ttth247.com

Lần theo 10.000km hàng Trung Quốc vào Việt Nam: Đang có nhiều giải pháp quản lý

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho rằng TMĐT xuyên biên giới đang là xu thế và ngày càng phổ biến không chỉ ở Việt Nam.

Trong đó, Trung Quốc có thế mạnh, có nhiều doanh nghiệp (DN) hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này như Alibaba, JD.com, Pinduoduo…

Trung Quốc có nhiều chính sách ưu đãi

* Bộ Công Thương đánh giá thế nào về thực trạng nhiều DN, sàn TMĐT lớn của Trung Quốc xây kho hàng áp sát biên giới và trong nội địa Việt Nam, livestream liên tục bán hàng?

- Trung Quốc có nhiều chiến lược tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế với nhiều nước để đẩy mạnh phát triển thương mại xuyên biên giới nói chung và TMĐT xuyên biên giới nói riêng.

Chính phủ Trung Quốc có nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho các DN TMĐT hoàn thiện hệ sinh thái, gồm xây dựng các trung tâm kho vận kết nối với các tỉnh thành và từ đây hàng hóa khắp Trung Quốc vào các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam.

Có thực tế là hàng xuyên biên giới từ các kho hàng sát biên giới vào Việt Nam được mua qua TMĐT tập trung ở các sàn giao dịch lớn tại Việt Nam như Lazada, Shopee, Tiki…

Tại đây, nhiều chính sách hỗ trợ chung của các chủ nền tảng TMĐT áp dụng với hàng quốc tế và hàng nội địa mang lại nhiều lợi thế cho DN tham gia. Đơn cử như thời gian giao hàng được rút ngắn, chi phí vận chuyển nhiều ưu đãi, hàng hóa phong phú với giá cạnh tranh.

Vì thế, hàng hóa xuyên biên giới của các DN quốc tế vào thị trường Việt Nam qua TMĐT ngày càng tiện lợi và tạo áp lực lớn về cạnh tranh với DN trong nước.

Hàng hóa xuyên biên giới cũng đặt ra nhiều vấn đề cho quản lý nhà nước trong việc xây dựng, hoàn thiện các hạ tầng chính sách về việc quản lý người bán nước ngoài trên các nền tảng TMĐT.

Việc này nhằm đảm bảo đối xử bình đẳng giữa DN quốc tế và trong nước trên môi trường mạng. Cùng với đó là các vấn đề như quản lý chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Doanh nghiệp Việt buộc phải hoàn thiện mình

* Như trên bà đã chia sẻ, thực trạng trên tạo ra áp lực cạnh tranh với DN trong nước. Bộ Công Thương đánh giá thực tế này thế nào, thưa bà?

- Hàng hóa xuyên biên giới vào Việt Nam qua kênh TMĐT vừa là cơ hội vừa là thách thức với DN Việt Nam. Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội để DN Việt buộc phải hoàn thiện mình, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đó cũng là thách thức lớn. Bởi thực tế đòi hỏi DN trong nước phải không ngừng cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm và hoàn thiện các hạ tầng dịch vụ hỗ trợ TMĐT như hạ tầng kho bãi, giao nhận để có thể cạnh tranh trên "sân nhà".

Bên cạnh đó, với hoạt động xuất khẩu, DN cũng có thể tận dụng kênh TMĐT và hệ thống logistics của phía Trung Quốc để đưa hàng hóa Việt đến tay người tiêu dùng quốc gia này, đặc biệt với những sản phẩm chúng ta có thế mạnh như nông sản, thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm OCOP…

Thực tế, các DN Việt Nam cũng đang khai thác rất hiệu quả TMĐT để xuất khẩu sang Trung Quốc và các thị trường trong khu vực.

Bộ Công Thương quản lý thế nào?

* Nhiều mặt hàng TMĐT bán sang không tem phụ, không bảo hành… Giải pháp của Bộ Công Thương là gì để quản lý hiệu quả hoạt động TMĐT xuyên biên giới, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh?

- Nhằm quản lý hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài thông qua kênh TMĐT, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành nghị định số 85/2021 để sửa đổi, bổ sung nghị định số 52/2013 về TMĐT.

Nghị định có nội dung yêu cầu chủ các nền tảng TMĐT khi cho phép người bán nước ngoài tham gia phải thực hiện việc định danh người bán nước ngoài.

Các chủ sở hữu nền tảng này cũng phải đại diện cho người bán nước ngoài giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do người bán nước ngoài cung cấp. Đồng thời có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn.

Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

Trong đó quy định cụ thể nhằm làm rõ trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian, nền tảng số lớn, điều chỉnh việc sử dụng hệ thống thuật toán và quảng cáo hướng tới nhóm người tiêu dùng cụ thể, đảm bảo việc quảng cáo hàng hóa, sản phẩm nội địa và quốc tế trên các nền tảng được rõ ràng.

* Vậy có chính sách nào để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước và nâng cao năng lực các sàn TMĐT nội địa trước sức ép cạnh tranh nước ngoài?

- Để bảo vệ hàng hóa trong nước, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xem xét sớm ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua TMĐT nhằm có cơ chế tách bạch luồng hàng hóa thông thường và hàng hóa TMĐT, tăng cường quản lý người bán nước ngoài.

Bộ cũng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong môi trường TMĐT. Các vướng mắc về cơ chế xử lý, quy định pháp luật sẽ tiếp tục được rà soát, đánh giá để kiến nghị hoàn thiện, nâng cao hiệu lực pháp lý.

Triển khai các hoạt động hỗ trợ, nâng cao năng lực hướng tới sự phát triển bền vững, lâu dài cho DN như các hoạt động đào tạo tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phối hợp với các sàn TMĐT quốc tế triển khai các chương trình hỗ trợ cụ thể cho DN Việt...

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Hàng loạt bạn đọc gửi quan điểm đến Tuổi Trẻ Online, ngay khi phóng sự 'Lần theo 10.000km hàng Trung Quốc vào Việt Nam' đăng tải, với đa dạng góc nhìn, bao gồm thực trạng lẫn giải pháp.
1 tháng trước - Nhập được nguồn hàng Trung Quốc giá rẻ vốn là lợi thế của một số dân buôn tại Việt Nam. Tuy nhiên ưu thế này dần bị san bằng, đặc biệt khi giới kinh doanh Trung Quốc đẩy thẳng hàng lên sàn thương mại điện tử, 'bao' phí vận chuyển.
1 tháng trước - Nhập được nguồn hàng Trung Quốc giá rẻ vốn là lợi thế của một số dân buôn tại Việt Nam. Tuy nhiên ưu thế này dần bị san bằng, đặc biệt khi giới kinh doanh Trung Quốc đẩy thẳng hàng lên sàn thương mại điện tử, 'bao' phí vận chuyển.
2 tuần trước - Với hàng loạt lời khen từ những người Việt có tầm ảnh hưởng trên xã hội, kèm chiến lược truyền thông bài bản, nhiều mặt hàng Trung Quốc liên tục được săn đón, bán cháy hàng trong các phiên livestream.
1 tháng trước - Hàng loạt tổng kho chứa hàng với quy mô lớn được các doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng ở các khu vực sát biên giới Việt Nam.
Xem tin bài khác
3 giờ trước - Lãi suất giảm sẽ tác động như thế nào đến hàng nghìn tỷ USD trong các chứng chỉ tiền gửi và tài khoản tiết kiệm lợi suất cao?
3 giờ trước - Nhìn rộng hơn từ đầu năm, thị giá CTP đã “leo dốc” tới 722% chỉ sau chưa đầy 9 tháng, vốn hóa theo đó đạt khoảng 448 tỷ đồng.
3 giờ trước - Vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này vừa tăng vọt lên xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, mức kỷ lục kể từ khi niêm yết năm 2006.
3 giờ trước - BVSC đánh giá Việt Nam đã tiến gần hơn đến việc đáp ứng 2 tiêu chí trên của FTSE, kỳ vọng được xem xét nâng hạng sớm nhất vào tháng 3/2025.
3 giờ trước - Hoạt động gia tăng quy mô siêu thị thuộc Thế giới Di động (MWG) được đẩy mạnh sau những tín hiệu khởi sắc về doanh thu và cả lợi nhuận.