ttth247.com

Lần đầu xã nghèo có người đậu trường chuyên, chàng trai mồ côi chinh phục cả giải quốc gia

Đạt giải ba học sinh giỏi quốc gia môn địa lý, Lê Sơn Giang (18 tuổi, học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung, Bình Phước) thuộc diện được tuyển thẳng vào đại học.

Dù vậy, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Giang cũng đạt thành tích rất ấn tượng với tổng điểm ba môn khối C là 28,5 điểm (ngữ văn 9,25; lịch sử 9,5 và địa lý 9,75).

Mẹ mất, muốn bỏ trường chuyên để chăm em

Nằm ở phía đông huyện Bù Đăng (Bình Phước) giáp các tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, xã Đồng Nai khá thưa thớt dân cư với 70% là đồng bào dân tộc, đời sống còn nhiều khốn khó, gia đình ông Lê Minh Tuân (ba của Giang) là một trong những hộ khó khăn của địa phương.

Bà Đặng Thị Nhuần (ngụ ấp 4, xã Đồng Nai) cho biết gia đình Tuân từ nơi khác đến địa phương lập nghiệp. "Nhà đó khó khăn lắm, phải ở nhà thuê. Vợ chồng làm lụng vất vả để nuôi ba con nhỏ ăn học. May mắn là cả ba con đều ngoan, chăm học, nhất là Giang", bà Nhuần nói.

Năm 2021, dù không được thầy cô, bạn bè kỳ vọng nhiều nhưng Giang vẫn quyết tâm dự thi vào Trường THPT chuyên Quang Trung (TP Đồng Xoài). Kết quả vỡ òa khi Giang đậu chuyên văn, trở thành người đầu tiên của xã bước vào cổng trường chuyên. Từ đó, Giang trở thành tấm gương hiếu học của làng.

Chỉ vài tháng sau khi nhập học, Giang nhận tin mẹ mất do tai nạn giao thông. Nam sinh chết lặng, hoang mang. "Lúc đó tôi có tâm lý khác, không muốn học ở đấy nữa, mà muốn chuyển về trường gần nhà phụ bố chăm hai em nhỏ", Giang nhớ lại. May mắn được sự động viên từ cha, và thầy cô về tận nhà thăm và động viên, Giang dần lấy lại tinh thần và chọn ở lại học tiếp.

Công việc sửa xe thu nhập không ổn định, biến cố khiến gánh nặng càng đổ dồn lên vai ông Tuân. Dù thiếu trước hụt sau, ông Tuân vẫn động viên, quyết tâm cho các con học đến nơi đến chốn. "Con muốn học thì phải cố gắng. Tình huống xấu nhất thì lại vay nợ hoặc xin bà con dòng họ giúp", ông Tuân bộc bạch.

Thương cha, Giang càng cố gắng học. Không phụ lòng cha và thầy cô, Giang đạt giải nhất học sinh giỏi của tỉnh, đặc biệt là giải ba học sinh giỏi quốc gia, vừa đủ để Giang xét tuyển học bổng du học từ Chính phủ Liên bang Nga.

Dạy thêm trực tuyến lấy tiền học ngoại ngữ, mong được tiếp sức đến trường

Đầu tháng 8, chúng tôi tìm đến nhà của Giang. Giữa mùa mưa, căn nhà vẫn nóng hầm hập bởi mái nhà, tường nhà đều dựng bằng tôn thép. Một phần nền nhà đổ xi măng, còn lại vẫn là nền đất. Căn nhà trống hoác, mọi vật dụng đều cũ kỹ, phủ lớp bụi thời gian.

Ngồi trước máy vi tính đặt trên chiếc bàn gỗ cũ, tai đeo phone, Giang chăm chú dạy online cho khoảng 20 học sinh khác. Sau hai tiếng làm "thầy giáo", Giang chuyển sang học tiếng Nga trực tuyến.

Máy tính được mua từ tiền học bổng mà Giang dành dụm được trong lúc học ở trường. Có mác học sinh giỏi quốc gia, Giang cùng một nam sinh khác mở lớp dạy online để có thêm tiền trang trải chi phí học hành, chuẩn bị cho kế hoạch tương lai. "Tiền dạy học được 5 triệu đồng, tôi dùng để đăng ký lớp học tiếng Nga trực tiếp. Ngày mai tôi bắt xe lên TP.HCM để học", Giang nói.

Về dự định sắp tới, Giang cho biết đã xin được học bổng từ Chính phủ Liên bang Nga với ngành quan hệ quốc tế. Hiện Giang đang chờ xem xét học bổng cấp bù của Chính phủ Việt Nam. Ngoài ra, Giang cũng nộp hồ sơ vào Học viện Ngoại giao (Hà Nội) với cùng ngành học.

Giang lý giải về lựa chọn của mình: "Hồi nhỏ tôi đã thích lịch sử và địa lý nên tích cực tìm hiểu sâu. Tôi cũng có đam mê rất lớn với văn hóa, chính trị, ngoại giao của các quốc gia, đặc biệt là nước Nga. Năm lớp 10, tôi biết đến học bổng hiệp định tại Liên bang Nga và tìm cách chinh phục mục tiêu này ngay từ đó".

Giang thừa nhận bản thân yếu ngoại ngữ và là rào cản lớn nhất, do vậy Giang luôn cố gắng học thêm ngoại ngữ khi còn học phổ thông. Tuy nhiên qua tìm hiểu, có nhiều người cũng yếu ngoại ngữ nhưng vẫn học được. Mặt khác, Giang đánh giá cao môi trường học tập ở Nga và coi đó là động lực, thử thách để thôi thúc bản thân vươn lên.

Kinh phí đi du học cũng làm Giang không khỏi lo lắng. Trong đó, học bổng từ Chính phủ Nga đã tài trợ học phí, chỗ ở miễn phí. Riêng học bổng cấp bù vẫn đang đợi. "Năm đầu chắc sẽ dựa vào gia đình. Sau năm nhất ổn định, tôi sẽ làm thêm bên ngoài và săn các học bổng. Trước đây rời nhà lên trường chuyên tôi đã thích ứng được, giờ cũng vậy", Giang tự tin nói.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Vào 2h sáng, cô không thấy chồng đâu đã làm rùm leng lên. Và khi gọi được chồng về, cô đã không kiềm chế được mà đánh chồng.
1 tháng trước - Hòa Bình- Ngày biết tin Thương yêu người đàn ông một đời vợ, cụt tay chân, cha mẹ cô lập tức gọi về họp gia đình và tuyên bố sẽ từ mặt nếu tiếp tục.
4 ngày trước - Trong hàng ngàn hồ sơ ứng cử học bổng Tiếp sức đến trường gửi đến báo Tuổi Trẻ, rất nhiều tân sinh viên với hoàn cảnh gia đình khó khăn đậu vào ngành y, điểm chung ở họ là một giấc mơ lớn lao và quyết tâm vượt gian khó chờ đợi ở phía trước.
1 tháng trước - 4h, Mùa A Lỷ (10 tuổi) mang chiếc cặp cũ sờn, đi bộ hơn 20 km đến trường; băng qua khe sâu, cậu rảo bước nhanh hơn khi nghĩ về hộp sữa tươi lần đầu có trong bữa ăn bán trú.
1 tháng trước - 20 năm, 2.352 suất học bổng với số tiền 24,5 tỉ đồng được CLB Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng trao cho tân sinh viên, mà nói vui là "ngấp nghé triệu đô".
Xem tin bài khác
7 giờ trước - Trong lúc chạy lũ thấy vợ chần chừ, chồng tôi kéo tay giục giã: ‘Đi thôi em ơi, bám vào áo anh, còn người là còn của. Em với con còn sống thì anh mới làm lại được’”, chị Thoa chia sẻ.
8 giờ trước - Sau 1 thời gian nhá hàng bằng đoạn video ngắn, Mai Dora đã thả xích loạt ảnh diện bikini cực nóng bỏng.
9 giờ trước - Ngày 19-9, Trường đại học Nam Cần Thơ trao tặng cho đại diện báo Tuổi Trẻ số tiền của đoàn viên thanh niên nhà trường, đóng góp cho đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng của bão số 3.
9 giờ trước - Chiều 19.9, nhiều người ở TP.HCM vất vả di chuyển, lội nước qua đoạn đường ngập do triều cường. Nhiều người đã quá quen với cảnh này, các chủ quán hai bên đường bị ngập thở dài vì ế khách.
10 giờ trước - Hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân nghèo là một nghĩa cử đầy cao đẹp của đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.