ttth247.com

Kinh tế Trung Quốc có hụt hơi?

Theo giới phân tích, Trung Quốc phải kích thích tiêu dùng giữa bối cảnh kinh tế nước này đột ngột tăng trưởng chậm lại trong quý 2 vì chi tiêu hộ gia đình suy yếu, làm lu mờ tín hiệu khả quan của ngành công nghiệp trong nước.

Thắt chặt hầu hao

Theo số liệu thương mại mới nhất của Trung Quốc công bố hôm 7-8, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc tính theo USD trong tháng 7-2024 tăng chậm, chỉ 7%, so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn dự báo 9,5% trung bình của các nhà kinh tế, Hãng tin Bloomberg nhận định.

Trong khi đó, số liệu nhập khẩu của Trung Quốc tăng vượt dự đoán với 7,2%, thu hẹp thặng dư thương mại của nước này xuống còn 84,65 tỉ USD so với tháng trước.

Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc cũng công bố số liệu mới nhất về chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong ngành sản xuất của nước này. Theo đó, PMI trong tháng 7 giảm 0,1 điểm, chạm mức 49,4.

Đây là tháng thứ ba liên tiếp PMI Trung Quốc ở dưới mức 50, cho thấy đang có sự thu hẹp trong hoạt động sản xuất ở quốc gia tỉ dân - AP nhận định.

Số liệu PMI ngành sản xuất ở Trung Quốc trong tháng 7 chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10-2023 và không đạt được kỳ vọng tăng đến mức 51,5 điểm của các nhà phân tích.

"Xuất khẩu vẫn ổn, đầu tư cho sản xuất vẫn tăng, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng vẫn ở mức tích cực. Tiêu dùng chính là mắt xích yếu trong tình huống này" - ông Fred Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Ngân hàng HSBC, nhận định.

Trong tất cả, chỉ số xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng chậm cũng cho thấy thực tế về nhu cầu của toàn cầu cũng đang chậm lại. Xuất khẩu tăng trưởng chậm cũng đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong phần còn lại của năm nay, khi người tiêu dùng trong nước đang thắt chặt hầu bao.

Theo Bloomberg, trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, nền kinh tế Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong năm quý trở lại đây.

"Xét theo tình hình hiện tại, nhu cầu bên ngoài đang suy yếu" - ông Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại Australia & New Zealand Banking Group, cho biết. "Dù động lực trong lĩnh vực điện tử vẫn mạnh mẽ, nhưng việc hoạt động sản xuất nói chung hạ nhiệt chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thương mại", vị này nói thêm.

Xuất khẩu sang Anh, Nhật Bản và Úc của Trung Quốc trong tháng 7 đều ghi nhận giảm, số liệu đảo ngược so với mức tăng trong tháng trước. Xuất khẩu đến Singapore của Trung Quốc cũng giảm sâu.

Theo Hãng tin Bloomberg, xu hướng giá hàng hóa xuất khẩu giảm kéo dài từ giữa năm 2023 có thể là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng chậm.

Tiêu dùng trong nước là chìa khóa

Cuối tuần trước, Chính phủ Trung Quốc đã nêu ra các ưu tiên nhằm thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, trong bối cảnh nhu cầu trong nước sụt giảm tiếp tục gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế.

Bắc Kinh đã triển khai một kế hoạch với 20 bước chính, bao gồm triển vọng gia tăng tiêu dùng ở các ngành dịch vụ cơ bản như ăn uống, dịch vụ gia đình và chăm sóc người già.

Các cơ quan chức năng Trung Quốc cũng sẽ xem xét thúc đẩy các loại hình chi tiêu mới, như khai thác thêm các cửa hàng bán lẻ tự động và hình thức tủ khóa tự lấy hàng, cũng như hỗ trợ cho sự phát triển của thể thao điện tử và mảng thương mại điện tử phát trực tiếp (live streaming e-commerce).

Tại một trong những cuộc họp chính sách quan trọng hồi tháng 7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định ưu tiên nâng cao năng suất, chủ yếu thông qua đầu tư vào ngành công nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, nhằm giúp Trung Quốc đạt mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người vào năm 2035.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lo ngại việc ông Tập tập trung vào đầu tư sản xuất, trong thời điểm nhu cầu của các hộ gia đình suy giảm, có thể gây ra tình trạng dư thừa công suất tại nhà máy và làm lệch thị trường lao động.

Cùng lúc đó, lựa chọn tăng cường xuất khẩu cũng có khả năng làm gia tăng căng thẳng với các đối tác thương mại lớn hiện nay của Trung Quốc như Mỹ hay châu Âu. Các thị trường này đang áp thuế lên xe điện Trung Quốc cũng như có nhiều động thái hạn chế đối với hàng hóa của Bắc Kinh.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định nếu Trung Quốc thực hiện các kế hoạch kích thích kinh tế như đã công bố, nước này có thể sẽ đạt được mục tiêu tăng GDP 5% trong năm 2024.

Bà Si Fu, chiến lược gia chuyên về danh mục đầu tư Trung Quốc của Ngân hàng Goldman Sachs, nhận định các nhà đầu tư cũng đang theo dõi khả năng tiêu dùng được thúc đẩy các biện pháp kích thích kinh tế, như chương trình hỗ trợ các hộ gia đình nâng cấp thiết bị gia dụng của Chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng lo ngại nhu cầu cho hàng hóa Trung Quốc từ bên ngoài có thể chịu tác động từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại nếu cựu tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng.

"Chúng tôi đang thấy sự chú ý nhiều hơn đến tiêu dùng, nhưng bất động sản vẫn là trọng tâm. Xuất khẩu là một điểm sáng, nhưng mọi người đã bắt đầu cân nhắc đến rủi ro tiềm ẩn từ hàng rào thuế quan", bà nói.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Bất động sản Malaysia không phải là lĩnh vực duy nhất có thể hưởng lợi từ sự chú ý của người dân Trung Quốc.
4 ngày trước - Trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi, khu vực Đông Nam Á nổi lên như một thị trường đầy tiềm năng, có thể đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực kết nối và hợp tác, bao gồm sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
3 tuần trước - Số liệu thống kê chính thức cho thấy tỉ lệ thất nghiệp ở giới trẻ Trung Quốc và Hàn Quốc trong tháng 7 năm nay đều ở mức cao báo động, bất chấp việc thị trường lao động ở hai nước này vẫn đang thiếu nhân lực.
1 tháng trước - Hội nghị Trung ương 3 khóa 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố hơn 300 cải cách kinh tế - xã hội trong năm năm tới.
2 tuần trước - Trong khi vẫn đối mặt nhiều thách thức, kinh tế châu Á - Thái Bình Dương còn đứng trước lo lắng liên quan kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Xem tin bài khác
2 giờ trước - Quan chức quân đội Mỹ thừa nhận lốp xe phủ trên máy bay Nga có thể lừa hệ thống nhận dạng vật thể, ngăn đầu dò tìm thấy mục tiêu.
2 giờ trước - Siêu bão Yagi chỉ là một phần của loạt hiện tượng thời tiết cực đoan mà thế giới phải đối mặt trong vài năm qua dưới tác động của biến đổi khí hậu.
3 giờ trước - Ryan Wesley Routh, nghi phạm âm mưu ám sát ông Trump, bị truy tố cấp liên bang với hai tội danh về sở hữu súng.
3 giờ trước - Chiến dịch của bà Harris chế giễu Trump bằng cách đăng thông điệp được ghép từ tên các bài hát của Taylor Swift, sau khi cựu tổng thống tuyên bố ông "ghét" nữ ca sĩ.
3 giờ trước - Nghi phạm trong âm mưu ám sát cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trên sân golf ở bang Florida hôm 15.9 đã bị còng tay, chân khi đến tòa ở West Palm Beach sáng 16.9 (giờ địa phương) và hiện đối mặt hai cáo buộc.