ttth247.com

Lực lượng Mỹ đồn trú ở Nhật được nâng cấp 'lớn chưa từng thấy'

Mỹ thông báo sẽ nâng cấp lực lượng đồn trú ở Nhật Bản thành bộ chỉ huy chung, kế hoạch cải tổ lớn nhất từ trước tới nay.

Kế hoạch nâng cấp lực lượng Mỹ đồn trú ở Nhật được thông báo sau cuộc đối thoại an ninh "2+2" giữa Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và hai người đồng cấp Nhật Bản Yoko Kamikawa, Minoru Kihara tại Tokyo ngày 28/7.

Theo đó, lực lượng Mỹ tại Nhật Bản sẽ được nâng thành bộ chỉ huy lực lượng liên hợp, với nhiệm vụ và trách nhiệm hoạt động được tăng cường, ông Austin thông báo sau cuộc đối thoại.

"Đây là thay đổi lớn nhất với lực lượng Mỹ tại Nhật Bản kể từ khi thành lập và là một trong những bước tiến mạnh mẽ nhất trong mối quan hệ quân sự của chúng tôi với Nhật Bản sau 70 năm", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói thêm.

Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp, các bộ trưởng cho biết cơ cấu chỉ huy mới này sẽ được triển khai song song với kế hoạch của Tokyo về việc thành lập một bộ chỉ huy chung cho các lực lượng của Nhật Bản vào tháng 3/2025.

(Từ trái sang) Ông Austin, ông Blinken, bà Kamikawa và ông Kihara tại buổi họp báo sau cuộc đối thoại tại Tokyo hôm 28/7. Ảnh: AFP

Từ trái sang: Ông Austin, ông Blinken, bà Kamikawa và ông Kihara tại buổi họp báo sau cuộc đối thoại tại Tokyo hôm 28/7. Ảnh: AFP

Các bộ trưởng cho biết động thái cải tổ trên là một trong những biện pháp nhằm đối phó với "môi trường an ninh biến động" hiện nay. Họ chỉ trích một số hành động của Trung Quốc trên biển, những cuộc diễn tập chung của nước này với hải quân Nga và việc Bắc Kinh mở rộng kho vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Austin nói rằng quyết định nâng cấp lực lượng Mỹ ở Nhật Bản "không liên quan tới bất kỳ mối đe dọa nào từ Trung Quốc", mà phản ánh mong muốn hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa Washington với Tokyo.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa bình luận về thông tin. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Blinken tại Lào hôm 27/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Mỹ đang có "nhận thức sai lầm" về Trung Quốc và luôn nhìn nhận Bắc Kinh bằng "logic bá quyền" của mình. Ông nhấn mạnh nước này sẽ tiếp tục theo đuổi con đường phát triển hòa bình và xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai cho nhân loại, theo Xinhua.

Mỹ có khoảng 54.000 binh sĩ đồn trú ở Nhật Bản, bên cạnh hàng trăm phi cơ và nhóm tác chiến tàu sân bay tiền phương duy nhất của Washington. Một quan chức Mỹ nói bộ chỉ huy mới của nước này ở Nhật Bản sẽ do một tướng ba sao đứng đầu, song ông Austin cho biết Mỹ chưa loại trừ khả năng bổ nhiệm một tướng bốn sao tới đây, như đã làm với lực lượng đồn trú ở Hàn Quốc.

Ngoài vấn đề nâng cấp lực lượng đồn trú của Mỹ ở Nhật, các bộ trưởng cũng lần đầu tiên thảo luận về "sự răn đe mở rộng", thuật ngữ chỉ cam kết của Washington trong việc sử dụng lực lượng hạt nhân của mình để ngăn chặn những cuộc tấn công nhằm vào các đồng minh.

Binh sĩ Mỹ trong cuộc diễn tập ở thao trường Aibano, tỉnh Shiga, Nhật Bản hôm 22/7. Ảnh: USFJ

Binh sĩ Mỹ trong cuộc diễn tập ở thao trường Aibano, tỉnh Shiga, Nhật Bản hôm 22/7. Ảnh: USFJ

Đây là chủ đề nhạy cảm với Nhật Bản, quốc gia theo đuổi chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân và là nước duy nhất từng bị tấn công bằng bom nguyên tử trong lịch sử. Dù vậy, trước tình hình địa chính trị nhiều biến động trong khu vực, Tokyo gần đây đã thay đổi đáng kể chính sách hòa bình thời hậu chiến của mình, trong đó có thông báo tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên mức tương đương 2% GDP hồi năm 2022.

Cũng tại cuộc đối thoại, các bộ trưởng còn bày tỏ quan ngại sâu sắc với cáo buộc Nga mua tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên và khả năng Moskva chuyển giao vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc công nghệ tên lửa cho Bình Nhưỡng. Nga và Triều Tiên đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc tương tự của Mỹ cùng đồng minh.

Bộ trưởng Austin và Kirara còn gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik và ký thỏa thuận nhằm "thể chế hóa" hợp tác ba bên, thông qua các nỗ lực như chia sẻ dữ liệu cảnh báo về tên lửa Triều Tiên trong thời gian thực và tập trận chung.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cố gắng thúc đẩy hợp tác sâu sắc hơn giữa Tokyo và Seoul. Quan hệ giữa hai đồng minh của Mỹ ở Đông Á nhiều năm qua ở trạng thái căng thẳng, bắt nguồn từ thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên năm 1910-1945.

Washington cũng muốn tận dụng ngành công nghiệp của Tokyo để giảm bớt áp lực đối với các nhà sản xuất vũ khí nội địa, vốn đang gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu tăng cao do xung đột ở Ukraine và Trung Đông.

Mỹ và Nhật Bản hiện theo đuổi nhiều dự án hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, bao gồm đồng sản xuất tên lửa, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, cũng như sửa chữa tàu chiến, máy bay.

Phạm Giang (Theo Reuters)

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tháng trước - Iran đứng trước nhiều lựa chọn trả đũa Israel sau vụ thủ lĩnh Hamas bị ám sát, song dường như đang tìm phương án tránh để nổ ra chiến tranh tổng lực.
1 tháng trước - Iran có lưới phòng không đa tầng, với các tổ hợp nội địa hoặc do Nga, Mỹ sản xuất, song không thể chặn được tên lửa hạ sát thủ lĩnh Hamas ngay giữa Tehran.
3 tuần trước - Chỉ huy quân sự Philippines nói rằng Mỹ đã đề nghị hộ tống các tàu tiếp tế của Manila ở Biển Đông giữa căng thẳng với Trung Quốc và Philippines sẽ chi 33 tỉ USD nâng cấp quân sự.
2 ngày trước - Một sân bay trên hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương từng đóng vai trò quan trọng trong việc kết thúc Thế chiến 2 đang được Không quân Mỹ cải tạo.
1 tháng trước - Căn cứ Al-Asad ở Iraq, nơi nhiều lính Mỹ và đồng minh đóng quân, bị tập kích bằng rocket khiến một số binh sĩ của Washington bị thương.
Xem tin bài khác
1 phút trước - Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah ngày 19.9 đã lên tiếng về vụ nổ của hàng trăm thiết bị liên lạc được các thành viên của lực lượng này sử dụng ở Li Băng.
34 phút trước - Mỹ chưa tính rút ngay hệ thống tên lửa tầm trung triển khai tại Philippines và đang thử nghiệm khả năng sử dụng hệ thống này nếu có xung đột ở khu vực.
1 giờ trước - Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen khẳng định ban lãnh đạo cấp cao và nhân dân Cuba rất mong chờ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp nhà nước đến Cuba.
1 giờ trước - Thủ tướng Lebanon kêu gọi Liên Hiệp Quốc cứng rắn với 'chiến tranh công nghệ' của Israel sau vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm làm chết 37 người.
2 giờ trước - Chính quyền Li Băng hôm nay 19.9 đã cấm mang máy bộ đàm và máy nhắn tin lên các chuyến bay từ sân bay ở thủ đô Beirut, theo Hãng tin Quốc gia Li Băng.