấu những khó khăn và căng thẳng, áp lực đằng sau (như con vịt, ai cũng chỉ thấy nó thư thái nổi trên mặt nước, không ai thấy chân nó phải đạp liên tục để tiến nhanh về phía trước)…

Từ đó, PGS-TS Trần Thành Nam đề xuất những giải pháp trong tham vấn tâm lý cho HS-SV hiệu quả hơn ở môi trường học đường. Có thể kể tới như xây dựng hệ thống đánh giá sàng lọc tự động, trắc nghiệm tâm lý cho HS, giáo viên; xây dựng cẩm nang, tài nguyên số giúp đỡ HS, giáo viên; phát triển hệ thống ứng dụng (app) tư vấn, hỗ trợ trực tuyến; xây dựng các dịch vụ hỗ trợ chuyên gia từ xa cho giáo viên, HS; tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho HS-SV, giáo viên…

Đâu là những dấu hiệu của trầm cảm ?

  • Chán nản và mất hứng thú làm việc hầu hết cả ngày;
  • Rối loạn về mặt ăn uống dẫn đến giảm cân mất kiểm soát hoặc tăng cân một cách rõ rệt;
  • Rối loạn về giấc ngủ, có thể là khó ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng;
  • Vấn đề hoạt động: nói chậm, đi chậm;
  • Bồn chồn, đứng ngồi không yên;
  • Mệt mỏi, mất sinh lực;
  • Thấy mình mất giá trị, thất vọng về bản thân;
  • Giảm khả năng tư duy, khả năng tập trung và ra quyết định;
  • Có suy nghĩ hay ý định về tự tử.

TS Như cho biết nếu có 5 biểu hiện trở lên và liên tiếp diễn ra ít nhất trong 2 tuần mới được xem là trầm cảm.

Tác hại của trầm cảm

Theo TS Trần Kiều Như, trầm cảm khiến công việc, học tập của các HS-SV trì trệ, tuột dốc. Các bạn thường xuyên mệt mỏi, giảm sức đề kháng chống chọi bệnh tật. Một nghiên cứu tại ĐH Brown (Mỹ) về nghiên cứu gien cho biết gien từ khi sinh ra và lớn lên luôn thay đổi. Tùy thuộc vào mức độ thay đổi nhiều hay ít mà gien của con người biến đổi rõ rệt hay không rõ rệt. Kết quả cho thấy, cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng lớn đến cấu trúc gien, làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể. Cảm xúc tiêu cực chính là nguyên nhân chính gây ra những căn bệnh. Thuốc men chỉ có thể làm biến mất triệu chứng của bệnh nhưng không thể giải quyết phần gốc rễ.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Những con vịt khi bơi trên mặt hồ, nhìn từ mặt nước thì con nào cũng thật thư thái, không gian xung quanh thơ mộng, bình yên. Thế nhưng, nhìn từ dưới mặt nước, chúng phải đạp chân không ngừng để bơi nhanh về phía trước.
3 tuần trước - Tuổi dậy thì là dấu mốc quan trọng của đời người. Giai đoạn dậy thì, cơ thể các em có rất nhiều thay đổi không chỉ về sinh lý mà cả tâm lý.
3 tuần trước - Từ sự việc bé trai 6 tuổi ở Yên Bái có thể sống sót sau 5 ngày đi lạc trong rừng, chuyên gia cho rằng Bộ GD&ĐT cần đưa kỹ năng sinh tồn vào chương trình học.
1 tuần trước - Đại học Ngoại thương và hơn 20 trường cho sinh viên nghỉ học để tránh bão Yagi, trong khi một số chuyển sang học online.
1 tuần trước - Nhiều năm nay, nhà nước đã có các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ và cho vay tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng với xu hướng học phí ĐH tăng cao, cần phải có giải pháp tài chính đủ mạnh để cả người học thuộc...
Xem tin bài khác
2 giờ trước - Phụ huynh một trường ở Đồng Nai bức xúc vì khoản thu “bảo trì ti vi“ 100.000 đồng/học sinh. Trong khi đó, ti vi là tài sản của nhà trường và đã có chế độ bảo hành rõ ràng.
7 giờ trước - Với không gian kiến trúc được bao phủ bởi nhiều mảng xanh, tạo nên một môi trường học tập xanh mát và bền vững, Victoria School - Nam Sài Gòn đã giành Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế, một giải thưởng uy tín về kiến trúc trên thế giới.
8 giờ trước - Nhiếp ảnh gia Hồ Trung Lâm là người đoạt giải cao nhất tại cuộc thi The ASEAN SX Photo Contest 2024 với chủ đề ASEAN Biodiversity (Đa dạng sinh học ASEAN), do Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoàng gia Thái Lan tổ chức.
8 giờ trước - Sau bão số 3 (Yagi), Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng yêu cầu các trường nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường để thu các khoản thu ngoài quy định và không tổ chức vận động tài trợ từ phụ huynh học...
10 giờ trước - Trường CĐ Công nghiệp cao su tại Bình Phước vừa chính thức đổi tên thành Trường CĐ Miền Đông từ năm học 2024 - 2025.