ttth247.com

Kiều bào hiến kế phát triển công nghệ cao

Sự kiện được tổ chức với phiên khai mạc, phiên diễn đàn và bốn phiên chuyên đề xuyên suốt ngày 22-8. Kiều bào đã đóng góp sôi nổi với hơn 70 tham luận, nhiều ý kiến trong các lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế - thương mại - đầu tư, đại đoàn kết dân tộc, chính sách pháp luật, văn hóa, tiếng Việt...

Đưa Việt Nam vươn tầm thế giới

Dù đã có nhiều năm xa quê hương, đóng góp miệt mài cho khoa học thế giới song tất cả đều khẳng định luôn hướng về nguồn cội, hiến kế để phát triển đất nước bằng chuyên môn của mình.

GS Nghiêm Đức Long - chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Úc, giám đốc Trung tâm khoa học công nghệ nước và nước thải (ĐH Công nghệ Sydney, Úc) - trăn trở về việc cần có cơ chế đặc thù để tận dụng vai trò tư vấn của các trí thức người Việt Nam đầu ngành trên thế giới với các vấn đề trong nước. Ông đề xuất thí điểm mở một trường đại học trực tuyến để đưa những bài giảng, giáo trình và hướng dẫn khoa học từ các tinh hoa trí thức Việt Nam về cho sinh viên Việt Nam.

GS Nguyễn Thị Kim Thanh - viện sĩ Viện hàn lâm châu Âu, phó trưởng khoa tại Đại học University College London (Anh) - đề xuất Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn Khoa học thế giới vào năm 2026. Bà Thanh tự tin đây là cơ hội hiếm có để Việt Nam nâng cao vị thế và uy tín quốc tế, cải thiện hình ảnh quốc gia, từ đó tạo ra các khoản đầu tư mới cho đất nước.

TS Lê Viết Quốc - chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) của Google - nhấn mạnh việc Việt Nam cần nhìn nhận tài sản lớn nhất của mình chính là con người. Dựa trên nền tảng này, ông cho rằng Chính phủ nên đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục AI, đặc biệt là ở bậc đại học; đề xuất Việt Nam nên xây dựng một trường đại học tầm cỡ châu Á về AI với các chương trình đào tạo chuyên sâu ngay từ những năm đầu. Đồng thời Việt Nam cũng nên thành lập một hội đồng cố vấn cấp cao về chip và AI.

Dành lời khuyên cho các bạn trẻ Việt Nam với đam mê AI, ông Quốc cho biết đa phần các phần mềm, mô hình hiện nay đang là mã nguồn mở và các bạn trẻ nên đóng góp vào các chương trình mã nguồn mở này. Theo ông, đây là cách tốt nhất để học hỏi, đồng thời để biết được nghiên cứu đẳng cấp cao nhất của thế giới về AI như thế nào.

"Ngày nay các Big Tech như Google, Facebook, Microsoft, OpenAI... đang dẫn đầu trong ngành. Vì vậy trở thành thực tập sinh hoặc làm nghiên cứu ở các Big Tech này là cách tốt nhất để học các kỹ năng, làm các dự án lớn. Ngoài ra, các bạn trẻ có thể đọc các bài báo và làm các dự án, đưa lên GitHub để giới thiệu cho mọi người công việc mình đang làm", ông chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Đón sóng đầu tư trong ngành bán dẫn

Việt Nam được đánh giá là có nhiều lợi thế trước sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn như quyết tâm chính trị cao, môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động có chất lượng, có quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển, trữ lượng đất hiếm thuộc hàng nhiều nhất thế giới.

Trong phiên chuyên đề "Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam", ông Dương Minh Tiến - kiều bào Hàn Quốc, chuyên gia về đóng gói chip - cho biết theo báo cáo của Viện IDC (Mỹ), vào năm 2028 nhu cầu của thị trường ngành chip sẽ vượt quá năng lực sản xuất. Từ đó sẽ dẫn đến làn sóng đầu tư mở rộng và xây dựng nhà máy ở lĩnh vực đóng gói và kiểm thử. Do đó theo ông, Việt Nam cần chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng đón làn sóng đầu tư này.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Tiến bày tỏ niềm tin tích cực cho tương lai ngành bán dẫn ở Việt Nam. Ông cho rằng Việt Nam nên có một quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Cũng theo ông, Việt Nam hiện nay được xem là nơi an toàn cho đầu tư, giảm thiểu các rủi ro về chiến tranh thương mại, địa chính trị...

"Việt Nam cần tranh thủ cơ hội này để cải cách về thể chế, hành chính, phân quyền cho cấp cơ sở để giúp thủ tục đầu tư nhanh, thông thoáng, minh bạch hơn. Các doanh nghiệp lớn sẽ có trách nhiệm với xã hội, nếu Việt Nam có ưu đãi thì họ sẽ sẵn sàng hỗ trợ hướng nghiệp cho sinh viên. Doanh nghiệp có kinh nghiệm và quy trình chuẩn, Việt Nam có nguồn lực, vì vậy cần làm sao tận dụng kinh nghiệm của doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất để đôi bên cùng có lợi", ông Tiến nói.

Ngoài ra, ông Tiến cũng cho rằng bán dẫn là ngành toàn cầu nhưng lại mang tính chất địa phương cao, vì vậy các sinh viên Việt Nam cần chú trọng trau dồi ngoại ngữ để sẵn sàng cho tương lai.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Eric Nguyen - kiều bào Đức, thành viên Mạng lưới Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đức - nhấn mạnh cần quan tâm nghiên cứu công nghệ khai thác đất hiếm khi Việt Nam đứng thứ hai thế giới về đất hiếm, chiếm tới 18% trữ lượng đất hiếm toàn cầu. Ông đề xuất Nhà nước và các nhà khoa học có thể ngồi lại để đưa ra đề án khai thác nguồn đất hiếm một cách hiệu quả: "Người đang làm chủ công nghệ khai thác đất hiếm là Mỹ, Canada và Trung Quốc. Việt Nam có chính sách ngoại giao tốt, chúng ta có thể tận dụng các kết nối với nước lớn, làm chủ công nghệ này".

Trân quý mọi đóng góp của đồng bào

Đây là lần đầu tiên Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới. Sự kiện lần này được tổ chức theo chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Úc và New Zealand vào tháng 3 năm nay.

Vì lẽ đó, phát biểu kết luận và chỉ đạo sự kiện, trước hàng trăm kiều bào, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động vì các chia sẻ tâm huyết, trách nhiệm với quê hương của bà con ta ở nước ngoài. 

Chỉ ra thế giới đang biến động nhanh, sâu rộng, phức tạp, khó lường với những khó khăn thách thức đan xen thời cơ thuận lợi, Thủ tướng nhấn mạnh người Việt Nam càng gặp khó khăn thách thức thì lại càng đoàn kết, thống nhất để cùng vượt qua. "Đó là giá trị, là bản sắc của dân tộc Việt Nam ta. Thế giới đang thay đổi nhưng bản sắc và giá trị dân tộc, con người Việt Nam không thay đổi. Có thay đổi thì chỉ có tốt lên", ông nói.

Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn xem cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, Thủ tướng khẳng định đất nước trân quý tình cảm, thấu hiểu khi nghe tâm tư nguyện vọng và đánh giá cao những ý kiến đóng góp quý báu của bà con dù bất cứ ở nước nào. "Chúng ta luôn nỗ lực để "nghe cho thấu, thấy cho rõ, hiểu cho hết" tâm tư nguyện vọng và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài", ông nhấn mạnh.

"Tôi yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp thu, lắng nghe, phản hồi những ý kiến đóng góp quý báu của đồng bào. Trong đó lưu ý cùng với đóng góp bằng của cải vật chất, đóng góp bằng trí tuệ, ý tưởng, sáng kiến, tri thức khoa học công nghệ của đồng bào là nguồn lực quý báu cho phát triển đất nước", Thủ tướng nói.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động vì các chia sẻ tâm huyết, trách nhiệm với quê hương. Ông nhấn mạnh đất nước luôn trân quý và nỗ lực lắng nghe cho thấu, cho rõ các tâm tư, nguyện vọng của kiều bào.
3 tuần trước - Ngày 22.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị người VN ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia VN ở nước ngoài.
1 tháng trước - Đây là lần đầu tiên Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới.
1 tháng trước - Sáng 22.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn tri thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024.
1 tháng trước - Những dự án quy mô 2 - 3 tỉ USD cho đến cả chục tỉ USD được lãnh đạo nhiều tập đoàn hàng đầu Ấn Độ chia sẻ mong muốn tìm hiểu và hợp tác đầu tư với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong khuôn khổ chuyến thăm nước này.
Xem tin bài khác
3 giờ trước - Sau khi lập biên bản các trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội sẽ gửi thông báo về địa phương xác minh; gửi về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
4 giờ trước - Quảng Ninh- Hai tuần sau khi bão Yagi hoành hành gây thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng, Quảng Ninh và Hải Phòng đang huy động nhiều nguồn lực để phục hồi kinh tế.
4 giờ trước - Sân vận động Thống Nhất sẽ được sửa chữa các hạng mục tại khán đài, sân cỏ, đường chạy, xây ba khán đài mới với quy mô 3 tầng, kinh phí dự tính hơn 149 tỷ đồng.
4 giờ trước - Địa phương lên kế hoạch dùng 4.200 tỷ đồng ngân sách địa phương để làm ba dự án môi trường và giao thông, nhằm thay thế cho nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới.
4 giờ trước - Nhà ga metro sẽ được xây ở Trung tâm thương mại dịch vụ vòng xoay A1 rộng 7 ha tại thành phố mới Bình Dương, kết nối tuyến metro đến Suối Tiên, TP HCM.