ttth247.com

Lương nhà giáo bao giờ đủ ổn để 'vực được đạo'?

Mới đây vào ngày 12-8, Bộ Chính trị có kết luận số 91 về việc tiếp tục thực hiện nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó nhấn mạnh chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Một lần nữa niềm hy vọng mới lại được nhen lên.

Nghị quyết vướng... nghị quyết

Vấn đề cải tiến lương nhà giáo từng được nhiều lần đề xuất đưa vào luật - Luật Giáo dục 1998, Luật Giáo dục 2005 và dự thảo Luật Nhà giáo - nhưng đều gặp những vướng mắc trong việc hướng đến mục tiêu lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương.

Lương đội ngũ nhà giáo hiện nay đã được Nhà nước ưu đãi nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn thấp, đặc biệt là chưa tạo động lực để giữ chân nhà giáo gắn bó với nghề nghiệp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ôngVũ Minh Đức, cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết trong những năm qua Bộ GD-ĐT đã kết hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan nhằm hiện thực hóa chủ trương "lương nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp".

Việc đề xuất về lương nhà giáo căn cứ vào nghị quyết 27 của trung ương quy định lương trong hệ thống hành chính sự nghiệp và nghị quyết 29 của trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tại dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GD-ĐT đề xuất lương nhà giáo xếp theo vị trí việc làm phù hợp với đặc điểm lao động của nhà giáo.

Bên cạnh lương, nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề. Trong dự thảo Luật Nhà giáo, bộ đã đề xuất mức phụ cấp theo nghề chiếm 35% tổng quỹ lương cơ bản của toàn ngành và phân bổ theo các nhóm khác nhau tùy theo đặc thù công việc cụ thể và nơi công tác.

Bộ cũng đề xuất các chế độ phụ cấp phù hợp với giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên với mong muốn giáo viên làm việc ở các xã biên giới, hải đảo được hưởng mức lương tương đương với lực lượng vũ trang công tác tại địa bàn này.

Trong định hướng cải tiến tiền lương nhà giáo, chỉ có một vấn đề Bộ GD-ĐT trăn trở là nếu thực hiện nghị định 27 sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên (một trong hai loại phụ cấp hiện áp dụng). Việc này sẽ khiến một bộ phận nhà giáo có thâm niên công tác tâm tư.

Nhưng nhìn về tổng thể thì thu nhập nhà giáo nói chung khả quan và khích lệ nhà giáo gắn bó với nghề hơn.

Tuy nhiên, hiện dự thảo Luật Nhà giáo chưa trình Quốc hội để thông qua. Trong khi đó, theo một số chuyên gia giáo dục, nghị quyết 27 quy định lương trong hệ thống hành chính sự nghiệp như nhau nên khó có thể thực hiện lương nhà giáo xếp cao nhất trong thang bảng lương như dự thảo Luật Nhà giáo.

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng muốn thực hiện được việc lương nhà giáo xếp cao nhất trong thang bảng lương và rút ngắn quá trình hiện thực hóa thì cần xây dựng một nghị quyết riêng về lương nhà giáo.

Sau năm 2026 sẽ trình bảng lương, phụ cấp mới

Theo điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng kể từ ngày 1-7-2024, lương giáo viên trong khoảng 4,9 - 15,87 triệu đồng.

Lương mới cao hơn mức cũ khoảng từ 1,13 - 3,7 triệu đồng. Dù chưa chạm đến mục tiêu "lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương" nhưng điều chỉnh tăng lương cơ bản cũng là yếu tố khích lệ nhà giáo.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) nhận định chính sách tiền lương đối với nhà giáo được nêu trong nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên sau 11 năm, đến nay chủ trương vẫn nằm nguyên trên giấy, chưa được triển khai. Suốt thời gian qua, các nhà giáo vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó sẽ có thay đổi lớn về chính sách tiền lương đối với nhà giáo.

Theo bà Ánh, thực tế hiện nay chế độ tiền lương và mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình.

Nhiều người đã phải nghỉ, chuyển việc hoặc làm thêm. Điều này dẫn đến tình trạng giáo viên chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề.

Bên cạnh đó, nhân viên trường học là một bộ phận thường chiếm tỉ lệ ít hơn 10% tổng biên chế của trường học nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành và phát triển của một ngôi trường.

Mặc dù họ làm việc 8 tiếng một ngày nhưng họ không được hưởng phụ cấp công vụ như công chức và họ cũng không được hưởng thâm niên như nhà giáo dù làm cùng một ngành. Hiện nay phụ cấp của họ rất thấp, có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì.

"Bộ Chính trị đã có kết luận 91 nêu rõ việc thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Đồng thời trong dự thảo Luật Nhà giáo cũng nêu rõ nội dung này. Do đó đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới đây khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương cần cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng và kết luận của Bộ Chính trị về lương và phụ cấp nhà giáo và có các chính sách ưu tiên cho các nhân viên trường học" - bà Ánh nói.

Trước đó, Bộ Nội vụ đã có văn bản trả lời ý kiến của cử tri Lâm Đồng liên quan đảm bảo chế độ phụ cấp ưu đãi, thâm niên... để giáo viên yên tâm công tác, hạn chế bỏ nghề.

Theo Bộ Nội vụ, từ ngày 1-7-2024 đã điều chỉnh tiền lương khu vực công theo nghị định 73 của Chính phủ, nâng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) và thực hiện chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Khi nâng mức lương cơ sở vẫn tiếp tục thực hiện các chế độ phụ cấp hiện hành, trong đó có phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.

Trong quá trình thực hiện các chế độ phụ cấp, nhất là chế độ phụ cấp thâm niên nghề, nếu phát sinh bất hợp lý, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với bộ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bộ cũng cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất việc thực hiện các bảng lương và các chế độ phụ cấp mới của khu vực công theo nghị quyết 27 cho phù hợp để trình trung ương xem xét sau năm 2026 theo yêu cầu tại kết luận 83 của Bộ Chính trị.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Chuyện lương giáo viên cao hay thấp đang thu hút nhiều ý kiến bạn đọc tham gia tranh luận.
2 ngày trước - Dọn dẹp tạm ổn để học sinh đi học trở lại, các trường vùng bão lũ lại có trăm nghìn mối lo để tái thiết trường học.
2 tuần trước - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng 2 nhiệm vụ quan trọng trong năm học mới là chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chuẩn bị các điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
6 ngày trước - TPO - Bới tìm sách vở, đồ dùng học sinh dưới lớp bùn non sau lũ, các cô giáo ở vùng “rốn lũ” Yên Bái khóc nức nở vì thương học trò sẽ thiếu đồ dùng học tập. Người dân và lực lượng chức năng đang nỗ lực cào bóc từng lớp bùn, bới tìm những...
1 ngày trước - Giáo viên mầm non công lập ở TP.HCM có thu nhập cao nhất là gần 17 triệu đồng/tháng; thu nhập thấp nhất là 5,1 triệu đồng/tháng.
Xem tin bài khác
17 phút trước - Đó là chia sẻ của ông Luke Turner, giám đốc điều hành Trường song ngữ quốc tế Emasi Nam Long, TP.HCM, về việc tổ chức "Tuần lễ sẻ chia" hướng về vùng bão lũ cho học sinh.
2 giờ trước - Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường thực hiện các giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
3 giờ trước - Huân chương Cành cọ hàn lâm ghi nhận nỗ lực không ngừng nghỉ của TS Phan Thị San Hà trong việc xây dựng và phát triển Trung tâm CARE, cũng như bồi đắp mối quan hệ giữa Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) và các đối tác Pháp.
4 giờ trước - Ớn lạnh, nổi gai ốc, không dám xem hết hình ảnh, video... là những cảm giác của những người tham gia buổi tập huấn, khi nghe trung tá Bùi Thái Đức, chuyên viên chính Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM điểm lại những vụ bạo hành trẻ em chấn...
4 giờ trước - Nhiều sinh viên có sản phẩm đăng trên báo Tuổi Trẻ, một số sinh viên xuất sắc có tư duy đề tài và hoàn thiện sản phẩm truyền thông như phóng viên.