ttth247.com

Lập hợp đồng hôn nhân thế nào để ai ngoại tình sẽ 'ra đi tay trắng'?

Sát ngày cưới, Hương vẫn không chắc chắn bạn trai có phải "sự lựa chọn đúng" nên yêu cầu lập cam kết người nào ngoại tình sẽ phải ra đi tay trắng, không được nuôi con.

Hương, 28 tuổi (trú tỉnh Bắc Ninh) và bạn trai cùng tuổi đã yêu nhau 3 năm, nhiều lần chia tay, tái hợp vì cô không thích tính "đa tình" của anh này.

"Ngoài cái tính đó thì anh có công việc ổn định, chiều chuộng em và đôi bên ba mẹ là bạn bè thân", Hương chia sẻ. Mới đây, Hương đã đăng ký kết hôn, nhưng vẫn chưa thực sự yên tâm, do đó tuần trước hai người đã tới văn phòng thừa phát lại.

Tại đây, vợ chồng Hương lập vi bằng về việc cam kết của cặp đôi dưới sự chứng kiến của em trai mỗi người. Nội dung thể hiện nếu sau này Hương hoặc chồng ngoại tình thì tài sản chung sẽ để lại hết cho người còn lại. Ai ngoại tình sẽ phải "ra đi tay trắng" và không được quyền nuôi con.

Hương thắc mắc cam kết đó có được pháp luật công nhận không, có được coi là hợp đồng hôn nhân hợp pháp?

"Để được công nhận thì khi lập hợp đồng hôn nhân cần lưu ý điều gì? Trong trường hợp của vợ chồng em cần làm thế nào cho hợp pháp?", Hương bối rối.

Về cam kết của vợ chồng Hương, luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An, Hà Nội) cho hay, Điều 37 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định 9 trường hợp dưới đây không được lập vi bằng:

1. Các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 4 của Nghị định này (Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình...).

2. Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng bao gồm: Xâm phạm mục tiêu về an ninh, quốc phòng; làm lộ bí mật nhà nước, phát tán tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước; vi phạm quy định ra, vào, đi lại trong khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự; vi phạm quy định về bảo vệ bí mật, bảo vệ công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự.

3. Vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; trái đạo đức xã hội.

4. Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính.

5. Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

6. Ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng.

7. Ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân đang thi hành công vụ.

8. Ghi nhận sự kiện, hành vi không do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.

9. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Đối chiếu các quy định nói trên, luật sư Vinh cho rằng pháp luật không cấm việc vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng cùng lập vi bằng để cam kết/thỏa thuận về tài sản, quyền nuôi con trong thời kỳ hôn nhân.

Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, cam kết/thỏa thuận đó phải đảm bảo nguyên tắc không trái pháp luật, đạo đức xã hội, không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác được pháp luật bảo vệ. Nếu vi phạm nguyên tắc này thì vi bằng có thể bị tòa án tuyên hủy theo quy định của pháp luật.

Ví dụ 1: Vợ chồng anh A, chị B lập vi bằng thỏa thuận nếu anh A mắc một trong các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện ma túy... thì toàn bộ tài sản thuộc về chị B. Tuy nhiên, khi ly hôn thì anh A mắc bệnh hiểm nghèo cần tiền chữa trị; việc toàn bộ tài sản vợ chồng thuộc về người vợ trong trường hợp này có thể bị xem là trái đạo đức xã hội, có thể bị hủy bỏ.

Ví dụ 2: Vợ chồng anh A, chị B lập vi bằng thỏa thuận nếu chị B ngoại tình thì không được đòi quyền nuôi con. Thực tế sau đó, chị B ngoại tình dẫn tới ly hôn. Tuy nhiên, trong thời gian giải quyết vụ án ly hôn thì anh A phạm tội, bị xử tù giam. Trong khi đó, pháp luật hôn nhân gia đình quy định việc giao con cho ai trực tiếp nuôi dưỡng phải xét đến quyền lợi mọi mặt của đứa trẻ. Rõ ràng trong trường hợp này, dù chị B ngoại tình nhưng giao con cho anh A nuôi con là không thể, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của con chung.

Lưu ý khi lập Hợp đồng hôn nhân

Theo luật sư Vinh, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện không quy định về Hợp đồng hôn nhân. Tuy nhiên, Điều 28 Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, được thực hiện theo quy định tại các điều 47, 48, 49, 50 và 59 của luật này.

Khoản 1 Điều 48 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bao gồm:

a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;

b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;

c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;

d) Nội dung khác có liên quan.

Khoản 1 Điều 50 luật này quy định thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;

b) Vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này;

c) Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.

Theo luật sư Vinh, để hạn chế thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng bị vô hiệu, văn bản này còn cần được công chứng, chứng thực.

Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Đại Hải (Công ty luật TNHH Fanci), để đảm bảo hợp đồng hôn nhân hợp pháp thì cần đảm bảo nội dung thỏa thuận đó phù hợp quy định của Luật hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự và không thuộc các điều cấm của luật.

Hải Thư

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
6 ngày trước - Hà Nội- Vụ kiện chia 650 m2 đất cha mẹ để lại cho 4 con kết thúc sau 5 giờ với lời khuyên của chủ tọa "con nuôi con đẻ đều là anh em, nhường nhịn nhau để giữ tình cảm".
3 tuần trước - Mỹ- Giữa "cuộc chiến ly hôn", John Yelenic nói với luật sư rằng mình sẽ bị sát hại, tin chắc tội ác sẽ bị che đậy, bằng chứng sẽ bị chôn vùi.
1 tháng trước - Ngày 24-4-2019, tôi ký hợp đồng mua căn hộ tại dự án khu nhà ở tại quận Tây Hồ và đặt cọc 70 triệu đồng. Đến ngày 9-6-2019 vợ tôi chết.
3 tuần trước - Mỹ- Ba phụ nữ lần lượt biến mất bí ẩn khiến gia đình họ phải tự tìm hiểu chân tướng trong nhiều năm, các manh mối dẫn đến một kẻ có biệt danh 'Hannibal'.
1 tháng trước - Trung Quốc- Với vẻ ngoài chất phác, Hà Thiên Đới đánh lừa các chủ nhà, liên tục đầu độc 10 nạn nhân cao tuổi sau vài ngày làm việc để được lấy tiền lương cả tháng.
Xem tin bài khác
20 phút trước - Một phụ nữ bị sát hại tại nhà; xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2; truy tố cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải vì nhận hối lộ của Xuyên Việt Oil... là những tin nóng 24 giờ qua.
20 phút trước - Sáng sớm 19/9, an ninh phiên tòa vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 được thắt chặt, bên trong và ngoài TAND TP.HCM có rất nhiều chiến sĩ cảnh sát.
1 giờ trước - TP HCM- Đang mang án tử hình ở giai đoạn một của vụ án, bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tiếp tục bị đưa ra xét xử cùng 33 người về nhiều tội danh.
1 giờ trước - Cơ quan thuế chưa tính thuế khi chuyển nhượng nhà đất gây thiệt hại thì tôi có thể kiện đòi bồi thường không?
1 giờ trước - Biết Xuyên Việt Oil không nộp tiền vào quỹ bình ổn giá xăng dầu mà chiếm dụng trái phép nhưng Cục phó Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính lại nhận hối lộ, làm ngơ cho sai phạm dẫn tới thất thoát 219 tỷ đồng.