ttth247.com

Indonesia trả lương cao để người trẻ làm nông

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia Andi Amran Sulaiman mới đây tuyên bố sẽ cung cấp công nghệ hiện đại và mức lương hấp dẫn để thu hút thế hệ Millennials (những người sinh ra trong giai đoạn 1981 - 1996) trở thành nông dân.

Đây là một chiến lược của Bộ trưởng Andi Amran Sulaiman nhằm hiện thực hóa mục tiêu tự cung tự cấp lương thực của chính quyền tân Tổng thống Prabowo Subianto và Phó tổng thống Gibran Rakabuming Raka.

Nghề nông thiếu "sinh lực"

Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực và nền kinh tế của Indonesia. Dù vậy, ngành nông nghiệp xứ vạn đảo đang đối diện nhiều thách thức trong bối cảnh dân số ngày càng tăng, trong khi người trẻ lại tỏ ra không mấy mặn mà với lĩnh vực này.

Tại Indonesia, diện tích đất nông nghiệp 45 triệu hecta đang bị thu hẹp với đà giảm từ 50.000 - 70.000ha mỗi năm. Năng suất nông nghiệp cũng giảm theo thời gian cùng với sự sụt giảm số lượng nông dân.

"Tình hình trở nên xấu hơn do người trẻ đang thiếu quan tâm tới lĩnh vực này", Hãng thông tấn Indonesia Antara dẫn lời ông Moeldoko, chánh Văn phòng tổng thống Indonesia dưới thời ông Joko Widodo, vào đầu tháng này.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) dẫn báo cáo năm 2023 của Cơ quan Thống kê trung ương Indonesia cho biết hơn 80% nông dân nước này ở độ tuổi 40 trở lên. Con số này báo hiệu nhu cầu cấp thiết cần đổi mới thế hệ nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nông dân và nguy cơ mất an ninh lương thực.

Hiện nay, ngành nông nghiệp sử dụng khoảng 135 triệu lao động, chiếm hơn 30% dân số Indonesia. Tuy nhiên, gần 50% số người thất nghiệp là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 - 29. Điều này cho thấy sự mất cân đối nghiêm trọng giữa nhu cầu của ngành và sự quan tâm của giới trẻ.

Theo báo Jakarta Post, Cơ quan Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia từng cảnh báo nước này sẽ không còn nông dân chuyên nghiệp vào năm 2063 khi mà người trẻ không tham gia vào ngành này nữa. Một nghiên cứu vào năm 2015 có sự tham gia của Đại học IPB (Indonesia) chỉ ra thực tế giới trẻ e ngại làm nông vì nghề này "không có lãi" khi mà những khó khăn và rủi ro thất bại ngày càng tăng.

Phục hồi nông dân

Trước tình hình trên, vào đầu tháng này, FAO đã phối hợp với Indonesia ra mắt hoạt động đào tạo đầu tiên theo Chương trình phát triển nông dân mới (Farmers Regeneration Programme) với mục tiêu thu hút thế hệ trẻ tham gia ngành nông nghiệp.

Chương trình bao gồm các khóa đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức của người trẻ thông qua những giải pháp sáng tạo và công cụ kỹ thuật số. Ngoài ra, chương trình sẽ thiết lập các trung tâm đào tạo và mạng lưới hỗ trợ thế hệ nông dân mới của Indonesia, cung cấp thông tin, kết nối các nguồn lực cần thiết.

Chính quyền của tân Tổng thống Prabowo Subianto cũng nhận ra rằng để thu hút thế hệ Millennials và gen Z (những người sinh ra trong giai đoạn 1997 - 2012), cần phải thay đổi cách tiếp cận và tạo ra một môi trường làm việc thoải mái trong ngành nông nghiệp.

Chương trình thu hút nông dân trẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Andi Amran Sulaiman có kế hoạch thành lập 15 nhóm nông dân thuộc thế hệ Millennials để quản lý 200ha đất nông nghiệp, cùng với mức lương hấp dẫn hơn nhiều so với mức lương trung bình của nông dân hiện nay (2,1 triệu Rp/tháng, khoảng 134 USD).

"Mỗi nông dân có thể kiếm được tối thiểu 10 triệu Rp/tháng (640 USD), thậm chí lên đến 20 triệu Rp (khoảng 1.300 USD). Mức này còn cao hơn lương của một bộ trưởng và cao hơn khi so với các công việc khác chỉ trả khoảng 2 triệu Rp (khoảng 130 USD)", ông Andi Amran Sulaiman trả lời phỏng vấn hôm 23-10.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Indonesia cũng cắt giảm những ngân sách không cần thiết và dành 1,3 nghìn tỉ Rp (khoảng 86 triệu USD) cho mục tiêu tự cung tự cấp lương thực. Khoản tiền này chủ yếu sẽ hỗ trợ nông dân mua hạt giống, phát triển 1 triệu ha đất trồng lúa ở TP Merauke và 500ha ở tỉnh Trung Kalimantan.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - Căng thẳng giữa Tel Aviv và LHQ leo thang sau khi lính Israel nhiều lần khai hỏa vào vị trí của lực lượng gìn giữ hòa bình ở Lebanon.
2 tuần trước - Giáo hoàng Francis phong tước vị Hồng y cho 21 chức sắc Công giáo khắp thế giới, động thái có thể mở rộng danh sách ứng viên kế vị.
1 tháng trước - Hàng loạt câu hỏi đang được đặt ra sau khi Durov bị bắt, như vì sao CEO Telegram có quá nhiều quốc tịch hay ông quan hệ thế nào với Tổng thống Macron.
1 tuần trước - Lebanon nói Israel tập kích khiến các binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ ở nước này bị thương, vụ thứ ba trong 72 giờ qua.
3 tuần trước - Xác tàu khu trục USS Stewart của Hải quân Mỹ, biệt danh 'Tàu ma Thái Bình Dương', đã được tìm thấy ở đáy biển ngoài khơi bang California trong tình trạng gần như còn nguyên vẹn.
Xem tin bài khác
2 phút trước - Số người chết do bão Trà Mi ở Philippines đã tăng lên 40 và hàng chục ngàn người vẫn phải di dời sau khi chạy trốn lũ lụt do mưa to, theo AFP.
2 phút trước - Nhiều tỉ phú Mỹ đang chi tiền cho mạng lưới chống gian lận bầu cử trong nỗ lực ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trên đường đua vào Nhà Trắng.
2 phút trước - Các nhà vật lý học lần đầu tiên phát hiện một hệ ba hố đen, và sự tồn tại của chúng thách thức giả thuyết về sự hình thành hố đen đã được biết đến lâu nay.
41 phút trước - Israel công bố video để khắc họa Yahya Sinwar như "kẻ trốn chạy" trong phút cuối đời, còn Hamas lại tôn vinh ông là "thủ lĩnh chiến binh" thực thụ.
42 phút trước - Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Tổng thống Nga Putin, đề cao tầm quan trọng của hợp tác năng lượng, dầu khí, một trụ cột của quan hệ Việt - Nga.