ttth247.com

Khoản thu đầu năm học: Đến hẹn lại… lo

Những câu hỏi nhức nhối

Gửi tâm tư đến Báo Thanh Niên, một phụ huynh có con học tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.Đống Đa, Hà Nội) than thở: "Năm ngoái, mỗi con đóng hơn 3 triệu đồng tiền quỹ lớp. Cuối năm vẫn không đủ chi… Cách chi tiêu "vô tư, thoải mái" của ban phụ huynh khiến không ít phụ huynh băn khoăn và lo lắng".

Khoản thu đầu năm học: Đến hẹn lại… lo- Ảnh 1.

Nhiều bức xúc về các khoản thu đầu năm học được phụ huynh phản ánh trên các group

Ảnh: Tuệ Nguyễn

Hoặc trên các nhóm Zalo phụ huynh của Trường THPT Việt Nam - Ba Lan, rất nhiều cha mẹ thắc mắc khi đồng phục của các con mới mặc 1 năm, nhưng đầu năm nay nhà trường lại yêu cầu mua, mà mặc định tất cả đều phải mua mới. Đó là sự lãng phí không cần thiết, vì năm học 2023 - 2024 mỗi con có ít nhất 4 bộ đồng phục các loại, có bộ ít mặc, còn rất mới và đẹp. Bên cạnh thắc mắc, nhiều phụ huynh bày tỏ sự không đồng tình khi bị áp đặt "bắt mua mới", tốn kém, lãng phí.

Trên diễn đàn dành cho phụ huynh học sinh (HS) Hà Nội, nhiều câu hỏi được đặt ra về các khoản thu không có trong quy định. Ví dụ, đang xôn xao câu chuyện được cho là diễn ra tại Trường THCS Vạn Phúc (H.Thanh Trì, Hà Nội). Theo thông tin phản ánh, trong cuộc họp phụ huynh diễn ra ngày 24.8, nhà trường thông báo thu 200.000 đồng/HS để làm phông bạt che nắng ở sân trường. Các phụ huynh cho rằng, với tổng số gần 1.000 HS, thì số tiền 200 triệu đồng để làm phông bạt là chưa phù hợp. Ngoài ra, nhà trường còn thông báo, mỗi HS đóng 20.000 đồng/tháng để dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc cây xanh (không quét lớp học); đóng 50.000 đồng/tháng để in sao tài liệu nhưng giáo viên vẫn gửi file bài tập vào nhóm lớp để phụ huynh tự đi in...

Ngay khi thông tin được đăng tải, nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại trước nguy cơ có thể đối diện với tình huống tương tự. Một phụ huynh chia sẻ băn khoăn về thu, chi quỹ trường của Trường THPT Nguyễn Quốc Trinh (H.Thanh Trì). Trường thu 150.000 đồng/HS/học kỳ. Theo tính toán của phụ huynh này: trung bình một lớp là 40 HS, vậy sẽ thu 6 triệu đồng/lớp/học kỳ; 12 triệu đồng/lớp/năm học. Trường có tổng 40 lớp, vậy quỹ trường 1 năm thu về tới 480 triệu đồng.

"Em tự hỏi quỹ này chi gì mà thu kinh thế?! Hơn nữa, năm vừa rồi quỹ còn 300 triệu chưa chi, nhưng năm nay vẫn tiếp tục thu như năm ngoái. Vậy số tiền dư ra này để làm gì? Sử dụng vào mục đích gì? Chưa chi hết tại sao lại tiếp tục thu?...", vị phụ huynh nêu ý kiến.

Một phụ huynh có con học lớp 7 thì lên diễn đàn thắc mắc: "Em thấy thời khóa biểu lớp con em ấn định có tiết STEM. Môn này có phải đóng thêm tiền không ạ, vì một bé nhà em học tiểu học đã phải học môn này và mỗi tháng mất thêm 200.000 đồng mà chả giải quyết được gì. Cứ bảo không đáng bao nhiêu nhưng mỗi thứ thêm một tí thực sự là mệt mỏi quá…".

Một phụ huynh có con học THCS ở một trường thuộc H.Gia Lâm (Hà Nội) thì phản ánh nhà trường thông báo thu gộp tất cả các khoản một lần vào đầu năm học lên tới gần 6 triệu đồng, chưa kể các khoản quỹ của lớp. Điều đáng nói là trong số này có các khoản lẽ ra là tự nguyện nhưng cũng thành bắt buộc, như bảo hiểm thân thể, học 2 buổi (hơn 2,1 triệu đồng/năm học) học tiếng Anh (hơn 1,6 triệu đồng) tăng cường kỹ năng sống (540.000 đồng)…

Mỗi bài đăng như trên đều nhận rất nhiều bình luận chia sẻ với chung bức xúc. Nhiều phụ huynh cảm thấy ấm ức không chỉ vì số tiền phải đóng mà còn vì sự thiếu minh bạch khi ban phụ huynh hoặc nhà trường tự đặt ra các khoản thu không có trong quy định, mang tính áp đặt. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, họ phải ẩn danh trên các diễn đàn hoặc khi phản ánh đến báo chí.

Khoản thu đầu năm học: Đến hẹn lại… lo- Ảnh 2.

Khi học sinh tựu trường cũng là thời điểm phụ huynh căng mình với các khoản thu đầu năm học

Ảnh: Tuấn Minh

Có thể chuyển cơ quan điều tra nếu phát hiện lạm thu

Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, hơn 2.900 trường học, gần 2,3 triệu HS, Hà Nội thường bị coi là "điểm nóng" về lạm thu. Nhận thức được điều này, ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tỏ rõ quyết tâm ngăn chặn tình trạng này bằng những chỉ đạo sớm và khá rõ ràng.

Đây là năm học đầu tiên các trường học ở Hà Nội áp dụng Nghị quyết số 03 ngày 29.3.2024 của HĐND thành phố quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu, chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục. Trong đó, có các dịch vụ (tự nguyện) lần đầu tiên có trong danh mục được thành phố quy định như đưa đón HS bằng xe ô tô có mức thu 10.000 đồng/HS/km; hoạt động giáo dục kỹ năng sống (15.000 đồng/giờ dạy); chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ, bao gồm dịch vụ trông giữ trước và sau giờ học chính khóa, không bao gồm tiền ăn (12.000 đồng/học sinh/giờ)...

Điều này được kỳ vọng không chỉ là hành lang pháp lý để nhà trường triển khai các dịch vụ hỗ trợ theo nguyện vọng của gia đình HS, mà còn tăng cường sự tham gia giám sát của nhân dân; không còn hiện tượng cùng một khoản thu nhưng mỗi trường lại có mức thu khác nhau, hoặc mỗi trường tự đặt ra số lượng các khoản thu không giống nhau.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết căn cứ các văn bản hướng dẫn thu, chi trong trường học, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ, những khoản nào không được phép sẽ không được thu. "Hiệu trưởng hoặc lãnh đạo cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trước đơn vị quản lý, thậm chí sẽ bị chuyển cơ quan điều tra để xử lý nếu phát hiện sai phạm hoặc để xảy ra lạm thu trong trường học", ông Cương nhấn mạnh.

Cạnh đó, Sở GD-ĐT Hà Nội còn yêu cầu các nhà trường không thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm; không được thực hiện hoặc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ HS để thu các khoản ngoài quy định. Các phòng GD-ĐT công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh liên quan đến các hoạt động giáo dục, trong đó có thu, chi.

Liên quan đến những băn khoăn của phụ huynh về những khoản thu chưa hợp lý, ông Trần Thế Cương khẳng định, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thu, chi ngay từ những ngày đầu năm học; kịp thời nắm bắt, xử lý thông tin phản ánh hiện tượng lạm thu; xử lý nghiêm đối với hiệu trưởng nhà trường có sai phạm.

7 khoản không được phép thu của cha mẹ HS

Có 7 khoản tiền được Sở GD-ĐT Hà Nội lưu ý ban đại diện cha mẹ HS không được thu, gồm: bảo vệ cơ sở vật chất, an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS; vệ sinh lớp, trường; khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên; mua sắm thiết bị cho trường, lớp hoặc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ quản lý, dạy học; sửa chữa, xây mới các công trình.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Xoay trần, tranh thủ từng phút để học giữa cái nắng nóng cuối hè tháng 8 là hình ảnh đến hẹn lại lên của sinh viên ngành Y khoa (bác sĩ đa khoa). Kì thi Bác sĩ nội trú của các trường ĐH Y nói chung và Trường ĐH Y Hà Nội nói riêng được coi...
2 tuần trước - Đa dạng các ngành nghề của Trường đại học Duy Tân (ĐH Duy Tân) đã đón nhận được sự quan tâm tìm hiểu và đăng ký xét tuyển học đại học của nhiều thí sinh trên khắp cả nước trong mùa nhập học đại học năm 2024. Trong đó, có rất nhiều thí...
3 tuần trước - Lạm thu tiền trường là vấn đề trở đi trở lại vào mỗi dịp đầu năm học mới. Và thường sau các cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm, nhiều tâm tư, băn khoăn và cả bức xúc của phụ huynh lại được chia sẻ. Nơi chia sẻ đầu tiên lại là trên mạng xã...
3 tuần trước - Mùa nhập học cận kề, thị trường nhà trọ cũng trở nên sôi động. Tuy vậy, giá thành nhà trọ liên tiếp bị 'thổi cao' khiến nhiều sinh viên đau đầu tìm chỗ ở.
1 tháng trước - Dư luận xã hội đang xôn xao trước việc một học sinh lớp 12A5, Trường THPT Ngô Quyền - Đông Anh, nhận được quyết định dừng đào tạo của nhà trường với lý do không đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu đào tạo theo yêu cầu của phụ huynh học sinh.
Xem tin bài khác
27 phút trước - Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế cho hơn 940.000 học sinh nghỉ ngày 19/9 để tránh bão, các trường ở Đà Nẵng đã nghỉ từ chiều nay.
1 giờ trước - Bám sát sự thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số trường ĐH đã công bố định hướng tuyển sinh cho năm sau. Đáng chú ý trong đó là điều chỉnh về tổ hợp môn xét tuyển.
1 giờ trước - Đọc và xem những bài viết trên Báo Thanh Niên về thiệt hại nặng nề của ngành giáo dục sau bão lũ, tôi và nhiều độc giả nghe tim mình quặn thắt. Hậu quả của trận lũ lịch sử đối với nhà trường, học sinh và thầy cô giáo rất nặng nề, cần...
2 giờ trước - Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với 'quy mô, tính chất rất mới' và 'rất hệ trọng'.
2 giờ trước - Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có thông báo khẩn cho học sinh nghỉ học vào hôm nay, 19.9.