ttth247.com

Lũ lụt chưa từng có ở miền Bắc: Cao Bằng 17 người chết, 38 người mất tích

Đó là con số thống kê nhanh do Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện.

Mưa lớn kéo dài gây lũ lớn lịch sử trên các sông Hồng, sông Cầu, sông Lục Nam... gây ra ngập lụt diện rộng tại các tỉnh, thành phố Yên Bái, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Nội.

Yên Bái hơn 10.000 nhà dân bị ngập lụt, 7 người chết.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái đến 6h sáng nay, mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã làm 7 người chết, 2 người mất tích và 10 người bị thương.

Về nhà, có 13.558 nhà bị ảnh hưởng, ngập lụt, thiệt hại. Trong đó có khoảng 2.337 nhà phải di dời khẩn cấp.

Lũ sông Hồng vượt mức lịch sử gần 1m (tính đến 5h sáng nay) đã làm gần 8.000 nhà dân ở thành phố Yên Bái bị ngập lụt, có nơi ngập sâu tới 4m. Hơn 3.200ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, ảnh hưởng...

Hàng trăm cảnh sát cơ động hỗ trợ người dân Lào Cai, Yên Bái chạy lũ

Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã chỉ đạo Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc điều động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ xuống các phường Cốc Lếu, Kim Tân... thuộc tỉnh Lào Cai và thị trấn Thác Bà thuộc tỉnh Yên Bái để sơ tán nhân dân ra khỏi vũng lũ, sạt lở đến nơi an toàn.

Đồng thời 100% cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc được trang bị đầy đủ.

Cấm đường ở cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do ngập

Cục Cảnh sát giao thông sáng nay cho biết khu vực Km191 đến Km191+500 tuyến cao tốc Pháp vân - Cầu Giẽ ngập cả 2 chiều, không đảm bảo cho các xe di chuyển.

Do vậy , Đội tuần tra kiểm soát giao thông cao tốc số 3 tổ chức cấm đường, không cho xe đi cả 2 chiều. Cảnh sát cho hay căn cứ tình hình thực tế, khi đảm bảo an toàn cả 2 chiều mới cho xe cộ di chuyển.

Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu Đội Cảnh sát giao thông số 14 Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội phối hợp, tổ chức cấm đường ngay đầu vào cao tốc. Xe cộ được hướng dẫn đi theo tuyến quốc lộ 1 về phía nam.

Đội Cảnh sát giao thông số 8 và Công an huyện Thường tín, Thanh Trì, Phú Xuyên phối hợp phân luồng các điểm ra cao tốc theo cả chiều Cầu Giẽ - Hà Nội và ngược lại. Công an tỉnh Hà Nam, Ninh Bình hỗ trợ phân luồng, giảm bớt các xe đi vào cao tốc theo chiều về Hà Nội.

Nhiều tuyến đường ở Hà Nội ngập nặng

Nhiều tuyến đường ở Hà Nội ngập nặng, người dân vất vả tìm lối thoát - Ảnh 1.

Đêm 9-9 rạng sáng 10-9, Hà Nội đã có mưa lớn khiến nhiều tuyến đường rơi vào cảnh ngập nặng.

Nhiều tuyến đường giao thông tại các khu vực của Hà Đông, Hoài Đức, Nam Từ Liêm bị ngập sâu, xe di chuyển cực kỳ khó khăn.

Trong đó, từ sáng sớm, tuyến đường Phùng Hưng (Hà Đông, Hà Nội) ngập nặng, kéo dài từ gần cổng Bệnh viện 103 đến Tân Triệu, Yên Xá, Bệnh viện K nên lực lượng chức năng phải đặt biển cảnh báo.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, anh Tuấn (Phúc La- Hà Đông) cho biết sáng nay đang đưa con đi học ở một trường tiểu học trong Văn Quán.

Theo anh Tuấn, dù đường đến trường chỉ còn cách 200m nhưng anh không thể đi xe máy vì nước ngập hơn nửa bánh xe.

Trong khi đó, bất lực trước tình trạng tắc đường khi ngay đầu phố Phùng Hưng đặt biển cảnh báo "Khu vực nước ngập nguy hiểm", chị Hương đứng chôn chân trên đường khi dòng người tắc nghẽn không thể di chuyển.

Đường Phùng Hưng chỉ có thể đi một chiều ngược lại từ đường Cầu Bươu, Tân Triều, Xa La về hướng Trần Phú, còn chiều ngược lại không thể di chuyển. Dòng người vì thế càng tắc nghẽn.

Ghi nhận đến hơn 8h30 sáng, nhiều người vẫn không thể đến được cơ quan vì đường ngập khắp nơi và tắc đường.

Còn tại khu vực đường gom đại lộ Thăng Long đoạn giao với đường Lê Trọng Tấn (nay là đường Hoàng Tùng, thuộc xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) đến 9h sáng nay vẫn bị ngập sâu cả 2 chiều.

Nhiều đoạn ngập sâu từ 40 - 50cm, khiến nhiều xe cố di chuyển bị chết máy, không ít ô tô phải gọi cứu hộ đến ứng cứu. Nhiều tài xế xe máy đã phải quay đầu, tìm cách đi lên đường cao tốc để di chuyển vào trong nội đô.

Chị Thu Hương (trú ở An Khánh, Hòa Đức) cho biết sáng sớm nay khi gia đình ngủ dậy ra khỏi nhà đã thấy các quanh chung cư "tứ bề nước".

Dự báo lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh đạt mức báo động 2

Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội đang dưới mức báo động (BĐ) 1 là 0,48m nhưng dự báo sẽ lên nhanh và đạt mức BĐ 1 trong 12 giờ tới, BĐ 2 trong 24 giờ tới.

Lúc 9h ngày 10-9, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lũ trên sông Thao (sông Hồng) tại TP Lào Cai đang xuống chậm, tại Bảo Hà,Yên Bái đang lên.

Lũ trên sông Lô (Tuyên Quang, Phú Thọ), sông Cầu (Thái Nguyên, Bắc Ninh), sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hồng (Hà Nội).

Lũ trên sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang lên; sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống chậm.

Mực nước lúc 7h ngày 10-9 trên sông Thao (sông Hồng) tại Yên Bái 35,32m, trên BĐ3 là 3,32m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) 1,1m;

Mực nước trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương, trên sông Lục Nam tại Lục Nam, trên sông Lô tại Tuyên Quang đều trên mức BĐ 3.

Mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội 9,02m, dưới BĐ1 là 0,48m.

Dự báo trong 12 giờ tới: lũ trên sông Thao tại Lào Cai tiếp tục xuống; tại Bảo Hà biến đổi chậm; tại Yên Bái tiếp tục lên duy trì ở mức trên lũ lịch sử; tại Phú Thọ đạt mức trên BĐ1.

Lũ trên sông Lô và sông Cầu tiếp tục lên mức BĐ3. Sông Thương biến đổi chậm ở mức trên BĐ3. Lũ trên sông Lục Nam xuống chậm nhưng vẫn trên mức BĐ3.

Lũ trên sông Thái Bình, sông Hoàng Long tiếp tục lên vượt mức BĐ2.

Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh đạt mức BĐ1.

Trong 12- 24 giờ tiếp theo: lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ ít biến đổi. Lũ trên sông Lô, sông Thương và sông Cầu biến đổi chậm và duy trì ở mức BĐ3.

Tuy nhiên, lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên mức BĐ3, trên sông Hoàng Long tiếp tục đạt mức BĐ3.

Đáng lưu ý lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh đạt mức BĐ2. Mức BĐ 2 tương ứng với mực nước 11,5m tại Long Biên và 14,4m tại Sơn Tây.

Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo từ 10 đến 11-9, trên các sông khác ở khu vực Bắc Bộ xuất hiện 1 đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và các sông khu vực hạ lưu đồng bằng sông Hồng- Thái Bình, khu vực cửa sông ven biển lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3.

Do vậy, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.

Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp, bờ bãi ven sông, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế-xã hội vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng- Thái Bình.

Mực nước lũ hạ lưu sông Hồng- Thái Bình duy trì ở mức cao nhiều ngày có thể làm lở đất ven sông và ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven sông đồng bằng sông Hồng- Thái Bình.

Một huyện ở Cao Bằng có 17 người chết, 38 người mất tích

Mưa lớn gây sạt lở đất tại nhiều nơi của huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) làm 17 người chết, hiện có khoảng 38 người đang mất tích.

Theo báo cáo nhanh đến ngày 9-9 của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng), mưa lớn sau bão số 3 (Yagi) thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Đến ngày 9-9, toàn huyện ghi nhận 17 người chết, 12 người bị thương và khoảng 38 người mất tích. Các nạn nhân chủ yếu gặp nạn do sạt lở đất.

Cụ thể, tại xã Thành Ca xảy ra 2 vụ sạt lở đất làm 9 người chết, 5 người bị thương và 33 người mất tích.

Vụ thứ nhất xảy ra vào lúc 5h sáng 9-9, xóm Lũng Lỳ bị sạt lở đất vùi lấp 6 hộ dân có 38 người sinh sông. Khi xảy ra sạt lở có 26 người may mắn thoát được, còn 2 người chết, 3 người bị thương, 7 người đang mất tích.

Còn tai xóm Khuổi Ngọa (xã Ca Thành), khoảng 5h45 tại xảy ra vụ sạt lở đất taluy dương, đẩy 1 xe khách và 1 ô tô con xuống vực, suối. Xe khách trôi khoảng 800m so với vị trí sạt lở, ô tô con trôi khoảng 2,8km so với vị trí sạt lở.

Đối với xe khách, lực lượng tại chỗ đã tìm kiếm cứu nạn được 2 người chết. Cứu được 1 người bị thương, đa chấn thương, gãy chân đã đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Tĩnh Túc và chuyến đi bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng. Còn khoảng 15 người mất tích. Đối với ô tô con lực lượng chức năng đã tìm thấy 1 thi thể, cứu được 1 người, hiện còn 3 người mất tích.

Đối với xe máy, lực lượng tại chỗ đã tìm kiếm thấy 1 thi thể, hiện còn khoảng 8 người mất tích. Ngoài ra các lực lượng đã tìm kiếm được 3 thi thể nhưng chưa xác định được danh tính.

Còn tại xã Yên Lạc, vào lúc 1h30 sáng 9-9, tại xóm Lũng Súng bị sạt lở đồi làm lấp 6 hộ dân với 36 người sinh sống. Khi xảy ra sạt lở đất chỉ có 16 người may mắn chạy thoát, còn lại vị vùi lấp. Đến ngày 9-9, đã tìm thấy thi thể 7 người, có 7 người bị thương nặng và 4 người đang mất tích.

Ngoài ra, tại xã Vũ Nông và Vũ Minh có 2 người chết do sạt lở đất và lũ cuốn.

Còn theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng đến 20h30 tối qua, ngoài huyện Nguyên Bình thì huyện Bảo Lạc cũng vớt được 5 thi thể bị lũ cuốn trôi.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, sạt lở đất, Sở Giao thông vận tải tỉnh Cao Bằng quyết định tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, xe tuyến cố định, taxi, xe hợp đồng trên địa bàn tỉnh từ ngày 9-9 cho đến khi có thông báo mới.

Bắc Giang: Cấm người dân đi qua cầu sắt sông Thương

9h30 tại Bắc Giang, Chủ tịch UBND TP Bắc Giang Đặng Đình Hoan cho biết lực lượng chức năng đã cấm các phương tiện cá nhân qua cầu sắt sông Thương để đảm bảo an toàn cho người dân cho đến khi có thông báo mới.

Hoạt động đường sắt vẫn do cơ quan đường sắt phụ trách. Lực lượng chức năng địa phương sẽ điều hướng người dân di chuyển qua các cầu mới bên cạnh như cầu Mỹ Độ, cầu Bến Hướng…

Theo ông Hoan, tình hiện điện nước, viễn thông trên địa bàn đảm bảo phục vụ bà con. Sáng nay, các cháu học sinh tại thành phố đến trường sau những ngày nghỉ học do ảnh hưởng của bão Yagi.

9h tại Lục Ngạn, Bắc Giang, lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo huyện Lục Ngạn cho biết có 37/94 trường không tổ chức được việc học được do ngăn cách giao thông, chưa đảm bảo an toàn.

Tại huyện Lục Nam, Bắc Giang, lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo huyện cho hay có 65/83 trường cho học sinh trở lại trường bình thường. Các trường còn lại sẽ dạy học những ngày tiếp theo khi đảm bảo an toàn. Các trường tại các huyện Yên Dũng, Tân Yên và TP Bắc Giang dạy và học bình thường.

8h tại Việt Yên, Bắc Giang, Công an thị xã Việt Yên cho biết xã Vân Hà (nơi có làng bánh đa Thổ Hà, rượu làng Vân nổi tiếng), nước dâng ngập úng cục bộ.

Nhiều cơ quan, trường học bị ngập nước, giao thông đi lại khó khăn. Lực lượng chức năng đang ứng phó với mưa lũ, bảo đảm tính mạng, tài sản, an toàn cho nhân dân.

8h tại Sơn Động, Bắc Giang, trời vẫn mưa song nước bắt đầu rút so với hôm qua. Hiện, một số nơi vẫn mất điện, sóng điện thoại chập chờn.

Lãnh đạo UBND huyện Sơn Động cho hay lực lượng chức năng đã khắc phục tạm thời sạt lở các quốc lộ 31, 279, 291 qua địa bàn song một số đường liên xã bị sạt lở, xe hơi chưa đi lại được. Hiện, huyện vẫn tiếp tục có mưa, lực lượng chức năng đang khôi phục mạng viễn thông, điện ở các xã còn lại.

7h tại Tân Yên, Bắc Giang, Công an huyện Tân Yên cho biết tỉnh lộ đoạn qua cổng phân trại số 3, Trại giam Ngọc Lý, địa phần xã Cao Xá và Ngọc Lý, nước dâng cao ngập đường.

Chỗ sâu nhất khoảng 1m với chiều dài khoảng 200m, xe cộ không thể đi lại. Lực lượng chức năng đề nghị người dân chuyển như sau. Hướng đi Ngọc Lý - Cao Xá rẽ từ ngã tư đèn xanh đỏ tại thôn An Lập, xã Ngọc Lý đi đường 398B sang quốc lộ 17. Hướng đi Cao Xá - Ngọc Lý rẽ từ đường nhánh tại thôn Thượng, xã Cao Xá nối từ tỉnh lộ 298 sang quốc lộ 17.

Tạm cấm lưu thông qua cầu Vĩnh Phú do tàu, sà lan mắc kẹt

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 10-9, ông Phan Quốc Khánh, Chủ tịch phường Dữu Lâu (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho biết sáng nay, trên sông Lô đoạn qua địa bàn có tàu, xà lan trôi tự do từ thượng lưu về mắc kẹt tại cầu Vĩnh Phú (nối hai tỉnh Vĩnh Phúc - Phú Thọ):

"Sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo, lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ đã có mặt tại hiện trường để đưa ra hướng xử lý, đồng thời tạm cấm các phương tiện, người dân qua cầu sáng nay để bảo đảm an toàn" – ông Khánh nói.

Hiện mực nước sông Lô đang lên cao do nhà máy thủy điện Tuyên Quang và thủy điện Thác Bà đang xả lũ.

Lúc 8h sáng nay hồ thủy điện Tuyên Quang đang mở 7 cửa xả đáy với tổng lưu lượng 5.000m3/s.

Còn hồ thủy điện Thác Bà đang mở 3 cửa xả mặt với lưu lượng 2.700m3/s.

Cơ quan khí tượng dự báo, trong ngày hôm nay, lũ trên sông Lô tại thành phố Tuyên Quang lên trên báo động 3 khoảng 80cm và Vụ Quang (Phú Thọ) lên mức dưới báo động 3 khoảng 40cm.

17 người chết, 12 người mất tích ở Lào Cai

Sạt lở, ngập nước khắp nơi khiến 17 người chết, 12 người mất tích ở Lào Cai. Cơ quan chức năng chưa khắc phục xong điểm sạt lở này đã sạt lở thêm điểm khác.

Uỷ ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho hay trong hai ngày qua, khu vực tỉnh Lào Cai có mưa to đến rất to. Đặc biệt, có 33 trạm quan trắc ghi nhận lượng mưa rất lớn, có nơi mưa kỷ lục tới 476,6mm. Hàng trăm điểm sạt lở khiến giao thông chia cắt.

Đến tối qua (9-9), Lào Cai có 17 người chết, 12 người mất tích và 14 người bị thương. Ông Tô Ngọc Liễn - Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho hay, chiều tối qua, lực lượng cứu hộ của địa phương đã tìm thấy nạn nhân thứ 5 trong vụ sạt lở tại xã Mường Hoa hôm 8-9. Còn hai nạn nhân mất tích, lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm.

Tại huyện Bát Xát, vụ sạt lở 4 căn nhà tại xã A Lù vùi lấp 7 người, hiện vẫn rất khó khăn tiếp cận hiện trường vì sạt lở. Chính quyền địa phương đã huy động hàng trăm người cả công an, quân đội, biên phòng, dân quân và người dân địa phương tìm kiếm, cứu hộ.

Từ trung tâm huyện đến điểm sạt lở này hơn 80 cây số, sạt lở, ách tắc nhiều nơi. Lực lượng cứu hộ phải chia làm nhiều chặng, vượt qua những điểm sạt lở tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm.

Những nơi này tiếp tục mất điện, mất sóng điện thoại nên công tác phối hợp, chỉ đạo của lực lượng chức năng càng thêm khó khăn.

Tại huyện Si Ma Cai, hai con đường đến địa phương đều bị sạt lở, chia cắt không thể lưu thông. Lực lượng cứu hộ đang tích cực giúp đỡ gia đình của 4 nạn nhân thiệt mạng vì sạt lở.

Nước sông Hồng vượt báo động ba gần 2m, đường phố thành sông

Sông Hồng tại thành phố Lào Cai lên cao, vượt mức báo động 3 gần 2m. Các tuyến phố sầm uất nhất thành phố Lào Cai như An Dương Vương, Soi Tiền... ngập tới cổ, nhiều nhà không kịp di dời tài sản.

Đất mềm như cháo, sạt lở khắp nơi - Ảnh 5.

Thái Nguyên: Nhiều nơi vẫn chìm trong biển nước

Tại các khu vực bị cô lập, lực lượng chức năng, người dân dùng xe tải, xuồng tiếp tế lương thực.

Tại TP Thái Nguyên đến 10h40 sáng nay nhiều nơi vẫn chìm trong biển nước. Tại đường Cách Mạng Tháng Tám, nhiều người dân và lực lượng chức năng, cứu hộ đang vận chuyển nước, mì tôm, các nhu yếu phẩm vào tiếp tế cho những hộ dân ở vùng ngập sâu hơn.

Các nhu yếu phẩm này được người dân ở những địa bàn không bị ngập, tự nguyện mang đến quyên góp để ủng hộ những người trong vùng lũ với tinh thần "lá lành đùm lá rách".

Anh Nguyễn Thanh Hoàng, tình nguyện viên hỗ trợ cứu hộ cho biết sau khi các nhu yếu phẩm, đồ ăn được vận chuyển bằng xe tải vào sâu trong khu vực ngập lụt, sẽ được chuyển sang các xuồng, bè để tiếp tục đưa cho người dân bị mắc kẹt trong vùng lũ.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, lúc 10h30 sáng 10-9 mực nước tại trạm thủy văn Cầu Gia Bẩy là 2.844cm, trên mức báo động 3 144cm. Như vậy mực nước đã rút 37cm so với mức đỉnh tối 9-9.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - Đến trưa 10-9, bão số 3 và mưa lớn hoàn lưu sau bão gây ra lũ lụt, sạt lở đất làm 82 người chết, 64 người mất tích, gần 50.000 nhà bị hư hỏng, thiệt hại.
1 tuần trước - Đến trưa 10-9, bão số 3 và mưa lớn hoàn lưu sau bão gây ra lũ lụt, sạt lở đất làm 82 người chết, 64 người mất tích, gần 50.000 nhà bị hư hỏng, thiệt hại.
1 tuần trước - Đến 6h sáng 10-9, bão số 3 và mưa lớn hoàn lưu sau bão gây ra lũ lụt, sạt lở đất làm 63 người chết, 40 người mất tích, 752 người bị thương, gần 50.000 nhà bị hư hỏng, thiệt hại.
1 tuần trước - Đến 6h sáng 10-9, bão số 3 và mưa lớn hoàn lưu sau bão gây ra lũ lụt, sạt lở đất làm 63 người chết, 40 người mất tích, 752 người bị thương, gần 50.000 nhà bị hư hỏng, thiệt hại.
1 tuần trước - Năm ngày sau bão Yagi, miền Bắc chìm trong cảnh tượng hoang tàn chưa từng thấy. Nhiều tỉnh thành bị nhấn chìm trong biển nước, giao thông cắt đứt trong khi mực nước nhiều sông lớn vượt ngưỡng lịch sử.
Xem tin bài khác
23 phút trước - Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 4 khiến một số tuyến đường tại H.Hướng Hóa (Quảng Trị) sạt lở gây cản trở giao thông.
1 giờ trước - Hai phó thủ tướng cùng chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.
1 giờ trước - Tối 19-9, Đồn biên phòng Đắc Pring (Bộ đội biên phòng Quảng Nam) cho biết sau nhiều giờ huy động cán bộ chiến sĩ cùng lực lượng địa phương, toàn bộ dân ở thôn 56B, xã Đắk Pre (huyện Nam Giang) đã được sơ tán tới nơi an toàn.
1 giờ trước - Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đem tới những thông điệp lớn, quan trọng, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, với vai trò trung tâm của Liên Hiệp Quốc đối với hòa bình,...
1 giờ trước - Trong quá trình tránh trú bão số 4 ở Khánh Hoà, một ngư dân Bình Định trượt chân ngã đập đầu vào thành tàu cá rồi rơi xuống biển, tử vong